Nhà thơ, nhà báo Trần Hoà Bình, Giảng viên Học viện Báo chí - Tuyền truyền:

Phải giữ thương hiệu!

Thứ Hai, 15/01/2007, 14:30

“…Tôi chủ trương không in tập thơ riêng. Không phải vì tôi nghĩ rằng tôi ghê gớm gì, nhưng chính anh cũng biết rồi, làng thơ những năm gần đây lạm phát quá, thành ra thơ như bị rẻ rúng. Người đọc dường như cũng hờ hững với thơ…”

Gần hai mươi năm trước, tôi là chàng trung úy thông tin trẻ măng mới tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về và được điều đi làm trợ lý kỹ thuật ở Binh đoàn Tây Nguyên. Trong cái ba lô mới tinh của tôi thời đó chẳng rõ có giữ gìn "một hai ba giọng hát chú ve kim" như thơ của anh Hoàng Nhuận Cầm đã viết hay không, nhưng rõ ràng là đã có cuốn tuyển thơ in khổ nhỏ với nhan đề "Tình bạn, tình yêu" do NXB Giáo dục ấn hành. Tôi đã đọc nhiều tuyển thơ khác nhau, nhưng cho tới giờ tôi vẫn nghĩ rằng đó là một trong những tuyển thơ có chất lượng nhất của chúng ta, không hiểu vì sao mà bây giờ không thấy được in lại. Tuyển thơ đó đã tập trung hầu hết những bài thơ hay nhất của chúng ta về chủ đề tình bạn, tình yêu. Và với cậu bé rất mê thơ như tôi thuở đó, thuộc lòng đa số tuyển thơ ấy là việc chẳng mấy khó khăn.

Một trong những bài thơ nhập tâm gần 20 năm trước và vẫn nhớ nguyên vẹn tới ngày hôm nay là "Thêm một": "Thêm một chiếc lá rụng, Thế là thành mùa thu, Thêm một tiếng chim gù, Thành ban mai tinh khiết... Dĩ nhiên là tôi biết, Thêm một lắm điều hay, Nhưng mà tôi cũng biết, Thêm một phiền toái thay...". Cũng từ  bài "Thêm một" mà tôi đã nhớ mãi tên thi sĩ Trần Hòa Bình. Tôi đã mơ ước được gặp anh từ thuở đó, nhưng phải hai thập niên sau mới trực tiếp được "diện kiến" tác giả của "Thêm một". Tôi cứ nghĩ anh phải hơn tôi nhiều tuổi lắm nhưng hoá ra, không chỉ bề ngoài anh trông cũng "xêm xêm" tuổi tôi, mà ngay cả trong cách hành xử anh cũng trẻ hơn tôi nhiều lắm.

Trần Hòa Bình luôn tránh nói tuổi thực của mình, vì sao tôi chẳng rõ. Tôi chỉ biết rằng dễ tới hơn chục năm nay anh đã là giảng viên của Học viện Báo chí - Tuyên truyền và trong số sinh viên từng "qua tay" anh đang có không ít nhà báo sung sức, được nhiều người biết tới. Cũng gần hai mươi năm có lẻ, thi sĩ Trần Hòa Bình "gà trống nuôi cô con gái", dù anh nổi tiếng hào hoa và đào hoa. Cuộc trò chuyện cuối tháng này với nhà báo, nhà thơ, nhà giáo Trần Hòa Bình diễn ra đúng vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Và dĩ nhiên, câu chuyện đã được bắt đầu từ ngày lễ trọng đó của giáo chức Việt Nam.

Không cứng nhắc

Phóng viên (PV): Ngày 20/11 năm nay như thế nào đối với thầy Trần Hoà Bình?

Nhà thơ Trần Hoà Bình (NT THB): Nói thật là từ hôm qua đến giờ, sinh viên gọi điện thoại cho tôi liên tục nhưng tôi toàn nói thác là tôi đang ở tỉnh khác. Thực sự, vào những ngày như thế này, tôi cảm thấy khó xử vô cùng. Một số tờ báo cứ viết rằng phụ huynh học sinh vào những ngày như thế này phải chịu sức ép của việc mua quà tặng cho các thầy cô của con mình. Mấy ai hiểu rằng, việc phải nhận những món quà tặng như thế cũng tạo nên sức ép rất nặng nề, nhất là với những ai có tính hơi sĩ như tôi chẳng hạn... Môn tôi dạy lại là môn "nhạy cảm"...

