Ông Hữu Ngọc, nhà nghiên cứu văn hóa: Tinh thần đi trước

Thứ Năm, 15/02/2007, 10:30
"Đã có một thời tôi luôn nghĩ rằng, một trí thức chân chính thì phải "phi thương". Kẻ sĩ, như người xưa nói, sống lấy tiếng chứ không lấy lợi lộc. Đôi khi để giữ mình là mình, phải chấp nhận thua trong danh dự chứ không nên lúc nào cũng cố bằng mọi cách ngồi trên ngọn sóng và chiến thắng".

Chính vì vậy nên khi nghe kể lại về câu nói đùa của ông Hữu Ngọc với bạn bè "tôi là người xuất nhập khẩu" trong mặt trận văn hóa, tôi cứ cảm thấy thế nào ấy, mặc dầu tôi đã kính trọng ông từ thuở bé, khi lần đầu đọc tập "Truyện cổ Grim" mà ông dịch từ tiếng Đức.

Thế rồi, nền kinh tế thị trường đã tới, tôi mới hiểu ra nhiều định kiến không hẳn đã sai lầm nhưng có lẽ đã không còn thức thời nữa của mình. Rất quan tâm đến các giao lưu văn hóa giữa nước ta với nước ngoài, tôi không thể không biết đến những công việc đầy hiệu quả mà ông Hữu Ngọc đã làm trên cương vị là một trong những "nhà xuất nhập khẩu văn hóa" vào loại hàng đầu ở nước ta.

Ông Hữu Ngọc từng lãnh đạo nhiều năm Nhà xuất bản Thế giới (trước là Nhà xuất bản Ngoại văn), biết không chỉ một ngoại ngữ, đặc biệt tinh thông là tiếng Anh và tiếng Pháp. Tác giả của hàng chục cuốn sách cả bằng tiếng Việt lẫn các ngoại ngữ. Ở tuổi ngoại 80, nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc vẫn tỏ ra rất sung sức và mẫn tiệp.

Ông cũng rất nhanh nhạy với mọi cơ hội có thể giúp truyền bá được những công việc mà ông đã, đang và sẽ làm. Nhận lời mời cùng thực hiện cuộc trò chuyện cuối tháng này với chúng tôi, vừa gặp mặt, ông Hữu Ngọc đã ngay lập tức "áp đặt" luật chơi bằng cách chủ động giới thiệu cuốn sách viết về văn hóa Việt Nam bằng tiếng Anh của ông.

Cuốn sách này mới đây đã được Hiệp hội xuất bản in ấn Việt Nam trao Giải vàng về sách hay năm 2007. Và chỉ sau khi nghe ông nói khá đầy đủ về đứa con tinh thần yêu dấu mới của mình, phóng viên bản báo mới có cơ hội đưa ra câu hỏi đầu tiên của mình.

"Tiếp biến văn hóa"

Phóng viên (PV): Thưa nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc, là người từng bắc rất nhiều "nhịp cầu văn hóa", ông nghĩ thế nào về cách dựng nên chân dung hay phác thảo các nền văn hóa khác bằng tiếng Việt: thông qua các công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài, hay tự đắm mình vào đời sống thật rồi mới đúc kết nên thành sách?

Ông Hữu Ngọc (HN): Câu hỏi của anh rất là đúng với cách của tôi làm (cười). Những cuốn sách mà tôi đã viết ra không phải là kết quả nghiên cứu văn hoá một cách hàn lâm, tức là cứ ngồi đọc sách, cứ tỉa văn tỉa viếc, mà tôi giới thiệu văn hoá qua trải nghiệm của chính bản thân mình.

Thí dụ như cuốn sách về văn hóa Việt Nam bản tiếng Anh này, có thể coi đó là một nhật ký văn hóa của cuộc đời tôi. Số là từ 14 năm nay, tôi viết đều đặn mỗi tuần một bài về văn hóa Việt cho tờ "Vietnam News". Tập hợp các bài báo ấy trong 13 năm, được hơn 500 bài, chỉnh sửa là thành cuốn sách. Đó là những trải nghiệm cá nhân của tôi trong đời sống văn hóa Việt Nam.

PV: Xin phép được hỏi, đâu là sự phát hiện của ông về khả năng thích ứng của văn hoá Việt đối với đời sống mang đậm nét toàn cầu hóa như thời nay?

