PGS.TS Phan An: Giáo sư…vỉa hè

Thứ Hai, 04/04/2011, 15:28
Bao nhiêu năm làm công việc nghiên cứu nhân học với đủ học hàm học vị và cả những công trình nghiên cứu được đánh giá cao, cho đến lúc về hưu, nhiều đồng nghiệp cả già lẫn trẻ tuổi vẫn gọi vui ông bằng cái tên - giáo sư "vỉa hè"…

Giáo sư "vỉa hè"…

Phan An bảo, cái tên độc đáo này bắt đầu từ việc ông mê vỉa hè, thích ngồi uống cà phê hay vài ly bia ở những quán cóc bên đường. Nhiều lần, tôi cũng thấy ông lê la cà phê với các nhà nghiên cứu ở Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ.

Lúc ấy, bên ly cà phê, ông say sưa biện giải những vấn đề vĩ mô về sự phát triển của vùng sông nước. Và dường như, những người ngồi nghe ông nói đều cảm giác, đó là một diễn đàn thực sự, chứ không phải là cái quán cóc cho người ta chuyện phiếm.

Về hưu, ông vẫn giữ thói quen la cà như thế. Thỉnh thoảng tôi đi qua Thư viện Khoa học xã hội trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, vẫn thấy ông đến tìm tư liệu và nghiên cứu tư liệu cho một bài viết, hay công trình nào đó. Và tôi đồ rằng, ông còn một lý do khác, ông đến vì cái quán vỉa hè đó đã gắn với  ông trong mấy chục năm qua.

Tôi đã từng làm việc chung với ông nhiều năm, ấn tượng về ông là một người điềm tĩnh, giản dị và nhỏ nhẹ, chưa bao giờ thấy ông khó chịu hay gắt gỏng với ai. Về hưu đã hơn ba năm, nhưng ông bảo làm khoa học thì làm gì có chuyện nghỉ hưu. Hiện ông vẫn tham gia giảng dạy đại học, sau đại học và hướng dẫn làm luận văn, luận án cho sinh viên và nghiên cứu sinh tại các trường ĐH KHXH&NV TP  HCM, Đại học Sư phạm, Đại học Văn hóa, Đại học Đà Lạt, Đại học Hồng Bàng…

Ông khoe mình còn đang "nợ" hướng dẫn hơn 10 luận văn thạc sĩ và hơn 10 luận án tiến sĩ. Một công việc hiện ông rất thích thú là làm cố vấn khoa học cho các chương trình nghiên cứu khoa học xã hội ở các tỉnh như là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… Theo ông thì đây là những chuyến đi kết hợp chuyện làm khoa học với nghỉ ngơi.

Là người dày dạn kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu khoa học, giảng dạy và hướng dẫn luận văn, luận án cho nhiều thế hệ học trò, nhưng ông vẫn khiêm tốn nhận mình là người may mắn. Trong chiến tranh, trải qua bao phen hiểm nguy mà ông vẫn sống, đó là may mắn.

Còn trong nghiên cứu khoa học, ông tự nhận mình không được đào tạo nhiều lắm mà chủ yếu tự học, sau này được sự giúp đỡ của nhà nước, anh em, bè bạn nên ông đã có nhiều đề tài, công trình khoa học không chỉ có ích cho cộng đồng mà còn tạo tên tuổi cho ông, đó cũng là cái may mắn, là cái "lộc trời".

Phan An bảo, đôi khi những trăn trở trước những hiện tượng xã hội lại bắt đầu từ những vỉa hè quen. Nhiều khi ý tưởng đề tài chợt lóe lên ngẫu nhiên khi ông rong ruổi, ngồi đâu đó ở một quán cóc, chẳng hạn như công trình "Nghiên cứu hôn nhân giữa người Việt Nam và người Đài Loan (tại TP HCM và các tỉnh Nam Bộ) - thực trạng, xu hướng và giải pháp" (nhiều người thường gọi đơn giản là đề tài "Phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan" - nghiệm thu năm 2004).

Hôm đó, ông đang ngồi ở vỉa hè uống bia với anh em đồng nghiệp thì thấy một chiếc xe ôtô đỗ xịch trước mặt, khoảng chục cô gái từ trên xe bước xuống. Thấy ông quan sát, ông chủ quán nhanh miệng bảo các cô đó đang đi tuyển chọn lấy chồng Đài Loan. Vậy là hình thành ý tưởng. Tất nhiên, để có được một công trình nghiên cứu, ông đã phải lăn lộn và bỏ vào đó nhiều mồ hôi, công sức và cả sự phủ nhận của nhiều người.