PV: Môn gì vậy, thưa anh?

NT THB: Môn Lịch sử Báo chí. Vào thời điểm này lại sắp tới kỳ thi... Bởi vậy, tôi tránh tiếp xúc nhiều với sinh viên ngoài giảng đường... Bây giờ không giống như thời chúng ta còn trẻ nữa. Ngày xưa, sinh viên đến chơi với thầy để trò chuyện, để tán gẫu, để đọc thơ, quanh chén trà thôi. Bây giờ đến là kèm theo những túi quà cùng rất nhiều ý tứ được gửi gắm bên trong... Thành ra làm thầy khó xử! Từ chối thì sẽ làm khó cho sinh viên, nhưng nhận thì mình cứ cảm thấy làm sao ấy...

Có chuyện này xảy ra với tôi, một lần một cô sinh viên tới chơi, đem theo túi hoa quả. Mình lúc đầu từ chối nhận nhưng nể quá rồi cũng đành gật. Và mình quên bẵng gói quà đó vì thực ra mình có thích ăn hoa quả đâu. Vài hôm sau đám bạn con gái mình tới chơi, giở túi hoa quả ấy ra thì hóa ra bên trong có một phong bì. Thế là mình phải tìm mọi cách để trả cho em sinh viên ấy cái phong bì. Chẳng phải vì mình đức trọng gì đâu, nhưng mình không muốn để rồi sau sinh viên nhìn mình khác đi... Khi ngồi ở phòng giảng viên, trước cuộc họp chung, mình hồn nhiên kể lại chuyện này cho các đồng nghiệp và than thở, sinh viên bây giờ "ghê" quá, "hỏng" quá, thì mình bỗng thấy mọi người cứ lảng sang chuyện khác. Thế là mình chợt hiểu ra, trong mắt đồng nghiệp, mình "vớ vẩn" quá rồi. Nói vậy không phải là mình cảnh vẻ gì đâu, nhưng mình là một nhà thơ, mình nghĩ, nếu vì gói quà hay vì một cái phong bì mà bị hiểu khác đi trong con mắt dù chỉ của một sinh viên thôi thì cũng không thể chấp nhận được...

PV: Không phải nhà thơ nào cũng nghĩ như anh. Nhận hay không nhận phong bì  không phải là tiêu chí để đánh giá một nhà thơ. Đánh giá nhà thơ là phải dựa trên những câu thơ...

NT THB (cười rất vui vẻ): Có lẽ vì tôi sinh ra trong một gia đình làm nghề giáo viên nhiều đời nên tự nhiên bị nhiễm kiểu nghĩ của các cụ...--PageBreak--

PV: Tôi thử phản biện anh nhé, ngày xưa, những ngày lễ tết, bố mẹ môn sinh cũng thường mang mâm xôi, con gà, thậm chí cả chân giò đến biếu các thầy đồ và các thầy đồ cũng nhận mà không cảm thấy điều đó làm ảnh hưởng đến nhân cách của họ...

NT THB: Bố tôi không phải là thầy đồ mà chỉ là một giáo viên của những năm 60, trong thời kỳ bao cấp. Tôi nhớ, ngày đó, lễ tết, học sinh hay mang tới biếu bố tôi hoa hải đường và bố tôi thích lắm, cụ rất mê chơi hoa hải đường... Học sinh cũng mang tới biếu bố tôi hoa sen để ướp chè và bố tôi cũng nhận thoải mái...  Nhưng đó không phải là phong bì như bây giờ....

PV: Có lẽ thời thế khác thì cách tri ân thầy cũng khác. Thực ra, thời phong kiến cũng thế, khi học trò tri ân, thầy giáo cũng thấy chuyện đó là bình thường. Hay khi một bệnh nhân lành bệnh tới tri ân ông thầy lang đã cứu mạng sống cho mình, thì đó cũng là chuyện bình thường. Cái cốt yếu là những người dạy học hay những thầy thuốc không được "ra giá", biến việc tri ân ấy thành  cái lệ bắt buộc, không có điều kiện cũng phải cố... Thưa anh Trần Hoà Bình, anh có nghĩ rằng nếu thế hệ đi trước sống quá khắc kỷ thì thế hệ sau dễ bị phóng túng quá đà không?

