Kỳ 2: Phạm Cao Củng: Thuở vào nghiệp văn

Thứ Năm, 11/02/2016, 02:48
Là hậu sinh, đọc những chuyện đã qua của các bậc tiền bối như của nhà văn Phạm Cao Củng không thể không chép miệng tiếc nuối: “Giá mà được một lần sống trong không khí nhộn nhịp ấy của chữ nghĩa”.

Trong kỳ I của bài viết này, tôi có nhắc đến chi tiết Phạm Cao Củng giả làm phụ nữ viết thư tán tỉnh nhà thơ Tú Mỡ. Việc này, khiến Tú Mỡ động lòng mơ tưởng lắm. Mãi sau, biết Phạm Cao Củng đùa, Tú Mỡ cũng không nỡ giận.

Nhân in quyển “Dòng nước ngược”, Tú Mỡ bèn gửi bưu điện tặng Phạm Cao Củng. Lúc này, Phạm Cao Củng đang là học sinh Trường Bách Nghệ (Hải Phòng), do Phạm Cao Củng ở nội trú nhận bưu phẩm không tiện nên Tú Mỡ gửi sang địa chỉ ở tiệm sách Mai Lĩnh của ông Đỗ Xuân Mai, chủ bút tờ Hải Phòng Tuần báo. Phụ cho Hải Phòng Tuần báo có Phùng Bảo Thạch túc trực, lại còn Lưu Trọng Lư, Lan Khai…

Cuối tuần, Phạm Cao Củng đến tiệm sách Mai Lĩnh nhận bưu phẩm do Tú Mỡ gửi và có cơ hội diện kiến ông Đỗ Xuân Mai. Chính từ đây, Phạm Cao Củng đã có cơ hội tiến một bước dài trên trường văn trận bút, cũng như thụ hưởng những ngày sống phong lưu bằng nghề bán chữ.

1. Gặp Phạm Cao Củng, ông Đỗ Xuân Mai thích lắm, một mực mời Phạm Cao Củng cộng tác với Hải Phòng Tuần báo. Phạm Cao Củng tất nhiên không từ chối lời mời này. Mỗi cuối tuần được nghỉ học, Phạm Cao Củng lại đến tiệm sách Mai Lĩnh để bàn bạc viết bài cùng với Phùng Bảo Thạch. Đang yên đang lành thì vào giữa năm thứ hai, Phạm Cao Củng nghỉ hẳn khóa học ở Trường Bách Nghệ.

Ông kể hoàn cảnh khó khăn của mình với ông Đỗ Xuân Mai, ông Mai trả lời: “Anh tuy chưa có kinh nghiệm về nghề làm báo, nhưng còn rất trẻ, lại đã chứng tỏ viết rất khá, mới vào làng văn mà đã được nhiều người yêu chuộng, nên anh hợp tác với anh Thạch (Phùng Bảo Thạch), chắc chắn cũng sẽ học hỏi được nhiều. Anh có thể sống chung ở đây với bọn tôi, khỏi lo gì hết, tôi sẽ trả lương hàng tháng cho anh. Tôi có thể đảm bảo với anh là dù vì một lý do nào đó mà tờ Hải Phòng Tuần báo không ra nữa thì anh cũng vẫn có thể ở lại giúp việc cho Nhà Mai Lĩnh”.

Chân dung nhà văn Phạm Cao Củng.

Sau lời bảo chứng này, Phạm Cao Củng chính thức trở thành người của Hải Phòng Tuần báo. Ngặt nỗi, dẫu có nhiều cây bút lừng danh thì Hải Phòng Tuần báo chỉ là báo địa phương, bán không được chạy lắm. Một hôm, Đỗ Xuân Mai họp Tòa soạn có đưa ra hướng để tờ báo phát triển hơn. Đó là nhìn cách của tờ Tuần báo Thứ Bảy của Nhà xuất bản Tân Dân (Hà Nội) để học tập.

Tuần báo Thứ Bảy đang bán rất chạy chỉ nhờ vào một chuyên mục duy nhất, là truyện kiếm hiệp dài kỳ của Trung Hoa được dịch sang tiếng Việt. Ông Đỗ Xuân Mai đã viết thư gửi người bạn thân ở Hà Nội nhờ dịch giúp vài bộ, người bạn phúc đáp: “Tiệm tôi chỉ có mấy bộ kiếm hiệp hay thì người ta lấy dịch cả rồi, phải đợi một thời gian xem Hồng Công có gửi qua bộ mới nào hay mới dịch được”.

