PGS.TS Trương Đăng Dung: "Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc"

Thứ Ba, 06/09/2011, 16:03
Nếu không cười, PGS.TS Trương Đăng Dung có gương mặt nghiêm nghị và đôi mắt thoáng buồn. Đó là gương mặt của người đã quá nửa cuộc đời dành thời gian cho công việc nghiên cứu và dịch thuật văn học.

Ông là tác giả của nhiều công trình khoa học dày dặn như Các vấn đề của khoa học văn học, Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Tác phẩm văn học như là quá trình… và những tác phẩm dịch thuật có ý nghĩa: Dịch Truyện Kiều ra tiếng Hungary (năm 1984), dịch tiểu thuyết Lâu đài (của Franz Kafka - 1998), Đứa trẻ mồ côi (Moricz Zsigmond - 2009), Thằng điên và quỷ sứ (Sarkadi Imre - 2010), các công trình lý luận nổi tiếng: Trên đường đến với ngôn ngữ (của M.Heidegger), Nghệ thuật và chân lý khách quan (của G. Lukacs)…

Trương Đăng Dung là một nhà khoa học được đào tạo một cách chính quy. Ông từng tâm sự rằng, lẽ ra ông được đi học ở Liên Xô, nhưng vì một sự "nhầm lẫn" nào đó, đến phút chót, người ta gửi ông sang Hungary…

Lúc đầu ông rất buồn, nhưng rồi ông nhận ra đó là bước ngoặt của số phận, một bước ngoặt may mắn. Nhờ học ở Hungary ông mới được tiếp xúc với tư duy lý thuyết phương Tây một cách bài bản mà ở những nước khác (trong phe XHCN) hồi đó là không thể.

Cũng tại Hungary, ông đã có điều kiện tiếp cận với các khuynh hướng sáng tác hiện đại, hậu hiện đại. Tư duy lý thuyết giúp ông hiểu hơn bản chất của văn học. Trương Đăng Dung thừa nhận, ông chịu ảnh hưởng nhiều từ Martin Heidegger, F.Kafka…

Trong lời giới thiệu bản dịch tiểu thuyết Lâu đài của F.Kafka, Trương Đăng Dung đã nhận xét: "Hình ảnh của Kafka là hình ảnh của cõi mộng, của những cơn ác mộng có nguồn gốc từ nỗi hoang mang lo sợ trước thế giới. Điều đó làm nên đặc trưng thế giới nghệ thuật của Kafka".

Tiểu thuyết Lâu đài được xuất bản đã đưa Trương Đăng Dung trở thành một trong những dịch giả được chú ý, bởi cho đến nay, Kafka vẫn được coi là một nhân vật đã làm thay đổi mô hình phản ánh hiện thực bằng những tác phẩm sâu sắc, thể hiện sự suy tư không ngừng về sự phi lý của con người trong thế giới hiện đại.

Sau này, trong một bài thơ nói về Kafka, Trương Đăng Dung đã viết: Ở New York chiều chiều/ những con voi nhảy từ tầng mười một xuống sông/ cứu những con chim sẻ. Ở Paris trước cửa Viện bảo tàng/ người nằm ngáp/ trâu xếp hàng mua cỏ/… khắp nơi/ những đôi mắt/ dính trên cổ/ những người không có mặt/ những tiếng kêu phát ra từ miệng những người không có cổ/ những bàn chân/ càng bước càng lún sâu vào đất (Giấc mơ của Kafka).

Trong ký ức của nhiều người cùng thế hệ, Trương Đăng Dung còn được biết đến với tư cách là người có công dịch Truyện Kiều ra tiếng Hungary. Ông tâm sự: "Những năm du học ở nước ngoài, tôi nhận ra rằng, thế giới biết đến Việt Nam chủ yếu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người ta không biết nhiều đến văn hóa Việt Nam. Tôi dịch Truyện Kiều với mong muốn giúp cho bạn đọc Hungary biết đến nền văn học của chúng ta, hiểu hơn nỗi đau và cả những bâng khuâng, xao xuyến của các thi nhân trước thân phận của con người. Sau khi bản dịch Truyện Kiều in thành sách, Giáo sư Viện sĩ Klocniczay Tibor, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Hungary đã viết thư chúc mừng tôi và hỏi rằng: "Tại sao một tác phẩm như thế mà bây giờ chúng tôi mới được đọc?".

