Ông hoàng nhạc sến Vinh Sử: Đi hoài không hết đường chiều

Thứ Sáu, 25/04/2014, 14:41
Những Nhẫn cỏ trao em, Gõ cửa trái tim, Yêu người chung vách… giờ chỉ còn là dư âm da diết trong hồi tưởng của người nhạc sĩ tài hoa Vinh Sử. Ông gõ nhịp một bài ca, mà hơi thở xanh xao như đứt quãng theo từng ngón tay run rẩy. Vinh Sử đang trải qua những ngày xế chiều túng quẫn đến cùng cực.

1.Đến thăm nhạc sĩ Vinh Sử trong Bệnh viện Nhân dân Gia Định, thấy người lạ, ông quay mặt đi, như không muốn bất kỳ ai nhìn thấy mình trong bộ dạng tiều tụy, xác xơ. Nhạc sĩ Vinh Sử đã sụt hơn 20 ký kể từ ngày căn bệnh ung thư trực tràng tác quái trong cơ thể ông. Vinh Sử với tay nhờ vợ đắp hờ cho mình chiếc áo, ông thều thào: “Gặp ký giả trong tình cảnh như thế này, thiệt ngại quá”. Hôm qua, hôm kia, nhạc sĩ Vinh Sử lại vừa phẫu thuật cắt thêm một đoạn ruột bị u ác tính di căn. Hơn nửa đời gắn với kiếp nghệ sĩ đào hoa, đến lúc xế chiều, bệnh tật hành hạ liên miên “ông hoàng nhạc sến” lại chẳng còn ai bên cạnh. Chỉ có người vợ cũ - bà Nguyễn Ngọc Lệ thương cảnh ông đau yếu nên ngày đêm túc trực chăm sóc.

Nhạc sĩ Vinh Sử nói nhẹ như hơi thở: “Tới buổi ngày tàn, bả còn không chê, không quản cực nhọc lo lắng cho tôi, như vậy là đời tôi cũng chưa bạc lắm”. Mà nhạc sĩ Vinh Sử có neo đơn gì cho cam, tính ra ông cũng mấy đời vợ, chính thức có, ngoài giá thú cũng có. Con cái cũng đông, anh em ruột thịt càng không thể gọi là đơn chiếc. Nghe tôi hỏi vậy, Vinh Sử gượng cười: “Đừng nói vậy mà tội nghiệp nhà tôi. Con cái đứa nào cũng khổ nghèo, đâu có giúp đỡ được mình nhiều. Chúng nó bận bịu chồng con, rảnh thì tụi nó cũng thăm tôi thường xuyên mà. Còn anh em tứ tán lâu rồi, biết đâu mà tìm nữa. Những gì người ta nói về mấy đứa con tôi là không phải vậy đâu”. Cơn đau quặn ruột tràn tới, nhạc sĩ Vinh Sử gập người rũ rượi.

Cái thời Boléro còn cực thịnh, một bài nhạc của Vinh Sử đủ để ông sắm được hai chiếc xe máy đời mới. Lúc giá vàng còn rẻ mạt, thì Gõ cửa trái tim của “ông hoàng nhạc sến” đã nằm trong khoảng 5 – 7 triệu tiền tác quyền. Vinh Sử kể: “Tôi không phải nói nghệ sĩ là phung phí, nhưng thật sự cũng rất ít ai tiếc tiền. Khoảng thời gian đó vui chơi cùng bạn bè cũng gọi là phỉ được thời trai trẻ. Vả lại, tôi có đến sáu, bảy mặt con lận, dẫu phước phần tôi chỉ sống một mình”. Nhạc sĩ Vinh Sử sống một mình trong căn phòng trọ vỏn vẹn 10 mét vuông, đặt cái nệm nằm là cũng vừa hết chỗ. Nhạc sến bị “thất sủng” cũng là lúc ông hoàng lâm vào cảnh khó khăn. Ngày, ông đi xe đến xưởng giày ở quận 4 làm thêm, tối về ngả lưng lên chiếc giường nhỏ, cũng là bàn sáng tác rồi ngân nga mấy bài nhạc cũ. Nhạc sĩ Vinh Sử tâm sự: “Những bản mới tôi cũng sáng tác nhiều, nhưng rồi cũng không được bao nhiêu. Nói vậy chớ, cũng không có nản. Tôi đi làm việc khác, là để có thể được sáng tác tiếp mà”.

