Orhan Pamuk và những ghi chép bên lề

Thứ Bảy, 08/03/2014, 10:30

Độc giả Việt Nam đã từng biết đến Orhan Pamuk - nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng thế giới, người thắng giải Nobel Văn chương năm 2006 - qua các tiểu thuyết Tên tôi là Đỏ, Pháo đài trắng, và Tuyết (một biến thể của màu trắng, dĩ nhiên rồi). Bảng màu tiểu thuyết của Orhan Pamuk không dừng lại ở đó: ông còn có tiểu thuyết Cuốn sách đen, chưa dịch ra tiếng Việt. Nhưng trong khi chờ đợi bản dịch tiểu thuyết được xem là kiệt tác này, may thay, ta đã lại có trên tay một hòa sắc độc đáo của Orhan Pamuk: tập tiểu luận Những màu khác (Lâm Vũ Thao dịch, Công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn học, 2013).

Khá dày, gần 500 trang in tiếng Việt khổ 15x24cm, Những màu khác gồm rất nhiều bài viết được tập hợp theo nhiều chủ đề: Sống và lo lắng; Sách và đọc sách; Chính trị, Châu Âu và những vấn đề khác của việc là chính mình v.v… xuất bản không lâu sau khi Orhan Pamuk nhận giải Nobel. Mặc dù ai đó - Philip Roth hay Raymond Carver? - từng phát biểu rất ngoa ngoắt rằng việc của nhà tiểu thuyết “tử tế” là viết tiểu thuyết, anh ta sẽ xuống giá ít nhiều nếu quay ra viết tiểu luận (và xuống giá đến mức thê thảm khi xuất hiện để trả lời phỏng vấn trên truyền hình), thì vẫn chẳng thể coi thường Những màu khác được. Nếu xem tiểu thuyết là “chính văn” của Orhan Pamuk, thì đây là những ghi chép bên lề, rất quan trọng để người đọc có thể nhận diện thêm tầm vóc và sự đa dạng của nhà văn tài năng này.

Trước hết, như nhiều nhà văn lớn đã dành trọn cuộc đời mình chỉ để viết về một vùng đất, một nơi chốn (Victor Hugo viết về Paris, Rasul Gamzatov viết về Daghestan, G. G. Marquez viết về làng Macondo, Mạc Ngôn viết về Cao Mật v.v…), Orhan Pamuk là nhà văn của Istanbul, quê hương ông. Ông yêu và gắn bó với Istanbul bởi bề dày lịch sử, bởi sự lớn lao của nó, bởi cả sự nhốn nháo vốn có ở mọi đại đô thị, và bởi những ký ức cá nhân đặc biệt mạnh mẽ được tiết ra từ cuộc chung sống với nó. Ở phần đầu tiên của Những màu khác, có tên Sống và lo lắng, Orhan Pamuk cho ta biết về một Istanbul hiện tại như là di sản của những cuộc hỏa hoạn, những trận động đất và những tái thiết liên miên trong lịch sử. Sống ở đó, con người luôn phải chịu đựng sự rình rập của những cái chết bất ngờ, nhưng vì thế, họ cảm nhận rõ hơn diện mạo và ý nghĩa của sự sống, dẫu nó bấp bênh đến thế nào.

Viết về Istanbul từ chính Istanbul, Orhan Pamuk chắc chắn thuộc về số ít nhà văn đã thoát ra khỏi khuôn sáo thường thấy (ở nhiều người, mỗi khi họ viết về nơi chốn quê hương mình: một chút đèm đẹp, một chút da diết vấn vương, đôi ba đường nét gợi lên hình ảnh thân thuộc xưa cũ…). Thậm chí có thể nói, với Orhan Pamuk, chính những gì không thể đưa được vào phạm trù cái Đẹp - sự Nguy hiểm, hay Nỗi bất an chẳng hạn - mới là yếu tố tạo nên sức mạnh ràng buộc thực sự của Istanbul. Chương 27, Động đất, và chương 28, Nỗi lo sợ động đất ở Istanbul, là những trang cực tả về cảnh tượng hủy diệt kinh hoàng, về trạng thái tâm lý căng thẳng đến nghẹt thở của người dân thành phố, trong đó có chính tác giả, trước và trong cơn động đất. Lo sợ là thế, nhưng không có ai ra đi? Câu trả lời được nhà văn, một người Istanbul chính hiệu, đưa ra rất giản dị: “Tôi đã sống trong thành phố này trọn đời. Tôi tự hỏi mình cùng một câu hỏi với chàng trai nhịp bước trên đường kia, là tại sao một người không thể dứt áo ra đi? Đó là bởi tôi thậm chí không thể tưởng tượng ra việc không sống ở Istanbul” (Chương 28, Nỗi lo sợ động đất ở Istanbul). Sinh mệnh của thành phố và sinh mệnh những đứa con đứt ruột của nó đã được cảm nhận như là một. Và khi đã là như vậy, ắt sẽ không còn chỗ cho những lời than vãn đẫm (hoặc ngấn) lệ trước những hình xưa bóng cũ của quá khứ một đi không trở lại.

