Ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tuần Châu, Phó Chủ tịch thường trực Hội cựu chiến binh Đoàn tầu Không số Việt Nam:

Phải biết dừng lại…

Thứ Bảy, 25/04/2009, 16:35
Ông Đào Hồng Tuyển tâm sự: "Lúc ấy tôi mới biết nước mắt nó chảy vào trong nó cay đắng đến mức nào, nó đau đớn đến mức nào. Và ngay lập tức mình nghĩ rằng, nguyên nhân tại sao mình phải sống như thế này? Hà cớ gì? Vì nghèo! Vì nghèo thôi, vì nghèo mà phải như thế này. Cũng chính đêm đó là đêm đưa mình vào đời, mình quyết định mình phải làm giàu..."

Phóng viên (PV): Tôi nhớ trong một bài báo viết về bà vợ cũ Cécilia của Tổng thống Pháp Nicolas Sarcozy có câu: Xung quanh một nhân vật nổi tiếng bao giờ cũng có những huyền thoại, những đồn đại lắm lúc chẳng có chút gì là sự thật cả. Ông cũng là một nhân vật nổi tiếng trong làng doanh nhân Việt và có lẽ chỉ có những ai cực kỳ dửng dưng với thời sự mới chưa từng nghe một hai ba bốn chuyện gì đó thiên hạ đồn đại về ông. Điều đó là tất nhiên, không có những đồn đại về một người như Đào Hồng Tuyển mới là chuyện lạ. Và có lẽ bây giờ ông cũng đã quen với tất cả những sự mà thiên hạ đồn thổi về ông… Xin hỏi thật, đã có khi nào ông cảm thấy ngạc nhiên khi nghe thấy ai đó kể chuyện về mình và tự nhủ thầm, à, hóa ra có chuyện thế đã liên quan tới mình à?!

Ông Đào Hồng Tuyển (TGĐ ĐHT): Nhiều chứ, nhiều lắm, rất nhiều! Câu của Hồng Thanh Quang nói phải nói rất là hay. Thực ra thì trước đây mình không thể ngờ được rằng sẽ có một ngày một người lính như mình sẽ làm được một số công việc rồi lại trở thành trung tâm của những lời đồn đại trong xã hội đâu. Mình xuất thân là một người lính rất là chân chất, một người lính mà khi vừa cởi áo lính ra thì điều nghĩ đến trước tiên chỉ là làm sao có một công ăn việc làm tùng tiệm thôi. Thời ấy, mình đã phải đi chăn heo này, dọn chuồng heo này…

PV: Nhiều người lính bước ra khỏi chiến tranh cũng đã phải trải qua những việc như ông...

Ông ĐHT: Mình đã từng phải ngủ ở trên vỉa hè, ngủ trong công viên, ngủ ở ngoài thềm ngôi nhà mà giờ chính mình đang ở. Các bạn biết không, mình đang ở trong chính ngôi nhà mà  ngày xưa mình từng phải tá túc dưới mái hiên của nó khi trời mưa...

PV: Và sau này, khi thành đạt, ông đã quyết định mua lại ngôi nhà ấy để như một sự nhắc nhở về thuở hàn vi?

Ông ĐHT (gật đầu): Ở Sài Gòn có hai mùa là mùa mưa và mùa khô. Lúc trời không mưa là mình ngủ ở công viên. Cái ba lô kéo trễ xuống vai, khoác vào để làm gối gối đầu trên ghế đá...

PV: Đó là vào những năm 79-80?

Ông ĐHT: Không, những năm 80-81. Sau khi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã kết thúc, mình với tư cách là một chiến sỹ của Đoàn tàu Không số tiếp tục tham gia quân tình nguyện trên chiến trường K. Đánh nhau với bọn Pôn Pốt ở Campuchia, suýt chết mấy lần. Và cũng từ đó mình mắc bệnh đau đường ruột vì sau khi giải phóng Campuchia xong, trách nhiệm bọn mình là phải tiếp tục vận chuyển xác tử sĩ về nước bằng tàu biển. Thực hiện nhiệm vụ đó, có giai đoạn bọn mình hàng tháng trời gần như chỉ sống bằng rượu...

PV: Không uống rượu thì đúng là không thể chịu nổi...

Ông ĐHT: Đúng thế, vận chuyển thi hài liệt sĩ trong cái nóng khủng khiếp trên tàu biển, đó không phải là một công việc nhẹ nhàng. Mình cũng đã uống rượu nhiều nên sau đó mắc bệnh đường ruột và bao tử. Và về nước, mình nhận được quyết định chuyển ngành. Và mình được nhận một ít tiền trợ cấp để đi xin việc làm.

Khi đó, mình quyết định ở lại Sài Gòn chứ không quay trở lại miền Bắc nữa, vì ngay khi đó mình đã nhận thấy rằng, chính miền Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng mới là cái đất để trong thời điểm bấy giờ, giai đoạn bấy giờ cho ta có cơ hội, có điều kiện, có môi trường tốt hơn để ta có thể thực hiện được những ước mơ của mình.

Lúc đó cái ba lô là tài sản duy nhất. Mình nghĩ rằng, nếu có trộm thì nó phải cướp của mình cái ba lô. Nhưng mình đã lầm, dưới chân mình khi đó còn một đôi dép nhựa Tiền Phong trắng ngần. Thế hệ trẻ bây giờ không biết, chứ ngày xưa mà có một đôi dép Tiền Phong trắng thì nó là “báu vật” đấy!