Nhạc sĩ Vinh Sử tiều tụy trên giường bệnh.

Tôi hỏi, một câu hỏi rất thường, “Âm nhạc đem đến cho ông những gì, rồi lấy mất của ông những gì”. Vinh Sử gượng cười: “Với âm nhạc, tôi chỉ được thôi, không mất gì cả. Dẫu cái nghề nó bạc, dẫu những lời ca buồn bã kia dường như vận vào cái số của tôi. Nhưng nếu không có âm nhạc, tôi đã không có những khoảng thời gian vui đến thế. Bây giờ tôi cũng vui, ngồi nói chuyện với cô vậy chớ, nốt nhạc đang nhảy múa trong đầu tôi đây này. Chỉ tiếc là, yếu quá, không ghi ra kịp, một hồi sau là quên tuốt luốt”. Chắc cũng vì nhạc luôn ở trong đầu như thế, nên gia tài âm nhạc của Vinh Sử vô cùng đồ sộ. Mấy mươi năm sáng tác, hơn 1000 bài Boléro mà chắc hẳn phân nửa số đó gắn liền với ký ức tuổi thơ của rất nhiều người.

Vinh Sử đau, cái ống đặt trong đường ruột khi phẫu thuật khiến bây giờ cổ ông lúc nào cũng ngứa, buộc phải ho, nhưng ho thì đau thấu xương bởi đoạn ruột vừa mới cắt. Ông lại gượng cười, mấy câu “Anh nghèo nên chẳng nhẫn kim cương, tặng em theo sính lễ huy hoàng, thì đây anh đan nhẫn cỏ, tặng em coi như bỏ ngỏ”… bỗng nhiên hiu hắt, xác xơ hơn bao giờ hết.

2.Vinh Sử kể, ông đến với âm nhạc cũng tình cờ lắm. Nhà ông ở quận 4, làm lò bún, cha mẹ ông không mặn mà gì việc học nên mấy anh em cũng chỉ biết được con chữ rồi thôi. Nhưng Vinh Sử có ông cậu tên là Ba Tích, là thầy dạy piano trong trường  Âm nhạc quốc gia. Thấy Vinh Sử ham thích cải lương, suốt ngày tập tành đàn ca, sáo thổi, ông Ba Tích liền dắt cậu bé Sử vào trường để học. Thế nhưng chỉ được mấy tháng, nhà trường đã mắng vốn ông Ba Tích, vì Vinh Sử quậy phá quá. Nhạc Sĩ Vinh Sử nhớ lại: “Rời khỏi trường, không được học nhạc nữa, tôi buồn và hối hận ghê lắm. Tôi tìm thầy để học, may đâu được thầy Dũng ở quận 4 nhận dạy. Cũng may mắn cho tôi quá”. Công danh nhạt nhòa, tiền bạc không có, nhưng Vinh Sử vẫn miệt mài sáng tác. Bởi, kể cả thời trẻ trai và cho đến tận bây giờ Vinh Sử chưa bao giờ coi viết nhạc là một công việc, mà với ông, đó đơn giản chỉ là đam mê, là sở thích. Và cho đến bây giờ, khi bao rỡ ràng đã vụt tắt, danh xưng “ông hoàng nhạc sến” dần chìm vào quên lãng, Vinh Sử vẫn cứ cười xòa: “Có gì đâu mà phải buồn, phải hoài cổ như vậy. Nhạc của tôi, giờ vẫn còn người nhớ, vẫn còn người hát là được rồi. Nhạc mình viết ra mình không nhớ nổi, mà người ta nhớ giùm mình là hạnh phúc quá rồi, có phải không?”.

