Nữ văn sĩ Anh Iris Murdoch: Yêu có nghĩa là thua thiệt

Thứ Ba, 25/05/2010, 14:46
Tháng tư vừa qua, Trường Đại học Tổng hợp Kingston ở London với giá 50 nghìn bảng Anh đã mua lại được 164 lá thư mà nữ văn sĩ Anh Iris Murdoch đã viết cho nhà văn Pháp Raymond Queneau trong giai đoạn từ năm 1946 tới năm 1975. Phần lớn số lá thư này được viết năm 1955… Chính qua những lá thư này mà người ta mới biết được về tình yêu đơn phương mà tác giả của "Ông hoàng đen" đã hướng tới tài danh vào loại bậc nhất của chủ nghĩa siêu thực Pháp.

Tình chưa có là tình không thể mất

Nữ văn sĩ Iris Murdoch được đánh giá như một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu của thế kỷ XX. Bà từng 6 lần được đề cử vào giải Booker danh giá và đã một lần được nhận giải này vào năm 1978 với tiểu thuyết "Biển, biển"…

Murdoch sinh ngày 15/7/1919 tại Dublin trong một gia đình mang hai dòng máu Anh và Ireland. Người mẹ, một nữ ca sĩ Ireland, từng học hát opera. Người cha, một quý ông người Anh, từng là sĩ quan trong chiến tranh thế giới thứ nhất rồi trở về làm viên chức. Sau chiến tranh, gia đình Murdoch chuyển về London sinh sống. Và tuổi thơ của nữ văn sĩ xuất sắc tương lai đã trôi qua tại vùng ngoại ô Hammersmith của thủ đô Anh.

Nữ văn sĩ tương lai được hưởng một nền giáo dục rất chu đáo. Bà từng nghiên cứu về ngữ văn truyền thống tại Đại học Oxford trong những năm từ 1938 tới 1942 rồi nghiên cứu về triết học tại Đại học Cambrige trong những năm 1947-1948… Murdoch đã viết 26 tiểu thuyết, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tại Việt Nam, các tác phẩm của bà cũng được phổ cập khá rộng rãi…

Murdoch lần đầu tiên gặp Queneau năm 1946 tại Áo, khi nữ văn sĩ tương lai đang làm việc trong phái bộ nhân đạo của LHQ được hai năm rồi (từ năm 1944). Queneau lớn hơn Murdoch 16 tuổi. Lúc ấy, Murdoch mới 27 tuổi và chưa từng in một cuốn sách nào. Còn Queneau đã là một tên tuổi lẫy lừng trên văn đàn châu Âu, đã có những dấu ấn đậm đà như "Những ngày cuối cùng" (1936) hay "Odile" (1937)…

Bậc đàn anh trong nghề ngay lập tức đã trở thành người kèm cặp Murdoch trong những thử nghiệm văn chương đầu tiên, có ảnh hưởng lớn không kém gì những Jean - Paul Sartre, Simone de Beauvoir hay Samuel Beckett… Ngay cuốn tiểu thuyết đầu tay của Murdoch "Dưới bóng râm" được viết ra là để tặng cho Queneau. Chính cuốn sách này đã mang lại thành công rực rỡ cho Murdoch và giúp bà bắt đầu nổi tiếng thế giới.

Khi còn ở bên nhau, nữ văn sĩ tương lai đã giấu kín những tình cảm thật đối với Queneau. Chỉ tới năm 1952, bà mới thổ lộ tâm sự của mình. Trong lá thư dài tới 14 trang, ghi ngày 24/8/1952 gửi cho Queneau, Murdoch đã viết: "Em rất lấy làm tiếc vì chuyện đã xảy ra trên cầu. Có lẽ em nên kể về tình cảm của mình từ trước hoặc sẽ không bao giờ kể nữa…". "Giờ em viết ra những điều này cũng chỉ là để làm cho lòng em dịu bớt đi phần nào - vì lúc ấy anh đã (hoặc trông như đã) ngạc nhiên vì những gì em vừa nói. Anh ơi, em yêu anh với tất cả những gì mà con người ta có thể yêu nhau. Em sẵn sàng làm cho anh mọi việc, vì anh em sẵn sàng trở thành bất kỳ ai, tới với anh bất cứ khi nào và đến bất kỳ đâu vì anh". Và: "Nếu em biết em có được một cơ hội nào dù nhỏ nhoi đến mấy, vis-a-vis de toi, em cũng sẵn sàng quyết chiến vì anh".

