Nữ thương binh, anh hùng đầu tiên của QĐND Việt Nam, Nguyễn Thị Chiên: Ánh sáng thầm lặng

Thứ Ba, 02/04/2013, 10:58

Hàng ngày, bên cây cầu cũ kỹ trăm tuổi Long Biên, những người buôn rau, bán cá ở đây đã quá quen với dáng hình già nua, chậm rãi của người phụ nữ ấy. Với cái làn nhựa thời bao cấp trong tay, cái nón ngả màu đội trên đầu, bà vượt đê sang chợ xép. Vừa thăm hỏi, vừa nhặt và mua lấy từng mớ tôm, mớ cá, mớ rau vụn cho bữa ăn gia đình. Bà bình thường như tất cả những người phụ nữ có tuổi khác và với cái dáng vẻ bình thường ấy, mấy ai biết được bà vốn là một phụ nữ oanh liệt một thời - Người phụ nữ thương binh, Người phụ nữ Anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - Nguyễn Thị Chiên.

Các thế hệ sau này ít người còn biết về bà và hẳn cũng không có nhiều người còn “ấn tượng” về cái tên người phụ nữ ấy. Cũng không đáng trách, bởi thời gian là sự luân chuyển, hơn nữa bà cũng đã vào cái độ tuổi “xưa nay hiếm” và các sách giáo khoa bổ sung hiện đại thời nay cũng đã không còn in, dạy về nhân vật này nữa. Bà lại khiêm tốn và sống tới mức thu gọn, ẩn danh nên càng làm cho người ta khó biết về bà.

Vượt qua cái cửa mở của con đê quai, tôi tìm sang xóm 1, cụm Yên Tân (Ngọc Thụy - Long Biên). Tưởng tìm bà dễ lắm, nhưng không hẳn như vậy. Loanh quanh trong cái đất “làng vừa lên phố”, ngổn ngang gạch ngói và vật liệu xây dựng, tôi hỏi nhà bà. Có người bảo hình như gần đây có nhà một bà cụ tên là Chiên, người thì bảo không có. Loanh quanh tới mức không thể tìm hỏi được nữa thì tôi được một phụ nữ bán quán sát mép đê bảo: Ở gần nhà tôi có một bà tên là Chiên. Tôi chỉ biết vậy, còn chuyện thương binh, chuyện anh hùng của bà ấy thì tôi không biết.

Theo cái địa chỉ rẽ trái, rẽ phải thật tít mù vòng quanh ấy, cuối cùng tôi cũng tìm được đến nhà bà. Trưa đã đến, bà đã đi chợ về và đang buộc chiếc ô rách để che nắng cho mấy cây phong lan dại bám theo bờ tường. Tôi đưa ra cái câu đầy chiến tích lịch sử để hỏi, bà cười xã giao rồi mở cổng. Chuyện trò một lúc bên cái bàn gỗ cũ kỹ với bộ ấm chén cũng quá cũ kỹ, tôi đặt vấn đề cho đợt “thăm hỏi” của mình thì bà chủ động: Thôi, viết lách cái gì hả cháu! Chuyện xưa, chuyện cũ ấy mà. Hay cháu tìm đến mấy người bạn của bà. Họ còn sống và cũng đều có chiến tích cả.

Câu chuyện bỏ lửng, tôi lựa lời, cuối cùng “sự lì lợm” của tôi cũng được “đền đáp”. Bà dành thời gian nói chuyện với tôi. Bà Chiên sinh năm 1930 (năm sinh này bà không biết đúng hay sai vì lý lịch do anh em công tác khai hộ) tại xóm Trại Đồng, Tân Tiến (bây giờ là thị trấn Lê) của huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Cha mẹ bà sinh được 5 người con, bà là út. Bốn anh chị của bà đều mất cả do nạn đói năm 1945. Vì nghèo nên cha mẹ cũng không có thời gian để đặt tên cho bà mà chỉ gọi là cái Tý con. Cái tên Chiên cũng là do anh em du kích đặt cho bà sau này.

