PGS.TS Nguyễn Tá Nhí: Không "điêu trùng tiểu khí"

Thứ Sáu, 05/09/2008, 11:00
PGS.TS Nguyễn Tá Nhí là người ở vùng Tả Thanh Oai (Hà Nội), sinh năm 1944 và lớn lên trong một làng quê ở ven con sông Nhuệ. Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về chữ Nôm ở nước ta, một người có vốn kiến thức uyên thâm, sâu sắc và đa chiều về tiếng Việt cổ. Ông là tác giả, đồng tác giả và chủ biên nhiều công trình có giá trị cao về văn hóa của người Việt.

Phóng viên (PV): Người ta bảo rằng không thể hiểu hết tiếng Việt nếu không thông thạo tiếng Hán. Theo ông, có đúng như vậy không?

TS Nguyễn Tá Nhí (NTN):  Tôi lại muốn nói thế này, học tiếng Hán nhanh nhất là qua con đường Hoa ngữ. Chúng ta đều biết rằng, người ta coi chữ viết là phương tiện để lưu giữ được những nội dung chính của ngôn ngữ là âm thanh, ngữ nghĩa. Người nước ngoài và ngay cả người bản địa ở Trung Quốc muốn biết chữ Hán thì nên học chữ Hán. Nhưng đối với người Việt Nam ta thì không nhất thiết phải như thế.

Người Việt Nam có thể học tiếng Hán không cần qua viết chữ Hán, bởi vì trong tiếng Việt có đến hơn 70% số lượng từ gốc tiếng Hán. Cho nên người Việt Nam ta, trong đó có rất nhiều học giả, rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, thậm chí có người như chúng tôi vẫn nói, một chữ Nhân cắn đôi cũng không biết, nhưng với các từ tiếng Hán thì họ lại rất hiểu.

Thí dụ, những thành ngữ mà Bác Hồ vẫn hay dùng như "Dĩ nhất biến, ứng vạn biến" chẳng hạn. Những cái đó đã được chứa đựng sẵn trong tiếng Việt Nam và ông cha ta đã gìn giữ nuôi dưỡng bảo tồn chúng ở trong môi trường sống hàng ngày.

PV: Có một số người rất ngại rằng nhiều thành tựu văn hoá của chúng ta đều có liên đới gì đó ít nhiều đến nền văn hoá của Trung Hoa. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, chuyện đấy là chuyện của lịch sử để lại, không có gì phải cấn cá cả. Bản thân nhiều nền văn hoá lớn của châu Âu cũng đều thoát thai từ nền văn hoá Hy - La cổ đại nhưng điều này đâu có ngăn cản những sự sáng tạo và phát triển hiện đại. TS nghĩ thế nào chuyện này?

Riêng tôi, tôi cứ nghĩ rằng, quan trọng nhất là chúng ta ngay trong thời hiện đại, dù làm gì và ở đâu cũng giữ được bản sắc dân tộc, cái bản sắc mà trên cơ sở nguồn gốc văn hóa chúng ta đã tạo được nên cộng hưởng với tất cả những tinh hoa từ bên ngoài mà ta có thể tiếp nhận được…

TS NTN:  Tôi rất đồng tình với cách lý giải mà anh đưa ra. Không chỉ riêng trong lĩnh vực ngôn ngữ mà trong các khía cạnh khác của cuộc sống cũng thế, chúng ta hà tất gì mà cứ phải đi từng bước từ xe bò lên xe đạp, rồi xe máy và xe ôtô. Nếu chọn được cái gì tốt ngay mà không phương hại tới xung quanh thì cứ chọn. Đừng quá quan tâm tới nguồn gốc cái tốt đó từ đâu.

PV: Ông là một người nghiên cứu về tiếng Việt cổ từ lâu năm rồi. Tôi muốn hỏi, liệu tới bây giờ, chúng ta đã có thể đúc kết được những quy luật nào đó trong sự biến đổi tiếng Việt từ thời cổ đến ngày nay không? Liệu có những quy luật nào mà người Việt Nam hiện đại nên biết và cần phải biết để có thể sống đúng là người Việt hơn không?

