Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

Phải quần tụ lòng người

Thứ Ba, 17/09/2013, 15:22
Không rõ một người làm báo chuyên nghiệp có thể thực sự là thân thiết với những người hoạt động chính trị hay không, nhưng tôi luôn cảm thấy ấm lòng mỗi khi nghĩ tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.

Thực ra, tôi cũng chỉ mới biết ông từ gần chục năm nay, từ khi ông còn là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Số lần tôi trực tiếp trò chuyện với ông cũng không nhiều và chủ yếu là ở những hoạt động xã giao hay trong các dịp lễ hội. Thế nhưng, tôi đã luôn thấy được ở ông một thiện chí nhất quán đối với không chỉ cá nhân tôi mà đối với báo giới và văn nghệ sĩ nói chung. Và tôi cũng đã kịp nhận ra rằng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng rất không thích đưa những tâm sự cá nhân của mình lên các phương tiện thông tin đại chúng. Phần nhiều những bài trả lời phỏng vấn của ông được công bố đều mang nặng tính chuyên môn kỹ thuật. Là người được đào tạo cơ bản ở bậc đại học về xây dựng, lại trải qua nhiều năm làm việc thực tế đúng với chuyên ngành đã học, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng rất kín kẽ khi nói về trọng trách mà mình đang phải gánh vác… Và điều đó đã được nhiều người ghi nhận.

Riêng về phần tôi, tôi chỉ muốn “khai thác” ông từ góc độ đời thường, ngay cả khi bàn về công việc. Tôi đã có may mắn được ông một lần cho phép trò chuyện trong không khí như thế. Và theo tôi, đó là một cuộc trò chuyện có thể gợi ra nhiều suy ngẫm nhân sinh. Thế nhưng, không hiểu sao sau đó ông lại ngại không muốn cho tôi công khai nội dung cuộc trò chuyện đó… Ông  bảo, công việc còn bề bộn khó khăn lắm, trải lòng ra có khi là có hại…

Dẫu vậy, sau khi đọc lại bản ghi chép những gì đã được trò chuyện cùng Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, tôi vẫn muốn chia sẻ cùng độc giả của Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng. Tôi muốn mọi người cũng như tôi hiểu rõ hơn về thế giới nội tâm của một vị Bộ trưởng mà như GS - TS Trần Ngọc Đường ở Viện nghiên cứu Lập pháp từng nhận xét: “Đó là người có tư duy mới”.

- Hồng Thanh Quang: Ông  nhậm chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng vào tháng 8/2011, đúng vào thời điểm đang rơi của nền kinh tế thế giới nói chung và cả kinh tế Việt Nam nói riêng. Đó cũng là thời điểm bắt đầu những khó khăn ngày một lớn đối với ngành Xây dựng. Cảm giác của ông thế nào khi bắt tay vào thực hiện chức phận Bộ trưởng của mình?

- Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Khi nhận nhiệm vụ mới bao giờ cũng muốn mình phải làm được thêm việc gì đó, bởi vì mới đến thì cũng phải có việc làm mới. Nhưng cũng trên cơ sở kế thừa những gì mà người đi trước đã làm. Người đi trước là người đã đặt tảng đá để mình bước lên và tiếp tục xây cất cao hơn.

- Tất nhiên ông nói như thế là rất đúng rồi. Ngành Xây dựng không bắt đầu từ ông và không kết thúc ở ông. Tuy nhiên, hiện nay ông chắc chắn đang phải xử lý không ít những công việc đang còn dang dở từ giai đoạn trước và điều đó sẽ tạo ra những khó khăn nhất định ngay cả trong tâm thế của xã hội. Ông đã nghĩ đến việc này hay chưa và đã nghĩ đến cách nào để khắc phục những dang dở không phải do mình tạo ra làm sao cho vẹn đủ các đường?

- Trách nhiệm với người kế tiếp bao giờ cũng là làm những việc kế tục những cái tốt của người trước, nhưng sau đó cái gì còn tồn tại, hạn chế mà mình nhìn thấy thì mình phải khắc phục. Làm được như thế thì mới cần đến mình, chứ nếu mình cũng như người trước thì không ai cần  đến mình. Vì những gì người trước đã làm được thì là rất lâu nhưng mà cái tồn tại thì không thể tránh khỏi.