Nhà bà thời ấy nghèo lắm! Sinh bà hôm trước, hôm sau mẹ bà đã phải ủ con trong tro nóng để đi làm thuê, làm mướn kiếm ăn. Ngậm dòng sữa nghèo của người mẹ khổ, bà lớn lên. Đến lúc biết chui qua lỗ thủng của vách bếp, theo chó nhà giàu vào ăn vụng cám lợn thì bà đi ở mướn, bế con cho người có của kiếm ăn. Sườn, tay sưng tím bởi phải bế, phải chịu sự cào cấu của con nhà giầu để lấy miếng cơm hẩm nhà người, bà cơ cực đủ đường nhưng không biết tìm đâu ra lối đi cho mình.

Bà vào du kích xã khá đường đột và tự phát. Sau phong trào “Tiếng trống Tiền Hải”, Thái Bình trở thành điểm nóng trong cuộc chiến xâm lược của thực dân Pháp. Bị địch quây hãm, đàn áp nhưng phong trào ở đây không phải vì thế yếu đi. Mạng lưới cách mạng được nối nhịp, dựng xây và cái huyện Kiến Xương của bà được chọn làm nơi hoạt động đi về của các chiến sĩ cách mạng, của binh đoàn chủ lực. Do nhanh nhẹn và có chí khí từ bé, bà đã được các anh, các chị “rủ” vào du kích. Ngày ấy bà cũng chả biết du kích là gì. Bà chỉ biết đó là lực lượng ở địa phương, giúp các lãnh đạo, các lực lượng cách mạng đánh đuổi thực dân Pháp, đánh đổ ách thống trị để giúp dân nghèo không phải làm nô lệ, có ruộng và có cái ăn. Thế là bà thích, bà tham gia.

Ngày đi làm thuê cuốc mướn, tối về nhà loanh quanh cám lợn, cám gà xong, bà lại giả vờ tắt đèn đi ngủ để tìm đến các anh, các chị du kích trong xã. Lấy truyền đơn đem rải và kết hợp với những nhiệm vụ đơn giản được giao như bảo vệ vòng ngoài cho các cơ sở bí mật, phát hiện nơi ém quân của địch là công việc đầu tiên khi bà đến với cách mạng.

Cứ hồn nhiên đến, hồn nhiên nhận nhiệm vụ và hoàn thành các công việc được cấp trên giao, bà cứng cỏi dần và phát huy được năng lực của mình. Ngoài việc đưa đón cán bộ vượt sông Thái Bình sang Nam Định rồi về Hải Phòng, bà còn được được phân công thêm nhiệm vụ nghĩ ra và in ấn phát tán truyền đơn trong xã, trong huyện. Lúc này Kiến Xương được thực dân Pháp đưa vào điểm nóng cho phong trào nuôi giấu cán bộ và cần phải tiêu diệt. Ngoài 4 bót canh là: Cao Mại, Ngái Nước, Giáo Nghĩa, Bót Hướng thì thực dân Pháp còn thả bom napan để phát quang, thả bom yến, bom tạ để tạo những phức tạp về địa hình, gây cản trở cho những hoạt động đi về của quân ta. Trọng trách cấp trên giao cho bà cũng nặng nề hơn.

Ngoài in rải truyền đơn, thành lập và mở rộng hoạt động du kích thì bà còn phải cùng anh em quấy nhiễu và phá huỷ các đồn bốt của địch. Lúc ấy, cách mạng còn non trẻ, trang bị vũ khí, khí tài của các đại đoàn chủ lực còn thiếu nên hoạt động du kích các bà cũng chả có gì trong tay. Bà vận động anh chị em, ngoài việc cướp súng, trộm súng của địch để giao nộp cho bộ đội chủ lực, còn phải tự trang bị vũ khí cho mình. Để có vũ khí, mỗi chị em trong đội du kích nổi tiếng có tên “Tán Thuật” phải tự lần hồi bằng cách bắt cua, bắt ốc bán lấy tiền rồi lên phủ (tức tỉnh bây giờ) để mua lại lựu đạn, mìn do những tên lính Pháp túng quẫn bán lại để lấy tiền tiêu.

