Ông Putin đã được chọn như thế

Thứ Hai, 21/11/2011, 14:43
Ông Yelstin kể lại: “Các bản báo cáo của Putin là mẫu mực của sự rõ ràng. Anh ấy cố gắng không “bày tỏ”, như các vị phó văn phòng khác, tức là không  diễn giải các quan niệm của mình về thế giới và nước Nga; dường như anh ấy đã cố gắng loại bỏ trong quan hệ giữa chúng tôi với nhau những yếu tố cá nhân. Nhưng cũng chính vì thế nên tôi lại muốn nói chuyện với anh ấy!

Tôi rất kinh ngạc trước khả năng phản ứng tức thì nhanh như điện của Vladimir Putin. Đôi khi các câu hỏi của tôi, ngay cả những câu giản đơn nhất, cũng có thể bắt người ta đỏ mặt và khó khăn tìm câu trả lời. Vladimir Putin lại đối đáp được một cách bình tĩnh và tự nhiên tới mức, có cảm giác như chàng trai này, còn trẻ theo thước đo của tôi, sẵn sàng đón nhận tất cả mọi sự trên đời, hơn nữa, còn trả lời được một cách rõ ràng, mạch lạc”.

Khi ông Putin được đưa lên làm Giám đốc FSB (hậu thân của KGB), ông đã “không vội vã lao vào “nền chính trị lớn” nhưng cảm nhận thấy mối nguy hiểm tinh nhạy và mạnh mẽ hơn những người khác và luôn báo động trước cho tôi”. Chính phong cách đó đã khiến ông Yeltsin nhớ tới ông Putin sau khi thử gần hết các nhân vật thân cận và có máu mặt vào chức Thủ tướng mà vẫn không được như ý. Theo những gì mà Boris Yeltsin kể lại trong cuốn hồi ký Maratông Tổng thống, ông đã tìm thấy ở ông Putin “hiện thân của những gì mà ông vẫn muốn nghĩ về các vị tướng Nga”.

Ông viết: “Nước Nga đã luôn tự hào về các vị tướng của mình. Những vị tướng của cuộc chiến tranh năm 1812, những vị tướng của chiến dịch Krưm (dù đã bị thất bại), những vị tướng vĩ đại của chiến tranh thế giới thứ hai...

Đã có lúc, có thể là năm 93 hay sớm hơn nữa, vào năm 91, tôi đã phân vân: đang có một cái gì đó không hẳn như thế ở các vị tướng của chúng ta. Có cái gì đó còn thiếu ở họ: có thể, đó là sự mã thượng, tính trí thức, một cái cốt lõi nào đấy... Tôi ngóng đợi một vị tướng nào đó không giống như các vị tướng khác xuất hiện. Hay nói chính xác hơn, vị tướng giống như những vị tướng mà tôi đã được đọc trong sách. Tôi ngóng đợi...

Bàn giao trách nhiệm (ông Yeltsin và ông Putin).

Và rồi thời gian trôi qua, vị tướng ấy đã xuất hiện. Anh ấy đến và toàn xã hội nhìn thấy rõ hình ảnh chân chính, dũng mãnh và thông thạo nghiệp vụ của các quân nhân ta. Tên gọi “vị tướng” ấy là ... đại tá Vladimir Putin”.

Và ông Yeltsin đã mời Vladimir Putin tới gặp mình vào sáng sớm ngày 5-8-1999 để thông báo về sự lựa chọn Thủ tướng mới. Và câu chuyện diễn ra tiếp theo như sau:

“Putin chăm chú nhìn tôi. Im lặng.

Tôi nói tiếp: “Nhưng đó chưa phải là tất cả. Anh cũng hình dung đại khái ra lý do khiến tôi cách chức Stepashin. Tôi biết, Stepashin là bạn anh, cũng là người St. Peterburg, nhưng bây giờ cần phải suy nghĩ về chuyện khác. Quan điểm của anh cần phải tinh tế, hợp lý một cách tối đa nhưng cũng cần rất cứng rắn. Chỉ có bằng cách đó anh mới giành được uy tín trong xã hội và kết quả tích cực trong cuộc bầu cử quốc hội.

 “Trong bầu cử, chúng ta sẽ dựa vào ai?” - Putin hỏi. “Tôi không biết,” - tôi thành thực thú nhận. - Chúng ta sẽ lập ra một chính đảng mới. Tôi, với tư cách là một người từng khốn đốn với quốc hội hơn bất cứ ai trong lịch sử, tôi biết rằng một chỗ dựa vững chắc trong Duma cần thiết với anh như thế nào. Nhưng điều quan trọng - đó là trữ năng chính trị của bản thân anh, hình ảnh của anh. Không cần phải xây dựng nó một cách nhân tạo. Nhưng cũng không bao giờ được quên vấn đề này.”

   Putin lặng người suy nghĩ.