- Điều kiện thay đổi thì công việc cũng thay đổi…

- Ai cũng có mặt mạnh và có mặt còn hạn chế. Mình là người kế tiếp nên mình có nhiệm vụ vừa phải khắc phục những hạn chế vừa phải có cái mới. Tất nhiên, cái mới đó hôm nay là mới, ngày mai là mới, nhưng sau đó thế hệ kế tiếp trên cơ sở những cái mình đã làm sẽ bóc tách ra cái gì được, cái gì chưa được để họ tiếp tục hoàn thiện.

- Tôi hiểu. Ông luôn luôn đánh giá rất cao những gì trong quá khứ và sở dĩ hiện nay chúng ta phải đối mặt với một số hạn chế không phải của cá nhân cụ thể hay một giai đoạn mà do điều kiện thay đổi. Có những cái hôm qua tốt, do điều kiện thay đổi tự dưng hiện nay nó khác, mình phải có những ứng xử mới để đối xử với tình huống mới cho những đối tượng gọi là cũ, phải không ạ?

- Nhiệm vụ của người quản lý bao giờ cũng phải ứng xử với các tình huống.

- Tôi đã từng xem ông trả lời trước Quốc hội. Có cảm giác như ông là một người có phong cách để làm sao mọi sự trong cuộc đời gần gũi hơn với tất cả chúng ta. Nhưng liệu có khi nào ông cảm giác rằng ông hơi bị oan vì cũng có một số người nào đấy cứ buộc cho ông những việc mà thực chất anh không phải là người hoàn toàn chịu trách nhiệm? Và khi ông có cảm giác như thế thì ông làm thế nào để kiềm chế nội tâm để có được vẻ thân thiện rất tự nhiên với xung quanh? Và liệu đấy có phải là một kỹ năng mà ông đã rèn luyện được trên con đường trưởng thành tới chức vụ này không? Có lẽ ông đã quen đối xử điềm đạm với tất cả những bất công, những cái này nọ từ các phía khác đối với bản thân mình và lặng lẽ làm công việc mình coi là đúng?

- Trước hết phải bình tĩnh với tất cả các ý kiến dù người ta nói một việc này không phải là việc của mình, nhưng vì mình là Bộ trưởng, nên không thể nói việc này tôi không biết, mình phải có trách nhiệm để giải thích. Có những vấn đề mình giải thích đúng nhưng mà chưa có điều kiện để nói cho người ta hiểu được thì người ta cũng không hiểu, và để khắc phục điều này thì cần phải có thêm thời gian nữa. Cũng có vấn đề mà mình nói đúng rồi nhưng cách diễn đạt của mình chưa tốt, chưa thể giải thích cặn kẽ thì người ta cũng chưa hiểu được… Nhưng nói chung cũng không nên đổ trách nhiệm cho ai và trách nhiệm như thế nào vì chức trách nhiệm vụ của mỗi cơ quan, mỗi đơn vị, mà đặc biệt là trong các quy định pháp luật, người ta quy định rất rõ. Cho nên ngay cả khi mình không nói thì những người nắm vững được pháp luật, nắm vững được công việc của mỗi người thì họ cũng hiểu được nhiệm vụ mình đến đâu, trách nhiệm mình đến đâu…

- Theo tôi hiểu, một trong những bí quyết để một con người, để một cán bộ có thể trưởng thành được là không bao giờ coi tình huống nào là tuyệt vọng, không bao giờ coi tình huống nào là đàn gảy tai trâu? Một khi mình có trách nhiệm thì mình sẽ thực hiện trách nhiệm một cách vui vẻ cho đến khi đạt được hiệu quả thì thôi, đúng không ạ?