Ngoài hoạt động quấy nhiễu tại cơ sở mình, bà còn cùng chị em du kích trong xã sang các tỉnh, huyện lân cận để tăng cường hoạt động quấy nhiễu. Bà không thể quên được những lần chặt chuối làm phao kẹp vào nách bơi vượt sông Hồng, sông Thái Bình đi quấy nhiễu đồn bốt. Lúc đi đạn bắn thấy rõ lông mi lông mày, lúc về xe lội nước địch ào ào đuổi đằng sau. Đi an toàn, về an toàn trong những đợt quấy nhiễu đã làm dày thêm bản lĩnh và những công trạng của người phụ nữ này.

Trong cuộc đời hoạt động du kích, ngoài những lần cải trang, lọt qua sự kiểm soát nghiêm ngoặt của địch để đưa công văn, thư từ, đưa cán bộ ra vào an toàn thì bà nhớ nhất là lần phối hợp với Đại đội 44, Tiểu đoàn 680, Đại đoàn 320 đánh lính Âu - Phi trên đường 39. Chính ở trận này, tay không mà bà đã bắt được tên quan hai Pháp. Sau hai ngày lùng sục, tiểu đoàn lính Âu Phi được coi là thiện xạ này hầu như đã mệt mỏi. Để thể hiện ý chí của mình trước những “yếu kém” của Đại đội 44 quân cách mạng, tên quan hai của Pháp đã quyết định “dã ngoại” chiến trường với hai tên lính cận vệ. Phát hiện ra được sự kém cẩn trọng của hắn, bà đã bám theo. Địch có 3 tên mà bà chỉ có một mình, một suy tính nhanh chóng đến. Từ bụi chuối bên bờ mương, bà dõng dạc hô như đang chỉ huy với một đội hình lớn mạnh trong tay. Nghe lời hô bất thần, hai tên cận vệ đã bỏ tên quan hai chạy ra đường 39, còn bà thừa thế nhảy vào giật ngay khẩu tiểu liên trong tay tên quan hai và chĩa vào hắn bắt hàng rồi dẫn giải về giao nộp cho Đại đội 44. Tên quan hai chỉ huy chính bị bắt, cả tiểu đoàn Âu - Phi rơi vào tình cảnh hỗn độn, Đại đội 44 được giữ bí mật đến phút chót đã quyết định tấn công. Trận này, ta thắng rất lớn. Ngoài tên quan hai bị bắt, tiểu đoàn thiện xạ lính Âu - Phi cũng bị xoá sổ, còn cái tên “tay không bắt giặc” cũng theo bà từ đó.

Tự nguyện đến với cách mạng, tham gia du kích từ năm 16 tuổi, bằng lòng quả cảm, gan dạ, cách đánh, giữ bí mật và đánh địch đầy sáng tạo, chiến công đã liên tục đến với bà và bà trở thành du kích cừ khôi mà tiếng tăm không chỉ gói gọn trong huyện, trong tỉnh. Không còn thản nhiên và bỏ qua với trường hợp nữ du kích cách mạng có cái tên Chiên này, địch lùng sục tìm bà. Và bà đã bị địch bắt tại làng Rặng Thông (Cầu Trục, Kiến Xương). Gần 4 tháng giam cầm trong lao tù, bị đánh đập, tra tấn bằng đủ mọi mọi cách địch không moi được gì ở bà và không đủ chứng cứ để kết tội bà làm du kích. Những ngày ở lao tù này, bà nhớ nhất là những lần địch buộc tay chân bà vào một cây tre rồi đem vứt xuống sông. Vứt xuống chờ bà sắp chết chúng lại vớt lên nhưng vẫn không moi được thông tin. Địch lại giả vờ đem bà đi bắn. Băng đen bịt mắt, tay chân buộc như tử tù, giặc nổ súng. Bà vẫn không sợ. Địch hỏi: “Nếu chúng tao giết mày thì mày có oan ức gì không?”. Bà thản nhiên trả lời: “Tao rất oan ức vì tao không có tội. Nếu bắn, nếu giết  tao thì chúng mày đừng vứt tao xuống sông. Vứt tao xuống sông, vợ con chúng mày ăn phải cũng sẽ bị oan vì tao không có tội!” … Bất lực, địch đành phải thả bà.