Ông HN: Rất nhiều khách nước ngoài khi sang Việt Nam, thăm các đền chùa miếu mạo, thấy ở đâu cũng ghi toàn chữ Nho cả. Họ không nói ra vì lịch sự nhưng nhiều người trong số đó cứ nghĩ rằng Việt Nam chúng ta làm gì cũng bắt chước văn minh Trung Hoa.

Thế nhưng, sau khi nghe tôi thuyết trình về đặc tính của nền văn hóa Việt, họ đã biết là họ hiểu nhầm. Văn hóa Việt Nam hoàn toàn không phải là cái đuôi của văn hóa Trung Quốc. Cũng như nếu ta có nhiều khách sạn xây theo tiêu chuẩn châu Âu thì cũng không có nghĩa đó là biểu hiện văn hóa Việt là cái đuôi của nền văn minh phương Tây...

Tất cả những bài thuyết trình của tôi cũng như các bài báo, cuốn sách mà tôi viết đều nhằm mục đích chứng minh rằng, nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá độc đáo, đã thành hình từ trước Công nguyên cả nghìn năm, với những nét đặc thù ăn sâu vào huyết quản, vào bộ gien của người Việt.

Cái gốc của chúng ta là nền văn minh lúa nước Đông Nam Á, với những giá trị tinh thần riêng, tín ngưỡng riêng. Văn hóa Việt là một nền văn hóa mở, vì đất nước ta về mặt địa lý nằm ở giữa phía Đông và phía Tây, phương Nam và phương Bắc của châu Á. Rất nhiều luồng ảnh hưởng tác động đến chúng ta nhưng không bao giờ biến cải được chúng ta theo một mô hình cá thể nào.

Mọi ảnh hưởng từ bên ngoài khi tới Việt Nam đều được sàng lọc, biến cải và hòa nhập với căn cốt tinh thần chính của người Việt. Ở đây nên nhớ tới thuật ngữ "tiếp biến văn hóa", tức là tiếp nhận nhưng biến cải thích hợp với mình để tạo nên một giá trị văn hóa mới.

PV: Ông nói làm tôi nghĩ tới đặc tính của nền văn hóa Mỹ: các công dân của đất nước này xuất thân từ nhiều quốc gia, châu lục, chủng tộc khác nhau. Sống trên lãnh thổ Mỹ, các nền văn hóa khác nhau buộc phải hòa trộn với nhau để tạo nên những giá trị văn minh Mỹ hiện đại?

Ông HN: Người Mỹ có khái niệm "Melting pot", tức là "cái nồi hầm nhừ". Về nghĩa bóng, theo từ điển tiếng Anh của BBC, đó là một nơi, một tình hình mà trong đó những con người, những nền văn hóa và tư tưởng các loại trà trộn lẫn nhau... --PageBreak--

PV: Tôi nhớ, trong cuốn sách "Hồ sơ văn hóa Mỹ", ông có nhắc tới "Huyền thoại nồi hầm nhừ - Những sắc thái tính cách Mỹ". Không phải mọi công dân Mỹ đều thích thú với các quy tắc chung được xây dựng trên cơ sở "Melting pot"; không ít người muốn gìn giữ bản sắc gốc của mình ngay cả khi đã mang hộ chiếu Mỹ...

Trong sách, ông cũng đã đưa ra nhận định: "Nồi hầm nhừ" chỉ có hiệu quả thật sự trong một số mặt của sinh hoạt cộng đồng: nhà trường, thể thao, doanh nghiệp và khoa học. Ở nhà, rất nhiều kiểu sống dân tộc, phong tục riêng vẫn được tiếp tục".

Ông HN: Trong "nồi hầm nhừ", nếu hai nền văn hóa đều có sức sống ngang nhau thì cả hai cùng có lợi trong những tiếp biến văn hoá. Còn nếu có một nền văn hóa nổi trội hơn thì nó sẽ "xơi tái" anh kia mất, anh không còn gì cả. Tôi lấy thí dụ như ở một số quốc gia châu Phi.

Khi văn minh phương Tây tràn vào, vì ở những quốc gia ấy có tới 50-60 dân tộc nhỏ bé khác, không anh nào hơn anh nào nên không có một ngôn ngữ chung, một hệ thống văn minh chung. Thành ra họ phải vay mượn tiếng Anh hay tiếng Pháp làm quốc ngữ. Và  dần dà họ bị "Anh hóa" hay "Pháp hóa". Việt Nam không bị rơi vào tình cảnh ấy, ngay cả trong một nghìn năm Bắc thuộc.

