Ông trùm an ninh làm Phó Tổng thống Ai Cập

Thứ Hai, 21/02/2011, 16:00
Gần ba mươi năm qua, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã một mình cai trị xứ sở Pharaon và không muốn có một cấp phó trực tiếp giúp việc. Tuy nhiên, những biến cố gần đây tại quốc gia này đã buộc ông phải đưa ông trùm an ninh tình báo rất thân cận của mình là Trung tướng Omar Suleiman, Giám đốc Cục An ninh Quốc gia lên làm Phó Tổng thống và giao quyền tùy nghi cư xử với lực lượng đối lập để làm sao cho quá trình chuyển giao quyền lực không bị đổ quá nhiều máu.

Chính trị gia bí ẩn

Ông Omar Suleiman sinh ra tại thành phố Qena ngày 2/7/1936 (một số nguồn tin cho rằng ông sinh năm 1935).

Năm 18 tuổi (1954), Suleiman được nhận vào Học viện Quân sự Ai Cập. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, ông cũng từng tu nghiệp tại Học viện Quân sự Frunze ở Moskva. Ông còn có thời gian nghiên cứu về chính trị học tại Đại học Tổng hợp Cairo và Đại học Tổng hợp Ain Shams.

Năm 1962, Suleiman có tham gia vào cuộc nội chiến ở Bắc Yemen (khi đó Liên Xô và Ai Cập đã hỗ trợ cho lực lượng cộng hòa ở nước này chống lại các phần tử vô chính phủ). Ông cũng tham gia vào hai cuộc chiến  tranh với Israel vào năm 1967 và năm 1973, mặc dầu những chi tiết về sự tham gia này không được tiết lộ rộng rãi.

Trong những năm 80, Suleiman đã sang tu nghiệp tại Mỹ ở trường quân sự đặc nhiệm mang tên John F. Kenne và tại căn cứ quân sự lớn nhất ở Mỹ là Fort Bragg tại bang Bắc Carolina.

Năm 1992 (hoặc là năm 1991), ông Suleiman đã phụ trách Cục Tác chiến của các lực lượng vũ trang Ai Cập rồi trở thành Giám đốc Cơ quan tình báo quân sự (theo một số nguồn tin, thoạt tiên ông được bổ nhiệm vào chức Phó giám đốc Cơ quan Tình báo quân sự năm  1988 và sau đó một năm mới lên ngồi ở ghế cấp trưởng).

Năm 1993, ông Suleiman được cử vào giữ chức Giám đốc Cục Tình báo Ai Cập (Egyptian General Intelligence Services - EGIS), vẫn được gọi dưới cái tên Mukhabarat.

Một số nguồn tin cho biết từ năm 2009, ông Suleiman đã từng được phong quân hàm trung tướng. Theo luật của Ai Cập, một khi còn ở trong quân ngũ thì ông Suleiman không được tham gia một chính đảng nào.

Ông Suleiman thông thạo Anh ngữ. Cơ quan Tình báo quân sự Israel  AMAN đánh giá về ông như sau: "Có tư duy thực tế. Giàu sáng kiến nhưng cũng rất thông thạo việc tổ chức thực hiện. Ít lời, điềm đạm, bình tĩnh và rất biết kiềm chế. Một trong những nét tính cách điển hình là rất trung thành với Tổng thống".

Năm 1995, khi ông Suleiman tháp tùng Tổng thống Hosni Mubarak trong chuyến thăm Ethiopia, họ đã bị mưu sát tại thủ đô Adis Abeba. Theo một số nguồn tin, sở dĩ hai người thoát chết là vì trước đó, ông Suleiman đã thuyết phục được Tổng thống Mubarak sử dụng xe hơi bọc thép khi đi lại tại Ethiopia.

Kể từ giai đoạn đầu năm 2000, ông Suleiman bắt đầu được báo chí đánh giá là nhân vật có quyền lực thứ hai tại Ai Cập, sau Tổng thống Mubarak. Ông rất tích cực tham dự vào các hoạt động nội chính. Các nguồn tin cho thấy, chính nhờ những nỗ lực của ông Suleiman mà các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Ai Cập mới chịu phân rẽ như thế trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX.