Từ phận tôi đòi, đến với cách mạng cùng những đóng góp được ghi nhận, năm 1950, Đại hội anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức, bà  là nữ du kích duy nhất được chọn đi báo cáo điển hình. Với những đóng góp của mình, năm 1952 bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nữ Anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam” ở tuổi 22. Năm 1953, Bà chính thức được gia nhập quân đội và được đưa về Hà Nội. Với kinh nghiệm tổ chức và triển khai lực lượng du kích địa phương bà đã được giao nhiệm vụ phụ trách và quản lý dân quân 4 huyện ngoại thành của thành phố. Tại đây, bà đã gặp ông Vũ Anh Tài thuộc Sư đoàn 320. Sau một thời gian cộng sự, bà và ông đã nên duyên với nhau. Ông bà cưới nhau năm 1956, năm 1957 bà sinh được một con gái và đây cũng là người con duy nhất của ông bà.

Đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đi biền biệt, bà ở lại vừa công tác vừa nuôi con. Đồng lương thời chiến, đồng lương thời bình cùng những ốm đau do vết thương thời lao tù khởi phát nên cuộc sống của nữ anh hùng này cũng đầy khốn khó. Con gái lớn, không có điều kiện đi học thêm, bà đành phải xin cho con vào làm công nhân nhà máy Dệt kim Đông Xuân. Do sức yếu, con gái của bà không đảm đương được công việc, bà lại xin cho con gái ra, rồi cho chị đi học ngoại ngữ…

Nhìn ngôi nhà 2 tầng đã cũ, đoán định được những suy nghĩ của tôi, bà kể :Trước cơ quan cho tôi mượn một căn phòng ở phố Nguyễn Công Trứ. Con gái lấy chồng, chỗ ở chật chội, tôi lại phải cùng ông nhà xuống phố Nam Đồng ở nhờ nhà đứa cháu. Ở đó một thời gian thì có một người bạn “phát hiện” ra tình cảnh của tôi. Không nói một lời, người bạn ấy đã đi gặp các cấp có liên quan tới cuộc sống của bà nhờ giúp đỡ. Chắc phức tạp và mất nhiều thì giờ lắm anh ấy mới xin cho vợ chồng tôi một căn nhà ở Điện Biên Phủ. Chỗ ấy ở cũng tốt nhưng khổ nỗi lại gần một cơ sở sản xuất, tiếng ồn nhiều nên tôi đau đầu và ốm suốt ngày. Lúc này, hạnh phúc của người con gái tan vỡ, chị và cháu lại về cùng bà. Xin phép hoá giá căn nhà, cầm số tiền không lớn, bà đắn đo tìm chỗ cư trú, neo đậu cho gia đình. Nhờ bạn bè “tư vấn”, bà đã sang đây. Với số tiền ấy bà cũng chỉ đủ lực để mua một miếng đất hẹp, nằm ngoài đê, sát gần cầu để cất căn nhà này làm chỗ đi về cho 4 con người thuộc 3 thế hệ.

Nhìn gia cảnh bà, tôi gợi ý với bà về bạn bè. Lại cái giọng chậm rãi đầy khiêm nhường, bà nói ngắn gọn: “Anh bảo nhờ vả ư, tôi ngại lắm!”. Nhìn bữa cơm trưa của một ngày cuối tuần mà bà sắp sẵn trên bàn để chờ cháu con về sum họp chỉ là một bát rau rền, một bát cà và một đĩa nhỏ thức ăn mà tôi không khỏi ái ngại. Từ nghèo khó, tham gia du kích, đến với cách mạng, bà về với cấp bậc trung tá và thương tật 4/4 thật thảnh thơi! Bà không muốn nhờ vả, không muốn nói nhiều về mình nhưng tôi thật ái ngại bởi gia cảnh hiện tại cũng như những gì bà đã đóng góp

Đơn Thương
.
.