Ông bầu Lưu Phước Sang: Đường trần lắm nỗi.

Thứ Năm, 26/07/2007, 09:30

Người ta vẫn hay viết về những chuyện cổ tích trong đời thường. Nếu thế thì chuyện dựng nghiệp của Phước Sang cũng là một chuyện cổ tích vậy. Nhưng nghe riết rồi người ta lại thấy thành quen thuộc.

Cái tin Phước Sang bị trúng gió khi đi công tác Singapore làm nhiều người nửa tin nửa ngờ. "Anh hàng thịt" phục phịch hàng ngày vẫn làm việc 19 tiếng, "chiến" 3 bữa cơm hộp, tự dưng trúng gió thì thật khó tin. Nhưng đời Phước Sang vẫn luôn là một chuỗi những câu chuyện khó tin như thế.

Cuộc sống quả là nghiệt ngã với người đàn ông mang dáng vẻ lù khù này...

Tôi nhớ đã phỏng vấn Phước Sang 3 lần, lần nào cũng rất vội, anh nói cũng rất nhanh và lần nào tôi cũng thấy tiếc nuối. Vì chưa nói được hết nhẽ những câu chuyện. Và vì những ký ức đôi khi cũng cần có thời gian để nhớ lại, để chắt lọc, để không làm tổn thương đến ai, không gây cho ai phải dằn vặt suy nghĩ.

Lần gần nhất là khi anh ra nhận giải Cánh diều vàng. Tôi coi như đó là những kỷ niệm. Để thời gian lùi lại, nhìn mọi việc trong một nhịp xa hơn, có thể sẽ thấy được nhiều điều hơn.

Vai diễn đầu tiên của Phước Sang thật khó nhớ, có thể là vai lướt qua màn ảnh, cũng có thể là vai đạp xích lô trong tiểu phẩm hài ăn khách đầu tiên của kịch 135. Nhưng vai diễn ấn tượng gần đây nhất của anh, có lẽ là anh chàng hàng thịt trong "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Nguyễn Quang Dũng. Một bộ phim vui và hóm.

Phước Sang có lẽ là diễn viên ít phải hoá trang nhất, bụng phệ, quần ngố, cái miệng tía lia, chạy huỳnh huỵch cùng băng đảng thợ thịt hùng dũng.

Tôi đồ rằng, khi xây dựng băng đảng bụng bự đó, Nguyễn Quang Dũng đã có ý đồ nhắm vào Phước Sang. Nặng 90 cân, cao 1,77m, càng ngày Phước Sang càng giống quả bầu, tròn vo. Nhiều người đùa vui, tướng anh ngày càng phúc hậu.

Xem "Gala cười 2005", nhóm bạn ngày nào như Hoàng Sơn, Nhật Cường, Phước Sang diễn lại "Xích lô", khán giả vẫn cười ra nước mắt.

Tiểu phẩm đó họ hì hụi dựng trong những ngày đầu được Nhà văn hoá Thanh Niên giao cho quản cái nhà kho và tạo dựng sân khấu 135. Những chi tiết trong tiểu phẩm hài ấy có lẽ Phước Sang không mất quá nhiều công vì nó từng nằm trong suốt quãng đường dài, kể từ khi mẹ mất, anh phải tự bươn chải, bơm vá xe để có thể kiếm được tiền học nốt hai năm còn lại của Trường Sân khấu 2.

Ngày đó ai cũng biết Sang vá xe đạp, vá thành thạo đến mức được đạo diễn Lê Xuân Hoàng mời vào vai anh chàng vá xe trong phim "Vị đắng tình yêu". Khi cả Phước Sang, Nhật Cường và Hoàng Sơn không còn trẻ nữa, tất cả đã thành đạt và tất cả bụng đã bắt đầu... bự, diễn lại tiểu phẩm ấy như thể họ diễn lại một ký ức gian khó nhưng đẹp đẽ.

Phước Sang từng đứng đầu nhóm bạn trường sân khấu, làm đủ nghề, từ cu li, hậu đài, đi làm thuê, tất cả vì chuyện mưu sinh. Rồi đi diễn theo nhóm, những tiểu phẩm hài lần lượt được ra mắt, đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả bình dân.

Phước Sang đi lên từ đáy cùng của thành phố đông đúc và bận rộn, làm mọi việc lương thiện để mưu sinh nên không ngần ngại nhận mình làm kịch thị trường, làm "hàng chợ" để đáp ứng khán giả.