Nhà viết tiểu sử chính thức của nữ văn sĩ Anh Peter Conradi cho rằng, quan hệ giữa Murdoch và Queneau hoàn toàn chỉ ở trong lĩnh vực tinh thần - hai người đã có quá ít dịp để trực tiếp gặp nhau. Hơn nữa, tới năm 1952, nhà thơ Pháp đã cưới người vợ Janine Kahn được 24 năm rồi (chị gái của Kahn đã là người vợ đầu của "tổ sư" chủ nghĩa siêu thực Andre Bretton). Queneau đã sống với vợ cho tới khi bà qua đời năm 1972…

Những lá thư mà Murdoch gửi cho Queneau không chỉ giúp cho những người hâm mộ tài năng của nữ văn sĩ Anh biết thêm về chuyện riêng tư của bà mà còn giúp tìm hiểu nhiều hơn về trạng thái cảm xúc trong giai đoạn đầu sáng tạo của bà, những quan niệm nhân sinh và tôn giáo…

Trong thư, Murdoch cũng đã kể về chuyện bà bị từ chối cấp visa nhập cảnh vào Mỹ vì những mối liên hệ cũ của bà với những người cộng sản. Murdoch kể cho Queneau về những suy tư tôn giáo của bà ("Em thường nghĩ rằng, em có thể muốn trở thành một tín đồ Thiên chúa giáo vì trong đạo Thiên chúa có nhiều ưu việt và  những giá trị đích thực, nhưng còn những thứ khác thì em cảm thấy đều là không có thật"). Murdoch cũng thú nhận là bà hay bị xao động tâm trí đến mức có lúc đã định tới gặp bác sĩ tâm thần… Murdoch viết: "Còn về hạnh phúc thì, mon dieu, cái từ ấy em đã loại ra khỏi từ điển của em rồi".

Rất thú vị là những lá thư mà trong đó Murdoch kể về quá trình sáng tạo của mình. Hóa ra là, năm 1946, ngôi sao tương lai của nền văn học Anh còn chưa hề dám tin rằng bà sẽ trở thành một tác giả ít nhiều có giá trị. "Trong những gì em viết có cái gì đó nặng nề và em hoài nghi rằng tới một lúc nào đó em có thể viết được một cái gì đấy hay hay…".

Năm 1947, Murdoch viết cho Queneau về "sự náo động sung sướng mà sáng tác của ông đã gây nên cho bà. "Nếu quỷ sứ muốn mua lấy linh hồn em thì em nghĩ, nó sẽ không thể trả cho tôi cái gì tốt hơn là khả năng có thể viết hay được như anh…".

TS Anne Rowe, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu di sản của Iris Murdoch thuộc Trường Đại học Kingston cho rằng, việc công bố những lá thư vừa có được của nữ văn sĩ Anh sẽ dẫn tới thay đổi cách nhìn về toàn bộ những sáng tác của bà: cho đến gần đây, Murdoch vẫn được nhìn nhận như một phần của truyền thống văn học Anh mà chưa tính tới một cách đúng mức ảnh hưởng của các nhà văn trên lục địa châu Âu đối với bà. Nhà viết tiểu sử chính thức của nữ văn sĩ Anh Peter Conradi tuyên bố rằng, những lá thư vừa có sẽ soi rọi thêm vào tác phẩm "Dưới bóng râm": Theo ông, nhân vật chính Jake Donaghue, người dịch ra tiếng Anh các tác phẩm của nhà văn Pháp Jean-Pierre Breteuil, đó chính là hình ảnh của Murdoch khi bà dịch sách của Queneau…

Có lẽ cho tới cuối đời, Murdoch vẫn giữ trong lòng mình những tình cảm tốt đẹp nhất với Queneau, mặc dù, là một người đàn bà nồng nhiệt, bà đã không phải sống một kiếp chay tịnh gì trên tình trường. Những tình yêu đơn phương thường có sẽ sống mạnh mẽ và dai dẳng như một thi sĩ đã viết: "Tình chưa có là tình không thể mất…".