Ông cũng là người tổ chức truy đuổi phong trào Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) tương đối trung dung và các nhóm Hồi giáo cực đoan như  Al Gam'a Al Islamia và Jihad.

Lộ diện vẫn kín đáo

Cho tới tận đầu những năm 2000, theo luật của Ai Cập, thông tin về ông Suleiman như một nhà lãnh đạo ngành tình báo đã không được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, tên họ của ông trong những năm gần đây thường xuyên được báo chí nhắc tới vì ông tham gia rất tích cực vào các hoạt động ngoại giao khác nhau.

Với tư cách là người chịu trách nhiệm về các cuộc thương lượng liên quan tới dàn xếp hòa bình cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, ông Suleiman đã tạo được niềm tin ở Israel và Mỹ.

Tháng 1/1997, ông đã trở thành một trong những người khởi xướng việc thành lập Hiệp hội Cairo vì hòa bình, tổ chức trước khi cuộc đụng độ Palestine trở nên nghiêm trọng hơn năm 2000, đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc phát triển các quan hệ kinh tế và khoa học với Israel.

Sau khi cuộc xung đột Palestine tái bùng nổ năm 2000, ông Suleiman đã đại diện cho Ai Cập trong quá trình tiến hành các cuộc thương lượng năng nổ với đại diện của Israel và với lãnh tụ của người Palestine Yaser Arafat: theo một số nguồn tin, chính "sếp sòng" của ngành tình báo Ai Cập năm 2002  đã thuyết phục được ông Arafat hạn chế các hoạt động chống phá của người Palestine để không khiêu khích phía Israel  áp dụng những hành động đáp trả dữ.

Tháng 11/2002, ông Suleiman đã gặp thủ lĩnh phong trào Hồi giáo cực đoan HAMAS Haled Mashal, một hành động được coi là cử chỉ đầu tiên trong việc công nhận trong thực tế  vai trò của phong trào này trong thế giới Arab (mặc dầu trước đó chính "sếp sòng" của ngành tình báo Ai Cập  là người đã tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại HAMAS).

Báo chí đã viết về những thành tựu mà ông Suleiman đạt được trong lĩnh vực này như  việc ông đã thuyết phục được các bên PalestineIsrael tạm thời hòa hoãn với nhau trong các năm 2001, 2003 và 2005.

Các phóng viên thậm chí còn cho rằng "sếp sòng" của ngành tình báo Ai Cập xứng đáng được ghi danh trong sách kỷ lục Guinness như người đã can dự nhiều nhất vào các đợt hòa hoãn ngắn hạn giữa PalestineIsrael trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI.

Ông Mubarak và ông Suleiman.

Tháng 6/2001, Bộ trưởng Quốc phòng Israel lúc đó là Binyamin Ben-Eliezer đã đánh giá ông Suleiman như một trong những người nghiêm túc nhất  mà ông này từng gặp và cũng là một trong những người có thế lực nhất ở Ai Cập.

Sau sự kiện HAMAS chiếm quyền ở dải Gaza, Ai Cập đã nhận vai trò làm trung gian hòa giải trong quan hệ giữa phong trào này với FATAH do nhà lãnh đạo Palestine, Mahmud Abbas đứng đầu (FATAH cũng là tổ chức kiểm soát phần lớn lãnh thổ mà Israel đã dành cho Nhà nước Palestine).

Mặc dầu tháng 6/2008 với sự trung gian tích cực của "sếp sòng" của ngành tình báo Ai Cập đã đạt được thỏa thuận về hòa giải giữa Israel với phong trào HAMAS, nhưng nhìn chung hoạt động tìm kiếm hòa bình của ông Suleiman trong giai đoạn này bị đánh giá là "công dã tràng".

