Ông giáo làng tôn vinh Thánh Dóng

Thứ Tư, 09/07/2008, 09:00
Khi trình bày về thần thoại Thánh Dóng trong hội trường, anh Cao Huy Đỉnh thuộc lòng, không cần nhìn vào sổ ghi chép. Hoàn toàn bằng trí nhớ, anh cầm phấn vẽ lên bảng bản đồ vùng đất còn nóng hổi những di tích, những truyện kể văn học triền sông Đuống, sông Cầu, sông Hồng, sông Thái Bình.

Dạo ấy, tôi làm biên tập ở Nhà xuất bản Thanh niên. Thỉnh thoảng Nhà xuất bản lại mời một chuyên gia đến nói chuyện để bồi dưỡng kiến thức cho biên tập viên: Hoặc là thời sự chính trị, hoặc là khoa học, hoặc là văn học...

Hôm đó, anh Cao Huy Đỉnh nói chuyện về văn học dân gian, chủ yếu là thần thoại. Như một học sinh trên ghế nhà trường, tôi hay ghi chép những bài nói chuyện đó. Buổi nói chuyện của anh Cao Huy Đỉnh, tôi ghi chép được đầy đủ từ đầu đến cuối. Đến nay, giở lại cuốn sổ ghi chép từ năm 1969, đọc lại bài nói chuyện của anh, tôi có cảm giác như đọc lại những trang giáo trình.

Trong khi diễn giảng, anh không đi lại, không giơ tay, không hùng biện; mà cứ đứng im tại chỗ bên tấm bảng đen. Khi cần thì anh dùng phấn viết lên bảng. Với lối kể chuyện mạch lạc và luận lý đầy thuyết phục, anh dẫn người nghe đi vào thế giới kỳ ảo của những anh hùng ca Iliat, Ôđixê, Ramaya, Mahabarata...

Rồi anh liên hệ đến thần thoại ông khổng lồ ở Việt Nam mà dân gian thường gọi là Ông Đùng. Ông Đùng vác đất đắp ngang sông Cầu để câu cá. Ông Đùng ở Việt Trì khiêng cả một đồi cọ để làm vườn. Ông Đùng ở Vinh giẫm chết con mèo hoang đến cướp cá của ông và con mèo hóa thành Rú Mèo nằm bên bờ sông Lam...

Từ đầu đến cuối cuộc nói chuyện, không bao giờ anh nhìn vào giấy, mà cứ nói một cách lưu loát và hấp dẫn như bà kể chuyện ngày xưa cho cháu nghe. Tôi bỗng nhớ lại hồi tôi học lớp tám, thầy Nguyễn Huy Tý dạy cổ sử, không bao giờ thầy nhìn vào giáo trình, mà nói rất tỉ mỉ hành tung các nhân vật và ngày tháng xảy ra các sự kiện lịch sử. Chúng tôi hào hứng ghi chép những lời thầy giảng.

Tôi nói với nhà thơ Phan Xuân Hạt: "Anh Cao Huy Đỉnh nói chuyện mà như thầy giáo giảng bài, rất dễ tiếp thu". Nhà thơ Phan Xuân Hạt cho biết: "Cao Huy Đỉnh vốn là nhà giáo. Anh đã từng dạy cấp một, cấp hai, cấp ba, rồi đại học. Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, anh đã từng dạy bình dân học vụ, làm cán bộ tuyên huấn xã, tuyên huấn huyện, rồi Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Châu".

Có nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu xuất thân từ nhà giáo. Trong quá trình giảng dạy, họ ki cóp tích lũy kiến thức. Khi đã trở thành nhà nghiên cứu, họ vẫn mang phong cách nhà sư phạm: đó là sự chính xác về tư liệu, sự khúc chiết về luận lý, sự sáng sủa về diễn giải.

Cao Huy Đỉnh đã trải qua một quá trình dài làm công tác quần chúng và làm ông giáo làng. Anh lại được sinh trưởng ở Thịnh Mỹ, một làng quê phồn thịnh không khí học vấn, đã sản sinh ra những học giả nổi tiếng như Cao Xuân Dục, Cao Xuân Huy... Phong trào "cần công kiệm học" hồi ấy đã rèn luyện cho anh đức tính khổ học. Học trong sách vở. Học trong thực tiễn đời sống. Từ ông giáo làng anh đã trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (folklore) có uy tín.