NT THB (cười): Đôi khi tôi cũng nghĩ như thế. Xét cho cùng, đó là chuyện quan hệ giữa con người với nhau, không nên cứng nhắc quá, cần biết tìm ra cách ứng xử thích hợp, có lý, có tình trong từng trường hợp cụ thể.

Đến giảng đường không phải bằng chân

PV: Anh là người trực tiếp đào tạo nhiều nhà báo trẻ, hiểu họ, gần họ. Theo anh, đâu là điểm khác cơ bản giữa thế hệ nhà báo trẻ hiện nay với các thế hệ đi trước?

NT THB: Khác căn bản là ở chỗ, những nhà báo trẻ hôm nay được đào tạo khá bài bản. Những nhà báo đàn anh phần nhiều sống và làm việc bằng năng khiếu bẩm sinh một cách tự phát... Tất nhiên, mỗi kiểu làm việc đều có cái mạnh của nó. Tự học mà thành nhà báo thì bền vững. Tôi  luôn luôn có quan điểm thế này, trên con đường trở thành nhà báo chuyên nghiệp, vai trò của giảng đường chỉ chiếm khoảng 30% ý nghĩa thôi, 70% còn lại trong tố chất, lẩn khuất đâu đó trong người học và nhiệm vụ của người thầy dạy về báo chí cũng giống như dạy âm nhạc, dạy mỹ thuật: ngoài việc truyền đạt những tri thức mà anh có ra thì quan trọng nhất vẫn là anh phải đánh thức 70% cái đang tiềm ẩn trong sinh viên.

Việc dạy 5-6 tiết một ngày không quan trọng bằng việc đánh thức khả năng tiềm ẩn của sinh viên. Thật nhầm lẫn nếu cho rằng sau 4 năm đào tạo có thể “đẩy” ra xã hội một nhà báo theo đúng nghĩa của nó. Bởi lẽ, từ có bằng cử nhân báo chí đến việc trở thành một nhà báo theo đúng nghĩa của nó là con đường khá xa...

PV: Và với không ít người đó là con đường lắm khi đi hết đời vẫn không tới được?

NT THB: Đúng thế. Tôi vốn thoạt đầu là dân mỹ thuật. Tôi không tin rằng một sinh viên học 4 - 5 năm ở trường mỹ thuật ra là có thể ngay lập tức trở thành một họa sĩ. Còn lâu! Còn phải mày mò, tìm kiếm phong cách, ổn định phong cách, còn phải "tu luyện" thật nhiều trong nghề mới may ra trở thành một họa sĩ theo đúng nghĩa của nó... Đối với các sinh viên của mình, tôi chỉ chịu trách nhiệm đến 30% là cùng trong việc họ có trở thành một nhà báo đích thực hay không. Họ phải tự tìm 70% cơ hội còn lại...

Tôi rất thích một câu nói của một nhà sư phạm Xôviết, đại ý như thế này, hãy để sinh viên đến lớp bằng cái đầu của họ, chứ không phải bằng đôi chân. Tức là sinh viên tới học là vì bị thu hút bởi trí tuệ của người thầy... Với tôi, không quan trọng số lượng sinh viên nghe ta giảng mà quan trọng là những người đang ngồi nghe giảng với tâm thế nào. Tôi thích dạy những sinh viên muốn tìm kiến thức ở tôi chứ không phải chỉ vì để đủ số tiết học.  Giảng dạy ở đại học là phải như thế. Ở bậc phổ thông thì mình phải "gò" các em vào kỷ luật, nhưng lên đại học rồi, phải đào tạo theo tiêu chí trí tuệ...

PV: Thu hút bằng trí tuệ, tri thức, chứ không phải bằng những thủ tục hành chính. Tôi cũng nghĩ rằng đó mới là cách đi đúng. Nhưng tôi muốn hỏi anh thêm điều này, theo anh, đâu là những yếu kém trong đào tạo báo chí hiện nay?