Người đầu tiên nghiên cứu về hôn nhân xuyên quốc gia

 Phan An nói vui, sau khi nghiên cứu đề tài phụ nữ Việt lấy chồng Đài, ông trở nên nổi tiếng. Báo chí quốc tế cũng tìm ông để nghe những kiến giải về vấn đề này. Bởi ông là người đầu tiên nghiên cứu về vấn đề hôn nhân xuyên quốc gia ở Việt Nam. Đề tài của ông đã đưa ra những ý kiến, lập luận khách quan hơn, khoa học hơn so với nhiều thông tin trên các phương tiện thông tin, truyền thông.

Nhắc lại thành công của đề tài nổi tiếng này có vẻ ông rất hứng khởi, ông cười rất tươi kể lại những ý kiến đánh giá, kết quả nghiên cứu hay những kiến nghị cho các cấp lãnh đạo, quản lý để có thể nhìn nhận một cách khách quan và đưa ra những giải pháp thiết thực cho hiện tượng này.

Cho đến bây giờ hỏi lại ông vẫn không quên phản ứng ngạc nhiên của nhiều người khi nghe ông công bố số liệu kết luận rằng có tới 80% trong số phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan là hạnh phúc (đúng ra theo ông thì phải dùng từ "đạt được nguyện vọng mà người ta mong muốn").

Theo ông thì họ hạnh phúc vì họ có một gia đình, được học ngôn ngữ ngay trên đất khách, có một cuộc sống khá giả và đặc biệt họ có tiền gửi về cho cha mẹ, anh em cải thiện cuộc sống… Bên cạnh đó, ông còn cho rằng lấy chồng nước ngoài là hiện tượng tất yếu trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa mà chúng ta khó có thể tránh được.

Người ta có quyền mưu cầu hạnh phúc, tất cả những gì liên quan đến cấm đoán đều vi phạm nhân quyền. Điều cốt lõi ở đây là vì cái nghèo, và thiếu thông tin, thiếu nhận thức về vấn đề này nên nhiều người con gái mới bị lừa lấy phải những người không như mong muốn của mình.

Tuy vậy, ông cũng trăn trở về những ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam khi nhiều người trong số lấy chồng nước ngoài gặp phải các trường hợp bi thảm, người thì lấy phải một ông già, một người tàn tật, người thì làm vợ cho cả bố lẫn con… Nhất là trong các buổi thi tuyển "chọn vợ", nhân phẩm của người con gái đã bị chà đạp, coi như những món hàng, không đúng với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Thành ra vấn đề là phải căn cơ giải quyết chuyện nghèo đói, trình độ học vấn thấp, nhận thức kém cho chị em. Ông từng hướng dẫn các đoàn của IOM - Tổ chức Di dân quốc tế - xuống một số tỉnh miền Tây để tập huấn cho Hội Phụ nữ những kiến thức, kỹ năng nhằm giúp chị em khi quyết định lấy chồng nước ngoài phải biết tương lai của mình, đất nước của chồng mình như thế nào, phong tục tập quán, quan hệ văn hóa ứng xử ra sao, cách sống, luật pháp bên nước đó như thế nào… Bên cạnh đó là những rủi ro, bất trắc có thể xảy ra, đi cùng với đó là những địa chỉ cần thiết để chị em liên hệ để nhận sự giúp đỡ khi gặp phải những chuyện bạo hành, tra tấn…

Nhắc đến vụ "đẻ thuê" của mười mấy cô gái ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vừa mới bị phát hiện gần đây, ông có vẻ trầm ngâm. Từ lâu vấn đề thân phận phụ nữ và nhất là phụ nữ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được ông đặc biệt quan tâm nghiên cứu.

Theo ông, chuyện đẻ thuê là chuyện rất mới, rất cần sự quan tâm đặc biệt của nhiều ban ngành chức năng. Và từ chuyện này, ông "cảnh báo" phụ nữ Việt Nam đang là mục tiêu của rất nhiều đối tượng đang tìm cách khai thác, trong đó nguyên nhân căn cơ chính là việc nghèo đói và trình độ học vấn của phụ nữ ở khu vực này.