- Tức là phải coi mỗi một tình huống mới là một điều may mắn để mình được tiếp cận với cái mới và tìm cách giải quyết. Nếu trong phạm vi trách nhiệm của mình thì rất tốt, còn nếu không phải trách nhiệm của mình thì cũng phải tìm hiểu để biết nó, để nâng cao thêm kiến thức, để có thể có một giải pháp hoặc thêm một cách để xem xét.

- Tức là không có vận hội nào không ẩn chứa những rủi ro và chúng ta phải coi đó là chuyện bình thường. Trên đời này không có công việc nào là hoàn toàn tốt, hoàn toàn thích cả, đúng không ạ?

- (Cười)…

- Ông từng tốt nghiệp Đại học Xây dựng. Đó là lĩnh vực mà ông ham muốn từ lúc trẻ hay chỉ tình cờ rẽ vào rồi thành nghiệp?

- Tôi vào học xây dựng thì cũng là do ý muốn cá nhân thôi. Đơn giản vì khi đó trường đại học xây dựng đóng ở gần nhà.

- Ở gần nhà, ở vùng quê Mê Linh?

- Sinh viên học xây dựng cũng được tiếp xúc thì thấy rất thích.

- Sau này trải qua nhiều công việc trong ngành xây dựng rồi, ông hình dung thế nào về ngành này? Ngành này có làm khô héo tinh thần của người ta đi không khi tiếp cận quá nhiều với bê tông, sắt thép. Phải chăng vì ông cảm thấy vậy nên đã tự làm phong phú đời sống tinh thần bằng niềm đam mê âm nhạc rất to lớn của mình?

- Ngành Xây dựng là một ngành sản xuất vật chất, nó tạo ra tài sản cố định của nền kinh tế. Có thể nói rằng giá trị trực tiếp tạo ra của ngành xây dựng cũng rất lớn nhưng mà giá trị thứ cấp và những sản phẩm của ngành xây dựng tạo ra tiếp, những cơ sở sản xuất, những cơ sở dịch vụ, những chỗ ăn, chỗ ở, chỗ làm việc cho mọi người có ý nghĩa quyết định trong việc tạo ra sự tăng trưởng của nền kinh tế. Cho nên đi sâu vào ngành xây dựng thì thấy rất là thú vị. Nhưng nói như vậy không có nghĩa xây dựng là khô khan. Thực ra trong ngành xây dựng có cảm xúc rất lớn. Xây dựng không có nghĩa chỉ đi xây mà phải có tư duy để quy hoạch, để thiết kế kiến trúc, công trình, để tìm hiểu những giá trị văn hóa vật thể của những công trình kiến trúc ngày xưa cũng như những công trình kiến trúc sẽ được xây dựng. Vì thế nó không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa văn hóa xã hội rất lớn.

- Ông, như nhiều người được biết đã có một thời gian không ngắn đảm nhận cương vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Và nói với tư cách của nhà báo thì tôi thấy rằng, thực sự trong những năm gần đây Vĩnh Phúc trở nên gần Hà Nội hơn rất nhiều. Tất nhiên tự kể công là điều không quá nên và ông chắc chắn không muốn tự kể công, nhưng tôi thực sự tò mò và muốn biết điều mà ông thấy thú vị nhất trong những công việc đã làm được suốt thời gian ông lãnh đạo ở tỉnh Vĩnh Phúc trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy? Và điều gì cho đến hôm nay khi nghĩ lại ông vẫn thấy lòng mình ấm áp?

- Tức là đưa một tỉnh nghèo trở thành một tỉnh không nghèo nữa.

- Theo ông, bí quyết nào để ông làm như thế? Tất nhiên, tôi cũng hiểu là không chỉ mình Vĩnh Phúc mới có những điều như Vĩnh Phúc đã có, nhưng Vĩnh Phúc là một trong những thí dụ rất đáng được lưu tâm.

- Nói chung Vĩnh Phúc cũng có thuận lợi hơn nhiều địa phương khác vì gần với thủ đô Hà Nội, gần với sân bay quốc tế Nội Bài, lại có cả trung du, đồng bằng, miền núi, tuy chỉ là tỉnh nhỏ. Nhưng trong quá trình phát triển thì cũng phải học hỏi kinh nghiệm và thực sự phải tâm huyết, phải tìm được chìa khóa để mở, đó là nút thắt lớn nhất.

