Nốt nhạc như từng viên gạch

Thứ Hai, 16/07/2012, 14:10
Bằng từng “nốt nhạc như những viên gạch”, Kiên đang xây cho thị trường một ngôi nhà riêng, có tính cách riêng, có kiến trúc riêng và hướng đến những chủ nhân riêng của ngôi nhà ấy. Nó không phải là sự tách rời ra khỏi cuộc vận động hàng ngày của thị trường nhưng cũng chẳng lẫn vào trong cái ồn ào không phân biệt như một đồng phục chung của thị trường ấy.

Máy bay hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất rồi, cảm giác không khí của thành phố thân quen lại ùa vào tôi một cách rất hồn nhiên như bao nhiêu lần trở về với Sài Gòn sau những chuyến công tác. Nhưng lần về nhà này có điều gì lạ lạ trong tôi đã khiến tôi suy nghĩ miên man rất nhiều trong suốt khoảng thời gian lơ lửng trên bầu trời. Không phải là chuyện một tháng dài ở Hà Nội. Cũng không phải chuyện vương vấn về một mùa sen nở muộn với một người bạn mới. Trong trí não tôi là một hình ảnh khác, một người bạn quen đã lâu và dù chưa tới mức độ thân thiết như tay chân nhưng cũng đủ để có những đồng cảm nào đó rất thật.

Phải rồi, lần này ra Hà Nội, tôi đã có ý định phải gặp người bạn ấy thường xuyên hơn nhưng cuối cùng cũng chỉ ngồi được với nhau có 3 trận beer và một cuộc café ngắn ngủi. Thôi thì lại đợi một dịp khác, chắc cũng sớm thôi, người bạn ấy sẽ vào Sài Gòn làm việc và chúng tôi sẽ lại ngồi hàn huyên với nhau, như cách đây chỉ hai tháng thôi, bên lề đường Gia Long cũ giữa khuya, bên chén rượu thơm và những câu chuyện về tình bạn, tình nghề…

8 năm trước, lần đầu tiên tôi gặp anh là ở một quán café nhỏ giữa quận 3, xung quanh những người bạn chung. Hôm ấy Sài Gòn mưa lớn, và anh ngồi đó, sôi nổi, dí dỏm, dễ gần… Tôi nghe tên anh đã lâu nhưng đó là lần đầu tiên tôi được diện kiến anh. Thật ra, chúng tôi có thể là bạn đồng trang lứa vì anh cũng chỉ hơn tôi một tuổi nhưng tôi vẫn có cảm giác anh vượt trên mình một khoảng không thể xác định được bằng tuổi sống mà là ở tuổi đời. Anh trải đời hơn tôi, chín chắn hơn tôi dù vóc dáng bên ngoài cùng sự hoạt náo của anh khiến anh trẻ hơn tôi rất nhiều. Cùng với sự trân trọng từ buổi ban đầu ấy, với tôi, anh luôn là một người anh thật sự, một người anh mà chúng tôi có thể ngồi trò chuyện cùng nhau những chuyện từ bông lơn nhất cho đến những điều tâm sự nghiêm túc nhất. Anh là nhạc sỹ, saxophonist Hồng Kiên.

Những ai đã từng gặp “Kiên kèn” ngoài đời đều chẳng bao giờ nghĩ anh là một người nghệ sỹ. Nhìn vóc dáng to ngang, cách ăn nói rất “đời sống” của anh và lối đùa vô cùng Hà Nội của Kiên, người ta nghĩ anh như một bác tài xe tải Bắc - Nam hay một ông thợ xây thì đúng hơn. Kiên không bỗ bã nhưng lại có cái khôn ngoan trong câu chữ, nói ra nhiều điều khiến người đối diện nhiều khi ngẩn người ra vì ngạc nhiên và đến khi hiểu ra rồi thì vừa tức mà vừa phục cái tài nói “Ba Giai, Tú Xuất” của anh.

Sự hài hước tự thân ấy đã làm tôi mấy lần suy nghĩ rằng “Kiên sax mà không theo nghề nhạc thì có khi lại thành danh hài mất thôi” bởi lối nói vô cùng có duyên của anh. Như có lần, giữa buổi nhậu đông người, có một đôi người tự nhiên gân cổ cãi nhau khoe “kiến thức còm” khi cứ lôi chuyện “mạng Thổ ra làm sao; mạng Kim như thế nào; mạng Hỏa thì thế nọ thế kia” để làm cho cuộc vui bỗng dưng hơi có chút căng thẳng, Kiên đã tếu táo mà rằng: “Ơ, mày mạng gì? Còn anh là mạng Viettel”. Chỉ một câu nói đùa ấy thôi, không khí giãn hết ra, mọi chuyện lại trở về với đúng chỗ của nó để cuộc vui không bị ngưng ngang xương chỉ vì đôi chuyện tầm phào. Nhưng cũng chỉ một câu nói ấy thôi, nó cho tôi đủ thấy “Kiên sax” khéo léo thế nào, nhanh trí ra sao.