Dù thế nào, sự sống vẫn cứ tiếp diễn. Bởi thế, viết về Istanbul của những phế tích - những dinh thự bị cháy rụi, những khu phố cổ vườn cổ bị đập phá - Orhan Pamuk mới có thể khước từ sự thổn thức thường tình để viết một cách nhẹ nhõm đến bất ngờ: “Những đống đổ nát của thành phố cũng giúp thành phố biết cách quên đi. Đầu tiên chúng ta đánh mất ký ức, nhưng ta biết ta mất nó và muốn có nó lại. Rồi chúng ta quên rằng chúng ta đã quên nó, và rồi thành phố không còn nhớ được quá khứ của chính nó. Những đống đổ nát đã khiến ta đau đớn nhường ấy và mở ra con đường đến sự quên lãng rốt cuộc trở thành những khu đất nơi người khác có thể xây dựng những giấc mơ mới mẻ” (Chương 23, Hỏa hoạn và đổ nát). Cách viết như vậy, liệu có thể là một tham khảo, hoặc một gợi ý với các nhà văn của chúng ta?

Bằng Những màu khác, Orhan Pamuk còn làm một lời tự thú về sự đọc, sự viết, và những suy tư về sách của chính mình, một lời tự thú có lẽ rất đáng để nhà văn “ở ta” phải tự ngẫm. Trước hết, nói về sự đọc. Chúng ta vẫn luôn đoan quyết với nhau rằng đọc là điều cần thiết cho tất cả, rằng “văn hóa đọc” là nền tảng của tri thức và tiến bộ. Nhưng cũng thật lạ lùng khi, mặc dù vậy, một phần khá đông người cầm bút “ở ta” vẫn cứ tin là chỉ cần có vốn sống và chút năng khiếu trong việc viết là mọi chuyện đã ổn thỏa. Kinh nghiệm của một văn gia sở hữu đến mười hai nghìn cuốn sách như Orhan Pamuk là hoàn toàn khác. Ông viết: “Sự tiến bộ của nhà văn phụ thuộc rất nhiều vào việc đọc những cuốn sách tốt... Nhưng đọc kỹ không có nghĩa là đưa mắt và trí óc chậm rãi và kỹ lưỡng qua văn bản, mà là chìm đắm tuyệt đối vào trong tâm hồn của nó. Đây là nguyên cớ tại sao suốt cuộc đời ta chỉ yêu một số ít sách” (Chương 29, Tôi đã vứt bớt sách đi như thế nào). Đây cũng chính là nguyên cớ để, thành thật một cách hài hước hoặc hài hước một cách thành thật, Orhan Pamuk thú nhận khi ông vứt bỏ những cuốn sách dở khỏi thư viện của mình: “Tôi không xấu hổ vì bản thân cuốn sách, tôi xấu hổ vì từng coi trọng nó” (Chương 29). Ông cho rằng mỗi nhà văn chỉ cần mươi mười lăm cuốn sách của vài tác giả yêu thích là đủ. Với Orhan Pamuk, những tác giả mà ông cứ phải đọc đi đọc lại là Laurence Sterne, Victor Hugo, Lev Tolstoy, Fyodor Dostoyevsky, Thomas Mann, Thomas Bernhard, Albert Camus, Vladimir Nabokov… Và ông, dù không tự nhận là nhà phê bình, lại đã tiếp nối dòng chảy phê bình nghệ sỹ từ những “ông kễnh” như Stefan Zweig hay Milan Kundera để có những trang viết xuất sắc về các tiểu thuyết gia bậc thầy kể trên. Muốn làm được điều đó, việc đầu tiên, đơn giản là… phải đọc. Mà đọc, với Orhan Pamuk, xin nhắc lại, là “chìm đắm tuyệt đối vào trong tâm hồn của văn bản”. (Từ hướng khác, một nhân vật trong tiểu thuyết Khởi sinh của cô độc của nhà văn Mỹ Paul Auster sẽ có cách nói khác: Bằng hành vi đọc, ta lặn sâu vào nỗi cô độc của nhà văn). Ông nói kỹ hơn về điểm này ở chương kế tiếp: “Nhìn thấy thế giới mà tác giả tưởng tượng, tìm thấy niềm vui trong thế giới đó, người ta phải vận dụng trí tưởng tượng của mình. Bằng việc trao cho ta ấn tượng của không chỉ là kẻ quan sát một thế giới tưởng tượng, mà còn phần nào là người sáng tạo ra nó, sách trao cho ta khoái cảm kín đáo của người sáng tạo” (Chương 30, Về việc đọc: Ngôn từ hay Hình ảnh).

