Ông vua đào hoa ở xứ đồi thông

Thứ Năm, 08/06/2006, 08:24
Với Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam, Đà Lạt là mảnh đất gắn bó với ông nhiều nhất. Sự gắn bó ấy kể từ ngày ông mới "đi học làm vua" ở Pháp về nước, rồi ngày định mệnh mối tình đẹp của ông và Nam Phương hoàng hậu, rồi những năm tháng giữ chức "Quốc trưởng" bù nhìn đến ngày tháng cuối cùng của một bi kịch chính trị trong đời ông để rồi từ đó phải sống kiếp lưu vong nơi đất khách quê người.

Và những năm tháng ở xứ sở hoa đào là nơi bộc lộ nhiều nhất tính cách của Bảo Đại: hào hoa, nghệ sỹ, ham vui, tự nhiên và thiếu bản lĩnh. Có lẽ lịch sử đã đặt ông nhầm chỗ bởi với những tính cách như thế thì chiếc ghế ông ngồi không nên và không thể nào là chiếc ngai vàng. Đành thôi một chút luyến thương của hậu thế, còn lịch sử thì đã mãi mãi là lịch sử rồi!

Dinh III, nơi cất giữ những kỷ vật về Bảo Đại nằm trên một đồi thông xinh xắn ở đường Triệu Việt Vương của thành phố Đà Lạt, được xây năm 1933, sau khi Bảo Đại hồi loan được 1 năm và mãi đến năm 1937 mới khánh thành. Những năm Bảo Đại còn làm vua, đây là nơi để nghỉ mát mùa hè và ngao du khắp các khu rừng Tây Nguyên săn bắn.

Nói về thú chơi săn bắn, ở thành phố này, Bảo Đại để lại rất nhiều giai thoại, nhưng có một nguyên nhân sâu xa của thú chơi này bắt nguồn từ một sự bất mãn. Sau khi trở về nước chính thức cầm quyền chức vị vua một thời gian ngắn, Bảo Đại ngỏ lời hứa cải cách việc trong nước theo nguyện vọng của quốc dân. Nhưng khi vị vua trẻ này đưa ra bao nguyện vọng cải cách thì gặp bấy nhiêu tư tưởng bảo thủ trong triều phản đối. Chán chường trước cảnh làm vua cũng như không, Bảo Đại tìm thú vui trong việc ngao du và săn bắn.

Vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu tại Đà Lạt

Một tháng sau khi hồi loan, Bảo Đại đi thăm lăng tẩm và chiêm bái tổ tiên nhà Nguyễn, sau đó ông bắt đầu một cuộc ngự du trong nước. Mảnh đất đầu tiên mà ông đến là thành phố Đà Lạt. Nhân dịp này, Pierre Pasquier lệnh cho viên đốc lý thành phố Đà Lạt tổ chức một buổi dạ tiệc tại khách sạn Palace tìm cách để Bảo Đại gặp Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, con của phú hào Nguyễn Hữu Hào giàu có nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Trước đó, trong lần về nước trên con tàu D'Artagnan, Bảo Đại và Nguyễn Hữu Thị Lan đã gặp và làm quen với nhau (Nguyễn Hữu Thị Lan sang Pháp học trường Couvent des Oiseaux từ năm 12 tuổi, một trường danh tiếng ở Paris do các nữ tu điều hành). Cuộc gặp trên con tàu ấy, rất nhiều ý kiến cho rằng đó là sự sắp xếp mang mưu đồ chính trị của thực dân Pháp, nhưng có một "kẻ" sắp xếp khá hoàn hảo cho mối lương duyên này đó là số mệnh.

Nguyễn Hữu Thị Lan xuất hiện ở Đà Lạt hôm ấy hoàn toàn không do chủ ý của nàng mà là người cậu ruột rủ đi cùng. Cậu của nàng là một nhân vật quan trọng của buổi dạ tiệc ở Đà Lạt, mặc dù cô cháu không muốn đi nhưng vì nằm trong "kế hoạch" nên người cậu cứ năn nỉ rằng đến dự tiệc một lúc và vái chào nhà vua xong là về. Nàng trang điểm nhẹ, mặc áo lụa màu thiên thanh. Khi hai người xuất hiện, buổi tiệc đã bắt đầu. Nàng đến trước mặt vị hoàng đế trẻ, quỳ một gối và cúi đầu sát nền nhà chào hỏi hoàng đế theo cách mà ở trường nữ tu Pháp từng dạy. Vị hoàng đế hào hoa bị cô gái Tây học hớp hồn ngay từ phút đầu. Đúng lúc ấy, tiếng nhạc Tango nổi lên, Bảo Đại mời nàng ra cùng nhảy và trò chuyện. Với cách nói chuyện rất Âu, cộng với sự duyên dáng, khéo léo Á Đông, nàng đã chiếm trọn trái tim của Bảo Đại.