TS NTN: Tiếng Việt của ta cũng giống như các hiện tượng, sự vật khác, nếu muốn phát triển thì anh cần phải tìm con đường đi lên. Trong tiếng Việt thì cũng không loại trừ quy luật đó, anh muốn đi lên thì anh phải cắt bỏ những cái đã lỗi thời và thêm vào đó những yếu tố tích cực.

Về mặt thư tịch mà nói, chúng ta bây giờ giữ lại được quá ít các văn bản cổ. Thư tịch thời Lý gần như là chúng ta không có gì đáng kể. Từ thời Trần cũng vậy. Chúng ta hiện chỉ có một số cuốn sách như "Ức Trai thi tập" của Nguyễn Trãi hay cuốn "Phật thuyết kinh đại báo phụ mẫu trọng ân", một bản dịch rất cổ! Chúng tôi đã tiến hành so sánh tiếng Việt hiện đại với những văn bản cổ đó.

Chắc anh cũng biết, trong ngôn ngữ thường chứa đựng ba mặt: Thứ nhất là âm thanh, thứ hai là từ vựng, thứ ba là ngữ pháp. Trong ba phương diện đó thì ngữ pháp là thứ ít biến đổi trong tiếng Việt. Chứ còn về âm luật thì đã có không ít thay đổi. Thí dụ như chúng ta bây giờ không còn sử dụng những tổ âm đầu theo kiểu bờ-lờ nữa. Trong từ cổ, khi các cha cố phương Tây mới sang ta truyền đạo, con chiên người Việt hay nói Đức Chúa Bờ-lời. Bây giờ có gọi thì chỉ gọi là Đức Chúa Lời mà thôi.

PV: Theo ông, cách gọi Đức Chúa Lời có phải là xuất phát từ câu trong Kinh Thánh "Khởi thuỷ là Lời" không?

TS NTN: Chữ Lời chỉ là một âm của từ Bờ-lời, chỉ ngôi vị mà trong tiếng Hán gọi là thượng đế. Bây giờ chúng ta gọi là Trời nhưng thời xưa người Việt đọc là Lời.

PV: Nói thật, từ lâu tôi đã suy nghĩ điều này. Tôi vẫn cho rằng, không chỉ riêng các tín đồ Công giáo mới sùng bái lời nói đến thế để gọi tên Đức Chúa của mình là Lời. Trong nền văn hóa của nhiều dân tộc khác, Lời cũng được coi là sự khởi nguồn, là ngôi vị cần được tôn vinh cao nhất. Lời là sức mạnh vô địch, không tôn trọng lời nói tức là xúc phạm đến linh thiêng.

Tôi đã đọc trong truyện ngắn "Thông báo của Brodie" của nhà văn Argentina, Jorge Luis Borges, có nói tới một bộ lạc cực kỳ mông muội ở châu Mỹ Latinh nhưng cũng biết sùng kính Lời một cách cực kỳ bản năng. Đến mức độ nếu thấy ai đó trong bộ lạc có thể sắp xếp được những chữ đơn âm của họ thành một hai ba câu gì đó như một đoạn văn lọn nghĩa hay như một đoạn thơ là cảm thấy đấy đích thực là con người có được mối liên hệ với thần linh rồi. Và họ sẽ lùi ra cách xa người đó, vừa sùng kính vừa ném đá cho tới chết - không thể để người trần mắt thịt lại có được mối liên hệ với thần linh thông qua Lời!...

Trở lại với tiếng Việt ta, bây giờ nghe ông nói rằng người Việt cổ xưa cũng dùng từ Lời để chỉ ngôi vị thần thánh cao cả nhất thì hẳn là cũng đã có một tư duy tương tự như thế trong nền văn hóa Việt. Với những nghiên cứu tìm tòi của mình về tiếng Việt cổ, ông có còn thấy thêm những dẫn chứng nào đó tương tự trong thư tịch cũ của ông bà ta hay không?