NT THB: Đó là khoảng cách quá xa giữa lý thuyết và thực tiễn báo chí. Thường sinh viên khi mới ra trường, kể cả những sinh viên ở chỗ tôi đang dạy, khi tới các toà soạn là bị vấp ngay lập tức vì thực tế không giống như những điều các thầy dạy trên giảng đường. Phải nói thực rằng, những giáo viên vừa am hiểu lý thuyết vừa thông thạo thực tế làm báo hiện nay không nhiều. Thêm vào đó, những lý thuyết mà các thầy am hiểu thì lại cũ, thậm chí cũ mèm...

PV: Tại sao các anh không mời những nhà báo đang sung sức, thông thạo "thung thổ" trong đời sống báo chí hiện tại vào tham gia giảng dạy?

NT THB: Vẫn mời đấy chứ nhưng toàn là những "cây đa, cây đề"...--PageBreak--

PV: Những người có vẻ như "cây đa, cây đề"...

NT THB (cười): Đấy là tuỳ theo cách nhìn. Tôi đã nói điều này nhiều rồi, tôi rất kính trọng các nhà báo lão thành, nhưng dù muốn hay không chúng ta cũng phải công nhận rằng, họ không phải là lực lượng chủ đạo trong đời sống báo chí đương thời. Giữa họ với các sinh viên có khoảng cách quá xa về tuổi tác nên cũng không dễ thấu hiểu nhau. Theo tôi, một khi đã mời các nhà báo tên tuổi vào tham dự các tiết học ngoại khoá thì nên mời những nhà báo đang ở giai đoạn sung sức nhất, họ có thể chỉ hơn sinh viên 5-7 tuổi nhưng họ đang là những người hoạt động tích cực trong đời sống báo chí hiện tại. Có người hỏi tôi, nếu chỉ nói bảy chữ về nghề báo thì anh nói gì, tôi đã nói rằng, đó là nghề "không ngày nào là giống ngày nào"!

PV: "Cái bay không đợi cái trôi, Từ tôi phút trước sang tôi phút này!" - Xuân Diệu đã viết như thế. Đó cũng có thể coi như một định nghĩa về nghề báo.

NT THB: Quá đúng!

Dĩ bất biến

PV: Tôi vẫn nghĩ rằng làm báo là một nghề phải đối mặt với rất nhiều biến động và đảo lộn. Có cái hôm qua đúng nhưng hôm nay lại chưa chắc đã đúng nữa. Có cái hôm qua là chuẩn mực nhưng hôm nay có thể lại sai trái... Và để nhận biết kịp thời cái gì đã đúng, đang đúng hoặc không còn đúng nữa thì phải cần tới một phương pháp xử lý thông tin cực kỳ tinh nhạy và mềm mại. Anh có cảm giác là việc đào tạo báo chí của chúng ta chưa theo kịp nhịp điệu thực của đời sống không? Báo chí hôm nay phát triển rất lành mạnh dẫu các nhà lý luận của chúng ta chưa kịp tổng kết thành các quy luật...

NT THB: Tôi cũng cho rằng báo chí của chúng ta đang rất phát triển, phát triển từng ngày. Không nhận ra điều này thì thực là thiếu trách nhiệm. Và vì thế, sinh viên khoa báo chí phải học nhiều nhất là ở thực tế làm báo. Lý thuyết rất hay, các quy luật rất hay, cần phải nắm chắc chúng. Nhưng lý thuyết không phải là sự bó buộc chúng ta khi nhập cuộc mà chỉ là những định hướng để chúng ta thay đổi cho thích ứng với thực tế. Đó chính là cái "dĩ bất biến" để chúng ta "ứng vạn biến". Tôi vẫn nghĩ rằng nếu chỉ 10% sinh viên báo chí ra trường về sau trở thành những nhà báo đích thực thì cũng đã là may lắm rồi. Không có ở đâu mà độ rủi ro cao như trong nghề báo. Đấy là còn chưa kể "đầu vào" của các trung tâm đào tạo báo chí hiện nay không phải đã có chất lượng như cần thiết. Nói thật, tôi biết không ít sinh viên thi vào khoa báo chí chỉ vì không biết thi vào đâu khác nữa...