Nguyễn Hữu Thị Lan là người theo đạo Thiên Chúa. Vượt qua những trở ngại của một triều đại cả 13 đời vua tôn thờ đạo Phật, ngày 20/3/1934, đúng 3 ngày sau buổi tiệc ấy, đám cưới được diễn ra. Bảo Đại sắc phong cho vợ lên ngôi Hoàng hậu và lấy danh hiệu là Nam Phương. Sau lễ cưới, vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu về sống tại điện Kiến Trung của khu vực Cấm thành, mọi sinh hoạt đều thực hiện theo nếp Tây phương. Nam Phương sinh được 5 người con - 2 hoàng tử và 3 công chúa. Vua, hoàng hậu và các con thường ngồi ăn chung một bàn tại điện Kiến Trung chứ không phân biệt như các vị tiên đế.

Mùa hè, họ vào Đà Lạt nghỉ. Dường như Bảo Đại chỉ thích tìm vui trong việc săn bắn, hoặc quây quần với gia đình, còn việc nước thì bỏ mặc cho các vị thượng thư làm, vua chỉ có mỗi việc… ký. Ông sắm hẳn cả một bầy voi và những người quản tượng rất giỏi ở Tây Nguyên để phục vụ cho việc săn bắn.

Ở Đà Lạt từ năm 1934 đến năm 1945 là một thời khắc hạnh phúc trong lành đối với cuộc đời của một vị quân vương ham chơi. Nam Phương hoàng hậu thường tham gia công việc xã hội và từ thiện, giúp Bảo Đại trong những công việc ngoại giao nhưng bên cạnh đó, với gia đình, nàng luôn săn sóc chu đáo đúng bổn phận của một người vợ, một người mẹ. Những đêm lạnh ở xứ sương mù, nàng cần mẫn thêu những chiếc khăn mặt, khăn tắm, khăn trải bàn rất đẹp hiện vẫn còn được lưu giữ tại Dinh III như thể hình ảnh nàng còn đâu đó giữa thành phố ngàn hoa này.

Sau khi Dinh III được hoàn thành vào năm 1937, dường như cứ nửa năm cả gia đình họ sống và sinh hoạt ở đây. Mọi sinh hoạt không khác gì lắm so với điện Kiến Trung, chỉ có khác là 4 hoàng tử, công chúa ngồi ăn một phòng riêng, còn Hoàng thái tử Bảo Long được ngồi ăn cùng cha mẹ bởi Bảo Long là người được chọn kế nghiệp ngai vàng.

Nhưng chiếc ngai vàng cũ kỹ, trầy tróc và mục nát ấy không còn đến lượt Bảo Long khi lịch sử đã lật sang một trang khác. Sau một cuộc chơi trên ngai vàng kéo dài 13 năm, Bảo Đại đã rời nó với một câu nói như chợt thức tỉnh mình trong một khoảnh khắc: "Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua của một nước nô lệ" trong ngày thoái vị 19/8/1945 và sau đó nộp ấn kiếm để thành công dân Vĩnh Thụy. Tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông ra Hà Nội nhận chức Cố vấn tối cao của Chính phủ lâm thời Việt Nam và trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, Vĩnh Thụy được bầu vào đại biểu khóa đầu tiên của Quốc hội.

Và đã quá muộn. Vị vua trăn trở việc nước ngày nào đã trót bị những cuộc chơi cuốn đi quá xa, con người có tâm hồn nghệ sỹ bị lịch sử đặt nhầm chỗ lên ngai vàng với bao chán chường bất mãn, giờ đã bị tư tưởng ỷ lại, phó mặc và hưởng thụ nuốt chửng. Ông vua suốt ngày săn bắn, nghỉ ngơi trong dinh thự sang trọng không thể hòa đồng cùng muôn triệu đồng bào đang đói, đang khổ kia. Ngày 16/3/1946, trong chuyến thăm viếng Trung Quốc với tư cách cố vấn tối cao của Chính phủ Việt Nam, Bảo Đại đã ở lại Trung Quốc. Còn Nam Phương và các con đến tạm ẩn tại một tu viện trong một thời gian rồi sang Pháp.--PageBreak--

Khoảng thời gian từ khi ở lại Trung Quốc đến năm 1949, Bảo Đại thường xuyên sang châu Âu gặp các yếu nhân Anh, Pháp để bàn về vấn đề Việt Nam, tán thành sự thành lập Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam theo ý đồ của thực dân Pháp "để giải quyết vấn đề Việt Nam đối với Pháp và dư luận quốc tế". Ngoài thời gian đó, trên đất Hương Cảng, Bảo Đại vùi mình vào những sòng bạc và gái.

Tháng 3/1949, sau một thời gian dài thỏa thuận, bàn bạc, một thỏa ước giữa người Pháp với Bảo Đại được công bố, Bảo Đại sẽ trở lại Việt Nam với chức Quốc trưởng. Ngày 28/4 năm ấy, Bảo Đại bay từ Singapore về phi trường Liên Khương, về lại ngôi biệt điện một thời ông cùng Nam Phương và các con chung sống. Tháng 6 năm ấy, "Biệt điện Quốc trưởng" được thành lập, đến cuối năm 1949, chính phủ Hoàng triều cương thổ chính thức được thành lập, "Quốc trưởng" Bảo Đại ra Hà Nội để tuyên bố chính sách của Chính phủ rồi lên Buôn Ma Thuột "nhận tượng trưng đất Hoàng triều cương thổ". Một chính phủ bù nhìn và rối rắm về nội bộ, thay "Thủ tướng" như thay áo.