TS NTN: Cái đó là đúng đấy! Tôi cho rằng sự suy đoán của anh rất thú vị. Anh làm tôi nhớ tới một chuyện trong nghiên cứu một tập thơ rất cổ của Nguyễn Trãi. Sau thảm án Lệ Chi viên năm 1442 thì các tác phẩm của ức Trai đã bị tiêu tán rất nhiều. Đến năm 1468 thì vua Lê Thánh Tông sau khi minh oan cho Nguyễn Trãi mới cho thu thập lại, nhưng rồi đời sau gìn giữ cũng chẳng được bao nhiêu. Mãi 400 năm sau khi Nguyễn Trãi mất thì thơ của Cụ mới được một người đồng hương là ông Dương Bá Cung cho in.

Thật khủng khiếp, từ lúc sưu tập được đến lúc in lại phải mất tới 400 năm, không rõ trong thời gian dằng dặc ấy, thơ Cụ đã được bảo quản thế nào. Và cũng vì mất nhiều thời gian như thế nên trong tập thơ được in lại của Nguyễn Trãi có lẫn một số bài của Nguyễn Bỉnh Khiêm và cả của vua Lê Thánh Tông nữa. Chắc là trong tập đó chỉ có khoảng 70-80% thơ là thực sự của Nguyễn Trãi thôi, nhưng thế cũng là tốt lắm rồi. Mà thôi, tôi phải nói cái ý liên quan đến điều anh vừa nói: trong cuốn sách đó có một câu của Nguyễn Trãi mà các sách khác đều nói: "Trời phú tính, uốn nên hình".

Thế nhưng trong cuốn sách cổ mà ông Dương Bá Cung cho in thì chữ đầu tiên không phải là Trời mà là Lời, tức là "Lời phú tính, uốn nên hình"… Trước khi gặp anh hôm nay, tôi cứ nghĩ là bản khắc chữ Nôm của ông Dương Bá Cung đã có sự sai lẫn, nhưng giờ thì tôi nghĩ chưa chắc đã phải là sai khi khắc chữ…

PV: Có khi Nguyễn Trãi thực sự đã viết là Lời. Lời ở đây có nghĩa là Trời. Ông nghĩ sao về phong tục cổ truyền kiêng nói gở của một số dân tộc hay khi nghĩ rằng tên con người có thể ảnh hưởng đến số phận? Đó chẳng phải là Lời vận vào đời sao?

TS NTN: Đúng thế. Theo quan điểm của nhà nho "cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Ông Dương Bá Cung không thể không biết điều này nhưng trong câu thơ trên của Nguyễn Trãi, ông vẫn cho khắc là Lời thì chắc là theo đúng nguyên bản tìm lại được.

PV: Vậy là chúng ta có thể suy luận rằng, ở thời Nguyễn Trãi, người Việt có thể đã dùng chữ Lời để chỉ Trời và sau này, các cha cố phương Tây tới Việt Nam truyền đạo khi dùng câu "Đức Chúa Lời" là học theo cách nói của người Việt cổ chứ không phải đã vận dụng tư duy của Kinh Thánh để làm việc này? Và nếu đúng như vậy thì hóa ra là, văn minh phương Đông và phương Tây lại có thể một điểm trùng khít trong tư duy?

TS NTN: Có thể là như thế. Có lẽ chúng tôi sẽ phải xem xét thêm vấn đề này theo hướng mà anh đã nêu ra. Dẫu sao trong tiếng Việt hiện đại, không ai đồng nghĩa từ Trời với từ Lời nữa…

PV: Mặc dầu chúng ta vẫn coi trọng lời nói như cha ông mình, nào là "Lời nói, gói vàng", "Lời nói đọi máu", "Được lời như cởi tấm lòng", "Lời chào cao hơn mâm cỗ", "Lời nói đau hơn roi vọt", "Lời nói không cánh mà bay"…

TS NTN: Đúng thế!