Có lẽ từ trong môi trường sinh trưởng và hoạt động ấy đã nhen nhóm trong anh một tình yêu dân dã, yêu văn học và văn hóa dân gian. Nhưng khi rời công tác giảng dạy, vào làm việc ở cơ quan nghiên cứu, anh lại được giao trách nhiệm nghiên cứu văn học nước ngoài, rồi văn hóa Đông Nam Á. Dẫu trên lĩnh vực nào anh cũng luôn luôn suy ngẫm về tư tưởng và văn hóa Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã tiếp nhận các luồng tư tưởng trên thế giới như thế nào. Văn hóa dân gian Trung Quốc, Ấn Độ và xa hơn nữa là Hy Lạp, La Mã có gì liên quan đến văn hóa dân gian Việt Nam.

Với định hướng như thế, bất kỳ ở đâu, bất kỳ đang làm việc ở lĩnh vực nào, anh cũng xông xáo, tìm tòi, trăn trở và ghi chép công phu. Trong thời gian học ở Ấn Độ, ngoài thì giờ ở giảng đường và thư viện, anh đi khảo sát thực địa từ Belgal đến Gujarat, từ Pradesh đến Kerala. Phải đổ ra bao nhiêu công sức mới hình thành nên những trang viết "Tìm hiểu về thần thoại Ấn Độ".

Đến lúc chuyên tâm về văn học dân gian Việt Nam thì anh đã có vốn kiến thức cơ bản về triết học, về các nền văn hóa dân gian lớn trên thế giới.

Với phương pháp "đặt tác phẩm vào trong môi trường nảy sinh ra nó mà nghiên cứu, mà phát hiện", anh đã hăm hở tiến hành một cách khẩn trương công trình nghiên cứu về Thánh Dóng.

Trong những năm tháng bom đạn ác liệt, đời sống vô cùng khó khăn, Cao Huy Đỉnh với chiếc xe đạp cọc cạch đã bươn chải khắp các vùng quê Hà Bắc, Vĩnh Phú để khảo sát điền dã. Tác phong của ông giáo làng và người cán bộ quần chúng trong những năm kháng chiến chống Pháp lại phát huy đắc lực trong công việc hôm nay. Anh xắn quần đi từ làng này sang làng khác, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Thắp hương ở các đền chùa. Gặp các cụ lão nông tri điền. Ngắm từng cái ao cái chuôm, từng khóm tre gốc duối...

Lần theo dấu chân thần thoại, anh phát hiện được nhiều điều kỳ thú mà chưa hề ghi trong sách vở và chưa hề truyền tụng ở các vùng quê khác. Được tắm mình trong dòng chảy văn hóa dân gian - ngọn nguồn của văn hóa dân tộc, tâm tư rời rợi mát và trí tuệ nảy nở.--PageBreak--

Khi trình bày về thần thoại Thánh Dóng trong hội trường, anh thuộc lòng, không cần nhìn vào sổ ghi chép. Hoàn toàn bằng trí nhớ, anh cầm phấn vẽ lên bảng bản đồ vùng đất còn nóng hổi những di tích, những truyện kể văn học triền sông Đuống, sông Cầu, sông Hồng, sông Thái Bình. Với một tình yêu say đắm của nhà khoa học, anh đã đi khảo sát 57 làng ở vùng đất Phong Châu, hăm hở tiếp nhận những điều kỳ thú.

Ông Đổng (ông Dóng) và quân của ông chỉ thích ăn cơm với cà, một số làng ở Bắc Ninh vẫn dành riêng một mảnh đất để trồng cà cho ông. Làng thợ rào (thợ rèn) Mai Khương vẫn âm vang tiếng búa nện đe "cụng cực... cụng cực..." - dân làng bảo đó là tiếng Ông Dóng nhắc nhở còn vọng lại từ thuở rèn ngựa sắt.

Từ Hồ Tây lên Sóc Sơn còn in dấu Ông Dóng nằm ngủ ở Phù Lỗ, còn mát rượi làng Kẻ Mát - nơi Ông Dóng uống nước, còn rậm rịch không khí trận mạc ở làng Ông Đồ - nơi Ông Dóng dừng lại trên đường hành binh để sửa soạn khí giới.

Đền thờ làng Trung Mầu vẫn hương khói thờ phụng Ông Cầm Vồ - thờ người nông dân chạy theo Ông Dóng khi đang cầm vồ đập đất. Trên tảng đá làng Bệ Nội còn in dấu chân Ông Dóng khi quỳ xuống để uống nước ao - mãi về sau dân làng vẫn dùng nước đó để luộc rau muống. Trên đỉnh đồi làng Cựu Tự có một tảng đá còn in dấu Ông Dóng buộc ngựa...