Trong làng nhạc, người ta vẫn hay đùa nhau nhiều chuyện tếu táo mà kể ra chắc phải ôm bụng cười nhưng có lẽ, đùa cợt vào hàng cao thủ như Kiên sax thì hiếm lắm. Chỉ có một người đủ vóc đủ tầm để đùa được với Kiên như thế là anh Xuân Hiếu, cũng là một nhạc sỹ, một saxophonist. Hiếu ở Sài Gòn, Kiên ở Hà Nội nhưng hai người ấy thân nhau và hiểu nhau lắm. Bộ đôi ấy mà gắn với nhau để đùa giỡn thì ối người phải mắc lỡm. Nhìn họ, tôi nghĩ ngay đến câu “Bắc Kiều Phong - Nam Mộ Dung” của ông Kim Dung trong Thiên Long Bát Bộ. Có lẽ, về khoản tếu táo và cả về tiếng saxo, ở một góc độ cảm nhận rất riêng nào đó, có thể nói Bắc Hồng Kiên - Nam Xuân Hiếu cũng được.

Nhưng đằng sau những tếu táo, hay đùa và hay chọc lỡm người ta ấy của Kiên là gì? Chắc chưa nhiều người muốn khám phá lớp lõi bên trong tấm vỏ ấy của Kiên? Thật sự, con người Kiên sống tình cảm và là người vô cùng hiểu chuyện đời, chuyện nghề. Có thể anh tếu táo thế thôi để giữ cho mình sự lặng im trước những điều anh biết, nhưng điều mà anh khó có thể nói ra về bao nhiêu thứ anh được chứng kiến trong làng nhạc vừa khó khăn lại lắm nhiễu nhương như ngày hôm nay. Tôi may mắn là người có khi được uống cùng anh, chỉ hai người thôi, để nghe anh chia sẻ những tâm sự ấy. Và toát ra từ những tâm sự của Kiên, tôi nhìn thấy ở đấy một tấm lòng vì bạn, vì em, vì nghề.

Những điều Kiên lo lắng cho đồng nghiệp thân thiết của mình, có khi chính họ cũng không biết. Nhưng anh vẫn thế, cứ âm thầm quan sát và khi cần, anh sẽ nói với những người cần thiết, như tôi chẳng hạn, bằng một đề nghị rất rõ ràng “Tình thế như bây giờ, anh nghĩ, mày phải giúp ông/anh ấy thôi”. Cái cách ấy của Kiên thật thầm lặng, không khoa trương và cũng không cần người mình quan tâm biết đến. Với anh, quan trọng chỉ là được thấy bạn mình, anh em mình, đồng nghiệp mình được trọn vẹn với nghề mà không cần người ta quá hiểu ai đã đưa tay (một phần nhỏ thôi) để giúp giùm việc đó. Song, chẳng phải ai cũng hiểu được Kiên ở điểm ấy. Vì cũng đơn giản thôi, anh cũng chẳng muốn ai phải hiểu cái điều mà với anh là vô cùng bình thường như thế cả.

Kiên không viết nhiều nhưng những ca khúc anh viết lại rất tình cảm và có giai điệu đẹp. Có lẽ, vì anh là dân saxo nên giai điệu đã luôn nằm trong tâm thức chơi nhạc của anh thì phải. Tôi đã nổi da gà khi nghe bài Cơn bão mà anh viết cho Mỹ Linh trong album mới nhất của cô. Nhưng qua bạn bè, tôi còn đuợc biết là bài đó của Kiên, bản hòa tấu của riêng anh thôi, nghe còn nổi da gà hơn nữa. Người xưa thường nói “Văn là người” và tôi nghĩ “nhạc cũng là người”. Con người Kiên phải rõ ràng có chiều sâu như thế nào thì âm nhạc mới có thể mang lại cho người nghe những cảm xúc như vậy. Kiên không như lũ chúng tôi, hời hợt và ham vui. Cuộc sống của anh, với những trăn trở giấu lại riêng, có lẽ chính là chất liệu để anh cứ lặng lẽ và chậm rãi đưa ra những tác phẩm tuyệt vời đến thế. Nhưng gặp anh, lại phải nhắc lại, người ta sẽ không bao giờ nghĩ đó là một người nhạc sỹ. Anh vẫn là Kiên lè phè thế thôi, như một ông thợ xây chính hiệu…

