Phạm Quang Long: Một cái nhìn thẳng

Thứ Hai, 07/10/2013, 15:24
Tôi quen biết Phạm Quang Long từ vài chục năm trước. Từ khi ông còn là Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau này ông là Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, rồi làm Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội trước khi về giữ chức Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội - một chiếc ghế nóng của Thủ đô.

Tôi còn được trông thấy ông bận bịu trong không khí kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với một vai trò cơ quan tổ chức thực hiện khá nhiều việc lớn. Nhưng cận cảnh là tiếp xúc trực tiếp với khối nghệ thuật sân khấu vốn đa dạng phong phú đang rất khởi sắc của thủ đô.

Giữa năm 2013, Phạm Quang Long đã nghỉ hưu. Ông thì vui, vì thời gian của ông bây giờ không còn là của Nhà nước. Theo yêu cầu của Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, ông về trường tiếp tục giảng dạy và viết những gì mình thích. Bạn bè thì tiếc, không phải nuối tiếc việc ông nghỉ chức Giám đốc, mà nuối tiếc một người hiểu biết rộng, không còn được “dụng công”. Như Nghệ sĩ nhân dân Doãn Hoàng Giang phán một câu rất vuông rằng: “Tôi làm việc với lãnh đạo giới văn hóa nhiều, ít thấy ai có “phông” văn hóa như Long. Cái lão ấy uyên bác”.

Phạm Quang Long là cả một câu chuyện dài. Ai cũng thế thôi. Mỗi người chúng ta trên cõi đời này đều là một câu chuyện. Ngày ông đang làm Giám đốc Sở, người ta đã kể về ông. Khi ông nghỉ rồi người ta kể về ông nhiều hơn. Lẽ đời là như vậy. Người ta nhắc đến những ngày ông làm quan văn hóa ở Hà Nội. Người ta đọc những bài báo ông viết.Người ta bàn việc ông viết kịch bản sân khấu và làm chèo.

Có một số câu chuyện cho phép hiểu được phần nào cách suy nghĩ và hành xử của ông. Câu chuyện này rất ít người biết. Ông Long cũng không kể. Rằng cách đây vài năm, một đồng chí cán bộ rất to, đề nghị và giới thiệu một nữ doanh nghiệp với Sở cho cô được sử dụng hàng trăm mét đất, dựng ki ốt bên ngoài hàng rào Cung Thể thao Quần Ngựa.

Chẳng cần suy nghĩ lâu, với tư cách là người chủ trì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Long đã từ chối. Đối với người khác, tình huống này có thể là một cơ hội cầu thân. Còn ông Long thì khác. Nếu ông đồng ý, sự việc diễn ra hậu quả sẽ rất khó lường. Con đường phía ngoài của Cung Thể thao Quần Ngựa đang quang đãng, tự dưng mọc lên những ki ốt, không bao lâu, khuôn viên ấy sẽ bị cắt nát thành một cái chợ con. Dư luận sẽ xúm vào đồn thổi, bàn tán.

Ông còn nghĩ sự việc đó rất nhạy cảm. Không nên vì cả nể mà chấp nhận một việc làm sẽ có hậu quả xấu, phải chịu búa rìu của dư luận. Quan trọng hơn, ông Long từ chối để bảo vệ uy tín của đồng chí lãnh đạo nọ. Lúc đầu câu chuyện có vẻ khó ăn, khó nói. Cũng có sự khó chịu của vài người đối với cách xử lý của ông Long. Thời gian qua đi, cảm xúc lắng xuống. Chính người đề nghị với Sở Văn hóa Hà Nội cũng phải thừa nhận lời từ chối của Phạm Quang Long là đúng, thực chất là tránh được rắc rối.

Thú vị hơn là dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong các sở thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải gánh vác công việc nặng nhất. Cả Sở gồng mình lên để đảm đương công việc. Trong cái guồng máy ấy, đương nhiên Giám đốc phải là trụ cột. Nhìn chương trình hoạt động mà hoa cả mắt. Có tới vài chục kịch bản to nhỏ, huy động phần lớn văn nghệ sĩ tên tuổi của Hà Nội và cả nước tham gia.

Kịch bản nào cũng quan trọng, nhưng lớn hơn là nội dung ngày 1 tháng 10 khai mạc Đại lễ và ngày 10 tháng 10 kết thúc Đại lễ. Ngày khai mạc, Phạm Quang Long và lãnh đạo Sở đã không nhầm khi chọn các đơn vị văn hóa Quân đội là nơi gửi gắm. Quân đội soạn kịch bản, quân đội tổ chức thực hiện. Họ có 7 - 8 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn. Họ có kỷ luật, họ quen tổ chức những sự kiện văn hóa có màu sắc chính trị.