- Đó là chìa khóa gì nếu không phải bí mật của riêng ông và của riêng tỉnh Vĩnh Phúc? Ông có thể chia sẻ với độc giả không ạ?

- Chìa khóa này tức là mỗi một địa phương phải tìm được hướng phát triển riêng.

- Với Vĩnh Phúc thì sao?

- Không phải địa phương nào cũng như nhau. Chẳng hạn Vĩnh Phúc là một tỉnh đất rất hẹp, chỉ hơn 1.000km2 và đất nông nghiệp chỉ chiếm 30%, có nghĩa rất ít, trong khi đó dân số lại khoảng hơn 1 triệu dân. Nếu chỉ sống bằng nông nghiệp thì không thể giàu được và rất khó nâng cao đời sống người dân. Vậy nên Vĩnh Phúc để phát triển được, và nâng cao đời sống người dân thì phải phát triển công nghiệp và lấy công nghiệp làm nền tảng cho quá trình phát triển. Công nghiệp phát triển nhiều để chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang, để tạo sự tăng trưởng cao và thúc đẩy ngành nông nghiệp, dịch vụ phát triển. Công nghiệp phát triển cũng thu ngân sách lớn để tái đầu tư hạ tầng, đặc biệt là đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn. Và  khâu quyết định cuối cùng là làm thế nào để đời sống người dân được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Đó là điều rất quan trọng.

- Những điều ông nói rất đúng, nhưng người ta nói rằng ngay cả việc xác định tiềm năng của Vĩnh Phúc cũng là phong cách làm việc của lãnh đạo Vĩnh Phúc một thời. Tất nhiên ông không muốn tự nói về mình nhưng theo ông, cái gì hấp dẫn trong cách làm việc của Vĩnh Phúc để thu hút được nhiều nguồn lực từ bên ngoài vào góp tay để xây dựng và phát triển mọi mặt cho tỉnh Vĩnh Phúc?

- Để làm có hiệu quả thì chắc chắn vai trò người lãnh đạo rất quan trọng. Làm thế nào để ngoài việc đề ra đường lối, cách làm, nhưng có sức thu hút người dân để người ta vào cuộc. Nhưng trong điều kiện một tỉnh nghèo, nội lực ít thì rất cần nguồn lực từ bên ngoài và muốn người ngoài vào với mình, người ta chưa hiểu mình, thì mình phải nói cho người ta biết là vào đây sẽ có lợi và điều quan trọng nữa là phải làm cho người ta quý mình mà đến và gắn bó với mình.

- Theo quan sát của không chỉ riêng tôi mà của nhiều nhà báo khác, cái sự thực lòng và vô tư là lời thổ lộ: Chúng tôi chơi với các bạn không phải lợi dụng các bạn mà để cùng các bạn làm ra những lợi nhuận để chúng ta chia nhau. Các bạn đầu tư vào Vĩnh Phúc không chỉ giúp cho Vĩnh Phúc mà cả giúp cho chính mình. Đấy đã là quan điểm nhất quán từ người đứng đầu lẫn các đội ngũ xung quanh và điều đó khiến cho Vĩnh Phúc trở thành điểm hấp dẫn một thuở. Nhận xét này có đúng và đủ chưa? Hay theo ông cần phải nói thêm?

- Tôi xin nói lại là, đầu tiên mình phải có cách đi đúng, tức là phải đề ra được mục tiêu đúng. Thứ hai, phải đề ra hướng đi đúng. Mục tiêu thì  phải cụ thể, tức là mình sẽ leo cao đến đâu, đến đỉnh Tam Đảo hay là…

- Hay là cao hơn nữa, hay đến Tản Viên? (cười)

- Mục tiêu như thế. Còn hướng đi thì phải xác định là đi về hướng tây hay hướng đông, đi đường thẳng hay đường ngoằn ngoèo để mình tránh những chỗ dốc, những chỗ nguy hiểm. Và có bước đi thích hợp, không vội nhưng không được chậm, phải phù hợp, có những giai đoạn cần thiết phải đẩy nhanh, nhưng cũng có những lúc phải bình tĩnh, tùy theo điều kiện thực tế. Và phải có những giải pháp đột phá… Thì đấy là những cái thuộc về sách vở, nhưng làm được điều đó hay không thì phải vừa lòng người, phải xem người dân có ủng hộ mình không…

- Phải quần tụ lòng người.