PV: Ông có điều kiện để theo dõi những biến đổi của tiếng Việt qua các thời. Theo ông, có nhiều từ Việt bị thay đổi ngữ nghĩa theo dòng thời gian không?

TS NTN: Nhiều chứ. Thí dụ như từ Khốn nạn bây giờ nét nghĩa đã đổi hẳn.

PV: Tôi nhớ là bộ tiểu thuyết trứ danh của văn hào Pháp Victor Hugo ngày xưa được Cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch là "Những kẻ khốn nạn". Có lẽ thời đó, từ Khốn nạn vẫn có nghĩa tốt.

TS NTN: Cái câu than "Khốn nạn thật!" trong tiếng Việt trước kia không có nghĩa xấu. Lúc đó Khốn nạn đồng nghĩa với khốn khổ hiện nay…. Bản thân cái tên gọi của dân tộc ta cũng đã có những nét nghĩa khác nhau ở những thời khác nhau.--PageBreak--

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về việc này không?

TS NTN: Trong tiếng Hán ngày xưa cái từ Việt được dùng để chỉ các dân tộc cư trú phía Nam, ở ngoài khu vực Trung Nguyên, tức là ở ngoài khu vực nằm giữa lưu vực sông Hoàng Hà và sông Trường Giang. Sách Hán cổ miêu tả người Việt "cư sơn như hành thuỷ" (sống trên núi và đi trên nước). Chữ Việt gợi ra hình ảnh một người cầm rìu. Cái rìu thoạt đầu là một công cụ lao động, nhưng đó cũng có thể là một thứ vũ khí…

PV: Tức là người Việt thiện chiến và thạo việc…

TS NTN: Đúng. Nhưng đấy là cách người Hán gọi những dân tộc khác ở phía Nam như thế. Những dân tộc này đông lắm và cũng rất khác nhau…

PV: Nên mới có từ Bách Việt?

TS NTN: Đúng thế. Bởi vậy mới có những cái tên như Âu Việt, Bân Việt, Mân Việt ở trên vùng đất của Trung Quốc. Còn người Việt Nam ta thoạt tiên được gọi là Lạc Việt… Tuy nhiên, lúc đầu bản thân những tộc Việt ở phương Nam không chịu nhận cho mình cái tên Việt đâu nhưng rồi dần dà gọi mãi thành quen. Và sau đó chính mình cũng thấy không có vấn đề gì cấn cá với cái tên ấy nữa.

PV: Liệu có văn bản cổ nào ghi lại chuyện này không ạ?

TS NTN: Tôi cũng không rõ nữa. Nói chung tên gọi hay từ ngữ là những thứ biến đổi không ngừng theo dòng thời gian.

PV: Trong việc này điều duy nhất bất biến là nhận thức mọi sự đều biến đổi?

TS NTN (cười): Đúng thế. Tôi xin nói thêm một ý này nữa liên quan đến cả tên gọi của dân tộc mình. Chúng ta khi kê khai lý lịch thường hay ghi ở phần dân tộc là Kinh. Thực ra lúc đầu các cụ nhà ta không nhận mình là người Kinh đâu…

PV: ???

TS NTN: Chữ Kinh thoạt đầu do người thiểu số trên mạn ngược gọi chúng ta. Số là ngày xưa, trong số những người Việt đi lên làm ăn ở miền núi thì có đủ loại người mà trong đó cũng có không ít những kẻ không lương thiện. Những kẻ không lương thiện ấy từ phía kinh thành đi lên miền ngược đã làm cho không ít đồng bào thiểu số ở đây phải ngán ngẩm bởi những thói hư tật xấu. Có những con buôn dưới xuôi lên đổi hàng thì chỉ toàn bày trò lường gạt. Đến mức ca dao của đồng bào dân tộc Cao Bằng đã có câu: "Con ra ngoài cửa con trông/ Thằng Kinh nó hỏi bảo không có gì"… Nhưng rồi về sau, từ Kinh lại có nghĩa tích cực, mang tính phồn hoa đô hội, văn minh… Và bây giờ chúng ta nhận mình là người Kinh một cách hồn nhiên và không cảm thấy có cái gì sai quấy ở đây cả.