Cũng phải nói thêm rằng không phải việc gì của Phạm Quang Long cũng xuôi chèo mát mái. Một cái khẩu hiệu treo lệch trên đường phố Hà Nội người ta cũng gọi đến ông. Cho đến việc tai tiếng vừa qua tại chùa Trăm Gian, với tư cách là Giám đốc Sở, ông Long cũng phải chịu trách nhiệm. Ông đã mất ăn mất ngủ vì sự kiện tai tiếng đó. Xét cho cùng là vì đâu? Khuyết điểm ấy là do sự yếu kém của xã, huyện hay Sở? Sau vụ chùa Trăm Gian, ngành di sản văn hóa đã phải điều chỉnh các văn bản có tính pháp quy về sự quản lí của nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa đó sao? Với ông Long, ông đủ dũng cảm thừa nhận phần lỗi từ cá nhân mình.

Làm quan cũng như làm báo, làm nghệ thuật, ông luôn lắng nghe tiếng nói sâu nhất từ chính lương tâm mình. Trải nghiệm của cả cuộc đời, tiếp xúc với bao nhiêu sự kiện, ứng xử bao nhiêu tình huống, vẫn khó thay đổi một cách nhìn của một ông thầy giảng dạy văn học, từ lâu định hình ở ông như một nguyên tắc sống. Nguyên tắc ấy, có thể hiểu ông như một cái thước đưa ra để đo lường các sự việc dưới góc độ giá trị văn hóa.     

Thời gian còn lại, bao nhiêu tâm tư và ước nguyện ông dành cho sáng tác. Ông viết báo nhiều và làm khá nhiều thơ. Thơ của ông đậm chất trữ tình và suy ngẫm. Nhưng nhiều hơn cả là ông viết kịch bản sân khấu. Những năm qua, trong hàng chục kịch bản đủ loại đề tài, nhiều vở của ông đã được công diễn. Một số vở được dư luận đánh giá cao, được các giải thưởng lớn của ngành sân khấu. Có cảm giác như sân khấu mới là lĩnh vực ông thích thú và thả mình, buông rời con người công chức đôi khi buộc phải máy móc.

Lợi thế của một đời giảng dạy văn học bổ trợ cho ông rất nhiều. Từ tác phẩm Quan thanh tra của Gogol ông chuyển thành vở Quan lớn về làng. Vở đã được Nhà hát chèo Hà Nội và đạo diễn Doãn Hoàng Giang thổi vào đó một sức sống mới, một luồng sinh khí. Câu chuyện sinh động, hấp dẫn của vở làm người ta cười đấy nhưng cũng đau lắm, đau khi nhìn thấy cái hèn hạ của con người. Khi ở đâu đó, con người ta đang sống bất chấp vì cái lợi của chính mình. Vở chèo Quan lớn về làng là một tiếng nói mạnh mẽ, minh họa thêm cho sức mạnh của nghị quyết Trung ương 4 đang được cập nhật toàn xã hội.

Phần lớn những nhân vật mà ông chọn làm đề tài đều là những người có thân thế sự nghiệp, ai cũng có những dấu ấn khác thường. Vở Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát của Phạm Quang Long bám khá sát với cuộc đời thực của hai vị quan tài năng này. Nguyễn Công Trứ lận đận với vài lần thi cử, vài lần thăng, giáng chức. Nhất là khi ông bênh nhân dân nghèo khổ trong cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành ở Thái Bình. Triều đình đã bắt tội khi ông thả một thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa và đày ông đi biên ải.

Còn cái khác người ở Cao Bá Quát - người đã dám tuyên ngôn: Nhất sinh đê thủ bái hoa mai. Trong trường đời thật giả, đã khiến nhân vật trở thành kẻ đối nghịch với nhà vua và triều đình. Văn Cao Bá Quát khẳng khái, cương trực. Vốn dĩ đời thì cong và trắc ẩn, mà suy nghĩ của ông thẳng như mũi tên, làm sao không rước họa vào thân.

Dõi theo cách nhìn và cách chọn đề tài của Phạm Quang Long, thấy rõ khuynh hướng tư tưởng và thẩm mĩ của tác giả. Ông đối chất với cái xấu, cái thấp hèn, soi rọi và nâng niu những phẩm chất ẩn kín trong số phận của nhân vật. Nhất là khi ông chọn Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ và sau này là vở Nợ non sông về nhân vật Phan Thanh Giản để viết.

Những vở này của ông vừa là chính kịch, vừa có yếu tố bi hài kịch. Cả ba nhân vật đều là người đỗ đạt, làm quan nhưng lại không chịu yên vị với chỗ đứng và bổng lộc của triều đình. Các nhân vật của ông đều là những cá tính và bút lực mạnh mẽ, họ dùng dằng giữa tư tưởng trung quân và tư tưởng vì dân, họ là những trí thức phong kiến thực sự, nhiều lúc họ thấy đúng, thấy phải, thấy có lợi cho dân, cho nước là họ hành động.