PV: Cũng có một số người nghĩ rằng làm báo là việc sang trọng, nhẹ nhàng. Thực ra, nếu làm báo theo đúng nghĩa của nó thì đó là công việc cực kỳ nặng nhọc, thậm chí có không ít điều đau tủi...

NT THB: Một số em sinh viên chỉ nhìn thấy hào quang của nghề báo, họ muốn được như chị Diễm Quỳnh hay anh Lại Văn Sâm rờ rợ trên màn ảnh nhỏ... Như một giấc mộng! Nghĩ thế cũng không có gì sai nhưng cũng cần biết rằng, để được như thế thì phải làm việc, phải cố gắng thế nào... Và phải có năng khiếu bẩm sinh nữa. Tôi nhớ, trước đây, khi tuyển sinh cho khoa báo chí trong những năm 1993 - 1994 gì đó, ngoài các môn kiến thức chung, thí sinh phải đối thoại với các giảng viên, mỗi thí sinh khoảng 5-7 phút. Thầy có quyền hỏi ngẫu hứng rồi ghi các nhận xét của mình vào một cái phiếu, gọi là "phiếu tế nhị". Nhờ thế nên khoá đó bọn tôi đã chọn được khá nhiều em giỏi mà sau này khi trở thành nhà báo chuyên nghiệp đã  làm việc rất có hiệu quả. Tiếc là bây giờ hình thức tuyển chọn như thế lại bị xoá bỏ... Thậm chí vài năm gần đây việc thi năng khiếu cũng bị xem nhẹ, thậm chí quên lãng...

PV: Tôi biết ở một số nước, những nghệ sĩ lớn có quyền tuyển môn sinh, đào tạo theo bài bản của mình để rồi có những "đệ tử chân truyền". Việc đào tạo báo chí có lẽ cũng có thể làm như thế. Tôi lấy làm lạ là tại sao ở nước ta lại không cho phép tồn tại hình thức đào tạo đó. Thí dụ, một nhà báo lớn hoàn toàn có thể lựa chọn những sinh viên mà mình cho là có triển vọng và hợp với phong cách làm báo của mình nhất và cho theo học chương trình bậc đại học đặc biệt của riêng mình. Những nhân cách lớn không bao giờ tự phá giá bằng cách làm ù xọe nên ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự bảo chứng chất lượng của họ. Theo cá nhân tôi, trong làng báo Việt Nam hiện nay có không dưới chục nhà báo ở tầm cỡ như thế, có không ít người trong số này đang ở độ tuổi làm việc chín chắn và sung sức nhất... Giá họ  truyền lại được cho những thế hệ đi sau kinh nghiệm dựng nghiệp và giữ nghiệp làm báo của mình! Nhờ thế, làng báo chúng ta sẽ duy trì được mạch chảy của những phong cách làm báo hay nhất, khác nhau nhưng đều ở đẳng cấp cao, in đậm dấu ấn cá nhân của những tài năng thực sự.

NT THB: Tôi cho rằng, đây là mô hình  đào tạo cực kỳ hay. Báo chí hấp dẫn nhờ đa phong cách. Và nếu chúng ta có được những "đệ tử chân truyền" của các nhà báo lớn thì chúng ta sẽ có được một nền báo chí đa phong cách bền lâu. Thế nhưng, việc đào tạo nhà báo của chúng ta hiện nay đang có rất nhiều vấn đề, nên có lẽ làm được như thế là điều rất không dễ...--PageBreak--

Phải giữ thương hiệu

PV: Suốt một thời gian dài, tôi cứ nghĩ anh chỉ có độc bài thơ "Thêm một". Về sau, tôi mới biết là anh còn viết không ít bài thơ hay khác. Tại sao cho tới bây giờ anh vẫn chưa in một tập thơ riêng nào? Anh cố tình làm thế hay chỉ ngẫu nhiên mà như vậy?

NT THB: Thực ra thì tôi chủ trương không in tập thơ riêng. Không phải vì tôi nghĩ rằng tôi ghê gớm gì, nhưng chính anh cũng biết rồi, làng thơ những năm gần đây lạm phát quá, thành ra thơ như bị rẻ rúng.  Người đọc dường như cũng hờ hững với thơ. Tôi cứ nghĩ thế này, mình đã bao nhiêu năm phấn đấu cho thơ, nếu tập thơ của mình in ra cũng rơi vào số phận của những tập thơ khác thì buồn quá. Tôi từng chứng kiến cảnh trong những hiệu sách, các tập thơ được sử dụng làm kệ để kê các CD ca nhạc! Không phải nhìn thấy cảnh đó thì hơn!