PV: Cho nên, chuyện ngữ nghĩa lắm khi chỉ là các phép quy ước?

TS NTN: Đúng, chỉ là quy ước!

PV: Trong ngôn ngữ tính dân chủ cũng có giá trị cao như trong bầu cử. Từ nào gợi lên trong lòng số đông một cảm xúc tốt thì đó là từ tốt, còn từ nào gợi lên trong lòng số đông những tình cảm tiêu cực thì đó là từ xấu…

TS NTN: Có một thời chúng ta ghi vào phần tôn giáo trong lý lịch chữ Lương, tức là mình không theo tôn giáo nào. Chữ Lương ấy trong tiếng Việt có nghĩa là lương tâm, lương thiện, tốt đẹp.

PV: Có lẽ người ta gọi là tiền lương, có nghĩa là tiền tốt đẹp, tiền chính đáng, tiền hợp pháp chăng? (cười).

TS NTN (cũng cười): Cách sử dụng từ Lương như thế xuất hiện từ xa xưa, khi mà người theo Công giáo không được chính quyền phong kiến triều Nguyễn công nhận và bị coi tà đạo. Bây giờ thì không ai sử dụng cách viết này nữa.

PV: Tôi muốn nghĩ thêm một khía cạnh khác nữa. Việc dùng từ Lương chỉ việc không theo tôn giáo nào đến chỗ không dùng nó nữa là một việc tốt. Nhưng nếu để từ Lương trong khía cạnh tiền lương, tức là khoản tiền công là nguồn sống rất tốt, có thể thực sự chu cấp cho các nhu cầu căn bản của người nhận nó và gia đình họ đến thành không thể đủ sống thì lại là việc không hay. Thực ra bây giờ sống chỉ bằng đồng lương chính thức theo quy định của Nhà nước là một chuyện vẫn còn chật vật… Tất nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn phải sống như thế nếu không thể có thêm những nguồn thu phụ chính đáng khác…

TS NTN: Sự thay đổi nét nghĩa của từ ngữ đều mang tính xã hội, điều kiện xã hội thay đổi thì nét nghĩa và cách dùng từ có thể thay đổi.

PV: Xét trên phương diện khoa học lịch sử, liệu chúng ta có thể xác định được thời điểm mà các cụ nhà ta nhận mình là người Việt không?

TS NTN: Việc này có những chứng cớ xác thực trên cơ sở sử liệu. Chúng ta hiện nay có bộ "Đại Việt Sử ký Toàn thư" của Ngô Sĩ Liên, được in  năm 1697. Ngô Sĩ Liên khi viết đã dựa vào Lê Văn Hưu, còn Lê Văn Hưu lại dựa vào các tư liệu lịch sử trước thời đó nên độ tin cậy khá cao. ít nhất là chúng ta đã có tên nước Đại Cồ Việt từ thời Đinh Tiên Hoàng.

PV: Có lẽ khi ấy từ Việt đã mất đi cái ý nghĩa nguyên thủy là tộc người "cư sơn như hành thuỷ", chỉ biết cầm rìu mà sống?

TS NTN: Chắc là vậy.

PV: Thế khi ấy, nội hàm của từ Việt là gì ạ? Ông có thể giải thích được không?

TS NTN: Nói thực là bọn tôi cũng chưa có dịp để tìm hiểu sâu về chuyện này. Có lẽ chúng tôi cũng cần phải suy nghĩ thêm.

PV: Tôi luôn nghĩ rằng, dân tộc mình kiêu hãnh lắm, chắc là không tự chịu công nhận mình chỉ là dân săn bắn hái lượm, với cả chèo thuyền đâu. Chúng ta luôn tự hào là một dân tộc văn hiến nên chắc chữ Việt trong tâm thức các cụ phải có một ý nghĩa đặc biệt khác với điều mà người Hán ở Trung Nguyên đã nghĩ khi tạo ra tên gọi đó.