Nhờ đâu? Đó là nhờ cái gốc của ta rất mạnh nên mình chỉ tiếp thu ảnh hưởng chứ không bị thuần hoá thành một tỉnh hay một khu. Mình vẫn là dân tộc Việt Nam với bản sắc văn hóa riêng.... Chứ tại châu Phi, như nước Senegal chẳng hạn, phải lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức. Tất nhiên, nhờ thế họ có được một nhà thơ Pháp ngữ có hạng là cố Tổng thống Senghor...

PV: Tôi cũng đã từng đọc và dịch thơ Leopold Sedar Senghor. Ông này từng làm Tổng thống Senegal nhiều năm liền và là một trong những sáng lập viên của Tổ chức hợp tác văn hoá và kỹ thuật (ACCT), tiền thân của Cộng đồng các quốc gia Pháp ngữ hiện nay.

Ông HN: Senghor bây giờ được coi gần như là một danh nhân Pháp rồi. Ông ấy viết tuyền bằng tiếng Pháp bởi nếu viết bằng tiếng bản địa Senegal thì ít ai trên thế giới đọc được và chỉ có thiểu số người Senegal đọc thơ văn Pháp. Cuối đời, ông ấy cũng chết trên đất Pháp...

Việt Nam ta thì dù hơn 80 năm Pháp thuộc nhưng "ta vẫn là ta". Mặt khác, ta cũng vẫn tiếp nhận những gì là tốt đẹp, là tiến bộ trong nền văn hóa Pháp. Bác Hồ cũng chịu ảnh hưởng ở những cái tốt đẹp, tiến bộ đó.

PV: Những giá trị về tự do, bình đẳng, bác ái...

Ông HN: Đến thời "chiến tranh lạnh" cũng vậy. Đất nước bị chia cắt làm hai nhưng ở ngoài Bắc cũng như trong Nam, ở đâu cũng có những người Việt yêu nước, muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nói theo giọng của mình

PV: Người Việt Nam chân chính thì ở nơi nào, trong thời đại nào cũng yêu nước, thương nòi.

Ông HN: Đúng thế... Hiện nay, thế giới đang sống trong thời đại toàn cầu hóa. Có thể coi toàn cầu hoá như một dàn đại hợp xướng, mỗi dân tộc mang tới nhạc cụ của mình, giọng hát của mình. Tôi rất thích một câu nói của một nhà lãnh đạo Hàn Quốc, ông ấy bảo, trong dàn đại hợp xướng toàn cầu hóa đó, nếu chúng ta bị nhiễm tư tưởng sôvanh, chỉ nghĩ đến sự phát triển của riêng dân tộc mình thì tiếng đàn của chúng ta chắc chắn sẽ trở nên lạc lõng, không hòa nhập được với điệu thức chung.

Nhưng nếu chúng ta chỉ a dua theo những người xung quanh thì chúng ta sẽ hóa nên những kẻ bắt chước, không mang được tiếng nói riêng của mình đóng góp cho thế giới. Cho nên, muốn hội nhập đúng đắn, ta cần phải duy trì được bản sắc dân tộc mình, phải phát triển, nâng cao bản sắc dân tộc thì trong dàn đại hợp xướng chung, ta mới có độ âm vang xứng đáng.

PV: Trong bối cảnh thế giới hiện nay, thậm chí ngay cả siêu cường duy nhất nếu chỉ muốn dùng tiếng kèn saxsofon của mình át đi tiếng réo rắt của đàn tranh hay nhị thì cũng khó mà được yêu quý và tôn trọng đúng mức. Mỗi cây mỗi hoa. Và điều tốt nhất là ở đâu cũng được nói đúng theo giọng của mình.

Ông HN: Tôi đã nói chuyện với nhiều người từ các nước tới Việt Nam. Nói chung, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều e ngại ảnh hưởng của Mỹ. Vậy nên, một mặt, họ buộc phải tôn trọng quan điểm của nước mạnh, nhưng mặt khác, họ đều rất lo lắng tới việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Nước Pháp chẳng hạn, cách đây mấy năm chính phủ đã phải ra luật hạn chế sử dụng quá nhiều tiếng Anh thay cho tiếng Pháp...