PV: Anh còn nhớ bài thơ đầu tiên anh được đăng báo là khi nào không?

NT THB: Năm 19 tuổi. Trên Báo Văn nghệ. Ngày đó được đăng một bài trên báo Văn nghệ là cực kỳ khó.

PV: Tôi nhớ là tôi đã phải gửi tới cả trăm bài thơ về Báo Văn nghệ mới được đăng bài đầu tiên. Cũng vào năm 19 tuổi như anh.

NT THB: Thời chúng ta đều thế cả. Hiện nay, các bạn trẻ có quá nhiều cơ hội để công bố những gì mình viết. Nào báo in, báo mạng, rồi phát thanh, truyền hình... Hàng trăm cơ hội khác nhau. Ngày xưa, khi chúng ta còn trẻ, chúng ta chỉ có 1-2 cơ hội thôi. Tôi nhớ, lúc tôi còn trẻ, tôi đến Báo Văn nghệ, gặp một nhà thơ rất nổi tiếng làm biên tập. Ông đọc thơ tôi xong rồi bảo, thôi, bây giờ cậu mang thơ đi báo khác đi, tờ này đất nó chật lắm, bởi vì tính riêng in thơ hội viên thôi thì mỗi một năm mỗi ông chỉ được có một bài rưỡi. Mình khi ấy rõ ràng là lính mới tò te, là tân binh, nghe nói thế thì buồn lắm, một mặt mình hiểu rằng thơ mình "dở hơi" rồi nên chưa đăng được, nhưng mặt khác, cũng không tránh khỏi cái cảm giác ngậm ngùi ngán ngẩm... Nhưng khó thế nên khi được đăng bài đầu tiên trên Báo Văn nghệ thì mình có cảm giác như đã được đóng dấu chất lượng đỏ rồi.

PV: Ngày xưa, tất cả những người yêu văn học ở Việt Nam đều đọc Báo Văn nghệ...

NT THB:  Đúng thế!

PV: Tiếc là ngày nay không còn cảnh đó nữa!

NT THB: Tôi nhớ, ngày xưa, khi Báo Văn nghệ in một trang thơ của anh Nguyễn Duy thì tất cả đều xôn xao lên. Rồi trang thơ của anh Phạm Tiến Duật cũng thế... Toàn ở tầm cỡ sự kiện, cả nước đọc!

PV: Còn bây giờ thì có thơ đăng ở đâu cũng như đá ném ao bèo...

NT THB: Đấy, cho nên trong tham luận mới đây ở hội thảo "Phá thế độc quyền văn nghệ trên báo in", tôi có nói tới cái ý này: những tờ báo đã có uy tín rồi thì phải giữ thương hiệu của mình!

PV: Giữ thương hiệu là điều khó khăn nhất!

NT THB: Khó khăn! Ông ngủ yên trên thương hiệu là ông "chết", trong kinh doanh là vậy. Trong làng báo cũng thế thôi. Thương hiệu nó có vai trò to lớn lắm. Tôi đọc ở đâu đó chuyện ngày xưa ở miền Nam có một nhà thơ đã lừng danh lắm rồi nhưng chỉ khi được đăng một bài trong số hàng trăm bài gửi tới Nam Phong tạp chí thì mới tự tin về tư cách thi sĩ của mình!

Tình cờ thơ hay

PV: Anh còn nhớ mình đã viết "Thêm một" trong hoàn cảnh nào không? Một may mắn giời cho?