Xét về lý lẽ, họ vì cái gốc (tư tưởng dĩ dân vi bản) chứ không vì cái ngọn và họ đã vấp ngã. Luật lệ phong kiến như cái áo chật không vừa thân thể. Hai vở của Phạm Quang Long đẹp và buồn như một bản trường ca, một tiếng thở dài của thời cuộc. Chủ đề có thể không có tính ngụ ý, nhưng các vở, vẫn tự nó tạo cho người xem một sự so sánh nhẹ nhàng, giữa nhân cách của các nhà nho xưa với trí thức ngày nay. Cho dù Cao Bá Quát bị chu di tam tộc, Nguyễn Công Trứ lúc được thăng, lúc bị giáng...

Vở Nguyễn Công Trứ còn hấp dẫn ở chỗ, ông nghiêng về đời hơn nghiêng về quan, ông giễu cợt chính mình, ông đùa giỡn với cơ chế và được tung tăng trong những cuộc tình với thị Liễu, một cô thôn nữ Thái Bình. Đồng thời cảnh diễn là những lát cắt trong vở nhẹ nhàng và đẹp như một đêm trăng, tạo thư giãn cho người xem trước những cảnh diễn căng bức.

Các kịch bản Quan lớn về làng, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ của Phạm Quang Long được các nghệ sĩ tài danh của Hà Nội như Nghệ sĩ ưu tú Trần Quốc Chiêm - Phó Giám đốc Sở; Chỉ đạo nghệ thuật, Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Thúy Mùi - Giám đốc nhà hát, Nghệ sĩ ưu tú Quốc Anh - Phó Giám đốc nhà hát, và các nghệ sĩ Thu Hằng, Đình Thuận, Thục Khanh, Thu Huyền, Quốc Phòng… trực tiếp tham gia dựng vở.

Các vở diễn trên còn là thành công mới của tác giả và Nhà hát. Trong quá trình dàn dựng, việc nhận thức vấn đề vở diễn, tính cách nhân vật, ý đồ tác giả… là rất quan trọng. Các vở này của Phạm Quang Long đã nhận được sự nhiệt tình và đồng thuận rất cao của cả ê kíp sáng tạo, từ tác giả kịch bản, đến đạo diễn và các nghệ sỹ. Cho nên khi ra đời, tính cách nhân vật như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát là những chân dung có tính văn học, nhưng lại rất gần với đời thực được ghi trong các văn bản.

Nó đẩy tư duy của vở đi vào chiều sâu nhân tình thế thái. Đó là cách nhìn của tác giả, là sự tâm đắc của Phạm Quang Long. Ông tôn thờ vẻ đẹp mà triều chính đương thời khó thấy của hai nhân vật lịch sử, ông gửi vào đó những thông điệp, để người đời sau hiểu rõ cách sống vì nước, vì dân của hai số phận đầy trắc ẩn.

Nhưng ở Nợ non sông - vở đang chuyển thể cải lương để dàn dựng, tác giả lại chọn nhân vật Phan Thanh Giản, lại một cuộc đời không bình thường để đưa lên sân khấu. Vốn dĩ Phan Thanh Giản là người thuộc phía chủ chiến với Pháp chứ không chủ hòa. Nhưng khi triều đình sai ông đi sứ, ông đã rơi vào bẫy của những kẻ cơ hội. Ông bị lừa và phải cắt đất để ký hòa ước với Pháp. Từ nước ngoài vừa đặt chân về quê hương, ông đã bị triều đình bắt giam. Khí tiết của một nhà nho, một trí thức lớn của thời phong kiến Việt Nam, đã khiến ông sống không yên và đã chọn cái chết để sửa sai lầm và minh oan cho bản thân mình. Ở vở này tác giả muốn truy phong sự sám hối của  một tâm hồn trong sáng, một lòng tự trọng tuyệt vời của danh sĩ thời xưa trước vận mệnh đất nước.

Chọn Phan Thanh Giản làm đề tài đưa lên sân khấu là một cách nhìn lạ. Ở đây phải chăng tác giả muốn nhấn mạnh và đề cao danh dự của một nhà nho trí thức thời trước, cũng là đặt câu hỏi thầm trước công chúng với trí thức ngày nay. Khi mà danh dự, lòng tự trọng, giá trị căn bản của văn hóa, thứ có thể cứu rỗi xã hội, đang mờ nhạt trong xu thế xuống cấp của đạo đức. Cũng sẽ là yếu tố tương tác với khán giả. Đó cũng là tính thời sự của vở diễn sắp ra mắt. Nhân vật trong kịch bản thể hiện hình ảnh của thế hệ cha ông ta, họ không màng danh lợi gì, ngoài giữ cho mình trong sạch. Dân tộc Việt sở dĩ trường tồn từ những lẽ sống như thế.

Nhiều năm giữ trọng trách ở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, việc sáng tác là việc riêng của Phạm Quang Long. Ông đã bội thu trên cánh đồng nghệ thuật. Ông để lại nhiều dấu ấn cho bạn bè và công chúng thủ đô. Rõ nét nhất là một cách nhìn rất thẳng. Như là phong cách của ông, ông chọn gì để kể, ông tâm sự gì trong đó, người ta còn nhắc tới, còn bàn luận

Phạm Hoa
.
.