Dẫu vậy, sau chiến dịch quân sự mà Israel đã tiến hành tại dải Gaza từ tháng 12/2008 tới tháng 1/2009, vai trò của ông Suleiman như một nhà thương thuyết đã gia tăng rõ rệt. Hoạt động ngoại giao của ông thực sự đã tạo được ảnh hưởng quan trọng trong việc thiết lập lại hòa bình ở dải Gaza. Dư luận cũng đánh giá cao những nỗ lực của ông Suleiman trong các cuộc thương lượng về số phận của người lính Israel Gilad Shalit  bị HAMAS bắt giữ.

Các hoạt động ngoại giao khác của ông Suleiman còn được ghi nhận ở việc làm trung gian hòa giải trong nửa sau của thập niên thứ nhất thế kỷ XXI về việc ngừng nội chiến ở Sudan, ngăn chặn bùng nổ xung đột giữa vua Arab Saudi, Abdallah với lãnh tụ Libya, Muamar Caddafi vì cơ quan an ninh Lebanon bị nghi ngờ là đã âm mưu ám sát vua Arab Saudi trong thời gian đăng quang của ông này năm 2003 và ở các cuộc thương lượng với Syria trong những năm 2005-2006 nhằm cải thiện quan hệ của nước này với Lebanon, nơi trong giai đoạn đó đã gia tăng tâm lý bài Syria.

Trong thời gian chiến tranh chống khủng bố mà Washington đã phát động từ sau ngày 11/9/2001, "sếp sòng" của ngành tình báo Ai Cập đã tỏ ra ủng hộ những nỗ lực của nước Mỹ.

Cụ thể, nhiều nhân vật bị nghi là liên quan tới Al-Qaeda hay các tổ chức khủng bố khác và bị các cơ quan an ninh Mỹ bắt giữ đã được chuyển tới Ai Cập và ở đó đã bị thẩm vấn tại các cơ sở của cơ quan tình báo Ai Cập. Cũng vì chuyện này mà cơ quan tình báo Ai Cập đã bị lên án vì đã sử dụng những trò tra tấn những nghi can khủng bố bị bắt làm tù nhân…

Từ khi lên làm nguyên thủ quốc gia năm 1981, Tổng thống Mubarak đã không đề cử ai làm cấp phó cho mình và luôn luôn ngăn cản những nhân vật nào trong đội ngũ thân cận khả dĩ xứng đáng với trọng trách này. Thế nhưng, ông Suleiman từ đầu những năm 2000 đã thường xuyên được báo chí đánh giá như một trong những người có khả năng trở thành thừa kế của ông Mubarak. Ông cũng được đánh giá như một trùm tình báo có ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Đông.

Và giữa những bất ổn đang diễn ra ở Ai Cập hiện nay, ngày 29/1/2011, Tổng thống Mubarak đã đột ngột đưa ông Suleiman lên làm Phó Tổng thống. Chức vụ cũ của ông Suleiman từ ngày 31/1/2011 được giao cho ông Murad Mowafi. Cũng trong ngày 31/1/2011, ông Suleiman cũng đã phải nhận trọng trách thương thảo với các lực lượng đối lập theo yêu cầu của Tổng thống Mubarak. 

Mặc dầu trước đây ông Suleiman nói rằng ông không muốn trở thành Tổng thống Ai Cập nhưng từ ngày 3/2/2011, ông tuyên bố rằng ông không loại trừ sự tham gia của mình vào cuộc bầu cử Tổng thống tương lai ở Ai Cập. Đêm 4 rạng ngày 5/2/2011, kênh truyền hình Fox News đưa tin về một vụ mưu sát ông Suleiman.

Ông Suleiman đã là người tối 11/2 lên truyền hình đưa ra thông báo về việc Tổng thống Mubarak từ chức

Hệ thống an ninh tình báo Ai Cập:

- Cục Tình báo Ai Cập (Mukhabarat el-Aama)

- Cơ quan Tình báo Quân sự (Mukhabarat el-Kharbeya)

- Cục Điều tra An ninh Quốc gia (Mubahath Amn el Dawla)

- Cơ quan An ninh Quốc gia (Jihaz Amn al Daoula)

Đinh Cương
.
.