Đang vui chuyện, tự nhiên Vinh Sử lặng im, mắt ông nhìn về xa hút, nén một hơi thở dồn ứ trong lồng ngực. Bà Ngọc Lệ từ đầu đến giờ vẫn đứng nép ngay đầu giường vội bước tới. Bà chạm khẽ tay tôi, ra hiệu để cho ông nghỉ, dường như ông mệt lắm rồi. Mắt bà chực ngập nước. Nhạc sĩ Vinh Sử phát bệnh đã hơn 3 năm nay, những ngày còn khỏe, ông mập đến 67 ký, cuộc sống khổ nghèo nhưng lúc nào nụ cười cũng tươi rói trên môi. Giờ đây, Vinh Sử không khác nào cành cây khô trước gió, héo hắt, trơ trọi, run rẩy vui, run rẩy buồn giữa lúc hơi tàn, lực kiệt. Bà Lệ kể, có những ngày, ông và bà không dám ăn quá 10.000 đồng. Vì không tiền, vì sợ thâm hụt vào số tiền thang thuốc ít ỏi mà ông nhận được từ tấm lòng của những người yêu mến người nhạc sĩ tài hoa. Bà Lệ nói rất nhỏ: “Bệnh tình của ổng ngày càng nặng. Tôi nói nhỏ thôi, để ổng nghe được ổng buồn”.

Nhưng hơn ai hết, nhạc sĩ Vinh Sử biết bệnh của mình, ông lấy hơi, nghẹn ngào: “Tôi biết, tôi biết bệnh của mình lắm chứ. Đau đến ba, bốn năm không hết thì cũng phải tự hiểu thôi. Nhưng mà nhiều khi, nghĩ ra đoạn nhạc hay, rồi không tài nào ghi lại được, cái nỗi đó nó còn đau đớn tiếc nuối hơn. Tôi mà khỏe hơn một chút, một chút xíu thôi, là tôi cầm cây viết lên tôi chép nhạc liền”. Thấy tôi sử dụng máy ghi âm, nhạc sĩ Vinh Sử liền hỏi thăm. Ông bảo, cái máy đó chắc có thể hữu dụng với ông lúc này, vì chỉ cần nốt nhạc mới nảy ra trong đầu là ông có thể ghi lại được. Một thoáng chốc, mắt người nhạc sĩ già, đang rũ rượi vì ốm đau bỗng lấp lánh vui. Ông vui nỗi vui nhỏ xíu mà tự nhiên tôi thấy xót. Nhạc sĩ Vinh Sử còn hỏi cặn kẽ chỗ mua, cách sử dụng. Ông yếu ớt bảo tôi: “Khỏe lại, ráng đi làm là mua ngay cái máy này liền, không sợ nhạc nó trôi đi mất nữa”. Nhưng mà, 71 tuổi, ung thư ác tính, sức lực không còn, dẫu may mắn được xuất viện, thì Vinh Sử còn có thể đi làm được nữa sao. Những ý nghĩ bế tắc về một phận đời hốt nhiên khiến tôi run rẩy. Nhưng bên cạnh tôi, người đàn ông đang vật lộn với ốm đau, bệnh tật đằng kia vẫn vui lắm, vẫn đủ vui để hỏi tôi rằng, bài nhạc chờ trong điện thoại là do ông sáng tác nghe hay không; thừa vui để kể rằng, nhiều khi gọi điện, mà nghe người ta cài nhạc chuông, nhạc chờ đúng bài của mình sáng tác thì cảm giác vẫn vẹn nguyên như lần đầu tiên nghe bài Yêu người chung vách được phát trên sóng truyền thanh…

Có lẽ nhạc sĩ Vinh Sử vui là thật. Nhưng bà Ngọc Lệ thì chực khóc, vì cả việc cười, Vinh Sử cũng cố gắng lắm để môi không run rẩy, cả khi nói, ông cũng phải nén cơn đau đứt ruột, mà trong trường hợp này từ “đứt ruột” không phải để diễn tả đại khái về nỗi đau đớn của ông. Bà Ngọc Lệ chực khóc, vì ngày mai, ngày kia, khẩu phần của đôi bạn già vẫn chỉ dừng lại ở mức 10.000 đồng, trong khi đó để có thể “khỏe lại đi làm kiếm tiền mua cái máy ghi âm”, Vinh Sử cần bồi bổ, cần thuốc thang, cần thêm tiền viện phí.

Nhạc sĩ Vinh Sử nằm đó, giai điệu của những bản Boléro nhịp nhàng, dập dìu choán lấy tâm trí ông. Bất giác, những ngón tay ông run rẩy gõ nhịp một bài ca, hơi thở xanh xao lần theo từng lời hát. Liệu rồi, những nốt nhạc ngày hôm nay, “ông hoàng nhạc sến” của ngày hôm qua có kịp nhớ, có kịp ghi lại, có kịp hoàn thành…

Hồ Ngọc Giàu
.
.