Hãy chú ý tới những từ được lặp lại vài lần trong đoạn văn trên: “Tưởng tượng”, “sáng tạo”, “khoái cảm”. Orhan Pamuk dùng chúng để nói về việc đọc. Nhưng  những từ này, hay chính xác hơn, tinh thần của chúng, cũng hiện diện đậm đặc trong suy tư của Orhan Pamuk về việc viết, với tư cách một tiểu thuyết gia: “Trên hết, tiểu thuyết là một con tàu chuyên chở trong nó một thế giới ước mơ mà ta muốn gìn giữ, mãi mãi sinh tồn mãi mãi sẵn sàng. Tiểu thuyết gắn kết với nhau bằng những mẩu nhỏ mộng tưởng giúp ta, từ khoảnh khắc ta bước vào chúng, quên đi cái thế giới buồn tẻ mà chúng ta đang mong đào thoát” (Chương 1, Tác giả ngầm ẩn). Quan niệm này có thể không còn là mới lạ: Milan Kundera từng nói về tiểu thuyết như hành trình đi theo tiếng gọi của những giấc mơ. Thế nhưng, trong một nền văn chương như “ở ta”, khi mà tinh thần của phản ánh luận đơn giản (thậm chí là đơn giản đến mức thô thiển) vẫn còn thống ngự, khi mà trong cơn mê say trước những phối cảnh đời sống đặc biệt nào đó người ta vẫn một mực khẳng định rằng cuộc đời phong phú gấp vạn lần văn chương, nhà văn chỉ cần “bứng” nó đưa vào trang viết là xong, thì có lẽ quan niệm tiểu thuyết của Orhan Pamuk vẫn chưa hề cũ. Bằng Những màu khác, ông trở lại với những vấn đề then chốt nhất của văn chương, những vấn đề cứ ngỡ đã được giải quyết rốt ráo “ở ta”: Văn chương là gì? Viết là gì? Trách nhiệm xã hội của nhà văn khi viết? v.v… Ông viết: “Phẩm hạnh lớn nhất của một tiểu thuyết gia giàu trí tưởng tượng là khả năng lãng quên thế giới theo cách của trẻ thơ, là vô tư và vui sướng trong thế giới ấy, nghịch ngợm với những quy tắc của thế giới đã biết, nhưng cùng lúc đó nhìn xuyên qua những chuyến bay vui thú tự do để đến với trách nhiệm sâu sắc của việc sau này làm cho người đọc đắm chìm trong câu chuyện” (Chương 1). Trong sự suy tư này, dường như bảng lảng quan niệm của S. Freud về việc nghệ sỹ sáng tạo theo cách của trẻ con chơi trò chơi, cả quan niệm của J. P. Sartre về trách nhiệm của nhà văn một khi đã bóc lộ thế giới bằng hành vi viết. Không còn là mới lạ, nhưng một lần nữa, nó vẫn chưa hề cũ đối với một nền văn chương mà ở đó, hoặc người viết chỉ coi văn chương là “sân chơi”, hoặc người viết bị phải gánh quá nhiều trách nhiệm xã hội, nặng nề và xa lạ với văn chương.    

Một phương diện khác nữa, mang lại ấn tượng đặc biệt trong Những màu khác của Orhan Pamuk, là những ám ảnh day dứt của ông về sự giao thoa (hay chia cắt) giữa châu Âu và ngoài châu Âu. Từ vị trí của một nhà văn đang đứng bên lề châu Âu, Orhan Pamuk có sự đồng cảm sâu sắc với F. Dostoyevsky và Mario Vargas Llosa - một người Nga của thế kỷ XIX và một người Peru của thế kỷ XX, cả hai, không trừ một ai, đều bị châu Âu ám ảnh không thôi. Từ sự đồng cảm ấy, có thể nói, những phân tích của Orhan Pamuk về tác phẩm của Dostoyevsky và tác phẩm của Llosa, đặc biệt là tác phẩm của Dostoyevsky (Bút ký dưới hầm, Anh em nhà Karamazov, Lũ người quỷ ám) thực sự là những trang tuyệt bút. Hoặc giả, nếu ta không muốn dùng những từ ngữ đao to búa lớn để nói về những trang viết ấy của Orhan Pamuk, thì ít nhất cũng vẫn phải ghi nhận ở đây một điều đáng giá: Ông đã nêu một câu hỏi buộc các nhà văn thuộc thế giới thứ ba phải suy nghĩ: Làm thế nào để có thể chiếm lĩnh châu Âu, với ý nghĩa là chiếm lĩnh những giá trị đỉnh cao của văn hóa nhân loại? Chỉ cần thế thôi có lẽ đã đủ để Những màu khác - những ghi chép bên lề của Orhan Pamuk trở thành một cuốn sách cần phải đọc

Hoài Nam
.
.