Nữ Anh hùng liệt sĩ Hoàng Ngân: Sống không lâu nhưng vĩnh viễn

Thứ Tư, 07/10/2009, 14:18
Chị Phạm Thị Vân, bí danh Hoàng Ngân đã hy sinh vào một ngày đầu Thu năm 1949 tại căn cứ địa Thái Nguyên. Năm 1956 mộ Hoàng Ngân đã được Bác Hồ giao cho Hội LHPN VN, Văn phòng Quốc hội cùng gia đình và địa phương làm lễ đưa hài cốt người nữ anh hùng về nằm cạnh mộ anh Hoàng Văn Thụ ở nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.

Nữ nhi không thường tình

Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân sinh năm 1921 tại Hải Phòng, là con gái nhà tư sản dân tộc Phạm Trung Long. Ông Phạm Trung Long quê gốc Nam Định từng ra vùng mỏ Quảng Ninh làm phu, sau nhờ tháo vát làm ăn biết tổ chức đóng tàu, đánh bắt hải sản, kinh doanh lương thực hải sản mà giàu lên.

Về lập nghiệp Hải Phòng, ông đã lấy cô thôn nữ làng Cấm (nay là phường Lê Lợi) làm vợ. Sẵn có lòng yêu nước và cảm tình với những nhà cách mạng Việt Nam, gia đình ông Long đã trở thành cơ sở bí mật của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hải Phòng từ năm 1935. Phạm Thị Vân đến với cách mạng qua thời gian được tiếp xúc với những nhà cách mạng bí mật ra vào gia đình. Những buổi đi học về, cô nữ sinh lấy lạ khi bố mẹ đón tiếp những vị khách "đặc biệt" hơn bình thường. Nhìn thái độ quý trọng ân cần của thầy me, Vân bỗng thấy có cảm tình với họ.

Sau này Phạm Thị Vân mới biết đó là các đồng chí Tô Hiệu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cùng các nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ… Cô nữ sinh Trường Thành Chung xinh tươi lúc này mới 14 tuổi đã tham gia vừa đi học vừa làm liên lạc cho đoàn thể bằng những chuyến đưa thư từ giấy tờ đến các cơ sở bí mật trong thành và ngoại thành. Làm sao có thể nghi ngờ cô bé trắng trẻo hồn nhiên nhảy chân sáo và hát líu lo kia lại là cơ sở giao liên của cách mạng!

Lúc cô đến Máy Tơ, khi thì Bến Bính rồi sang cả Thuỷ Nguyên. Hành trình của cô nữ sinh xinh xắn vì thế qua mắt mật thám Pháp một cách dễ dàng. Thương những người hoạt động bí mật đi về giữa mưa gió, Vân bàn với bố mẹ nhường cửa hiệu bán hải sản gần chợ Sắt cho anh chị em  để che mắt địch, là đầu mối hoạt động nội thành. Gia đình Vân còn chuẩn bị quần áo, phương tiện hoạt động như xe đạp, máy chữ… cho cơ sở có để làm việc. Cả cửa hiệu buôn gạo đường Lý Thường Kiệt cũng được để cho tổ chức đoàn thể buôn bán gây quỹ hoạt động, lại dễ bề đi lại…

17 tuổi, cô thiếu nữ Phạm Thị Vân hăng say hoạt động, chị từng tham gia vận động các nhà tư sản, các tầng lớp trí thức ủng hộ cách mạng bằng những hành động cụ thể. Một trong những đỉnh cao của phong trào là cuộc mít tinh biểu tình và đình công của hàng nghìn công nhân vàoNgày quốc tế lao động 1/5/1938 tại Hải Phòng, cùng với cuộc biểu tình tại khu Đấu Xảo Hà Nội do Xứ ủy Bắc Kỳ lãnh đạo tổ chức. 

Năm 1939, Phạm Thị Vân lúc này mới 18 tuổi đã tham gia Thành uỷ Hải Phòng và được tổ chức rút đi thoát ly. Người thiếu nữ tươi xinh ấy được Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ là Hoàng Văn Thụ giao làm công tác phụ vận, binh vận, xây dựng cơ sở cách mạng ở Hải Dương, Hà Nội Hà Đông, Hưng Yên…

Môi trường công tác và hoàn cảnh hoạt động bí mật đã không cho phép họ được gần gũi nhau, nhưng hai trái tim ấy đã hoà chung nhịp đập yêu thương. Họ, trong hoàn cảnh ấy, đã tự nguyện dành phần lớn trái tim trẻ tuổi cho tình yêu đất nước, nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Hoài bão và ước mơ của đôi lứa bây giờ là đất nước được độc lập, nhân dân được tự do. Tình riêng đành gác lại, họ nhớ thương nhau mãnh liệt như mọi người đương yêu và gắn bó với nhau dù trong tâm tưởng.

Năm 1941 có lẽ là thời gian họ được ở bên nhau nhiều nhất. Hai người yêu, hai người đồng chí ấy đã cùng về vùng Đông Bắc tạo dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị cho lâu dài. Tại  Yên Tử - Đông Triều, họ cùng nhau đến với lớp tập huấn quân sự do đồng chí Hoàng Oánh từ Trường Sĩ quan Hoàng Phố về giảng dạy tập đánh du kích, biệt động cho cán bộ cốt cán và đảng viên.