PV: Nó được coi là "xịn" hơn bất cứ đôi giày Italia chính hiệu nào bây giờ.

Ông ĐHT: Như hàng hiệu bây giờ! Nhưng một hôm tỉnh giấc giữa khuya đã bị mất nó rồi, trộm nó tháo mất khỏi chân vì nó không thể lấy được cái ba lô mà mình gối dưới đầu. Thế là phải đi chân đất trên vỉa hè chói chang ánh điện của Sài Gòn. Lúc đấy mùa mưa. Khi cơn mưa ập đến, mình phải chạy vào hiên ngôi nhà ngay cạnh công viên để trú mưa. Thì lúc đó mình cũng là bụi đời luôn, nhưng chỉ khác một chỗ: bụi đời là ăn cắp, ăn trộm, ăn xin, ăn mày về thì bắt đầu nhậu nhẹt, đánh bài; còn mình chỉ cần một chút ánh sáng le lói qua cửa sắt của gia đình ấy để đọc sách. Cũng bụi đời, nhưng chỉ có điều là hai hình ảnh khác nhau.

PV: Hồi ấy ông đọc sách gì?

Ông ĐHT: Tôi đọc nhiều sách.

PV: Ví dụ?

Ông ĐHT: Ví dụ như là sách về quản lý kinh tế mà chế độ Việt Nam Cộng hòa cũ để lại, sách về khoa học kỹ thuật, rất nhiều...

PV: Ông lấy sách ở đâu?

Ông ĐHT: Lúc đấy những loại sách như thế bày bán ở Sài Gòn nhiều lắm.

PV: Ở trong sạp?

Ông ĐHT: Không, bày bán ngoài vỉa hè. Và cũng khi đó mình đã bắt đầu bập bõm, tập tành làm kinh tế... Và có một hôm, đang đọc sách ngoài hiên, ngước đầu lên mình nhìn thấy trong nhà đó có một cô chủ rất là xinh đẹp...

PV: Tuổi độ…

Ông ĐHT: Chắc ngoài 20... Và đương nhiên lúc đó mình cũng có cái thổn thức của một người lính và mình cũng ước mong, mình thề với cuộc đời là khi nào đó tôi thành công trong cuộc sống, tôi sẽ tìm mọi cách có thể có được để, một là cám ơn gia đình này, hai là nếu có thể sẽ mua lại căn nhà này để làm kỷ niệm. Và rất may mắn cho mình là sau khi mình có một chút thành công, tuy không đủ tiền nhưng mình đã rất mạnh dạn đến đặt vấn đề mua lại căn nhà để làm ký ức...

PV: Gìn giữ một ký ức... Đó là năm bao nhiêu?

Ông ĐHT: Năm 84.

PV: Tức là sau vài ba năm phục viên, đọc sách và sống giữa xung quanh là những kẻ bụi đời...

Ông ĐHT: Ngày xưa có một phong trào là viên chức khi hết giờ làm việc thì các thầy trò người mang đồ nhậu, kẻ mang rượu bia đến góp với nhau, trải chiếu trong nhà để nhậu. Có dạo mình phải làm chân phục vụ cho một chú như thế. Lúc đấy mình còn trẻ lắm, mới hơn 20 tuổi thôi. Một hôm, trong một bữa nhậu, thì chú chủ nhà và bạn bè đua nhau thầy trò chén chú chén anh. Lúc họ đã say xỉn rồi, thì bạn chú chủ nhà gọi: Ê, thằng nhỏ (thằng nhỏ là tôi!), vô đây bảo.  Và ông đưa cái ly bia cho mình. Lúc đấy mình nhìn vào cái ly bia thì các bạn biết không, nó lợn gợn ở phía dưới đáy là những vụn thức ăn mà họ đã quá đà, họ ợ ra. Nhưng mình nghĩ rất nhanh, nếu không uống mà trái ý thì người ta không cho công ăn việc làm tiếp nữa và nếu người ta không giúp đỡ công ăn việc làm thì mình sẽ ra sao đây!

PV: Chữ "nhẫn" của ông cũng "oách" đấy!

Ông ĐHT: Bắt buộc mình phải uống và tôi nâng tôi uống luôn, mặc dù lúc ấy tôi chỉ là người chạy vòng ngoài, chạy phục vụ thôi. Cuộc đời nó là thế đấy. Vào đời của bọn mình nó khổ như thế đấy. Và sau khi uống xong thì chạy ra đằng sau vào nhà vệ sinh móc họng ra ói. Bởi vì ở miền Nam bấy giờ là uống mới tin mà, uống rồi thì nói mới tin, không uống thì nói không tin.

PV: Lời say thường nói thật…

Ông ĐHT: Mình không uống là người ta không tin mình, mà không tin mình khi mình đang cần công ăn việc làm thì rất gay. Giữa cái đất Sài Gòn không một bóng người quen này, cha mẹ ở phía Bắc, gia đình ở phía Bắc hết, một chút phụ cấp làm sao dám có tiền vào phòng trọ mà ở, đành ngủ vỉa hè, công viên, lang thang đi kiếm việc làm thôi. Nó là như thế đấy!.. Và tất cả những điều ấy, những nhân vật, những nhân chứng sống ấy bây giờ vẫn còn nguyên. Thậm chí có rất nhiều người cùng thời ấy với tôi bây giờ đang làm việc trong tập đoàn này của tôi. Những ai thành đạt thì thôi, còn những ai không thành đạt thì tôi mời về làm việc...