NT THB: Đúng thế, "giời cho". Hồi đó, đang dạy ở Đại học Sư phạm. Có một buổi sáng mùa thu, hết giờ dạy ra về, nhẹ nhàng thảnh thơi lắm, thì tự nhiên một chiếc lá vàng rơi xuống chạm đúng vào đầu mình. Tôi ngẩng lên nhìn và thấy trên cao vòm cây xà cừ xao xác. Tự dưng, từ đường tơ kẽ tóc của mình cũng cảm nhận được sự chuyển đổi của thời tiết, cái thời khắc giao mùa... Thế là trong đầu vang lên câu thơ đầu tiên: "Thêm một chiếc lá rụng, Thế là thành mùa thu...". Dọc đường đi, trong khoảng 15 phút gì đó, câu chữ cứ nối nhau xuất hiện thành bài... Làm xong rồi, tôi vẫn chưa tin rằng bài thơ sẽ được mọi người thích vì tôi cho rằng nó cũng bình thường thôi. Đến một đêm thơ nào đó của sinh viên, tôi đọc bài thơ này và thấy mọi người vỗ tay ghê quá. Lúc đó tôi mới nghĩ, hóa ra bài thơ này cũng hay! Rồi mọi người khuyến khích tôi gửi đi đăng báo...

PV: Tờ báo nào đăng bài thơ này đầu tiên?

NT THB: Trên tờ "Người Hà Nội"!

PV: Tờ "Người Hà Nội" ngày xưa không như bây giờ...

NT THB: Tôi nhớ, hồi đó biên tập thơ là anh Tô Hà...

PV: Anh Tô Hà là người rất mê thơ, rất có trách nhiệm với thơ. Hình như chính anh ấy đã có sáng kiến làm tập "Những câu thơ trong trí nhớ", tuyển chọn các câu thơ mà anh ấy cho là hay.

NT THB: Anh Tô Hà hay chăm chút các tác giả trẻ lắm. Anh ấy có công lớn trong việc cắt bớt hai câu thơ cuối của "Thêm một" và nhờ thế, cái kết của bài thơ trở nên mênh mang hơn. Lúc đầu khi bị cắt bớt thơ, mình cũng "cú" lắm nhưng rồi nghĩ kỹ, mới thấy anh Tô Hà cắt thế là rất đúng.--PageBreak--

PV: Tôi cũng rất biết ơn anh Tô Hà vì anh ấy đã... không đăng thơ tôi.

NT THB: ?

PV: Đúng là như vậy. Hồi đó, tôi mới đi học ở Liên Xô về, mang một tập thơ sáng tác dày cộp tới "Người Hà Nội". Anh Tô Hà nhận và hẹn vài ngày sau trở lại. Khi tôi tới lại, anh ấy tiếp đón niềm nở lắm và dành gần hết buổi sáng để phân tích một số bài thơ của tôi mà anh ấy cho là khá nhất tập, nói nhiều lắm và kết luận một câu xanh rờn rằng, thơ viết thế này thì chưa đăng được đâu! Lúc đó, tôi cũng buồn lắm, lẳng lặng nhận bản thảo và về... Sau này, khi trưởng thành hơn, tôi mới hiểu rằng, anh Tô Hà đã nói rất đúng về một số bài thơ đầu tay của tôi - đó là những bài thơ chưa đạt chất lượng để công bố. Không có sự nghiêm khắc như của anh Tô Hà, có lẽ tôi đã chủ quan và tự mãn... Tôi biết, gần đây, có một số bạn văn chương hồi tưởng lại anh Tô Hà ở góc độ này hay góc độ khác. Có thể đấy cũng là sự thật nhưng có lẽ chỉ là một phần sự thật thôi. Tựu trung lại, anh Tô Hà là một người tốt và nghiêm túc trong nghề, ít ra thì tôi có cảm nhận như thế về anh ấy. Anh Tô Hà đã mất, có lẽ không nên chỉ nhớ những gì từng là không nên không phải...

NT THB: Đúng rồi. Anh Tô Hà là một người biên tập giỏi. Vì thế trang thơ của "Người Hà Nội" hồi đó rất có uy tín.

PV: Tôi từng viết những câu thơ sau: "Tôi xin cảm ơn các bà dì ghẻ đời tôi...". Tôi nghĩ, trong đời gặp một vài bà dì ghẻ cũng hay lắm chứ, cô Tấm phải "cảm ơn" bà dì ghẻ vì không có bà chắc gì cô đã được làm hoàng hậu và lưu danh thiên sử (cười)...