TS NTN: Cái chữ Việt của ta với chữ Việt của Trung Quốc khác nhau ở bộ chữ Hán gọi là bộ Tẩu thêm vào. Tẩu có nghĩa là đi, thậm chí còn có nghĩa là đi nhanh. Có câu "Tẩu mã quan hoa", tức là cưỡi ngựa xem hoa…

PV: Phóng ngựa xem hoa?

TS NTN: Đúng, phóng ngựa xem hoa, cưỡi ngựa đi nhanh thế thì xem được cái gì cẩn thận! Trong bản thân chữ Việt để chỉ người Việt mình nó vẫn giữ bộ Việt chỉ cái rìu cộng với bộ Tẩu, tức là đi nhanh.

PV: Cầm rìu cưỡi ngựa phi nhanh (cười)?

TS NTN: Thực sự là chúng tôi chưa đặt vấn đề nghiên cứu kỹ điều này. Trước chúng tôi đã từng có rất nhiều học giả, nhiều tên tuổi lớn như Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cụ Lê Quý Đôn… Các Cụ cũng đã nghĩ về rất nhiều thứ nhưng không hiểu sao chưa thấy ai đặt ra vấn đề này như anh. Hoặc giả các Cụ đã nghĩ rồi mà mình không biết? Có lẽ chúng tôi cần phải suy nghĩ thêm…--PageBreak--

PV: Trở lại với tính dân chủ trong ngôn ngữ… Ông chắc chắn đã biết từ Cứu cánh có nghĩa là mục đích cuối cùng. Thế nhưng, hiện nay, đối với rất nhiều người Việt, kể cả những người chữ nghĩa bời bời, kể cả không ít nhà thơ danh tiếng, từ Cứu cánh trước hết cứ gợi cho họ cảm giác gì đó như cứu rỗi. Tôi đồ rằng, một khi những người hiểu cứu cánh cứu rỗi trở thành đa số thì bắt buộc các nhà làm từ điển tiếng Việt sẽ phải ghi như thế thôi. Theo ông, trong chuyện này, chúng ta nên ứng xử thế nào?

TS NTN: Phải theo số đông thôi, ngôn ngữ là quy ước.

PV: Vậy nên thái độ của một số người cứ nhất nhất dựa theo điển cố để vặn vẹo những sáng tạo từ mới là điều không nên có? Nói cho cùng, “mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”…

TS NTN: Những người như anh vừa nói ấy, thực ra chỉ là "điêu trùng tiểu khí" thôi. Chấp nhặt quá không phải là một thái độ mang tính khoa học.

PV: Khi nào đại đa số trong xã hội sử dụng nghĩa mới của từ, tức là cái nghĩa mới đó đã được công nhận?

TS NTN: Chỉ trừ trường hợp nghĩa của từ bị hiểu lệch đi sai nhiều quá…

PV: Cái nghĩa mục đích cuối cùng với sự cứu rỗi cũng là khác xa nhau đấy. Trong trường hợp này, các học giả có nên can thiệp vào đó hay là khoanh tay thúc thủ để mà nhìn cho mọi sự tự biến chuyển thế nào thì biến chuyển?

TS NTN: Tôi cho là một mặt cũng nên tuyên truyền và giải thích để giữ gìn cái nghĩa tốt hơn…

PV: Tiếng Việt hiện nay đang trong quá trình tiếp nhận ảnh hưởng của rất nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau. Nói thực rằng, mặc dầu Việt Nam nằm trong Cộng đồng Pháp ngữ (Francofonie) nhưng thực ra hiện nay ảnh hưởng của tiếng Pháp vào tiếng Việt không mạnh bằng từ tiếng Anh. Có một hiện tượng là một bộ phận giới trẻ bây giờ đã sử dụng không ít từ tiếng Anh vào tiếng Việt một cách sống sít chứ không phải tìm cách biến hóa những từ ngoại lai để cho tiếng Việt biểu cảm hơn, thâm thúy hơn…