PV: Tức là những người mà ông đã từng làm thuê cho họ, bây giờ ông mời lại về làm việc với ông?

Ông ĐHT: Đúng thế. Mình kể một mẩu chuyện tại sao tôi quyết định tôi phải làm kinh tế, phải làm giàu. Đêm hôm ấy, dọn dẹp xong hết rồi, lau chùi xong hết rồi thì tôi đi về, người chủ nhà cũng đã say xỉn rồi. Trước khi về, tôi nói là, thưa chú, ngày mai cháu mời chú ăn sáng. Lúc đó, chú ấy cũng xỉn xỉn rồi, chú ấy kêu, ờ. Câu ờ ấy và đằng sau lưng tôi để lại là một tiếng cửa sắt rất là khô khốc mà nếu không rút chân ra nhanh…

PV: Có khi nó lại đụng vào chân mình...

Ông ĐHT: Mình bị đụng vào mất một chân vì mới kịp một chân bước ra. Và tôi đi bộ theo đường Nguyễn Du, lúc ấy tôi ngủ nhờ trong một gara xe của sĩ quan hải quân trên đường Lê Thánh Tôn...

PV: Tôi biết khu vực ấy rồi...

Ông ĐHT: Lúc đi ngang qua đường, chỗ có nhiều cửa hàng ăn, thì nói thật, bây giờ cái mùi nó không có ý nghĩa gì nữa đâu, nhưng ngày ấy, Hồng Thanh Quang biết không, cách xa hàng trăm mét mình vẫn ngửi thấy mùi thơm sực nức của hành, của thịt bò, của tỏi. Mình đã phải đấu tranh tư tưởng rất ghê, là có ăn một tô phở hay không vì bụng đang rất đói. Khi đó trong túi cũng có tiền, nhưng mình lại nhớ rằng mình đã hẹn người giúp mình công ăn việc làm ấy là sáng mai sẽ mời ăn sáng. Nếu mai mình mời ăn sáng mà người ta lại mời thêm bạn bè nữa, không đủ tiền trả thì làm sao đây, trong khi Sài Gòn thì không một bóng người quen. Và vì thế, mình quyết định không ăn tô phở ấy nữa. Mà cái tuổi 20 nó đói kinh khủng Quang ơi.

PV: Tôi hiểu.

Ông ĐHT: Mà cái đói nó sẽ đi cả với cái rét nữa cơ. Thế rồi lững thững đi bộ về cái gara mà mình ở nhờ. Khi mình về đến nơi thì trong nhà anh chị chủ nhà đã tắt đèn hết rồi, ngày xưa Sài Gòn chỉ 9-10h đêm là không còn bóng người. Mình bấm chuông, thì chị chủ nhà ra mở cửa; chị nói rằng em ăn cơm chưa, chị có để phần cơm cho em... Tôi cũng nghĩ rất nhanh, nếu tôi ăn cơm là đèn phải bật, chén, đũa, bát nó khua vào nhau làm gia đình thức giấc, người ta không vui và người ta không thích mình nữa, người ta không cho mình ở nữa thì mình ở đâu. Tôi đáp rất nhanh là, em cảm ơn, em ăn rồi.

Nhưng Quang biết đấy, tuổi 20 làm sao mà nhịn được, tuổi ăn tuổi ngủ mà. Tôi vào gara chỉ có ba lô và mảnh chiếu, tôi ngồi tôi khóc. Tôi nói cho Quang nghe, tôi khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc, nhưng có một điều rất lạ là khi tôi đưa tay lên không có một giọt nước mắt. Tôi vẫn còn nhớ được như vậy. Lúc ấy tôi mới biết nước mắt nó chảy vào trong nó cay đắng đến mức nào, nó đau đớn đến mức nào.

Và ngay lập tức mình nghĩ rằng, nguyên nhân tại sao mình phải sống như thế này? Hà cớ gì? Vì nghèo! Vì nghèo thôi, vì nghèo mà phải như thế này. Cũng chính đêm đó là đêm đưa mình vào đời, mình quyết định mình phải làm giàu, nếu không thì hèn quá, khổ quá, thậm chí nếu cần tiền để mua sách đọc cũng không có, đấy chính là cái đêm đưa tôi vào đời.--PageBreak--

PV: Tạo ra bước ngoặt cuộc đời...

Ông ĐHT: Bước ngoặt cuộc đời đấy. Và tôi cũng thấu hiểu một cách sâu sắc là nước mắt của người đàn ông khi chảy vào trong nó như thế nào. Và tôi quyết định, phải làm giàu, và càng giàu càng tốt. Bởi vì thế này, vì có giàu được mình mới tự lo được cho mình, những người thân mình, sau đó mới giúp được cho người khác và nếu mở rộng ra là cho cuộc đời. Đấy chính là bước ngoặt cuộc đời tôi và tôi quyết định tôi phải làm giàu.

PV: Và sáng hôm sau trở dậy ông vẫn quyết định mời ông chú ấy đi ăn sáng.

Ông ĐHT: Vâng, và vẫn đi ăn sáng, và mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Rồi một thời gian sau tôi có công ăn việc làm.

PV: Là cái gì?

Ông ĐHT: Lúc ấy tôi trở về làm sĩ quan của một con tàu.

PV: Quân đội nhận ông trở lại à?