- Đúng, phải quần tụ lòng người. Mình có làm cho người dân thì người dân mới vào cuộc, mình phải nói cho người dân biết những việc làm này hoàn toàn là sẽ có lợi cuối cùng cho người dân. Cái thứ hai là thành phần người dân ở đây thì có cả người dân ngoài tỉnh, người dân trong tỉnh. Người dân bên ngoài đa số là những doanh nghiệp đến đầu tư với mình, người nước ngoài, rồi doanh nghiệp trong nước… Thì mình phải làm thế nào để người ta thân thiện với mình, mình tạo cơ hội cho họ tìm hiểu và thấy rằng, đến làm việc với mình họ sẽ có lợi và họ không chỉ có lợi về mặt…

- … Vật chất…

- Không chỉ có hiệu quả vật chất mà cả tinh thần, tình cảm…

- Cái đó thì tôi hiểu…

- Trách nhiệm của mình phải coi họ thực sự là công dân của tỉnh mình. Mà một khi họ là công dân của mình thì mình phải có trách nhiệm giúp họ. Mà khi nào mình giúp được họ nhiều thì chắc chắn họ sẽ có điều kiện để thực hiện những điều họ muốn trên mảnh đất của mình. Và để cho họ làm giàu, làm tăng số tiền của họ thì cũng là để họ làm giàu cho mảnh đất của mình; khi đó nhà nước được lợi, doanh nghiệp được lợi, cộng đồng được lợi và đặc biệt người dân được lợi từ sự phát triển.

- Tất cả những ai tiếp xúc với ông, theo tôi biết, đều ấn tượng với phong thái thân thiện của ông. Nhưng xét kỹ từ tư cách nhà báo, tôi nhận thấy ông không phải là người có một con đường phát triển quá thuận lợi. Ông có nghĩ rằng, ngay cả lòng tốt, ngay cả sự thân thiện của chúng ta đôi khi cũng phải trả giá vì chúng ta làm những người xấu hơn chúng ta, những người tà tâm bị phá giá. Thực tế cho thấy, ông đã có được thái độ triết học với việc này và đấy chính là một trong những lý do thành công của ông. Ông nghĩ thế nào về nhận xét này?

- Quan trọng là dám đối mặt với những vấn đề…

- Có thể gây ra những ý kiến khác nhau…

- Những vấn đề đang tồn tại, dám đối mặt với những vấn đề có thể không làm vừa lòng. Sẵn sàng tiếp xúc cởi mở, chân thành, chia sẻ, mà muốn để người ta hiểu mình thì mình phải thật lòng, mà thật thì đôi khi chưa chắc tốt cho cá nhân mình.

- Chưa chắc đã là an toàn…

- Chưa chắc đã là an toàn.

- Nhưng ông đã luôn chọn con đường lúc nào cũng thành thật trong bất cứ tình huống nào.

- Điều đó rất cần thiết, mình muốn được thật với mình thì mình cũng phải thật với họ và mình thậm chí phải hy sinh trước, nhưng cái chính làm thế nào mình phải giữ được mình là điều khó nhất.

- Tức là để thành công mà thay đổi mình thành con người khác thì cũng không khó khăn lắm. Nhưng khó khăn nhất là mình vẫn thành công mà mình vẫn giữ được tất cả những tư chất thiên phú của mình, đấy là cách hành xử của ông, có đúng như vậy không ạ?