TS NTN: Tôi cho rằng đón nhận tiếng Anh như một công cụ để hội nhập sâu hơn với thế giới là việc nên làm. Tất nhiên, trong quá trình này, việc tiếp nhận những cái mới từ các bộ phận, các khu vực khác nhau sẽ rất khác nhau. Và đó là chuyện bình thường. Thí dụ như cháu tôi đến chơi nhà ông bà, khi ra về thì mẹ nó bảo: "Con bye-bye ông bà đi!". Và tôi thấy cái miệng chúm chím của cháu tôi nói chào ông bà bằng tiếng Anh rất dễ thương. Nhưng cũng tình huống ấy, nếu diễn ra ở nông thôn thì chưa chắc đã được người lớn tuổi tiếp nhận bình thường đâu… Thậm chí ông bà ở quê còn có thể cảm thấy khó chịu là đằng khác…

PV: Suy cho cùng, mọi chuyện ở trên đời đều do góc độ quan sát cả. Tôi nhớ hồi nhỏ, đọc truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan về cô Kếu tân thời ham ăn diện, tôi cứ a dua theo người lớn và các thầy cô giáo ở trường cho rằng, cô Kếu thật lố bịch. Sau này, trưởng thành, tôi đã nghĩ, biết đâu cô Kếu không đáng chê cười như thế mà chỉ đáng thương thôi. Và cả cái thời đại ấy đều đáng thương khi không được đáp ứng hay bộc lộ một cách bình thường những nhu cầu chính đáng ấy, dù có thể là hơi xa xỉ!

Ngày xưa ai cũng công nhận bác Nguyễn Công Hoan rất giỏi miêu tả và giễu cợt những thói hư tật xấu ở đời. Bây giờ đôi khi đọc lại truyện ngắn Nguyễn Công Hoan thời trước năm 1945, đôi khi tôi lại nghĩ, Cụ có lúc cũng hơi quá đà. Chung quy chỉ do góc nhìn… Nhưng dù nhìn từ góc độ nào có lẽ cũng là để yêu thương và thông cảm với con người hơn chứ không phải là chế giễu họ… Tiếng cười luôn chỉ là vũ khí của kẻ yếu. Xin lỗi, tôi nói rộng ra như thế vì tự nhiên nghĩ thế thôi… 

TS NTN: Anh nghĩ đúng đấy chứ. Khi phê phán mà lại đi chế giễu con người bị kém cỏi hay bệnh tật trong cuộc sống, thì không nên…

PV: Không nên chế giễu vết thương về mặt thể xác?

TS NTN: Thí dụ như anh ta có cái chân to không đi được đôi giày, thì không nên chế giễu (cười) vì cái đó là trời sinh ra thế rồi. Nhưng còn những vấn đề về tính nết  thì…

PV: Những khiếm khuyết về mặt tinh thần đôi khi nó cũng làm đau đớn chính những người mắc phải nó. Vậy ta chế giễu có nên chăng?

TS NTN: Tính nết xấu, những thói quen xấu gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, đến chung quanh thì cái đó phải bị phê phán.

PV: Đúng, cần phê phán nhưng phê phán để người ta sửa chứ không phải phê phán để dập vùi, để đập chết người ta luôn.

TS NTN: Đúng thế…

PV: Học giả Phạm Quỳnh có nhiều quan điểm chính trị xã hội mà tôi không đồng tình  nhưng tôi rất thích một câu của ông, đấy là: "Tiếng Việt còn thì nước ta còn". Theo TS, trong sự phát triển ngôn ngữ Việt Nam hiện nay, có thể hiểu như thế nào về câu nói trên của học giả Phạm Quỳnh?