Có lẽ, vì luôn mải mê đắm mình trong những công trình khoa học cho nên, trong đời thường, Trương Đăng Dung ít giao du. Ông dường như ít quan tâm đến những câu chuyện tầm phào, trà dư tửu hậu và những bon chen cơm áo… Ngoài những tập sách dày dặn trình làng, ông ít khi xuất hiện trên báo chí, ít khi chia sẻ những cảm xúc cá nhân…

Thậm chí, đối với nhiều thế hệ học trò, Trương Đăng Dung là một thế giới bí ẩn, khó gần, khó hiểu, "kính nhi viễn chi". Nhưng rồi, không ít người ngạc nhiên khi gần đây, ông cho ra mắt tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng, một tập thơ vẻn vẹn có 25 bài, tập hợp những sáng tác chọn lọc trong suốt chặng đường dài mấy chục năm ông đã sống, đã nhận thức thế giới và trải lòng mình với thơ ca.

Tập thơ mới ra đời nhưng đã được nhiều bạn đọc đón nhận và quý mến. Song hành với một Trương Đăng Dung lý luận, người ta nhận ra một Trương Đăng Dung thi sĩ trong một thế giới cô đơn, nhiều hoài niệm, với những khắc khoải về thời gian hữu hạn của kiếp người: "Anh không thấy thời gian trôi/ chỉ thấy những lá thư ngày một bạc màu/ những cơn mưa rơi vào đêm vắng/ dấu chân ta - năm tháng còn đâu"/ Anh không thấy thời gian trôi/ chỉ thấy mùa thu vừa lạ vừa quen/ những gương mặt những nụ cười mới gặp/ chưa kịp thân đã thấy khác đi rồi/ Anh không thấy thời gian trôi/ chỉ thấy lòng ngày một tha thiết với trời xanh/ sợi tóc rụng bàn tay nào giữ được/ mỗi ban mai khắc khoải việc chưa thành/ Anh không thấy thời gian trôi/ thời gian ở trong máu, không lời/ ẩn mình trong khóe mắt, làn môi/ trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời/ về kiếp người ngắn ngủi" (Anh không thấy thời gian trôi).

Qua tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng, Trương Đăng Dung đã có những khoảnh khắc cô đơn với những giây phút qua đi của tình yêu và số phận: "Sợ bóng tối sẽ tràn vào/ khi em mở tung cửa sổ/ cơ thể chúng ta thôi rạng rỡ/ Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc/ khi môi ta rời nhau/ hơi ấm thuộc về quá khứ/ Sợ căn phòng trở nên trống rỗng/ khi em xếp lại chăn màn/ ký ức không còn nơi ẩn náu/ Sợ tiếng bước chân em xa dần/ khi những viên sỏi trong vườn đang ngủ/ ta còn lại gì sau mỗi lần tình tự/ Em đừng xếp lại chăn/ Em đừng chải lại tóc/ em đừng tô lại môi/ cứ để nguyên áo quần trên ghế/ cứ để nguyên hiện trạng căn phòng/ Anh cần vật chứng/ trước thời gian"… (Vật chứng).

Trương Đăng Dung tâm sự: "Năm 1978, bài thơ đầu tiên của tôi được in ở báo Văn nghệ, đó là bài thơ Âm hưởng mùa hè, nhưng tại sao bây giờ tôi mới ra tập thơ này? Đơn giản là bây giờ tôi mới chọn đủ những bài thơ xứng đáng để cho vào tập.

Tôi muốn những bài thơ được viết trong suốt mấy chục năm qua, khi đứng cạnh nhau trong tập vẫn không lạc lõng. Những kỷ niệm tưởng tượng là một trong những bài thơ tôi thích nhất. Nó được viết vào tháng 5/1983, khi tôi là nghiên cứu sinh tại  Viện Hàn lâm Khoa học Hungary.

Một buổi sáng khi ngủ dậy, tôi bỗng thấy cô đơn khủng khiếp. Tôi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ các em tôi ở Nghệ An. Tôi tự hỏi, tôi đang làm gì ở châu Âu? Những việc tôi làm như viết luận án tiến sĩ, hay dịch Truyện Kiều sang tiếng Hungari sao mà xa lạ với bố mẹ tôi, những người quanh năm làm ruộng quần quật mà vẫn không có đủ những hạt gạo nuôi thân? 18 năm đầu đời của tôi đã trôi đi trên quê hương Nghệ An.

Đó là khoảng thời gian tôi lớn lên và thấy được những gì mà bố mẹ, bà con cô bác phải chịu đựng. Cuộc sống ở vùng quê nghèo khổ đã dạy tôi biết quý trọng và thấu hiểu con người. Thế rồi những ký ức về chiến tranh ập đến, hình ảnh những người chết và bị thương mà tôi đã chứng kiến…

Tôi ôm mặt khóc như một đứa trẻ. Bà chủ nhà ở tầng trên nghe tiếng tôi khóc vội đi xuống an ủi. Khi bà ấy đi rồi, tôi ngồi vào bàn viết luôn một mạch bài thơ đó. Quả là một bài thơ hiếm hoi được tôi viết trong vòng một buổi sáng. Chiều hôm đó, tôi dịch nó ra tiếng Hungary.