Ông ĐHT: Không, sĩ quan trên một con tàu của một cơ quan dân sự, phục vụ cho những tàu nước ngoài. Thực sự những đồng tiền đầu tiên kiếm được là những đồng tiền do xách đồ buôn cho những anh em đi tàu viễn dương, đó là những tivi trắng đen, những máy cátsét mà anh em mang về từ Nhật, rồi những gói thuốc...

PV: Theo những gì tôi biết, đó là cách làm ăn của không ít người làm việc trong ngành vận chuyển đường biển khi ấy...

Ông ĐHT: Tôi không có vốn đành xách thuê, đi bán thuê hàng hóa cho các thủy thủ tàu viễn dương để kiếm từng đồng cắc và gom góp lại.

PV: Sau đó khi có một món tiền nhất định rồi thì bắt đầu ông làm việc gì gọi là cơ nghiệp chính thống?

Ông ĐHT: Thời gian trôi qua rất nhanh. Khi tôi có một chút tiền rồi thì quyết định ngay đầu tiên của tôi là lọc ra danh sách những người làm khoa học và kỹ thuật do chế độ cũ đào tạo và quy tụ họ lại bằng đồng vốn liếng ít ỏi của tôi, cùng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trên các nhà xưởng bỏ hoang với sắt thép phế liệu sau chiến tranh.

Và sau đó tôi xây được 34 nhà máy, xí nghiệp, trong lĩnh vực nước giải khát là chính. Lúc ấy tôi đã chiếm được 80% thị phần nước giải khát ở phía Nam. Sau này tôi có mở rộng ra miền Bắc… Bây giờ  trên thị trường nó vẫn còn những sản phẩm của tôi, như nước khoáng Đảnh Thạnh chẳng hạn. Hoặc trong lĩnh vực phân bón có công nghệ của tôi, đó là Nhà máy phân bón Bình Điền 2, bây giờ vẫn còn…

Đấy là cái giai đoạn mà trong một khoảnh khắc thời gian rất ngắn có thể biến tri thức thành tiền. Lúc đấy mình đã biết kinh doanh trí tuệ. Rất trẻ mà mình đã biết tập trung các nhà trí thức, mình thấy được cái quý giá của họ, cái vốn liếng lớn của họ, và nói hoa mỹ gọi là mình đã biết kinh doanh tri thức và biết tận dụng tất cả những năng lực thừa của xã hội để tạo nguồn lực cho mình, tạo năng lực cho mình.

Những năng lực thừa của xã hội: sắt thép phế loại sau chiến tranh chất đầy như núi, nhà xưởng bỏ không, đội ngũ trí thức được đào tạo mà người ta không sử dụng hay chưa sử dụng. Đấy là một thành công đầu tiên của mình...

Thậm chí trước đó, khi kinh doanh mang hàng cho anh em thủy thủ tàu viễn dương, tôi còn phát hiện một điều nữa: thông qua một catalog mà tôi biết rằng bên Nhật có bán đầu video và tôi là người đầu tiên đã đặt hàng cho anh em mang về. Sau khi tôi kinh doanh, tôi làm dịch vụ hộ cho anh em tàu biển có chút tiền, tôi lại là người quay trở lại đặt hàng cho anh em...

PV: Gọi là nhập khẩu theo đường tiểu ngạch, nói một cách văn hoa như thế.

Ông ĐHT (cười): Mà những mặt hàng ấy thực ra chính anh em ở bên kia về cũng không biết là do tôi nghiên cứu catalog và thị trường. Và sau này tôi còn mở ra một loạt các rạp chiếu phim mini bên cạnh các rạp bằng video ngày xưa. Tôi là người đầu tiên đấy.

PV: Hồi ấy chiếu phim video cũng tạo nên những cơn sốt. Tôi còn nhớ...

Ông ĐHT: Cái đó chính là tố chất...

PV: Trong những năm 80 đã biết nhìn ra được những kẽ hở của xã hội để kinh doanh...

Ông ĐHT: Nhìn thấy dư thừa của xã hội, năng lực của xã hội, biến nó trở thành cơ hội để mình có thể phát triển.

PV: Ngay cả những năm 80 không phải không có những cơ hội phát triển nhưng vấn đề là phải biết nhìn ra. Nếu tư duy mềm dẻo, biết nhìn ra những kẽ hở ấy thì chắc chắn sẽ có thể làm giàu… Và không chỉ ông, người mà thực sự đã là "đại gia", nhiều ông chủ lớn bây giờ cũng đã hành sự bằng cách như thế, nhìn ra những kẽ hở ấy, nhìn ra những cơ hội trong cái người ta tưởng rằng không có cơ hội gì cả. Họ hơn người khác là họ có tư duy mềm dẻo.

Ông ĐHT: Và phải có cái tố chất của một nhà kinh doanh, biết tổng hợp...

PV: Khi ông làm việc với các trí thức của chế độ Sài Gòn cũ để lại thì ông chiêm nghiệm được cái gì? Ông thấy họ như thế nào và cách sử dụng họ nên như thế nào?

Ông ĐHT: Thứ nhất, về mặt tâm lý là tránh nói sai, không đụng đến chính trị...

PV: Không động đến tín điều của nhau...

Ông ĐHT: Không nên động đến vấn đề tôn giáo, không nên động đến những vấn đề nhạy cảm và phải thực sự tôn trọng họ. Còn phải nhìn thấy sự chuyên nghiệp của họ, cái tính thực tiễn của họ... Họ biết mang kiến thức học được từ sách vở áp dụng vào cuộc sống thực tế trong cái môi trường thực tế ấy. Còn đối với chúng ta thì điều đó ngày ấy…

PV: Hơi bị cứng nhắc...