TS NTN: Tiếng Việt là một ngôn ngữ có tính lịch sử lâu đời rồi. Nếu tính về lịch sử dài ba bốn nghìn năm thì ta đang chỉ có ít chứng cứ thôi, nhưng về một nghìn năm trở lại đây thì chúng ta có đủ chứng cứ. Nghiên cứu lịch sử tiếng Việt bây giờ thì cần phải thấy rằng, chúng ta đang có chiều hướng phát triển đi lên và một khi chúng ta càng tiếp xúc đông đảo với các dân tộc khác, đi càng xa tới càng nhiều nơi, giao lưu hội nhập với những dân tộc có những nền văn hóa văn minh phát triển hơn ta thì tiếng Việt ta càng phát triển tốt hơn. Và sự phát triển tốt hơn của tiếng Việt cũng giúp cho xã hội Việt Nam phát triển tốt hơn.

PV: Có ý kiến cho rằng tiếng Việt vừa là sở trường, vừa là sở đoản của chúng ta. Sở trường là gì? Sở trường là nhờ có tiếng Việt thì chúng ta giữ được bản sắc dân tộc, giữ sự độc lập của mình. Nhưng sở đoản là những cái hạn chế trong ngôn ngữ tiếng Việt, nó sẽ làm cho chúng ta không phát triển được một số môn khoa học tiên tiến nào đó. Liệu ý kiến đó có đúng không, ông nghĩ như thế nào?

TS NTN: Tôi cho rằng ý kiến đó cũng chưa thật thỏa đáng lắm đâu. Tôi nghĩ, tiếng Việt có rất nhiều khả năng phát triển để tiếp cận được với khoa học hiện đại. Việc học sinh ta đạt được kết quả cao tại kỳ thi Quốc tế Vật lý vừa được tổ chức tại Hà Nội chứng tỏ rằng, nhờ các em học bằng tiếng Việt nên mới có được những kỹ năng đó. Nếu chỉ học bằng tiếng Anh thì đã chắc gì…

PV: Tôi và ông, chúng ta đều đồng ý với nhau, việc ra đời của chữ Quốc ngữ theo hệ Latinh là một thành tựu rất lớn. Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, khi người ta bỏ chữ Nôm, chữ Hán, bỏ cách viết chữ tượng hình thì có nghĩa là đã tước bỏ trong tư duy người Việt một công năng, công cụ rất lớn trong tư duy hình tượng. Và một số người lý giải đó là nguyên nhân dẫn tới, tại sao Việt Nam chúng ta không bằng Nhật Bản, không bằng Hàn Quốc, không bằng Trung Quốc trong một số lĩnh vực. Theo ông, ý kiến này nghiêm túc đến đâu? Hoặc sai lầm ở chỗ nào?

TS NTN: Ý đó rất hay đấy. Về phần mình, tôi cho rằng, chúng ta rất may mắn khi có được chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, việc nước ta hôm nay chưa phát triển bằng một số nước châu Á khác không phải bởi ta không dùng chữ tượng hình nữa mà do nhiều yếu tố khách quan khác nó chi phối.

PV: Liệu ông có đồng ý rằng, nếu chúng ta hiểu biết sâu sắc về chữ tượng hình thì độ sâu và dày của tư duy sẽ đa dạng hơn?

TS NTN: Tôi không nghĩ như thế.

PV: Chữ viết tượng hình đòi hỏi người ta phải tư duy rất nhiều thứ; ngay cả trong chữ nó đã có họa, "thư trung hữu họa"… Nhưng trong chữ tượng hình cũng có những hạn chế riêng…

TS NTN: Ta chỉ cần nhớ 24 chữ cái thì ta có thể ghi lại tất cả những điều ta nói ra, ghi lại tất cả những điều người khác nói… 

PV: Ông nghĩ thế nào về chuyện thư pháp tiếng Việt hiện đại, liệu có nên dè bỉu thư pháp hiện đại không hay cứ để tự nó phát triển?

TS NTN: Tôi cho rằng không nên dè bỉu, mà phải động viên phát triển. Dù bạn sử dụng ngôn ngữ nào thì bạn cũng có nhu cầu viết đẹp ngôn ngữ đó. Có gì sai quấy trong chuyện này đâu!

PV: Xin cảm ơn TS!

.
.