 “Tôi không thích các chiến dịch tranh cử, - anh ấy thú nhận. Tôi không biết tiến hành nó và không thích”.

 “Nhưng anh cũng không cần phải tiến hành. Quan trọng là ý chí của anh, sự tự tin của anh. Hành vi của anh. Mọi sự đều phụ thuộc vào những cái đó. Uy tín chính trị hoặc là sẽ có, hoặc là không. Anh đã sẵn sàng chưa?”.

 “Tôi sẽ làm việc bất cứ ở đâu mà ông đề cử,” - Putin đáp ngắn gọn theo đúng kiểu nhà binh.

“Còn nếu vào chức vụ cao nhất?”.

 Putin lưỡng lự trả lời. Có cảm giác là lần đầu tiên anh ấy hiểu ra câu chuyện hướng tới đâu.

“Tôi không biết, thưa Boris Nikolaievich! Tôi không nghĩ rằng tôi đã sẵn sàng làm việc ấy”. - “Cứ suy nghĩ đi. Tôi tin ở anh”.

 Quả thực là không phải ai cũng có “con mắt xanh” tinh tường như ông Yeltsin. Hoặc giả vị “trưởng lão” có một thính giác đặc biệt nhạy bén, tới mức phi phàm, để nhìn ra một thủ lĩnh mới cho nước Nga trong thế kỷ XXI ở một viên chức bề ngoài có vẻ bất cần danh vọng và phù hoa như ông Putin lúc đó.  Chính trị, đúng như nhà tài phiệt có đầu óc thông thái Boris Berezovsky từng nói, “là nghệ thuật tạo ra cái có thể”.

Ông Yeltsin về sau kể lại:

“8 giờ sáng tại khu Gorki tôi có cuộc gặp gỡ với Putin, Aksenhenko (lúc đó đang là Phó Thủ tướng thứ nhất, nay là Bộ trưởng Bộ Đường sắt), Stepashin (Thủ tướng), Voloshin (Chánh văn phòng Phủ Tổng thống).

Chúng tôi chào hỏi Stepashin nhưng ngoài tôi ra, anh ta không đưa tay cho ai bắt cả. Tôi vào việc luôn: “Sergei Vadimovich này, tôi đã ký quyết định bổ nhiệm anh Putin làm Phó Thủ tướng thứ nhất và quyết định về việc anh từ chức”. Stepashin cự nự: “Tôi sẽ không phê nhận quyết định này đâu”. Aksenhenko nói vào: “Thôi đi nào, anh Sergei!”.

Putin cắt ngang lời Aksenhenko: “Anh Nikolai, anh ấy chẳng gì cũng đã cảm thấy quá nặng nề rồi, chúng ta sẽ không thế”.

“Thôi được, - Stepashin lên tiếng. - Tôi sẽ ký. Chỉ vì lòng kính trọng đối với ông thôi, Boris Nikolaievich ạ!”...

Trong Tự thuật, ông Putin tâm sự rằng, ngồi trong cuộc họp hôm đó, ông đã cảm thấy rất khó ở. Chẳng gì thì hai người với nhau cũng là bạn hữu. Và theo ông, dường như bên ngoài Stepashin  “không làm việc gì tạo ra cớ cách chức anh ấy cả”.

 Thế nhưng, về sau, “khổ chủ” đã tiết lộ điều mà ông cho là nguyên nhân dẫn đến việc ông bị mất chức Thủ tướng: đó là những lời tuyên bố “dại miệng” của ông trên báo chí một tuần trước đó. Số là, Sergei Stepashin trong một cơn hứng khởi đã trả lời phỏng vấn rằng, ông sẽ không làm “nô bộc” cho ai và tại nước Nga không phải cái gì cũng mua và bán được.  Điện Kremli lúc đó có không ít lý do để lo lắng.

Cánh tả vẫn duy trì được đội hình mạnh mà hạt nhân là những người cộng sản do ông Guennadi Ziuganov lãnh đạo. Còn lực lượng trung dung lớn nhất là liên minh vừa được thành lập giữa hai phong trào Tổ quốc (do thị trưởng Moskva lúc đó là ông Yuri Luzhkov lãnh đạo) và  Toàn Nga (của các tỉnh trưởng) đã liên kết với nhau thành một tập đoàn  rất hùng hậu trên lập trường chung là xa rời quan điểm của vị Tổng thống lúc đó.

Liên minh này, ngoài những tiềm năng sẵn có còn lôi kéo được cựu Thủ tướng Nga khi ấy là ông Yevgeni Primacov (từng bị ông Yeltsin cách chức một cách cũng rất bất ngờ và vô cớ, ít ra là theo đánh giá của giới truyền thông) và một bộ phận lớn trong đảng Nông nghiệp...