Nghe đến đây, Phạm Cao Củng bật ra ý nghĩ: “Sao mình lại không viết một truyện kiếm hiệp Tàu, rồi tuy là truyện sáng tác mới, cũng cứ đề là truyện dịch thì dễ mấy ai biết được”. Nghĩ vậy, nên Phạm Cao Củng xung phong với Tòa soạn Hải Phòng Tuần báo: “Ông thân sinh tôi ngày xưa cũng có dịch nhiều truyện Tàu, tôi thử kiếm xem có bộ nào hay thì sẽ đưa cho đăng báo”. Mọi người trong Tòa soạn cực kỳ hoan nghênh ý tưởng này.

Vậy là, Phạm Cao Cũng bắt tay vào công cuộc viết truyện kiếm hiệp giả Tàu.

2. Bộ kiếm hiệp giả Tàu đầu tiên mà Phạm Cao Củng viết có tên Giang Đông tam hiệp, in dài kỳ trên Hải Phòng Tuần báo. Bộ truyện này khiến độc giả của báo như phát cuồng vì thích, còn bộ sậu tòa soạn thì sướng như điên.

Sở dĩ, Giang Đông tam hiệp hút khách là vì Phạm Cao Củng chọn lối viết nửa Tây như kiểu trinh thám, nửa phương Đông huyền bí. Chứ không chỉ là lối cổ như các cây bút Tàu chính hiệu. Bộ truyện này Phạm Cao Củng ký bút danh là Văn Tuyền. Phạm Cao Củng kể: “Sở dĩ, tôi bạo gan làm chuyện này (viết kiếm hiệp giả Tàu - N.K.L) là vì khi còn nhỏ, tôi vẫn phải thuê nhiều pho truyện Tàu của nhà sách Hội Ký đem về đọc cho thầy cô (bố mẹ) tôi nghe, nên tôi đã thấm nhuần lối viết truyện Tàu và thấy rằng sau khi đọc kỹ mấy truyện loại Thất kiếm Thập tam hiệp do ông Vũ Đình Long xuất bản, tôi có thể sáng tác những truyện kiếm hiệp giả Tàu không khó khăn gì. Tên các nhân vật, kể cả hỗn danh nữa, cũng như các thế võ bí truyền thì tôi đã sẵn có trong đầu một mớ chữ Hán mà trước đây ở nhà, phải đứng hầu điếu đóm các bữa tiệc uống rượu ngâm thơ của mấy ông bạn nhà nho với thầy tôi, nghe các cụ bình thơ tôi đã nhập tâm khá nhiều”.

Biếm họa về nhà văn Phạm Cao Củng trên báo Loa.

Sự thành công của Giang Đông tam hiệp đã khiến ông Đỗ Xuân Mai nảy ra sáng kiến kinh doanh hốt bạc. Ông thúc Phạm Cao Củng nhanh nhanh “dịch” thêm một bộ kiếm hiệp mới để in thành tập, mỗi tập 16 trang, bán với giá 3 xu/tập, phát hành hàng tuần.

Đang vui, Phạm Cao Củng viết bộ Lục kiếm đồng, danh tiếng của bộ truyện này vang rền từ Nam chí Bắc, ăn khách hơn cả những bộ kiếm hiệp Tàu được chuyển ngữ xịn. Trong cơn hưng phấn, ông Đỗ Xuân Mai tức tốc ra Hà Nội xin giấy phép để ra tờ Tiểu thuyết Nhật báo nhằm mỗi ngày in một truyện kiếm hiệp của dịch giả Văn Tuyền (tức Phạm Cao Củng) với giá 3 xu.

Chữ của Phạm Cao Củng lúc này đích xác là vàng mười. Hằng ngày, Phạm Cao Củng viết 1 truyện kiếm hiệp 16 trang, nhận ngay tiền nhuận bút từ 8 đến 12 đồng. Phở bấy giờ tầm từ 4 đến 5 xu, nhà trọ bình dân 3 đồng/tháng, lương tri huyện mới được bổ nhiệm chỉ khoảng 120 đồng/ tháng. Nghĩa là thu nhập của Phạm Cao Củng thuộc vào hàng, ăn chơi không cần nghĩ.

Đến lúc kiếm được tiền, cái tính phong lưu phá phách của Phạm Cao Củng lại trỗi dậy mãnh liệt. Ông thuê hẳn phòng trọ liền nhau, riêng biệt. Một căn để ông tiếp riêng bạn gái, căn còn lại để tiếp bạn hữu. Ngoài ra, ông còn thuê thêm một tiểu đồng để sai vặt. Tiểu đồng này nhiệm vụ chính là đi mua quà để ông mời bạn bè, còn không thì sắp bát dọn đũa lúc ông tiếp thân hữu. Trong ngăn kéo, ông luôn để sẵn tiền. Bạn bè đến chơi không gặp mà đang đói bụng, cứ kéo ngăn kéo lấy tiền rồi sai tiểu đồng đi mua đồ về lót dạ.