Ông ĐHT: đúng, hơi bị cứng nhắc... Sự đào tạo của phương Tây khác chúng ta nhiều lắm. Và tính làm việc theo tập thể và làm việc theo nhóm của họ rất cao.

PV: Biết phối hợp với nhau...

Ông ĐHT: Biết phối hợp với nhau để nâng cái tri thức lên, nâng cái thiết kế lên, nâng cái giá trị sản phẩm lên.

PV: Những người chuyên nghiệp tới tận cùng biết kết hợp với nhau thì sẽ làm ra những sản phẩm tổng thể tốt nhất.

Ông ĐHT: Bây giờ người ta gọi là biết làm việc theo đội hình nhóm...

PV: Đến năm nào ông cảm thấy ông bắt đầu thực sự có một cơ ngơi và tự bằng lòng với mình?

Ông ĐHT: Lúc đấy mình đã có 34 nhà máy, xí nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát nói chung và phân bón, đó là 2 lĩnh vực lớn nhất. Sau đó mình sang lĩnh vực làm bánh kẹo, làm giấy. Và tốc độ đi lên của mình rất là nhanh.  Rồi tình cờ lãnh đạo Trung ương  Đoàn Thanh niên gặp mình và  mời mình về làm làm Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xuất nhập khẩu Trung ương Đoàn. Và chính lãnh đạo Trung ương Đoàn cho mình ra nước ngoài học, đi nghiên cứu, sang Singapore, sang Australia. Sau đó mình cũng có bỏ thêm tiền ra nữa để đi học thêm.

PV: Tự bỏ tiền ra vì biết mình sẽ cần đến kiến thức?

Ông ĐHT: Cần kiến thức! Thời điểm đó mình là một trong những người rất hiếm hoi ra nước ngoài để trau dồi thêm kiến thức kinh doanh. Trước khi chuyển sang làm ở Tổng công ty Xuất nhập khẩu Trung ương Đoàn, mình đã làm ở siêu thị Sài Gòn, siêu thị đầu tiên ở Việt Nam, đầu tư vào xây dựng máy móc.

PV: Đó là vào năm bao nhiêu?

Ông ĐHT: Mình nhớ là năm 87-88. Siêu thị đầu tiên ở Việt Nam, mình xây dựng nó cùng anh Trần Tấn Đạo, Giám đốc của Công ty dịch vụ Tổng hợp thành phố, cùng anh Ba Đức (chồng chị Bạch Tuyết). Mình trở thành Phó Trưởng phòng Kinh doanh của siêu thị đó, rồi sau đó mới sang làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Trung ương Đoàn. Sau đó mình sang làm Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ xuất nhập khẩu khoa học của Viện Khoa học Việt Nam, bây giờ gọi là Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia, rồi sang làm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam...

Thực ra chưa bao giờ mình nghĩ sự nghiệp của mình đã đủ, hay nói theo cách Hồng Thanh Quang vừa nói, chưa bao giờ mình tự bằng lòng với mình cả… Khi cơ chế kinh tế của đất nước mở ra thì mình xin nghỉ không làm giám đốc nhà nước, - lúc đó mình đang làm giám đốc trung tâm của một đơn vị của Viện Khoa học Việt Nam nhưng mình xin ra làm Giám đốc không hưởng lương, tức là vẫn là người nhà nước nhưng không hưởng lương.

Và mình ra ngoài, mình quyết định phải làm theo cái ý nguyện của mình. Lúc ấy mình mở công ty tiếp tục sản xuất trong lĩnh vực giải khát, bánh kẹo, sản xuất giấy. Ngày ấy mà có 34 nhà máy, xí nghiệp là rất lớn rồi. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, hồi ấy mình xuất khẩu chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ, nhập khẩu vật tư y tế. Rồi trong lúc đang phát triển mạnh mẽ ở phía Nam, thì lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh lại gặp mình...--PageBreak--

PV: Hồi ấy là năm bao nhiêu?

Ông  ĐHT: Năm 97. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khi đó có mời mình ra làm tư vấn.

PV: Hồi ấy tỉnh cũng muốn phát triển hơn theo cung cách làm việc mới....

Ông ĐHT: Trong khi đi khảo sát ở Quảng Ninh thì tự nhiên các anh lãnh đạo tỉnh gợi ý cho mình đầu tư vào đảo Tuần Châu. Và bây giờ như các bạn biết nó đã thành dự án như vậy. Còn khi đó, Tuần Châu có 1.200 dân và cũng là mảnh đất nghèo nhất nước, người dân ở đó so với ngày ấy là nghèo nhất nước.

PV: Sống chủ yếu bằng nghề chài lưới...

Ông ĐHT: Bằng nghề chài lưới và trồng trọt trong một phạm vi rất nhỏ... Khi đến Tuần Châu khảo sát nó thì mình có biết được chuyện, năm 1959, tức là cách đây 50 năm, Bác Hồ đến thăm và Bác có nói câu nôm na rằng Bác mong muốn Tuần Châu sớm thành Ngọc Châu. Ngày ấy Bác đã tiên đoán như vậy. Cái vui là thực sự mình đã bỏ ra rất nhiều công sức và tâm huyết để thực hiện điều này.