Dinh III lúc này chỉ còn lại mình Bảo Đại với… 3 bà thứ phi không hôn thú vì Nam Phương hoàng hậu đã cùng các con sang Pháp sống. Mộng Điệp là người được Bảo Đại yêu quý nhất bởi bà xinh xắn nhất. Cũng có ý kiến cho rằng bà chính là nguyên mẫu của cô gái trong ca khúc "Ai lên xứ hoa đào" nổi tiếng của cố nhạc sỹ Hoàng Nguyên. Bà quen Bảo Đại tại sân quần vợt những ngày Bảo Đại làm cố vấn ở Hà Nội, buồn vì cảnh xa nhà nay gặp một giai nhân khéo léo ứng xử lại biết khiêu vũ và chơi thể thao nên Bảo Đại đã kết thân và đã "già nhân ngãi non vợ chồng" cùng nhau. Không chỉ khéo léo lấy lòng Bảo Đại mà bà còn lấy lòng cả Hoàng thái hậu Từ Cung khi vào Huế. Sau khi Bảo Đại trở lại Đà Lạt thì Mộng Điệp cũng bay vào và được Bảo Đại dành riêng cho một ngôi biệt thự ở 14 đường Hùng Vương (cách đây chưa lâu là khu tập thể Báo Lâm Đồng).

Bà thứ phi thứ hai là Phi Ánh, con gái Huế, em gái của Phi Hoa (người tình một cận thần của Bảo Đại) và Phi Ánh được cận thần này tơ nguyệt cho Bảo Đại ngày ông trở lại Đà Lạt. Phi Ánh có khuôn mặt sắc sảo, tính tình đoan trang nhưng mạnh mẽ kiểu con gái Huế. Có một giai thoại rằng bà đã từng giáng cho Bảo Đại một cái tát tại Đà Lạt khi sau lần đầu ân ái, Bảo Đại đã rút tiền trong ví… đưa cho bà. Nhưng sau cái tát ấy, Bảo Đại không những không giận mà còn quý bà hơn. Ông mua cho bà một biệt thự cạnh ga Đà Lạt và họ thường gặp gỡ nhau ở biệt thự ấy. Bà sinh cho Bảo Đại được 2 người con là Bảo Ân và Phương Minh.

Khác với Mộng Điệp luôn sống trong sự yêu chiều thì đời Phi Ánh có phần tội nghiệp hơn. Ở Đà Lạt, bà là một thứ phi không được các thứ phi khác yêu thương, có lẽ là ở vẻ đẹp hút hồn của bà. Sau khi Bảo Đại sang Pháp, bà Phi Ánh luôn sống trong lo sợ, cuối cùng bà đi bước nữa với một thầu khoán giàu có ở Sài Gòn. Cuối đời, bà bị bệnh và dung nhan thay đổi quá nhiều do bệnh tật nên bà không ra khỏi nhà, lặng lẽ sống trong cô đơn đến ngày qua đời.

Thứ phi thứ ba là một vũ nữ, người Hoa lai Pháp tên là Jenny Woong (tên Việt là Hoàng Tiểu Lan) quen Bảo Đại trong những ngày tháng ông ăn chơi cờ bạc ở Hương Cảng. Sau khi trở lại Việt Nam, ông đã đón bà sang. Bà có với Bảo Đại một đứa con tên là Phương An. Kể ra, Bảo Đại không phải là một kẻ đến mức bạc tình khi tất cả những người tình đi qua đời ông dù họ là ai ông đều lo những bước đời về sau cho họ. Với Bảo Đại thì Jenny Woong là một ân nhân bởi thời ở Trung Quốc, bà đã từng đi nhảy để lấy tiền cho vị hoàng đế này trả tiền khách sạn và chi tiêu hàng ngày những lúc ông khánh kiệt trên chiếu bạc. Những ngày ở Đà Lạt, bà thường mặc áo dài Việt Nam, tập nấu những món ăn của Việt Nam và nấu một cách khéo léo nên bà cũng được Thái hậu Từ Cung yêu mến. Sau sự kiện Bảo Đại bị Pháp lật đổ năm 1955, bà mai danh ẩn tích đâu không ai thấy, cũng không ai nhắc đến bà và cô công chúa con gái bà nữa.

Lại nói về cuộc lật đổ Bảo Đại ngoạn mục của Ngô Đình Diệm, người từng thề trung thành suốt đời trước mặt Nam Phương hoàng hậu thời ở Đà Lạt, lịch sử cũng đã viết nhưng có lẽ, đó là tấn bi kịch chính trị đau đớn nhất của Bảo Đại để rồi đời ông từ đó lưu vong vĩnh viễn và bây giờ là một nấm mồ lạnh lẽo dưới chân tháp Eiffen. Một kết thúc không có hậu…

Hoàng Nguyên Vũ
.
.