PV: Tôi biết rằng, không ít người Pháp không học tiếng Anh không phải vì lười mà vì những động cơ mang tính dân tộc. Cũng ở Pháp từng đưa ra quyết định hạn chế thời lượng phim nước ngoài chiếu tại các rạp và trên truyền hình...

Ông HN: Có một nước Phật giáo châu Á, để tránh những ảnh hưởng từ nền văn minh khác mà họ coi là có hại, chính quyền còn đưa ra những biện pháp hạn chế du lịch. Họ đánh thuế cao mỗi ngày ở nước họ. Họ nghĩ rằng, càng hạn chế người ngoài vào thì họ càng có điều kiện gìn giữ bản sắc văn hóa riêng. Tất nhiên, làm thế có cái lợi nhưng cũng có cái hại.

Tìm kẽ riêng mà đi

PV: Bây giờ, không ai có thể phủ nhận nhu cầu hội nhập. Thế nhưng, hội nhập thế nào để khỏi lợi bất cập hại là điều không thể không được quan tâm đúng mức. "Chổi to thì để bà quét sân kho, chổi nhỏ thì để cho bé chăm lo quét nhà..." - câu hát đùa nhưng ý nghĩa lại rất nghiêm túc.

Tham dự vào những cuộc chơi không vừa sức thì luôn cầm chắc phần thua về mình. Tất cả chúng ta đều hiểu, muốn gì thì gì cuối cùng cũng cần phải tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng nếu đàm phán không kỹ càng, không chắc tay thì việc gia nhập WTO có thể không mở ra cơ hội mới mà lại chỉ làm nảy sinh những thách thức mới.

Tôi nghĩ rằng, việc nước ta tiến hành đàm phán gia nhập WTO cẩn trọng, đủ độ như vừa qua là rất đúng. Không thể quá nóng ruột để cho các đối tác tìm ra kẽ hở nhằm gây sức ép, khiến ta rơi vào tình trạng "bán cái"...

Nói cho cùng, WTO không phải là nơi đổi đời mà là nơi tham gia một cuộc chiến đấu mới mà nếu ta không khôn khéo và năng động, ta có thể sẽ rơi vào "thê đội hai" trong một trật tự thế giới mới. Xưa nay, tậu voi chung với phú ông không bao giờ là việc hoàn toàn dễ chịu!

Ông HN: Phải nói thế này, toàn cầu hóa nhìn chung là có lợi cho các nước giàu hơn là các nước nghèo. Cách đây khoảng vài năm, tôi có viết một bài về bản sắc dân tộc và toàn cầu hoá bằng tiếng Pháp, đăng trên tờ "Le Courrier du Vietnam". Bên Pháp người ta chọn bài đó để tặng giải thưởng Lời vàng năm 2003.--PageBreak--

PV: Tôi sẽ cảm thấy rất thú vị nếu được biết quan điểm của ông về toàn cầu hóa?

Ông HN: Toàn cầu hoá là hiện tượng không thể tránh được, nó là điểm cần phải đi đến trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Và chúng ta buộc phải chung sống với nó. Trong khi chung sống với toàn cầu hoá, cần và có thể tìm ra được những kẽ, những chỗ có lợi cho mình...

PV: Nước nhỏ trong WTO nếu linh hoạt và nhạy bén thì luôn có thể tận dụng được những ưu thế mà toàn cầu hoá tạo nên... Nói đã không dễ, làm càng không dễ hơn!

Ông HN: Toàn cầu hóa tạo ra nhiều sự phát triển chung lắm chứ. Thí dụ như trong lĩnh vực thông tin hay trong giao thông...

PV: Đó là những cái có lợi chung cho cả thế giới...

Ông HN: Không có toàn cầu hóa thì không thể có một nền giao thông quốc tế rẻ tiền.

PV: Không có toàn cầu hóa thì chúng ta không thể cập nhật thông tin kịp thời và đa dạng như hiện nay. Nhưng điều này cũng đòi hỏi ở mọi người phải nâng cao khả năng xử lý thông tin của mình; khác đi, do biết quá nhiều thông tin mà ta dễ trở nên hoang mang và mất phương hướng...