Bạn biết không mình đã có 6 tháng ngủ trên ô tô. Ô tô vừa là phương tiện đi lại, vừa là giường ngủ, nơi nghỉ của mình, lúc đó ở quanh đó hoàn toàn không có điện nước. Nơi đặt văn phòng còn hoang vu lắm và cứ đường mở đến đâu thì xe đậu ở đó, mình trực tiếp chỉ huy công trường. Trong 6 năm trời chỉ cái quần xà lỏn, cái nón lá che nắng che mưa, cái bánh mì và chai nước suối.

PV: Có chai rượu không?

Ông ĐHT: Không có, lúc đó mình không uống rượu. Mình không uống bia. Rượu, bia và thuốc lá là về sau mình mới dùng đến... Phải nói là mình đã có cái kỷ lục ngủ trên ô tô 6 tháng, bởi vì khi ấy khu ấy hoang vu, bên này là rừng núi, bên kia là biển. Khi mình quyết định triển khai dự án Tuần Châu, có người bảo mình là điên là khùng đấy. Thậm chí có người còn nói rằng, trong giới của mình người ta còn cho mình là tâm thần, nhất là thời kỳ đó là thời kỳ khủng hoảng tài chính khu vực. Nhưng chính nhờ cái quyết tâm ấy mà Tuần Châu đã thành cái đang có ngày hôm nay. Và mình vẫn lấy cái văn hóa, đầu tư cái văn hóa để thổi hồn vào mảnh đất ấy.

PV: Và thực sự Tuần Châu bây giờ là một địa danh du lịch sáng giá.

Ông ĐHT: Gần đây nhất, mới đầu tháng 4 này, mình có khánh thành bến du thuyền đầu tiên và rất lớn ở Việt Nam, mình làm trong 4 năm

PV: Và ông hy vọng sau này sẽ có những du thuyền nổi tiếng đến đấy.

Ông ĐHT: Những du thuyền rất đẹp trên thế giới sẽ cập vào đó, đấy chính là ước vọng của mình để nó tôn cái vịnh Hạ Long lên. Và mình nối tuyến Cát Bà với Tuần Châu... Thực ra cuộc đời của mình, hôm rồi mình có nói chuyện với một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng rằng, anh ạ, sứ mệnh xây dựng đảo Tuần Châu của em đã cơ bản hoàn thành, em muốn dâng hiến tặng lại cho Đảng, cho nhân dân. Đồng chí ấy nói ngay, các cậu phải giữ, các cậu quản lý và các cậu giải quyết công ăn việc làm và đóng thuế. Đấy là nguyên văn lời đồng chí ấy nói. Thực ra đến giờ phút này, mình vẫn đang làm tất cả những điều gì đó muốn để lại cho đời.

PV: Cá nhân mình thì đâu có cần nhiều...

Ông ĐHT: Chứ còn cuộc sống chúng ta thì đâu có cần… Nó là cái lực đẩy những hoài bão ước mơ thành tham vọng, và tham vọng chân chính là không xấu.

PV: Tham vọng chân chính nó đồng nghĩa với khát vọng đấy.

Ông ĐHT: Phải, khát vọng đấy. Và nếu…

PV: Không có khát vọng như thế, không có tham vọng chân chính như thế thì làm sao có những sự nghiệp lớn. "Ước mơ con đè nát cuộc đời con" (thơ Chế Lan Viên - HTQ) thì làm sao có những công trình như vậy.

Ông ĐHT: Nếu không có những khát vọng, ước mơ thì cuộc sống thực là nhàm chán.

PV: Tôi hiểu rồi. Bây giờ tôi muốn hỏi ông điều này. Thực ra cơ chế thời bao cấp, chuyển đổi bao cấp sang cơ chế mới dần dần để thành công thì phải ứng xử rất khéo với tất cả những lề luật, định kiến của thời ấy thì may ra mới thành công được. Tôi không biết cụ thể, nhưng ông chắc chắn là một người rất khéo léo và khôn ngoan trong việc ứng xử ấy, vậy ông có đúc kết được kinh nghiệm gì không?

Làm sao trong một cơ chế rất bó buộc như thế chúng ta vẫn làm được việc của chúng ta mà chúng ta không bước qua cái ranh giới của luật pháp, của những điều luật rất là tương đối mà thực chất đôi khi rất bó buộc mà không hẳn đã là hợp lý nhưng vẫn là lề luật. Ông đã có bí quyết gì để tránh được tất cả những điều ấy?

Ông ĐHT: Phải nói thế này. Đầu tiên phải có ý tưởng đẹp. Ý tưởng ấy đẹp, nó đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

PV: Bản thân tôi đã biết không ít ý tưởng đẹp đã bị va đập vào cái gọi là bãi mìn nhân tạo ấy, và chúng tan tành xác pháo. Thế nhưng ông đã vượt qua được thì bí quyết nào giúp ông vượt qua?

Ông ĐHT: Trước tiên phải có bản lĩnh và phải đối mặt.

PV: Dám đối mặt.

Ông ĐHT: Cái đối mặt ấy phải được chuẩn bị rất kỹ càng, căn cứ vào những tư liệu mà mình phải cầm sẵn trong tay.

PV: Mình lường trước được tất cả những tình huống có thể xảy ra...

Ông ĐHT: Và sau đó làm một cuộc tranh luận, phản biện để tìm ra chân lý, đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ một cách chính đáng và phải đối mặt.

PV: Phải có gan, có bản lĩnh, dũng khí.