- Cũng không hẳn như thế. Thành công thì do gặp may mắn là nhiều. Rất nhiều người, cũng như mình nhưng họ không may mắn, không gặp những điều kiện thuận lợi nên họ chưa thành công. Nhưng mình có thể gọi là thành công về một mặt nào đó thì không hẳn là do những cá tính hay một cái gì đó mà thành công của mình có lẽ là do sự quyết liệt trong công việc.

- Ông cũng là một người quả cảm, không lảng tránh những vấn đề có thể tạo nên phản ứng khác nhau từ một số người không hiểu hết tầm quan trọng hay bản chất vấn đề…

- Không lảng tránh nhưng mà cũng không ồn ào, không thanh minh... Mình cứ làm thôi và sản phẩm…

- Sản phẩm cuối cùng của mình sẽ minh chứng cho mình?

- Sản phẩm cuối cùng ra sẽ là những cái mình mong muốn nếu được mọi người chấp nhận.

- Lênin cũng nói rồi, nếu không muốn phạm sai lầm nào đó thì không làm việc và khi làm việc thì bao giờ bên cạnh những cái rất được, cũng nảy sinh chuyện này chuyện nọ chưa như ý. Ông đánh giá thế nào, ví dụ như ở trong lĩnh vực mình đã từng phụ trách có một bộ phận cấp dưới mình bị sai phạm, trong đặc điểm thời nay ngay cả người tử tế, người tốt, người tận tâm với công việc đôi khi cũng mắc một số sai phạm. Theo ông, chúng ta nên đánh giá những sai phạm như thế nào? Tất nhiên, ai gây ra chuyện cũng phải chịu trách nhiệm xã hội với chuyện ấy. Nhưng có nên chăng khi một người đang tử tế  phạm sai lầm thì lập tức mình nhìn ngược lại, mình coi sai phạm là bản chất của con người? Với tư cách cá nhân, ông đánh giá thế nào? Chúng ta nên nhìn nhận thế nào cho thỏa đáng, để vừa giữ nghiêm phép nước lại vừa không xúc phạm đến nhân phẩm của một con người?

Ảnh trong bài: Minh Trí.

- Phải nhìn toàn diện trong điều kiện cụ thể, trong hoàn cảnh, xem những sai phạm đó có cố tình không, mục đích của người tạo ra sai phạm đó. Có những sai phạm là do thiếu hiểu biết, hoặc có những sai phạm do quá nhiệt tình chưa…

- Chưa đồng bộ với cơ chế, nói một cách nhẹ nhàng là như thế.

- Hoặc có những vấn đề đi trước, tiên phong nhưng có thể phạm sai lầm nếu như mình cực đoan, những vấn đề đó rất dễ xảy ra. Còn có những người biết sai phạm vẫn làm thì phải xem xét lại…. Con người thì luôn muốn hoàn thiện, cho nên luôn luôn cần phải làm thế nào cho xã hội ngày càng tốt đẹp. Mong muốn thì như thế nhưng thực tế vẫn có những tồn tại trong mỗi xã hội và mỗi bản thân con người. Hay những vi phạm, những khuyết điểm… có thể nhỏ hoặc to, bé hoặc lớn, chứ để hoàn chỉnh trong mỗi người là rất khó. Đó là cái để chúng ta phải phấn đấu để hoàn thiện chính mình và đấy cũng chính là cuộc đấu tranh trong mỗi con người và đấu tranh này có lẽ đến…

- Đến tận cùng mãi mãi không bao giờ kết thúc…

- Không có tận cùng, không bao giờ kết thúc được và đấy là mâu thuẫn như là thống nhất để phát triển.

- Đúng là mâu thuẫn để phát triển. Trong những tháng ngày làm lãnh đạo các cấp của ông, đã bao giờ ông phải ký quyết định kỷ luật người nào đó mà ông cảm thấy áy náy, nhưng vì để nghiêm phép nước ông vẫn phải thực hiện việc đấy?

- Có chứ, có phải làm.