Tài liệu dùng tiếng Hán tiếng Pháp, đã được chị Vân dịch ra tiếng Việt để anh em học và làm tài liệu cho các lớp huấn luyện sau này ở Hải Phòng, Hải Dương, chuẩn bị lực lượng cho cách mạng Tháng Tám 1945… Cũng từ lớp huấn luyện ấy, sau này Hoàng Ngân đã phổ biến luyện tập cho chị em trong đội du kích đường Năm nổi tiếng mang tên người nữ cán bộ Anh dũng Hoàng Ngân, ở Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng từng làm khiếp vía kinh hồn cho giặc Pháp bao phen. 

Và mối tình trẻ mãi với thời gian

Tình yêu giữa nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ với Phạm Thị Vân lớn lên cùng với những ngày hoạt động oanh liệt và sôi nổi bên nhau. Hoàng Văn Thụ sinh năm 1909, còn Phạm Thị Vân sinh năm 1921. Người chiến sĩ cách mạng dày dạn Hoàng Văn Thụ tuy đã ba mươi tuổi nhưng cuộc đời anh dấn thân cho cách mạng từ sớm nên chưa một lần cùng ai hẹn ước yêu đương. Sự thông minh quyết đoán cùng đức tính trung thực gan dạ của anh càng làm cô bé Vân từ cảm phục, kính trọng đến cảm tình và yêu mến. Hoàng Văn Thụ cũng cảm thấy không thể thiếu hình ảnh cô Vân trong trái tim mình. Anh thực sự rung động và tự hào trước người con gái đất Cảng trẻ tuổi nhưng thông minh xinh đẹp, lại có ý chí và một nghị lực lớn lao khi dám bỏ hết nhung lụa để đi theo cách mạng.

Hoa đến thì, hoa nở. Và Hoàng Văn Thụ đã hơn một lần ướm thử, anh ngỏ lời muốn đính hôn cùng Vân thì cô gái như bao cô gái miền Bắc nào tránh khỏi ngượng ngùng e thẹn khi nói rằng: "Việc ấy quan trọng để em về hỏi thầy me rồi trả lời anh sau". Nói vậy nhưng trong thâm tâm mình, cô như đã là của anh và rất sợ mất anh…

Vậy là đã đến lúc họ cần hợp thức hoá tình cảm. Anh Thụ liên lạc về bản Phạc Lạn, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đưa bố đẻ là ông giáo làng Hoàng Khải Lan xuống Hải Phòng đặt vấn đề chính thức cho đôi bạn kết nghĩa trăm năm… ông Phạm Trung Long thấy người thông gia nho nhã tử tế thì ưng thuận nhưng dặn hai người con phải báo cáo với tổ chức để được công nhận tình cảm chính danh. Ông Long dặn hai con khi nào cách mạng thành công sẽ về cùng sum họp…

Lễ đính hôn ấy anh Thụ và chị Vân cũng chỉ về qua nhà cho có mặt. Anh mặc bộ đồ tây, còn chị Vân trong bộ quần áo dài màu nâu duyên dáng như bao cô gái tân thời đất Cảng hồi ấy. Rồi mỗi người lại phải đi một ngả vì công việc cách mạng đương cần họ. Lễ ăn hỏi hay đính hôn giữa hai người chiến sĩ cách mạng có sự chứng kiến của hai gia đinh kết thúc, ông Phạm Trung Long cho người ra ga lấy vé tàu hoả cho ông Lan ngược Lạng Sơn…

Gian nan là nợ anh hùng phải vay

Phạm Thị Vân lúc là Thành uỷ viên Hà Nội mới 24 tuổi. Chị được phân công phụ trách công tác Bí thư phụ vận và một số huyện ngoại thành. Là con gái thành thị nhưng không có vẻ gì là tiểu thư. Hoàng Văn Thụ lúc ấy trong Ban Thường vụ Trung ương, có Tổng Bí thư Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt. Hai ông Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt thay mặt đoàn thể công nhận mối tình đã đính ước của hai người.

Để tiện giữ bí mật công tác, Hoàng Văn Thụ lấy bí danh là Vân, chính là tên người con gái mình yêu để hoạt động. Thượng tuần tháng 5/1941 cùng với các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, anh Hoàng Văn Thụ lên Việt Bắc dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ toạ. Hoàng Văn Thụ lại được bầu vào Thường vụ Trung ương Đảng.

Tháng năm, sau cuộc họp Thường vụ Trung ương, tại ngoại ô thị xã Hà Đông, Phạm Thị Vân gặp lại người yêu  ở Hội nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ. Cuộc họp chưa kết thúc thì giặc Pháp bao vây. Cuộc gặp gỡ hiếm hoi kỳ vọng cho một dịp đoàn viên của hai người đã bỏ lỡ. Tất cả các đại biểu được lệnh bí mật rút đi. Phạm Thị Vân vừa ra đến bến tàu điện thì bị mấy tên mật thám theo sát, chị bị bắt. Dù đã cải trang thành người đi buôn chuyến, nhưng kẻ thù đã phát hiện ra ở chị nước da trắng trẻo, mái tóc dài không giống dân đi buôn.