Ông HN: Chỉ có ở thời toàn cầu hoá này mà một bộ môn nghệ thuật có hàng trăm năm của người nông dân Việt Nam như rối nước mới được mang đi giới thiệu ở Tokyo, rồi tới cả Thụy Sĩ hay Pháp... Không có toàn cầu hoá thì làm sao có thể mang những vở kịch của William Shakespeare sang diễn ở Hà Nội bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt cùng một lúc! Tất nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, muốn hội nhập thành công thì trên hết và hơn hết anh vẫn phải giữ được bản sắc dân tộc của anh.

PV: Và phải biết nâng cao bản sắc đó cho đúng tầm thời đại.

Ông HN: Đúng thế. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể lợi dụng được toàn cầu hóa để tìm ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mình.

Nâng cao dân trí

PV: Muốn tìm được chỗ đứng xứng đáng với mình trên bản đồ thế giới thời đại toàn cầu hóa, thế hệ nào cũng phải biết nhân lên cái vốn bản sắc đã có, chứ không thể chủ quan với những gì cha ông đã để lại. Bởi thế, mỗi giai đoạn phát triển có những đặc thù riêng của nó nên nếu ta chỉ dựa vào kinh nghiệm đã được truyền lại thì có thể ta sẽ trở nên kém bén nhạy với những gì đang diễn ra xung quanh và "ngủ quên" mất những cơ hội có một không hai tới với mình.

Ông HN: Muốn thực sự có một xã hội nhạy bén với thời cuộc, cần phải nâng cao dân trí chung. Một mình Chính phủ không thể làm hết mọi việc để chấn hưng và phát triển đất nước.

PV: Tôi cũng nghĩ rằng, phải để cho từng người dân hiểu rằng, những việc có lợi chung cho đất nước rốt cuộc là có lợi riêng cho từng người. Từ đấy, họ mới có ý thức thực sự tham gia vào việc chung mà không lo bị thiệt riêng, người dân người ta tự hiểu ra được

Ông HN: Nếu muốn có một sản phẩm thủ công tốt để xuất khẩu thì người thợ phải có ý thức làm tốt, chứ Chính phủ có làm thay được đâu... Người thợ mà chỉ làm ra   những sản phẩm kém chất lượng thì dù Chính phủ có cố gắng mấy cũng không thể đem những thứ "chuông" đó đi "đánh nước người" được.

PV: Tôi có cảm giác là chúng ta lắm khi chưa làm tốt được việc này. Tôi nói thí dụ, nếu muốn phát triển ngành Du lịch ở Hà Nội, thì cần phải làm và phải làm cho từng người dân ở Thủ đô hiểu rõ rằng, sự phát đạt trong du lịch sẽ có lợi cho mức sống của từng người trong số họ, cho tất cả chứ không chỉ riêng cho một bộ phận nào đó.

Trong việc này một phần lỗi không nhỏ là thuộc những cán bộ có trách nhiệm. Tôi lấy thí dụ, thời gian gần đây, đoạn phố cổ dọc Hàng Đào, Hàng Ngang... có mở chợ đêm, náo nhiệt lắm. Lời lãi thu được từ đó chắc không nhỏ.

Thế nhưng, lời lãi ấy rơi vào túi ai chưa biết nhưng những công dân cư trú trong khu vực bị biến thành chợ đêm thì đa phần đều cảm thấy cuộc sống của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chứ chẳng hay ho gì. Trong bối cảnh như vậy, làm sao có thể buộc họ cùng góp tay vào để xây dựng khu vực đó thành điểm du lịch niềm nở, mến khách?

Ông HN: Tôi muốn nhấn mạnh lần nữa là, trong hội nhập quốc tế, cái chính là vẫn phải trông vào nội lực. Anh yếu bên trong thì càng hội nhập sâu rộng với bên ngoài càng nguy!

Đất nước ta hiện nay có tới hơn 80 triệu người, nếu hàng hóa của chúng ta sản xuất ra mà được tất cả 80 triệu người Việt ưa chuộng thì lợi ích còn lớn hơn là mang đi xuất khẩu ở đâu đó. Nền kinh tế chỉ trở nên bền vững nếu ngay cả người nông dân cũng có sức mua cao! Chỉ trông vào xuất khẩu chưa đủ. Người Nhật chẳng hạn, hàng hoá ở thị trường nội địa của họ chất lượng còn cao hơn bán ra ngoài nhiều!

PV: Tôi nghĩ rằng người Nhật đôi khi có những việc hơi quá. Thí dụ, tôi nghe nói là bên Nhật có những quán hàng chỉ dành riêng cho người bản địa, khách nước ngoài cấm được vào. Phân biệt như thế thì cũng không phải là đúng tinh thần bình đẳng quốc tế lắm!