"Hàng chợ" nhưng Phước Sang vẫn làm say mê vì đã có một lớp khán giả của nó. Mà người làm kinh doanh nghệ thuật thì phải tỉnh táo để biết sản phẩm của mình làm cho ai xem và mình đang đứng ở đâu, nghệ sỹ thời cơm áo không thể khư khư ôm giấc mộng nghệ thuật xa vời.

"Hàng chợ" là hài kịch, là những vở diễn mang chủ đề nóng của xã hội, là những bộ phim thương mại làm ra phải đáp ứng được nhu cầu khán giả, để có doanh thu để tái đầu tư.

"Hàng chợ" là "Đẻ mướn", "Khi đàn ông có bầu", đo ni đóng giày cho khán giả Nam Bộ trong mùa lễ Tết, doanh thu đáng để cho nhiều nhà sản xuất dè chừng. Phước Sang không phải là người được học bài bản để trở thành người làm kinh doanh.

Nhưng những bài học được anh "lận lưng" từ thực tế đầy xương máu, từ thất bại ở Đà Lạt tới thắng lợi ở Kiên Giang, từ thua lỗ ở Phan Thiết tới lời lãi ở Hà Nội. Tất cả từ việc nắm tâm lý của người thưởng thức văn nghệ.

Có lẽ đó là một tư duy phục vụ thật thiết thực với công chúng của một ông bầu nghệ thuật, một tư duy "thích thì chiều", sao cho khán giả sẽ luôn ủng hộ sản phẩm của mình.

Phước Sang thành công. Thành công vì hiểu gốc gác tâm lý xem tuồng của khán giả, không triết lý cao siêu, không quá romantic, phải giản dị, dễ hiểu, dễ cười. Chuyện tóm lại vài câu, nhưng để đi tìm được một chân lý ngắn như thế Phước Sang đã phải mất nửa cuộc đời.

Thế rồi Phước Sang quyết định đầu tư cho "Áo lụa Hà Đông" của ông anh kiệm lời Lưu Huỳnh. Hai anh em như hai mặt đối lập, vậy mà kết hợp lại thành công.  Họ đã từng có những bộ phim thời mì ăn liền thành công vang dội, như "Em và Michael Jackson" chẳng hạn.

Hơn mười năm sau, họ lại cùng bắt tay vào một câu chuyện mới. Lưu Huỳnh đã quyết liệt với bộ phim của mình bằng một bản trường ca về chiếc áo dài đầy cảm động. Còn Phước Sang thì đứng ở vòng ngoài, không tham gia trực tiếp vào quá trình sáng tác. Nhưng đã có những toan tính từ trước khi bộ phim bấm máy.

Đây là một bộ phim thương hiệu, để người ta có thể nhìn thấy một Phước Sang khác, làm phim nghệ thuật, nghiêm túc và kinh phí cao. Một triệu USD cho một thương hiệu tốt, một bộ phim cảm động, một số giải thưởng không nhỏ, "Áo lụa Hà Đông" đã thắng lợi như một bước đi khôn ngoan của Phước Sang trước khi các hãng phim tư nhân khác muốn tiến lên tìm chỗ cạnh tranh.

Tất nhiên, "Áo lụa Hà Đông" thành công không hoàn toàn phụ thuộc vào toan tính của Phước Sang, nó là tâm huyết và tài năng của Lưu Huỳnh. Nhưng khi bộ phim có doanh thu bạc tỷ tại thị trường trong nước, báo chí ngợi ca và được các hãng phát hành nước ngoài tìm mua bản quyền thì rõ ràng, bộ phim đã giải quyết được quá nhiều việc bên ngoài nội dung của nó.

Người ta có thể kể từ lúc Phước Sang dựng nghiệp, với bộ phim video bán vé lãi tới 200 triệu đồng, nhà sản xuất trẻ thời phim mì ăn liền, rồi lại tiếp tục với một hãng phim tư nhân đầu tiên dám tung tăng sản xuất phim truyện nhựa.

Rồi giờ đây, anh đã là tổng giám đốc với 3 sân khấu kịch đỏ đèn 365 ngày mỗi năm, một hãng phim, một hệ thống nhà hàng mang tên “Nhân đôi”. Nhưng Phước Sang đã không mang phẩm chất kinh doanh của mình lên sàn diễn. Và như ai đó nói, Phước Sang thật ngu ngơ trước tơ nhện của lưới tình.