Ông ĐHT: Bản lĩnh, dũng khí. Nếu chúng ta cảm thấy điều ấy làm đẹp cho dân, cho nước, cho đời và trong đó có ta là ta phải làm. Và phải đấu tranh kiên cường, đấu tranh không khoan nhượng.--PageBreak--

PV: Tức là không chỉ có cái mục tiêu đúng, cái lý tưởng đúng, chiến lược đúng, mà sách lược cũng phải rất là… Cái đó phụ thuộc vào cái gan của ta và kể cả sự khôn khéo, sự mềm dẻo và ứng xử.

Ông ĐHT: Thực ra thì mọi sự cũng không đến mức như vậy. Tôi cho là thế này. Cái thuận lợi nhất của chúng tôi, của tôi là, tôi nói cho Hồng Thanh Quang nghe, tôi có ít nhất hai thời kỳ, tạm gọi là hai phần đời. Phần đời thứ nhất là còn rất trẻ mà vẫn được tham gia để giải phóng miền Nam và đặc biệt trong một đơn vị đặc biệt đó là Đoàn tàu Không số hai lần được phong Anh hùng. Đấy chính là bản lĩnh và ý chí của mình, của một người lính của tôi. Đi để chết mà vẫn cười.

PV: Và cuối cùng may mắn vẫn được sống sót (cười).

Ông ĐHT: Cái thứ hai là lại chứng kiến một bước ngoặt lịch sử của đất nước sau giải phóng, đó là thời kỳ bao cấp, bế quan tỏa cảng, rồi lại đổi mới, mở cửa… Tôi chứng kiến hết. Đương nhiên mình có một cái thuận, cái thuận là tôi có một lý lịch rất trong sạch.

PV: Cha mẹ anh đều là nông dân?

Ông ĐHT: Bố tôi là trí thức, mẹ tôi là nội trợ, gia đình tôi là gia đình cách mạng, bản thân tôi tham gia cách mạng từ năm có 12, 13 tuổi…

PV: Ở vị trí của ông bây giờ thì dễ làm nảy sinh rất nhiều cái sự hiềm khích và đố kỵ, chuyện đấy thì tôi cũng hiểu.

Ông ĐHT: Thực sự mình không bận tâm chuyện đó. Mà hình như là tôi bị miễn nhiễm rồi.

PV: Ở phương Tây đã từng có một câu gần như kinh điển thế này, rất khó đeo găng tay trắng để làm chính trị mà cũng rất khó đeo găng tay trắng để làm kinh doanh giàu có. Ông có thể coi mình là một ví dụ bác bỏ chuyện ấy hay không?

Ông ĐHT: Tôi bác bỏ.

PV: Tức là hoàn toàn có thể 100% làm giàu trong sạch và có những gia sản lớn mà đằng sau nó hoàn toàn trong sạch?

Ông ĐHT: Cái quan trọng nhất là nhà kinh doanh phải biết trước tiên, khi làm kinh doanh đừng nghĩ đến mình, cái tôi của mình.

PV: Nhưng không nghĩ đến mình thì sẽ không có động lực để hành động.

Ông ĐHT: Trước tiên anh phải làm đẹp cho đời cái đã và anh phải xác nhận được, xác định được cái danh tánh của anh, cái mơ ước mà anh phải vượt qua những vật chất đơn thuần của đời thường thì anh sẽ đạt được một cái đích. Và rồi chính nó lại phục vụ mình.

PV: Tôi vẫn nhớ đoạn đầu cuộc trò chuyện của chúng ta, ông đã nói rằng là quyết tâm của ông phải làm giàu vì nghĩ rằng mình không làm giàu thì mình sẽ bị nhục, mình không cứu được mình thì mình không giúp được người khác và điều đó đã là động lực, đúng không? Nhưng người làm giàu chân chính là người ta làm giàu để vì cái giá trị tinh thần trước hết, chứ không phải đơn giản thỏa mãn những nhu cầu vật chất của cá nhân mình.

Ông ĐHT: Chính xác, hoàn toàn chính xác.

PV: Và ông tự coi ông là ở trong cái týp làm giàu như thế. Làm giàu thì cũng không có gì xấu cả, nhưng trước tiên mình làm để thỏa mãn cái nhu cầu tinh thần của mình.

Ông ĐHT: Chính xác.

PV: Còn tất nhiên khi đã giàu có thì chuyện vật chất là quá nhỏ và nó không có gì đáng kể vì nhu cầu chúng ta kiểu gì nó đã quá bé so với những việc đã làm được.

Ông ĐHT: Chính xác, câu đấy hay lắm và chính tôi chưa diễn đạt ra đấy.

PV: Vậy thì tôi phải diễn đạt cho ông…

Ông ĐHT: Chính là như vậy.

PV: Cũng có một câu nói rất nổi tiếng, những người phụ nữ đẹp yêu những người thành đạt, giàu có, hoặc có thể không giàu nhưng thành đạt về mặt gì đấy, không phải là ở sự thành đạt hay sự giàu có ấy mà phụ nữ rất mê cách của những người bình thường mà đã trở nên thành đạt, giàu có, tức là tò mò  và bị hấp dẫn với những con đường đến đấy. Ông có nhận thấy điều đó trong cuộc đời mình không? Không phải bất cứ một người đàn bà đẹp yêu Bill Gates chẳng hạn cũng chỉ là vì họ mê tiền của ông ấy…

Ông ĐHT: Tôi xin nói với Hồng Thanh Quang điều này, không phải chỉ là khác giới đâu, không phải là chỉ người đẹp đâu, ngay cả tôi đây này, trong đời tôi đã được 2 lần chiêm ngưỡng và ngồi ăn cơm với Bill Gates. Lần thứ nhất là ở tại Hoa Kỳ, lần 2 là ở Hà Nội, và chính tôi cũng là người thực sự rất mê muội ông ta.