Một tháng sau, tôi đưa bài thơ Những kỷ niệm tưởng tượng (bản tiếng Hungary) cho anh bạn nhà thơ Hollo Andras, anh ấy đọc xong nhìn tôi và nói giọng quả quyết: "Đi theo tôi đến gặp Tổng biên tập tạp chí "Tác phẩm mới", Juhasz Ferenc”. Chúng tôi đến nhà riêng của ông, ngồi ở ban công, uống rượu vang. Khi xem xong bài thơ Những kỷ niệm tưởng tượng, vẫn cầm tờ giấy có chữ viết của tôi, ông chậm rãi nói: "Đây là một bài thơ hay và lạ. Nếu anh không tiếp tục làm thơ thì thật là uổng phí".

Đến cuối tháng 10/1984, tôi nhận được tạp chí "Tác phẩm mới" trong đó có bài thơ Những kỷ niệm tưởng tượng của tôi được in trang trọng ở trang đầu. Hai mươi năm sau, tôi gửi bài thơ này cho tạp chí Sông Hương và được in ngay vào số tháng 6/2004, số chuyên đề Festival và Diễn đàn thơ, sau nhiều năm nằm im trong ngăn kéo bàn làm việc".

Sau những ký ức về một miền quê đã đi vào trang viết của ông, thơ Trương Đăng Dung còn khám phá về thời gian đã được chủ thể hóa. Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy đã nhận xét: Thơ Mới, nhất là thơ Xuân Diệu, là những tiếng nói khắc khoải muốn vượt qua nỗi ám ảnh thời gian bên ngoài, thì thời gian trong thơ Trương Đăng Dung là bên trong con người, thời gian chính là con người, hay nói như M.Heidegger, một triết gia mà Trương Đăng Dung sùng mộ, tồn tại và thời gian, tồn tại là thời gian. Có lẽ chính thời gian có tính kiến tạo này đã làm cho mọi sự trên đời này đều mang tính quy ước, đều là sự thỏa thuận của ngôn ngữ, đúng hơn của trò chơi ngôn ngữ.

Trong bài thơ Anh không còn gì ngoài em, ông đã nói về những khắc khoải ấy: "Anh không còn gì ngoài em/ Sau tuổi năm mươi ngả bóng/ Anh chuẩn bị sống từ lúc sinh ra/ nay hai màu tóc đan nhau/ ai biết được/ còn bao nhiêu năm tháng nữa trên đầu?/ Mỗi ban mai khép cửa/ Anh vẫn ngoái nhìn em lần nữa/ ngoài kia mây bay/ gió thổi mong manh rèm cửa đóng/… Anh không còn gì ngoài bàn tay em/ Vuốt lên tóc anh trước cả ánh mặt trời/ thời gian rơi/ qua từng kẽ ngón tay em vất vả…".

Nhiều nhà nghiên cứu có hệ thống lý thuyết vững chắc nên họ trở thành chuyên gia khi vận dụng để phân tích các tác phẩm văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, không phải ai trong số họ, khi đặt chân vào địa hạt sáng tác, nhất là sáng tác thơ, cũng thành công.

Trương Đăng Dung dường như không nằm trong quy luật đó. Với thơ, người ta phát hiện ra một con người khác trong ông, một tâm hồn nhiều suy tư và chiêm nghiệm đằng sau những trang sách lý luận tưởng chừng khô khan và cứng nhắc. Ông cho rằng, lý luận, phê bình văn học là sự hiểu của sự hiểu, là thế giới của sự diễn giải văn bản văn học.

Thơ là sự khám phá và giãi bày bản thể một cách tự nguyện. Lý luận phê bình diễn giải cái thế giới nghệ thuật của nhà thơ, còn nhà thơ thì khám phá và giãi bày cái thế giới tâm hồn của chính mình. Cả hai đều cần đến tâm hồn và trí tuệ. Đừng nên áp đặt cho thơ nhiệm vụ cứu rỗi hay thể nghiệm. Nếu thơ được chia sẻ và thấu hiểu thì đó là hạnh phúc của thi sĩ. Thơ như là ý nghĩa thỏa thuận.

Hơn 50 tuổi đầu, Trương Đăng Dung mới xuất bản một tập thơ, cũng đồng nghĩa với việc, sau những chức danh khoa học đã được phong tặng (PGS.TS), sau những chức vụ trong cơ quan làm việc (Phó Viện trưởng Viện Văn học), có một Trương Đăng Dung thi sĩ luôn tiếc nuối thời gian và cô đơn trong thế giới sáng tạo của riêng mình. Cho dù thơ ông, nói như một nhà phê bình văn học, không phải là những bưu kiện để người đọc nhận trọn gói mà là những chấm phá phía chân trời vẫy gọi người đọc đến "thám mã" và đồng sáng tạo

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.