Bây giờ, Kiên không chỉ là người chơi saxo, sáng tác và làm hòa âm đơn thuần nữa. Anh đã làm thêm công việc khác, một công việc mà tôi cho rằng hoàn toàn phù hợp với cái tạng người của anh. Kiên làm Giám đốc nghệ thuật cho chuỗi chương trình âm nhạc mới mẻ có tên Music in the Spot Light. Đó là công việc thuộc về sáng tạo trong sản xuất nhiều hơn là sáng tạo trên một tác phẩm đơn thuần. Và anh đã bắt đầu xây dựng nó trở thành một thương hiệu tốt, qua từng chương trình một, như chương trình của Mỹ Linh mới đây và chương trình của nhạc sỹ Trần Tiến sắp tới chẳng hạn.

Qua lăng kính công việc ấy, nhìn Kiên đúng như một ông thợ xây hơn nữa. Nhưng anh không phải là ông thợ xây kiểu như người ta nhìn thấy qua vẻ bề ngoài mà là một ông thợ xây trong thị trường âm nhạc bây giờ. Anh đang làm những thứ để nghe, để thưởng thức bằng một cách tử tế nhất nhưng lại không đao to búa lớn bằng những hư ngữ, sáo từ hay những slogan “vĩ đại”. Anh đơn thuần gom nhặt từng chút cho nó, như người thợ xây gom nhặt từng viên gạch vuông vức ghép vào nhau một cách cẩn thận nhất. Nói chung là bằng từng “nốt nhạc như những viên gạch”, Kiên đang xây cho thị trường một ngôi nhà riêng, có tính cách riêng, có kiến trúc riêng và hướng đến những chủ nhân riêng của ngôi nhà ấy. Nó không phải là sự tách rời ra khỏi cuộc vận động hàng ngày của thị trường nhưng cũng chẳng lẫn vào trong cái ồn ào không phân biệt như một đồng phục chung của thị trường ấy. Và anh làm theo cách của anh, cách không cần mọi người phải biết đến, phải ghi nhận hay phải ngợi khen gì cả. Anh chỉ cần miễn sao điều mình kiên định đặt ra là mình đạt được nó, bằng danh dự chứ không phải bằng sự nhún mình nào vốn dĩ vẫn nhan nhản trong làng văn nghệ này. Với anh, như thế là vui rồi, vui như kiểu anh nói “để tao có dịp vào Sài Gòn đi uống beer với mày chứ” một cách rất tếu táo, rất “Kiên đóng gạch”…

Tôi rời Hà Nội chưa kịp chào anh nhưng tôi biết điều đó là không cần thiết. Bao nhiêu lần vào - ra của hai anh em, chúng tôi có chào nhau trước khi về bao giờ đâu. Gặp nhau được là đã quý rồi, cần gì phải vẽ vời kiểu cách cho mệt. Nhưng không hiểu sao lần này tôi lại muốn gặp anh ngồi hàn huyên một trận thật “đẫm” trước khi tôi về đến thế. Chắc tại còn nhiều điều muốn tâm sự, muốn giãi bày, muốn chia sẻ cùng anh. Chỉ tiếc công việc bận rộn quá, những sa mù của những cuộc chơi cũng cuốn đi nhanh quá nên đến lúc lên máy bay rồi mới tiếc ngẩn tiếc ngơ.

Thôi thì để dành lần sau vậy, lần tái ngộ tới ở Sài Gòn, chúng tôi hẳn sẽ nhậu với nhau, nhất là sau khi Kiên phát hiện được ra những dòng vớ vẩn mà tôi đang “viết trộm” về anh trên trang bán nguyệt san này. Hẳn khi ấy, anh sẽ có những trò tếu táo mới, để trêu chọc tôi, và tất nhiên, có cả những điều nghiêm túc muốn nói cùng nhau, nhất là khi chỉ còn lại hai anh em, ngồi nghiêng nghiêng mái đầu, dưới ánh đèn vàng đường Gia Long, giữa một đêm Sài Gòn thanh vắng đến vô cùng...

Sài Gòn, tháng 6/2012

Hà Quang Minh
.
.