PV: Không phải vì mình cần gì tiền của ông ta mà vì phong cách và trí tuệ của ông ta trong công việc.

Ông ĐHT: Và tôi cũng là người như thế… Tôi đã nhận thấy rằng, nhiều đoàn học sinh, sinh viên, phụ nữ đi tham quan, khi phát hiện ra tôi, họ cũng muốn chụp ảnh với tôi, bày tỏ tình cảm tốt đẹp với tôi (cười)...

PV: Không phải họ cần gì ông mà họ muốn ở cạnh một người đã làm nên sự nghiệp bằng con đường như vậy...

Ông ĐHT: Theo tôi, đại đa số chúng ta đều có ước mơ. Nhưng chỉ có điều là, có thể mơ ước vẫn mãi là mơ ước, còn để thực hiện nó thì còn phải tùy vào mệnh số nữa chứ.

PV: Tôi hiểu rồi. Ông là người thành đạt, ông có quyền nói thế…

Ông ĐHT:  Tôi chưa bao giờ nói rằng tôi là một người thành đạt nhé (cười).

PV: Nhưng thực sự làm được những việc như ông thì trong cách hiểu của đại đa số những người khác thì nó không thể bao giờ là đơn giản được. Nghe ông nói thì mọi chuyện diễn ra hết sức là mạch lạc, đơn giản, nhưng… Có thể sự thật là như thế, nhưng mà lại có một con đường khác là sự thật không bao giờ mạch lạc và đơn giản như vậy.

Ông ĐHT: Tất cả những điều gì mình nói với Hồng Thanh Quang hoàn toàn là sự thật. Bạn phải nhìn vào mắt tôi.

PV: Tôi tin. Nhưng xin tạm đổi chủ đề, ông đã bao nhiêu lần cảm thấy bất công khi người ta nhìn một hai cái thú vui chẳng phải là cái gì quá xa xỉ của ông mà ông bị hiểu nhầm?

Ông ĐHT: Nhiều chứ.

PV: Ví dụ?

Ông ĐHT: Thực ra thì không phải là hiểu lầm, mà là những định kiến.

PV: Ông có thể nói đó là những định kiến gì?

Ông ĐHT: Ví dụ có một thời người ta rộ lên rằng mình vay mượn và phá sản, rồi cấm không được xuất cảnh. Có đấy chứ...

PV: Có chuyện đấy… Nhưng xin hỏi thật ông, Tập đoàn Tuần Châu vay nợ có nhiều không?

Ông ĐHT: Có những công ty vay nợ số tiền lớn hơn tổng giá trị của chính mình. Còn với Tập đoàn Tuần Châu, số tiền vay nợ chỉ ở mức trên dưới một phần trăm giá trị của chúng tôi thôi.

PV: Còn chuyện phụ nữ thế nào, ông có bị oan không?

Ông ĐHT: Mình nói với bạn rằng 100% oan.

PV: Thí dụ như ông với tư cách Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu muốn mời một người đẹp như cô Trịnh Chân Trân về làm Phó Giám đốc, chuyện đấy rất bình thường vì thực sự danh hiệu cô ấy, nhan sắc cô ấy, tư duy thuần túy kinh doanh hoàn toàn giúp cho Tuần Châu phát triển, nhưng rộ lên nhiều thứ, thậm chí như phim ảnh còn đưa những cái gì nhang nhác như thế. Theo ông do hiểu sai hay là gì?

Ông ĐHT: Thế này nhé, tôi không nói oan, chúng ta đều yêu cái đẹp, đúng không nào?

PV: Đúng rồi, giả sử có chuyện gì cũng là bình thường thôi.

Ông ĐHT: Nhưng tôi chỉ nói với ông một điều rằng, mặc tất cả những điều thiên hạ đồn thổi mà có thể tôi chưa nghe được, nhưng tôi chỉ biết rằng, tôi đang là một thằng đàn ông rất đàn ông. Và phải nói thế này, một người đàn ông chân chính nào không biết yêu cái đẹp thì không phải là người đàn ông chân chính.

PV: Đúng rồi.

Ông ĐHT: Đó là cái đẹp của tạo hóa.

PV: Mình bảo mình không xúc động là dở hơi nhưng mình bao giờ cũng biết giữ lễ giáo và lễ nghĩa?

Ông ĐHT: Và phải biết dừng lại.

PV: Tức là mình biết dừng lại và biết giữ lễ giáo và lễ nghĩa?

Ông ĐHT: Chính xác.

PV: Chúng tôi không nói chúng tôi là Bụt nhưng chúng tôi cũng là người rất biết lễ giáo và lễ nghĩa?

Ông ĐHT: Và biết tôn trọng. Tôn trọng và trân trọng cái đẹp và biết làm cho cái đẹp đẹp thêm lên.

PV: Và tất cả những người định bôi bác chúng tôi về chuyện ấy thì hãy tự hỏi mình, họ chưa chắc đã ứng xử một cách đúng mực và tử tế như thế?

Ông ĐHT: Chính xác, câu đấy được.

PV: Tôi nói thế là chung cho những người đàn ông đích thực... Xin cảm ơn ông!

H.T.Q. (thực hiện)
.
.