Điều này làm cho khả năng những thế lực thân cận với Điện Kremli giành được đa số trong quốc hội khóa tới càng trở nên nhỏ bé hơn. Thậm chí dư luận Nga còn có vẻ như dành cảm tình lớn nhất cho những ứng cử viên Tổng thống là người không được Điện Kremli ưa chuộng. Tình hình đó đã khiến vị “trưởng lão” và cơ quan tham mưu của ông phải đưa ra những quyết định táo bạo nhưng được cân nhắc kỹ. Họ cần có một trợ thủ đắc lực, tin cậy hơn và có những phẩm chất cá nhân thích hợp trên ghế Thủ tướng để chi phối diễn tiến tình hình chính trị theo hướng thuận lợi nhất cho mình.

Đề cử ông Putin vào chức Thủ tướng cùng với việc ấn định bầu cử Quốc hội vào ngày 19/12/1999, Điện Kremli hy vọng Duma quốc gia Nga sẽ nhanh chóng phê chuẩn  quyết định này của Tổng thống vì trong tình thế bó buộc hiện nay, hẳn không có một lực lượng nào trong quốc hội lại muốn  mạo hiểm làm trái ý Tổng thống.

Trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí Ngọn lửa nhỏ tháng 10/2000, ông Yeltsin đã tiết lộ rằng, trong suốt hai nhiệm kỳ làm Tổng thống của mình, ông đã luôn mơ ước tìm thấy một người “thừa kế” như Vladimir Putin. Và khi đã tìm ra rồi thì ông đã coi việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho “Thế tử” là quan trọng hàng đầu.

   Để đi tới quyết định cuối cùng, vị “trưởng lão” quyết định trực tiếp trao đổi ý kiến với “Thế tử”.

Ngày 2/12/1999, Boris Yeltsin mời Thủ tướng Putin tới phòng làm việc của Tổng thống trong Điện Kremli. Tín hiệu đã được chuyển. Tất nhiên, ông Putin trong trạng thái xúc động đã thận trọng bầy tỏ sự luyến tiếc đối với ông Yelstsin và nói rằng, có lẽ ông vẫn chưa sẵn sàng để gánh nhận trọng trách. Ông Yeltsin cảm thấy hơi phật lòng: Ta đã “dọn cỗ” cho anh ăn, sao anh lại còn từ chối?!

Thực ra thì với thói quen nghề nghiệp của một cựu điệp viên và do quá hiểu rõ tính cách của ông Yeltsin (người mà ai cũng biết là rất yêu quyền lực), ông Putin cảm thấy ông không thể vội vàng nhận ngay trọng trách từ lời đề nghị đầu tiên. Biết đâu đó chỉ là một cử chỉ thăm dò của “đại ca” đối với “tiểu đệ”?!

Hơn ai hết, ông Putin còn nhớ tới những tấm gương tầy liếp của những người tiền nhiệm: với tất cả họ, được ông Yeltsin đề cử vào chức vụ cao hơn cũng có nghĩa là phải đối mặt với nguy cơ bị dễ dàng dẹp bỏ, một khi họ “dám” sớm bộc lộ lực lượng và năng lực.

Có phải vô cớ đâu mà khi hay tin ông Putin mới chỉ được đưa vào chức Thủ tướng thôi, Chủ tịch Duma quốc gia khi đó là ông Guennadi Seleznhev đã tỏ ra xót xa mà nói với ông: “Sao họ lại nỡ làm vậy đối với anh?! Thế là họ đã trồng thánh giá lên anh rồi còn gì!”. Theo cách mà ông Seleznhev nghĩ, trở thành Thủ tướng tức là  đã “vào bẫy”, chẳng sớm thì muộn cũng phải kết thúc sự nghiệp chính trị của mình ở đấy. Mà ông Putin thì hãy còn trẻ!

“Bản năng gốc” của một điệp viên giúp cho ông Putin hiểu rằng, cần chờ đợi, suy nghĩ và thẩm tra thêm một chút nữa. Làm chính khách tức là phải biết xuất hiện đúng vào thời điểm có một không hai hữu lợi cho sự nghiệp của mình, không sớm hơn và cũng không muộn hơn. Sớm hơn thì dễ bị rơi vào cảnh “cầm đèn chạy trước ô tô” và bị ô tô cán. Còn muộn hơn thì sẽ bị “trâu chậm uống nước đục” hoặc chẳng còn được ai cần.

Chỉ ở cuộc gặp thứ hai với vị “trưởng lão”, diễn ra vào sáng 28/12/1999, ông mới thực sự bộc lộ thái độ của mình. Nhìn thẳng vào mắt vị “trưởng lão” với vẻ cảm kích, ông Putin chậm rãi nói: “Vâng, thưa Tổng thống, tôi có thể gánh vác được trách nhiệm!”. Ván bài đã được lật ngửa!

Nguyễn Trung Tín
.
.