Đặc biệt, Ông Dóng vẫn hiện diện trong những năm đánh Mỹ. Khi có máy bay giặc, một em bé chưa biết nói mà đã biết kéo ông nội ra khỏi hầm trú ẩn. Người ông xúc động ứng khẩu câu ca: Ngày xưa Dóng ở trên không. Ngày nay Dóng ở trong lòng trẻ em...

Bao nhiêu trăn trở tìm tòi, bao nhiêu trí tuệ và sức lực cơ bắp qua nhiều năm tháng gian khổ, đã đem đến cho anh một thành tựu xuất sắc: "Người anh hùng làng Dóng" (Nhà xuất bản Khoa học xã hội - 1969). Với công trình này, anh đã khẳng định một phương pháp nghiên cứu văn hóa dân gian: đặt tác phẩm của dân gian vào trong đời sống sôi động hàng ngày của dân gian để khám phá, để suy ngẫm.

Sau "Người anh hùng làng Dóng", anh lại bắt tay vào một công trình khác với cường độ lao động khẩn trương. Năm 1974, cuốn "Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam" ra mắt bạn đọc. Nhưng ở cuối cuốn sách (trang 249) ghi là "mùa thu 1971". Chắc hẳn là vốn kiến thức đã được tích lũy dồi dào, vấn đề đã được nghiền ngẫm rất chín. Anh cầm bút viết một cách say mê và lưu loát.

Trong lĩnh vực folklore ở nước ta, đây là cuốn sách đầu tiên trình bày một cách có hệ thống tiến trình văn học dân gian dọc theo chiều dài lịch sử dân tộc. Qua từng thời kỳ lịch sử, văn học dân gian phát triển về nội dung, thể loại và nghệ thuật thể hiện. Bằng vốn tư liệu phong phú và sự phân tích khoa học, tác giả đã đem đến cho người đọc nhận thức khái quát: sự tác động qua lại giữa các thể loại văn học dân gian, sự tác động qua lại giữa văn học dân gian và văn học thành văn.

Từ đó, tác giả rút ra kết luận: "Sáng tác dân gian đúng là nguồn sống tinh thần bền vững và liên tục của nhân dân, là cốt lõi văn hóa thuần túy của dân tộc. Nó đã nuôi dưỡng cho nền văn học thành văn cổ điển ngày càng lớn mạnh, khỏi lệ thuộc vào khuôn mẫu phong kiến và ngoại lai, ngày càng đậm đà tính chất dân tộc, tính chất nhân dân về nội dung cũng như hình thức. Nó cũng là nguồn tư liệu phong phú cho nhiều ngành khoa học xã hội Việt Nam".

Có thể nói, "Người anh hùng làng Dóng" là một mẫu mực về phương pháp nghiên cứu một tác phẩm văn học dân gian cụ thể; "Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam" có giá trị đáng kể đối với ngành floklore Việt Nam. "Trong giới nghiên cứu floklore ở nước ta, Cao Huy Đỉnh là người đầu tiên có những kiến giải khoa học, nhìn các hiện tượng văn học dân gian theo hướng tổng hợp, kết hợp với các kiến thức dân tộc học, địa phương học" (Từ điển văn hóa Việt Nam - NXB Văn hóa thông tin - 1993).

Cuộc đời anh đã khép lại ở tuổi 49, cái độ tuổi đang sung sức của nhà khoa học. Anh không tiếp tục được các dự định khác đang đầy ắp trong anh, nhưng những gì anh để lại, thế hệ đàn em tiếp nhận một cách trân trọng: công trình khoa học, đức độ của nhà khoa học.

Khi anh vĩnh viễn ra đi, mức lương của anh chỉ là chuyên viên một (105 đồng). Trước đó một ít, đáng lẽ anh đã được hưởng mức lương chuyên viên hai, nhưng anh đã nhường cho một bạn đồng nghiệp khác. Vì là chuyên viên một, cho nên rất khó khăn về các chế độ do Ban tổ chức quy định khi anh qua đời. Đến cái tin cáo phó cũng phải chạy vòng vo mới đưa được lên Báo Nhân Dân...

Căn hộ mà vợ con anh ở hôm nay, hương khói thờ phụng anh, nào anh đã được ở một ngày. Khi đang sống, vì chưa đủ tiêu chuẩn nên chưa được phân nhà, phải ở nhờ nhà bố mẹ vợ... Thời gian trôi qua, nào ai biết mức lương của anh là chuyên viên một hay chuyên viên chín, anh được táng ở nghĩa trang Bất Bạt hay Thanh Tước hay Mai Dịch; cái được lưu giữ bền vững trong lòng mọi người là tâm huyết của một nhà khoa học đối với nền văn hóa dân tộc

Võ Văn Trực
.
.