Hoà hiếu làm trọng

PV: Theo tôi biết, mỗi năm ông có tới cả trăm buổi thuyết trình trước các vị khách nước ngoài tới Việt Nam về nền văn hóa Việt. Bây giờ, họ có ấn tượng thế nào về chúng ta?

Ông HN: Trước tiên là họ rất lấy làm thích thú trước tình hình an ninh của Việt Nam. Bây giờ nỗi lo bị khủng bố là tâm trạng thường trực của không ít người nước ngoài, nhưng đến Việt Nam, họ cảm thấy cực kỳ an tâm trên phương diện này. Thứ hai, đa số các vị khách đến từ Pháp hay Mỹ thường ngạc nhiên nói với tôi: Chúng tôi là kẻ thù cũ, sao tới đây chúng tôi không thấy có thái độ oán thù nào của người Việt? (cười). Rất nhiều vị khách hỏi câu đó!

PV: Thường thường ông trả lời như thế nào?

Ông HN: Tôi bảo, theo ý kiến riêng tôi thì có mấy lý do. Thứ nhất, nước chúng tôi cũng giống như nước Phần Lan bên châu Âu, phải ở cạnh một cường quốc, cho nên nguyên tắc lớn nhất là phải làm sao tiếp tục tồn tại.--PageBreak--

PV: Tồn tại xứng đáng với tiềm năng và bản chất của mình, với khẩu hiệu "không có gì quý hơn độc lập tự do"?

Ông HN: Đúng. Nước ta cũng như Phần Lan, đường lối đối ngoại chính là tận dụng mọi yếu tố để tồn tại. Cho nên sau mỗi một vụ việc binh đao là lập tức tìm cách bắt tay nhau ngay.

PV: Phải lấy hoà hiếu làm trọng, bởi lẽ không thể tồn tại lâu bền nếu cứ coi nước lớn hơn là kẻ thù vĩnh viễn...

Ông HN: Nhu cầu thiết thân hơn hết là làm sao để những nước lớn thôi gây hấn với mình. Hơn nữa, những nước lớn vừa gây hấn với mình thường là ở cấp độ phát triển văn minh cao hơn mình (tôi xin nhấn mạnh là văn minh, chứ không phải văn hóa) nên mình cần bắt tay để học hỏi.

Đó là lý do thứ nhất! Lý do thứ hai là, đại bộ phận người Việt Nam theo đạo Phật nên sau khi đã đánh nhau rồi thì coi tất cả những người đã chết trong chiến tranh ở mọi bên đều là vong hồn và làm tế lễ chung.

PV: Phải chăng đã đến lúc chúng ta nên khôi phục lại tập tục này của cha ông?

Ông HN: Tôi từng dịch bài "Văn tế thập loại chúng sinh" của Cụ Nguyễn Du ra tiếng Anh. Một bà Giáo sư ở bên Hawaii nói rằng, bà sẽ dựa vào tinh thần bài văn tế đó để làm một cuộc cầu siêu chung cho những người Mỹ và những người Việt Nam đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Việt Nam... Chúng ta cần nhớ tới tinh thần và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chuyện này.

Tôi từng làm công tác địch vận thời kháng chiến chống Pháp nên tôi thấm nhuần tinh thần đó lắm. Trong công tác địch vận, Bác Hồ đã nêu ra chính sách khoan hồng đối với tù binh và hàng binh địch. Bác phân biệt rất rõ ràng giữa những người cầm quyền chủ chiến và những người dân bị đưa vào chiến tranh. Họ là nạn nhân nên không nên coi họ là kẻ thù một khi ta đã bắt được họ.

Tinh thần ấy đã được thấm nhuần từ người cán bộ cho đến người dân cầm súng đánh nhau thời trường kỳ kháng chiến. Thành thử, khi một người nông dân Việt Nam mặc áo lính bắt được một lính Pháp vừa đốt nhà anh, vừa cưỡng hiếp vợ anh thì lẽ ra anh phải đánh chết nó khi bắt được nó. Thế nhưng, đó là việc cấm được làm theo chính sách của Bác Hồ.

Cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam khác ở Algérie. Cuộc chiến tranh ở Algéria là giữa các sắc tộc, còn ở Việt Nam, đó là cuộc chiến tranh bảo vệ quê hương. Vì thế, thái độ của người Việt Nam sau chiến tranh đối với nước Pháp cũng khác...