Đời thường đa sắc

Không nhận được sự đền đáp tình yêu từ danh nhân siêu thực Pháp, năm 1956, sau khi xuất bản tiểu thuyết đầu tay, Murdoch đã lấy giáo sư John Bayley ở Đại học Oxford. Ông Bayley cũng là một nhà văn, một nhà phê bình văn học.

Nữ văn sĩ lớn hơn chồng mình 6 tuổi. Nhìn từ bên ngoài, cuộc hôn nhân giữa họ có vẻ như rất lý tưởng, cơm lành canh ngọt. Tuy nhiên, chỉ những ai ở trong chăn mới biết… Không ngẫu nhiên mà Murdoch đã có lần viết: "Nhà nghệ thuật nào cũng là người bất hạnh trong tình yêu. Chỉ những người bất hạnh trong tình yêu mới thích kể lại câu chuyện của mình…". Và: "Yêu có nghĩa là thua thiệt".

Hai nhà văn trong một gia đình, có lẽ đó là một tỉ lệ quá cao so với mức bình thường để có thể hài hòa hạnh phúc. Giữa Murdoch và Bayley đã tồn tại không ít những mâu thuẫn. Thí dụ như trong chuyện có con hay không nên có con. Là một phụ nữ, dù rất bận bịu với những sáng tác nhưng Murdoch trong thẳm sâu trong lòng vẫn muốn có con. Thế nhưng, đức ông chồng của bà lại không chịu nổi trẻ con và tất cả những chuyện mà ông cho là rắc rối dính líu tới trẻ con...

Murdoch cũng đã viết: "Hôn nhân, đó là chuyến đi tàu biển kéo dài trong một khoang nằm chật chội". Đó thực là trải nghiệm cá nhân của bà.

Cũng phải công nhận rằng, rất khó đánh giá nữ văn sĩ như một người vợ chung thủy. Có chồng rồi, nữ văn sĩ vẫn không nguôi những cảm xúc yêu đương nồng nhiệt của mình với những người đàn ông khác. Và thật lạ, GS Bayley đã lặng lẽ chịu đựng mọi lần bị vợ cắm sừng. Phải nhờ thế chăng nên cuộc hôn nhân của họ mới được bền vững cho tới khi Murdoch qua đời năm 1999?!

Sau khi vợ mất, GS Bayley đã viết nhiều sách về Murdoch. Hollywood đã dựa vào một trong những cuốn sách đó để dựng thành phim "Iris" năm 2001 với Kate Winslet và Judi Dench trong các vai chính (vai nữ văn sĩ ở hai lứa tuổi khác nhau). Cả hai vai diễn này đều xuất sắc tới mức đều được đề cử vào giải Oscar.

Xem phim "Iris", có thể ta sẽ có được một cách hình dung khác hơn về cuộc hôn nhân của nữ văn sĩ. Trong phim, Murdoch lúc thì hiện lên như một người phụ nữ trẻ nồng nhiệt yêu đương, lao như tên bắn trên xe đạp trong khuôn viên Đại học Oxford, luôn thích tắm tiên trên sông, lúc lại chỉ còn là một bà cụ mắc bệnh Alzheimer đau đớn vật vã trong trại dưỡng lão cho tới khi tắt hơi thở cuối cùng… Nối liền hai hình ảnh ấy là một tình yêu bất tận và đầy mâu thuẫn giữa hai nhà văn, vượt qua những tháng năm khó khăn và thử thách dù đã không chỉ một lần bị dìm vào nước sôi của những lạc đường nhưng chỉ kết thúc khi cuộc sống kết thúc...

Có lẽ tình yêu đích thực phải là một tình yêu lấm láp bụi đời nhưng rốt cuộc vẫn được có đầu và có cuối?

Lệnh Cư
.
.