- Có điều này mà tôi thấy ở chúng ta vẫn chưa làm được. Thí dụ, một người có năng lực nhưng không may va vấp trong một chuyện gì đấy họ bị kỷ luật, nhưng rồi họ có năng lực chúng ta vẫn cần tận dụng năng lực ấy và có thể để cho họ phục hồi. Trong thời buổi hiện nay rất quan trọng bởi vì làm kinh tế, làm những công việc trong Bộ Xây dựng có rất nhiều thứ mình bị sai không phải do mình tà tâm mà do rất nhiều yếu tố khách quan bên ngoài. Liệu ông có nghĩ rằng chúng ta nên cởi mở hơn trong việc sử dụng con người theo tài năng và tác dụng của họ với công việc hiện tại, bất chấp trong quá khứ họ có việc gì đấy nhưng họ khắc phục được, họ sửa mình được để trong tương lai chúng ta mới tận dụng được những người có năng lực? Nói thế thôi, người có năng lực không bao giờ là số đông, không bao giờ  là thừa.

- Có chứ, điều đó là đã làm, có những người bị kỷ luật và bị mất chức nhưng sau đó họ làm tốt, họ lại trở lại là người có vị trí rất quan trọng ở địa phương.

- Ông là một người rất quảng giao với giới văn nghệ sĩ, ông tìm thấy ở họ cái gì bổ sung cho tâm thế của ông, cho những công việc hết sức nặng nề mà ông từng đảm nhiệm?

- Họ có rất nhiều cái để bổ sung những cái mà mình đang thiếu cho mình như: Bản lĩnh, sự hiểu biết phong phú, kiến thức, văn hóa, rồi những phát hiện… Giao lưu với văn nghệ sĩ, họ nói cho mình rất nhiều điều, họ cũng thể hiện một tâm trạng của xã hội, cho nên khi những tâm tư của họ đến với mình thì mình hiểu rằng mình phải làm cái gì đối với một bộ phận ít hoặc là nhiều người.

- Nhà thơ Trần Hòa Bình từng là một người bạn tâm giao với ông, đã qua đời cách đây mấy năm. Giờ đây nhớ lại Trần Hòa Bình, ông nhớ tới điều gì nhất? Tôi biết, Trần Hòa Bình là người được ông rất là chiều, bạn nhưng mà rất chiều…

- Tác giả Trần Hòa Bình là người mà tôi rất trân trọng, anh là một thầy giáo, nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, có thể nói là cầm kỳ thi họa.

- Và có thể nói rất mê phụ nữ…

- Rất nhiều tài năng, quan trọng nhất là Trần Hòa Bình là người đưa ra những triết lý cuộc sống đầy nhân ái. Con người nói chung luôn làm đẹp cho người khác…

- Ở cạnh Trần Hòa Bình, ta thấy cuộc đời này đáng yêu hơn, bớt đi những cái xù xì, gai góc hơn…

- Cuộc sống lãng mạn hơn.

- Vâng, Trần Hòa Bình là người biết hóa giải tất cả những mâu thuẫn. Với nhạc sĩ Phú Quang, ông cũng hâm mộ, tất nhiên, bên cạnh những tác giả lớn như Ngô Thụy Miên, Võ Thanh An… Ông tìm thấy gì ở anh Phú Quang? Anh Phú Quang không chỉ là một nhạc sĩ đâu, anh Phú Quang là người rất có đầu óc xã hội đấy, tư duy kinh tế xã hội rất phát triển. Khi giao tiếp với nhạc sĩ Phú Quang, ông thu nhận được cảm xúc gì?

- Nhạc sĩ Phú Quang, nhìn anh ấy thì không nghĩ là có tên Phú Quang rất nổi tiếng, rất lãng mạn, nhưng cũng rất tinh tế và sự chọn lọc của anh ấy.

- Chọn bạn mà chơi.

- Chọn thơ để đặt nhạc… Anh ấy chọn thơ hết sức tinh tế. Phú Quang cũng là người rất kiêu hãnh.

- Nói chung các nghệ sỹ thường là kiêu hãnh nhưng làm sao để lòng kiêu hãnh của mình không xúc phạm tới lòng kiêu hãnh của những người còn lại mới là điều đáng nói... Xin cảm ơn ông về cuộc nói chuyện cởi mở này…

H.T.Q
.
.