Tại phiên toà sau đó ba tháng, Phạm Thị Vân đã tranh thủ vạch mặt kẻ thù: "Chúng tôi đấu tranh là để đánh đuổi xâm lược, chứ không phải là những kẻ nổi loạn vì đây là đất nước của chúng tôi…". Quan toà lồng lộn tức tối, chúng không cho chị tiếp tục lên án. Chị hô vang: "Chúng tôi phản đối lối xét xử áp đặt!…". Những người dự phiên toà lúc ấy đồng thanh hô vang: "Phản đối! Phản đối!…".

Trả thù người cộng sản trẻ tuổi, bọn thực dân kết án chị 12 năm tù và biệt giam tại nhà tù Hoả Lò. Tại đây, chị đã cùng anh chị em tù chính trị vận động đấu tranh đòi giam riêng tù nữ, đòi không được cắt tóc nữ tù, đòi được ra ngoài phơi nắng hoặc dọn cỏ làm vệ sinh… để dễ bề bắt liên lạc với nhau và với bên ngoài… Chị Vân sau đó được giam chung với nhiều nữ tù chính trị. Chị tổ chức học văn hoá, giảng chính trị cho chị em, vận động tuyệt thực, đòi được quyền tiếp tế cho chị em đau ốm trong tù…Phạm Thị Vân liên lạc với gia đình ở Hải Phòng tiếp tế thuốc men, giấy bút và thực phẩm, đường sữa cung cấp cho anh em khu biệt giam…

Cũng thời gian này, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, họ đã trao gửi cho nhau qua ánh mắt nụ cười động viên khích lệ nhau gắng tranh đấu dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững chí khí Cộng sản. Chị Vân đã dùng tấm áo len của mình do em gái đưa vào tháo rời ra và đan lại thành tấm áo mới gửi tặng anh Thụ trong tù, mong anh giữ gìn sức khoẻ…

Tin sét đánh đến với chị Vân vào một buổi sáng tháng Năm năm 1944 khi chúng đưa anh Thụ ra xử bắn tại pháp trường Tương Mai. Sáng ấy, tất cả anh chị em tù chính trị Hoả Lò đứng dậy đồng thanh phản đối. Phạm Thị Vân ngất xỉu. Có nỗi đau nào lớn hơn thế. Vậy là từ nay người đồng chí, người bạn đời yêu thương nhất của chị đã anh dũng hy sinh trước họng súng hèn nhát của kẻ thù.

Anh Hoàng Văn Thụ đã ngẩng cao đầu trước pháp trường tỏ rõ ý chí bất khuất của người cách mạng. Trong lá thư gửi lại cho chị Vân, anh đã dặn chị nhớ giữ gìn sức khoẻ, tiếp tục chiến đấu để trả thù cho anh, và để góp phần giành độc lập cho đất nước. Trong thư ấy có bài thơ đặc biệt không chỉ gửi riêng người vợ trẻ chưa cưới của anh:

Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh/ Phục thù chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành…

Tháng 3/1945, Phạm Thị Vân được bố trí vượt ngục thành công cùng một số đồng chí của chị trong nhà tù Hoả Lò. Do bị tra tấn cực hình cùng điều kiện sinh hoạt thiếu thốn trong tù, Phạm Thị Vân bị bệnh thiên đầu thống. Sau khi vượt ngục chị được em gái đưa sang Nam Định chữa chạy ở nhà ông lang ở làng Đậu Xá, huyện Nam Trực…

Cách mạng thành công, Phạm Thị Vân lúc này lấy bí danh Hoàng Ngân được Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ là Thường vụ Khu ủy Liên khu Ba, phụ trách công tác Dân vận và phụ vận của Đảng. Dù lúc này sức khoẻ bị suy giảm bởi chế độ lao tù và bệnh tật, chị vẫn lao vào công việc với tất cả nhiệt thành cách mạng. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Hoàng Ngân cùng cơ quan chuyển lên an toàn khu ở Đại Từ, Thái Nguyên.

Tại đây, Hoàng Ngân được bầu làm Bí thư đầu tiên Trung ương Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam, nay là Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Năm 1948 trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, cần thiết có cơ quan tuyên truyền vận động đoàn kết chị em phụ nữ toàn quốc để góp phần vào công cuộc kháng chiến, Hoàng Ngân được giao sáng lập tờ báo Phụ Nữ Việt Nam và chị được cử làm Tổng Biên tập đầu tiên…

Chị Hoàng Ngân đã hy sinh vào một ngày đầu Thu năm 1949 tại căn cứ địa Thái Nguyên. Năm 1956 mộ Hoàng Ngân đã được Bác Hồ giao cho Hội LHPN VN, Văn phòng Quốc hội cùng gia đình và địa phương làm lễ đưa hài cốt người nữ anh hùng về nằm cạnh mộ anh Hoàng Văn Thụ ở nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội

Tân Linh
.
.