Người đàn ông "không nhan sắc" này như một định mệnh, luôn gắn đời mình với những mỹ nhân của làng giải trí, như Việt Trinh, như Lý Thu Thảo, rồi Kim Thư...

Giới nghệ sỹ Sài Gòn đã từng xôn xao trong nhiều năm, chuyện một ngôi sao do chính Phước Sang lăng xê trong những bộ phim anh sản xuất đã dứt áo, thậm chí dám quăng cả máy hát vào mặt người yêu, rồi đi theo các đại gia lắm tiền nhiều của. Hay một người đẹp khác cũng nhờ Phước Sang mà nổi tiếng, dính chuyện chụp hình lõa thể rồi bỏ rơi Phước Sang để đi lấy Việt kiều...

Những câu chuyện thực hư đó có lẽ chỉ Phước Sang là người biết rõ hơn ai hết. Và nỗi đau của người đàn ông bị phụ tình có lẽ không ai có thể sẻ chia được cho ai. Thế nhưng, đến tận bây giờ, người đàn ông bụng tròn xoe như ông địa ấy vẫn kịp lướt qua rất nhanh đề tài này.

Đó vẫn là một bí mật dù báo chí đã dày công khui xới. Anh coi những người yêu cũ như những người bạn. Có thể, theo một nghĩa nào đó, bè bạn là khi không còn yêu người ta không oán hận nhau.

Cuộc đời có lẽ không thật công bằng với Phước Sang, khi anh vất vả dựng nghiệp, vất vả kiếm tìm những niềm vui của đời mình, nhưng anh đã không được hưởng một cách trọn vẹn.

Một nghệ sỹ thân thiết với Phước Sang kể lại, tai biến xảy đến khi Phước Sang đang đi công tác tại Singapore. Phước Sang bị chứng cao huyết áp từ trước và chuyến đi công tác này có lẽ quá căng thẳng. Anh dự định kết thúc sớm công việc để kịp bay qua Mỹ thăm Kim Thư - vợ chưa cưới của anh và đứa con trai đầu lòng.

Cách đó vài tháng, Kim Thư đã lặng lẽ qua Mỹ để lo chuyện sinh nở nhằm tránh dư luận. Và Phước Sang rất nôn nóng được gặp mặt con trai. Phước Sang rất yêu trẻ con.

Còn nhớ khi đoàn phim "Đẻ mướn" quay xong, Phước Sang đã có ý định đón đứa trẻ là nhân vật chính trong phim từ trại mồ côi về nuôi. Nhưng anh sợ cảnh đi sớm về hôm của người đàn ông quen cảnh độc thân có thể không lo chu toàn cho cháu. Khi có dịp rảnh, anh vẫn thường đến thăm cháu bé. Thế nên anh đã chờ đợi giây phút được nhìn thấy mặt con trai quá dài.

Nhưng tai biến đã làm mong ước ấy tạm ngưng. Phước Sang buộc phải nằm viện tại Singapore để tránh tai biến. Nhưng vì quá nôn nóng công việc, anh đã xin bệnh viện cho về Việt Nam điều trị. Gần một tháng trôi qua, nguy cơ bị liệt một phần thân thể đã không còn, anh đang hồi phục dần.

Dường như trong người đàn ông này luôn chứa một bầu máu nóng. Để có thể làm những nỗi đau mệt vơi nhanh. Và để anh tiếp tục đi đến với những ước mơ lớn hơn của nghệ thuật.

Phước Sang, có lẽ là một chân dung đa diện.

Nhìn anh trong làng giải trí Sài Gòn, đó là một hình ảnh thành công có phần viên mãn. Những dự án phim ảnh đang đợi anh. Những kịch bản hay đang chờ Phước Sang nổi máu nghề dàn dựng.

Gần một ngàn con người đang hi vọng vào sự tấn tới của một tập đoàn giải trí, dẫu còn non trẻ, nhưng đã đặt được những nền móng đầu tiên tại Việt Nam. Tất cả sự chờ đợi ấy, tôi mong rằng, là một thứ động lực mang ý nghĩa "tâm linh tương thông", để Phước Sang nhanh chóng hồi phục, tiếp tục con đường mà anh đang bước dở dang.

Con đường ấy, còn rất dài và rộng lắm...

Thiên An
.
.