PV: Sau khi thăm thú Việt Nam rồi, thái độ của những người nước ngoài đối với chúng ta như thế nào?

Ông HN: Tôi chủ yếu tiếp xúc với khách nước ngoài thường chân thành và nhiều lúc cảm động lắm. Có lần, sau buổi thuyết trình rồi, có hai bà khách, khoảng 50 tuổi rồi, cứ nấn ná, hỏi thì họ nói: "Tôi muốn được hôn ông!" (cười)...

Không ít người sau khi nghe tôi nói về đặc tính văn hóa và tính cách con người Việt Nam rồi, có nói, nếu chúng tôi biết trước về Việt Nam như thế này thì có lẽ đã không nổ ra cuộc chiến tranh Việt-Mỹ. Mình thì mình cho rằng họ nói thế là hơi quá, nhưng họ bảo rằng họ nói chân thành!

Tinh thần đi trước

PV: Có một thực tế là hiện nay, một số trí thức "Tây học" hay "trấn" các diễn đàn, đặc biệt là trên mạng Internet, để kêu gào rằng, cần phải mau chóng làm cho mọi thứ theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, nói ngắn gọn hơn, là theo tiêu chuẩn châu Âu. Họ thích ở ta phải "giống như Tây", không chỉ trong làm việc mà cả ăn uống chơi bời.

Họ cho rằng, những nét tính cách cổ truyền của người Việt Nam không phù hợp với cách hình dung theo kiểu châu Âu của họ là những thói hư tật xấu... Cá nhân tôi không phủ nhận những tiêu chí châu Âu, thậm chí có không ít thứ trong đó rất khiến tôi thích thú. Thế nhưng, dù hội nhập quốc tế sâu rộng đến đâu thì có lẽ chúng ta cũng không nên tự biến mình thành "những người châu Âu mũi tẹt"?

Nói thật, tôi rất thích tài tử Alain Delon của Pháp nhưng tôi không nghĩ rằng mình lại muốn vợ mình đẻ ra đứa con trai giống hệt như Delon hay bất cứ một siêu sao nào khác...

Ông HN: Theo tôi, quốc gia vừa giữ được "đạo nhà" vừa vươn lên cỡ hàng đầu khiến cả Mỹ cũng nể vì là Nhật Bản. Đó là cách làm mà chúng ta nên học. Người Nhật đi làm mặc complet nhưng tối về, lại vận kimono vào người trà đạo, thư pháp... Phát triển không phải là cạnh tranh nhau chỉ về số ký lô thịt hay than...

PV: Thậm chí không chỉ ở năng suất lao động ai cao hơn ai...

Ông HN: Đỉnh cao phát triển là văn hóa chứ không phải ở các giá trị vật chất một bước. Nếu không có văn hóa thì dù kinh tế có hùng hậu đến mấy vẫn không giúp anh trở thành con người đích thực. Tinh thần bao giờ cũng phải đi trước vật chất!

PV: Trong hội nhập kinh tế, nước có tiềm năng lớn dễ át nước có tiềm năng nhỏ. Nhưng về văn hóa, không thể coi nước nào mặc nhiên là mạnh được. Trên phương diện văn hóa, tôi nghĩ rằng Việt Nam có nhiều điều có thể góp phần làm đẹp thêm thế giới.

Tôi chỉ xin dẫn một thí dụ nhỏ thôi, về triết lý ăn bằng đũa của chúng ta. Chính tập tục ăn bằng đũa đã góp phần xây dựng nên nếp tư duy ăn trông nồi, ngồi trông hướng, nhìn nhau mà gắp, chia sẻ, nhường nhịn lẫn nhau. Tuy nhiên, thật khó để chúng ta có thể thuyết phục được tổ chức WTO "ăn theo đĩa", rất công bằng nhưng không hẳn đã bác ái, hành xử theo tinh thần tư duy hiển nhiên là rất nhân văn của Việt Nam!

Ông HN: Trước hết, ta vẫn phải giáo dục người dân ta trước, từ lứa tuổi thơ. Mà muốn trẻ con giữ được tập tục ông bà thì bố mẹ làm gương. Bố mẹ chỉ ăn tuyền bơ và xúc xích thì làm sao bảo trẻ con ăn mắm được?!

Đặng Hồng Quang
.
.