Cứ mỗi ngày, sau khi giao truyện là ông nhận tiền, nhận tiền là bắt đầu đập phá cho đến tận khuya. Ông chơi đến mức mà vài chị em làm nghề bán phấn buôn hương những hôm ế khách vẫn thường tạt sang nhà ông xin… ngủ ké. Tất nhiên, Phạm Cao Củng không từ chối. Có điều, ông không vướng vào hút sách. Tấm gương của những người viết đi trước khiến ông ghét cay đắng cơn ảo giác này.

Nhạc sĩ tài hoa đoản mệnh Đặng Thế Phong, một cậu em trong nghiệp viết lách của Phạm Cao Cũng từng ngạc nhiên: “Anh (Phạm Cao Củng - N.K.L) nói cho em biết đi, em sống bên cạnh anh suốt ngày, không thấy một giây phút nào anh suy nghĩ để viết. Còn ban đêm cũng thế, anh đặt mình xuống là ngủ pho pho, nhưng vậy thì làm cách nào để đặt thành câu chuyện có lớp lang, có thắt mở mà hễ ngồi xuống là viết thành truyện ngay, thực lạ lùng hết sức”.

Phạm Cao Củng thừa nhận: “Thường sau bữa ăn chiều, tôi rủ một số em nhỏ đi dạo mát. Vừa đi, tôi vừa kể cho các em nghe thành tích phá án của nhân vật thám tử Kỳ Phát mà tôi đang viết dở. Thật ra, tôi chưa viết, chỉ là tưởng tượng để kể thôi. Thành thử, cứ ngồi vào bàn viết thì những chi tiết cần tôi đã từng kể cho các em rồi, nó như là một bản nháp vậy”. Chính thói quen này cộng thêm thói quen mỗi lần đọc truyện trinh thám của Tây, Phạm Cao Củng đều dừng lại ở một số đoạn rồi tự đoán xem đoạn kế tiếp, tác giá có viết như đúng theo suy nghĩ của mình hay không.

Những năm tháng say mê ấy, Phạm Cao Củng đặt lịch làm việc rất khoa học. Sáng dậy sau 8 giờ, kế đến tiếp bạn bè đến trưa. Ăn cơm xong là cắm đầu viết, viết xong giao bản thảo nhận tiền rồi đi chơi. Vì có nhiều đặt hàng quá, Phạm Cao Củng phải nhờ hai người bạn thân viết những đoạn tả cảnh mây mưa núi sông, đối thoại tranh cãi không cần thiết, tên nhân vật của truyện thì Phạm Cao Củng đã viết sẵn trên bảng đen dựng trước mặt. 

Cứ viết vậy cho đến khi nhân vật chuẩn bị rút kiếm giao đấu, xuất chưởng đoạt mạng thì để yên đấy cho Phạm Cao Củng chấp bút. Vì viết nhiều mà viết hơi ăn gian như vậy, Phạm Cao Củng ít dám ký tên Văn Tuyền sau này, chỉ ký lung tung kiểu Điệp Hùng, Quý Phùng…

Ông thổ lộ: “Thời ấy, đúng là tuổi trẻ dại dột, chỉ biết hiện tại chứ không nghĩ đến tương lai, chỉ viết bừa bãi cốt được cho thực nhiều, như thế thì dù có tài trời cũng không thể nào viết hay được”. Dòng truyện này của Phạm Cao Củng bị liệt vào dạng tiểu thuyết ba xu, cách gọi bỉ bai của nhiều người. Từa tựa lúc này người ta mắng báo lá cải vậy.

Tính đến trước lúc Phạm Cao Củng dứt duyên với ông chủ Mai Lĩnh là Đỗ Xuân Mai, thì ông đã viết tầm 70 hay 80 bộ kiếm hiệp giả Tàu, có bộ dày đến 3 nghìn trang. Mấy mươi cuốn mạo hiểm kỳ tình (ký bút danh Phượng Trì), hai mươi cuốn trinh thám Kỳ Phát, rồi còn khảo cứu, truyện ngắn chọn lọc đủ cả. Mà thể loại nào cũng đều vài mươi cuốn. Thật thú vị.

Chuyện về nhà văn Phạm Cao Củng còn dài lắm, nhưng ngày cuối năm chỉ rỉ rả mấy chương mấy hồi hầu bạn đọc. Mặc dầu, thú thật là hậu sinh, đọc những chuyện đã qua của các bậc tiền bối như của Phạm Cao Củng không thể không chép miệng tiếc nuối: “Giá mà được một lần sống trong không khí nhộn nhịp ấy của chữ nghĩa”.

Ngô Kinh Luân
.
.