NT THB: Tôi chợt nhớ ra ý này, có lẽ chúng ta cần phải cảm ơn cả hai phái, cả những người từng nghiệt ngã với chúng ta lẫn những người từng gia ân cho chúng ta. Bố tôi là người thầy rất nghiệt ngã của tôi, "cụ" rèn tôi ghê gớm lắm. Nhưng cũng chính vì thế mà tôi mới được trưởng thành. Nói thật, tôi rất buồn vì hiện giờ ít những người thầy như thế.

PV: Thầy giáo bây giờ dễ tính quá ư?

NT THB: Hoặc dễ tính quá, cho qua hết mọi chuyện, hoặc nghiệt ngã quá, không quan tâm tới những góc khuất của học trò.... Tôi xin tiết lộ chuyện này: hồi thi vào đại học, môn văn, bài thi của tôi đã được cho những 10,5 điểm. Vì sao? Đơn giản là nội dung tôi làm theo đề bài rất ngắn gọn, chỉ khoảng hai trang thôi, phần còn lại tôi viết: "Em xin phép nhận xét về đề bài" và tôi phân tích những cái mà tôi thấy là không hay trong đề bài... Lúc đó, tôi chỉ là thằng học trò tỉnh lẻ trên Sơn Tây...  Phải nói rằng các thầy hồi đó rất trung thực, đọc bài thi "phê" cả đề bài như thế nhưng vẫn không ghét mà lại cho điểm vượt khung. Tôi đỗ đại học khối C với 28,5 là cũng "oách" đấy chứ... Rồi bao nhiêu năm trôi qua, năm ngoái, tôi đang ngồi tiếp mấy nhà báo trẻ ở nhà, bỗng chuông điện thoại réo lên. Tôi nhấc máy: "Alô, Trần Hoà Bình phải không?" - "Dạ, vâng ạ! bác hỏi gì ạ?". Đầu dây bên kia: "Tôi là Dung đây, Hoàng Dung đây!". Thì ra, đó là Giáo sư Hoàng Dung. Ông thầy khả kính vẫn theo dõi công việc thằng học trò bé xíu là Trần Hòa Bình. Thầy bảo, tôi vẫn hay đọc cái mục "Tầm Thư" của anh, anh còn giữ bản thảo không, tôi có một học trò ở NXB Phụ nữ, nếu anh muốn anh có thể mang tới để in thành sách, tôi đã nói để cô ấy đồng ý rồi...

Và chuyện tiếp theo: thầy Hoàng Dung ở tuổi ngấp nghé 90 cho tới hôm nay vẫn giữ bài thi vào đại học được 10,5 điểm của tôi và muốn tặng lại tôi làm quà! Thầy bảo, hôm rồi thầy dọn lại tư liệu để tặng cho Đại học Sư phạm, tình cờ tìm thấy bài thi đó nên muốn trao cho tôi... Nói thật, nghe vậy mà tôi cứ muốn rớt nước mắt. Các thầy đối xử với trò như thế thì thực là đáng kính trọng và cảm động! Tự dưng mình cảm thấy có lỗi với ông nhiều quá, mình đâu có đến thăm được thầy mà thầy vẫn nhớ tới mình, vẫn nhớ tới thằng học trò dám cả gan phê phán đề thi mà các thầy đã ra! Liệu bây giờ có bao nhiêu người thầy như thế nữa? Tôi tin là ít lắm!

Dao sắc không gọt được chuôi

PV: Anh từ nhiều năm nay phụ trách mục gỡ rối tơ lòng với bút danh Tầm Thư. Anh có cho rằng anh hiểu hết mọi góc độ của đời sống tình cảm con người không?

NT THB: Tôi nghĩ là khó ai có thể nói thế. Như đi vào rừng rậm, làm việc này càng lâu càng thấy nó mênh mông và rối lẫn.

PV:  Biết nhiều quá hoá hoang mang?

NT THB: Có lẽ thế.

PV: Anh có nghĩ rằng, chính cái việc "Tầm Thư" của anh làm cho đời tư của anh không được suôn sẻ như cái lẽ đời phải như thế?

NT THB: Hoàn toàn đúng!

PV: Anh có nghĩ rằng là sự trả giá cho nghề nghiệp không?

NT THB: Các cụ đã có câu: Dao sắc thì không gọt được chuôi... Tôi nghĩ, đó là số phận!

.
.