Số tiền 5.000 USD đối với người dân đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Chỉ vì mối lợi trước mắt mà nhiều phụ nữ không nghĩ đến những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài cho bản thân họ, cho xã hội và đất nước, như quốc tịch, huyết thống… Rồi tương lai của những đứa trẻ này sẽ ra sao? Đây là những vấn đề đòi hỏi chúng ta cần đặt ra ngay từ bây giờ và có những phương hướng giải quyết để tránh những vụ việc lặp lại.

Những trăn trở với "Nhân học"

 Cuộc trò chuyện với ông rồi cũng quay về với những trăn trở trong công việc nghiên cứu khoa học. Chia sẻ kinh nghiệm và những trăn trở của mình trong quá trình nghiên cứu, theo ông việc chọn đề tài nghiên cứu phải gắn với thực tiễn nhiều hơn, nhất là thực tiễn nơi mình đang sống, chịu khó xông xáo, tìm tòi, suy nghĩ và từ thực tiễn đó mới hình thành nên nhiều ý tưởng, đề tài hay.

"Nhân học là một ngành mới cho nên cần làm thế nào đó để gắn vấn đề nghiên cứu nhân học - khoa học nghiên cứu về con người, một lĩnh vực nghiên cứu tương đối rộng - với những vấn đề xã hội thực tiễn. Làm thế nào để phát triển việc nghiên cứu nhân học ngang tầm khu vực, đặc biệt cần đẩy mạnh việc đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu nhân học chứ như hiện nay có quá ít chuyên gia trong lĩnh vực này".

Như hầu hết những người làm khoa học chân chính tại Việt Nam, Phan An không phải là người giàu có. Ông kể, những khi được mời ngồi Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cho các nghiên cứu sinh, ông thường phải đọc bản luận án dày khoảng 300 trang, mất ít nhất 3 ngày, sau đó ông phải bỏ ra một ngày để viết bản nhận xét và một buổi nữa để ngồi hội đồng.

Như thế ông mất gần 4 ngày và chỉ được trả 400 ngàn, tức là một ngày ông chỉ được 100 ngàn. Rõ ràng như vậy không tương xứng với công việc ủy viên Hội đồng chấm luận án cấp quốc gia của ông, nhưng bây giờ về hưu thì công việc nhận xét, phản biện luận án có lẽ cũng là niềm vui thích của ông.

"Một nhà khoa học như tôi viết một bài hội thảo khoa học 5.000 chữ mà được trả 200-300 ngàn đồng thì đúng là buồn cười. Có đúng một lần tôi viết bài cho hội thảo 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được trả cao nhất - 3 triệu đồng. Trong khi đó, tôi viết hội thảo quốc tế cho nước ngoài những bài như thế họ trả cho tôi không dưới 1.000 đô…" - ông vừa cười vừa than, như cái cách mà người ta hay đùa "biết rồi khổ lắm nói mãi".

Bỏ qua chuyện thu nhập, bỏ qua cả những phiền muộn trong những điều không như ý, mỗi chiều tôi vẫn thấy Phan An ngồi đâu đó, trên những vỉa hè Sài Gòn, cà phê, bia, đậu phộng và những thứ dân dã, đặc trưng của đời sống thị dân. Đã có nhiều người bắt đầu con đường khoa học như Phan An.

Nhưng họ đã mưu danh, mưu lợi để đạt được những mục đích riêng. Còn Phan An, như một mẫu người chấp nhận dấn thân và chấp nhận hy sinh. Ngay cả chuyện thù lao, ông vẫn nói có vẻ trách hờn người khác quên công, nhưng rồi ông vẫn lao đi, liên miên với những đề tài, công trình nghiên cứu về con người. Có lẽ, với Phan An, được nghiên cứu về sự đổi thay của đời sống con người, đã là một niềm hạnh phúc!

PGS.TS. Phan An sinh năm 1944 tại Quảng Nam, ông gọi học giả Phan Khôi bằng bác họ. Ông đã gắn bó với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (nay là Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ) từ năm 1975 tới giờ. Ông là nhà nghiên cứu về dân tộc học (văn hóa tộc người, nhân học xã hội) - chuyên nghiên cứu các dân tộc ở phương Nam - người Hoa, Khmer…, gần đây ông nghiên cứu chủ yếu về người Việt ở Nam Bộ.

Ngoài  đề tài khiến ông nổi tiếng hơn là "Phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan" thì gần đây ông vừa được nghiệm thu xong đề tài về "Đình công ở TP HCM" (Đề tài thực hiện trong vòng gần 2 năm - được Sở Khoa học Công nghệ TP HCM) đánh giá rất cao.

Phạm Phú Lữ
.
.