Câu chuyện thứ 30: Chuyện của diễn viên Bảo Trí (kỳ II)

Nỗi niềm thăng trầm

Thứ Năm, 06/02/2014, 10:10
1. Cải lương thoái trào, show diễn bữa đực bữa cái, vợ chồng tôi bung ra thử bán buôn, kiếm chút tiền trang trải nhưng cuộc sống vẫn cứ ngày một khó. Thời điểm đó, sân khấu hài đang trên đà nở rộ. Anh Bảo Liêm tôi khi ấy đã là một cây tấu hài có tiếng trong nhóm Mập - Ốm. Mập - Ốm diễn ở đâu, khán giả bu kín tới đó.

Tiếng cười, tiếng vỗ tay tán thưởng thiếu điều muốn sập rạp. Mập - Ốm được mấy ông bầu săn đón nồng nhiệt, danh vọng rực rỡ, chắc chỉ thua mỗi nhóm hài của hai anh Bảo Quốc – Duy Phương mà thôi. Đang ngon trớn vậy, tự dưng anh tôi nảy sinh ý định sang Mỹ. Nhưng thương Mập - Ốm quá, ảnh vẫn còn chần chừ. Đứa con tinh thần do anh gầy dựng mà không tiếc sao được. Nghĩ tới nghĩ lui, anh kêu tôi vô thế vai Ốm của anh. Tôi nghe mà hoảng.

Trước giờ mấy vai hề của tôi trong tuồng đều có lớp có lang đàng hoàng, lúc nào gây cười lúc nào không, kịch bản rõ ràng. Đằng này tấu hài chỉ có 5 tới 10 phút, phải quăng qua bắt lại làm sao cho khán giả cười. Nghĩ tới đó thôi là tôi thấy ớn ăn rồi. Tấu hài mà khán giả không cười chắc có nước độn thổ đi luôn quá! Thấy không hình dung được, tôi từ chối. Anh tôi nói vô suốt, rồi bà xã tôi động viên, tôi nghe cũng xuôi xuôi, vì cuộc sống hay là thử coi sao, bèn gật đầu đại dù trong lòng cực kỳ hoang mang.

Suất đầu tiên tôi diễn chung với ông Mập ở rạp Đại Đồng (sân khấu kịch Sài Gòn bây giờ-PV). Nhác thấy bóng ông Mập trong cánh gà mà không thấy anh tôi, ông bầu sốt ruột: “Ủa, thằng Ốm đâu?” Biết tôi thế vai anh Bảo Liêm, ông bầu choáng váng cả mặt mày, không giấu được sự nghi ngại. Nhưng vì khán giả chờ ngoài kia nên ông liều cho tôi vô thử.

Người dẫn chương trình vừa mới giới thiệu: “Và đây là nhóm hài… Mập - Ốm”, tiếng vỗ tay của khán giả rần rần như sấm. Tôi đứng trong cánh gà, rụng rời tay chân, mặt không còn giọt máu, nghĩ “phen này chắc chết quá!”. Ông Mập biết tôi run nên vỗ vai động viên: “Ráng nghe, tự tin, hổng sao đâu!” Tôi không nhớ mình đã ra sân khấu bằng cách nào, đã tung hứng những gì, tôi chỉ nhớ âm vang của những tiếng cười, những tràng pháo tay không ngớt của khán giả, điều mà sau này tôi phải mong mỏi, lần hồi kiếm tìm như cố vớt vát thứ ánh sáng le lói trên con đường hun hút, dày đặc bóng tối.

Nghệ sĩ Bảo Trí - Kim Tuyết.

Tôi chuyển sang tấu hài từ đó nhưng trong tâm vẫn nhủ nếu có cơ hội vẫn đóng cải lương. Bởi cải lương là duyên, là nợ gắn bó đời tôi với nghiệp diễn, se duyên tôi với vợ tôi, truyền cho tôi sự kiên trì, dạy cho tôi mạnh mẽ vượt qua biết bao chông gai, đoạn trường.

2. Ai đó từng ví rằng, cuộc đời như một chuyến xe đang chạy bon bon trên đường, vì nhiều lý do buộc con người ta phải ngoặt sang một lối khác, dù muốn dù không. Lối rẽ của tôi là lối rẽ chẳng đặng đừng, là từ ý muốn của người ta chứ tôi nào có muốn. Nhưng tôi không trách ai cả, bởi mọi thứ tồn tại trong cuộc sống này, đều bắt nguồn từ một chữ duyên.

Khi duyên đã hết, có muốn kiềm giữ, níu kéo cũng không được. Chỉ có điều, cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao người ta lại đột ngột buông tay tôi như thế. Ngồi trên xe về Sài Gòn, tôi mới hay quyết định rã nhóm Mập - Ốm, không lý do, không giải thích, không bất cứ điều gì cả. Mọi thứ đột ngột như cơn giông bất chợt nổi lên giữa biển khơi mênh mông, tôi không có thời gian để chuẩn bị, để mường tượng, để tìm cách chống chọi với hẫng hụt. Chơi vơi!

Hoang mang, lo sợ nghĩ đến tương lai của gia đình, thương con gái khóc thét lên vì khát sữa, tôi gượng đứng lên làm lại từ đầu. Nếu như ngày đầu chập chững bước vào sân khấu tôi còn có đoàn, có anh em, có các cô các chú giúp sức thì ở thời điểm đó, tôi tự lò dò bước đi. Không lẽ, tôi bước ra mà hét toáng lên rằng  tôi là thành viên một thời của nhóm hài Mập - Ốm? Lòng tự trọng nghề nghiệp không cho tôi làm như vậy.

Vả lại, người ta đâu có cần biết mình là ai. Trước, còn ở Mập - Ốm, đi đến đâu người ta cũng đon đả mời chào, nồng nhiệt hỏi han, vậy mà giờ bước đến đâu, người ta cũng coi tôi như một con hủi. Người ta không nặng lời đuổi xua, chỉ lạnh lùng, thản nhiên coi tôi như một chiếc bóng. Mà, có ai để ý đến bóng khi hân hoan nói cười bao giờ? Tôi cứ lủi thủi đi, lủi thủi về ở các điểm diễn, mòn mỏi đợi chờ. Có những đêm sân khấu kéo rèm, anh em trong nghề lục tục kéo nhau về hết, đèn nhả dần bóng tối thinh lặng, nghe rõ cả tiếng một con gián chạy loẹt xoẹt trên bục gỗ, đếm được từng hơi thở của mình, tôi vẫn ngồi đợi.

Tôi cũng không biết mình đang chờ đợi điều gì nữa? Một điều kỳ diệu như những vở diễn của tôi ư? Không! Tôi đã qua rồi cái thời mơ mộng ấy. Đợi để đỡ nhớ sân khấu, đỡ nhớ khán giả ư? Nhưng tại sao cứ phải có lý do cho bất cứ điều gì xảy ra? Tôi đợi, đơn giản chỉ là để đợi thôi. Bởi, tôi có gì ngoài thời gian đang chầm chạp trôi qua từng kẽ ngón tay. Tôi có gì ngoài những hẫng hụt, những đổ vỡ về lòng tin? Tiếng nói cười, tiếng vỗ tay mới đó mà đã xa ngai ngái.

Tôi cũng lập nhóm hài với người này người kia, nổi danh cũng có mà chưa có danh cũng có, nhưng chắc là do không có duyên nên đều đứt gánh giữa đường. Bước chân tôi rệu rã qua những tháng ngày lận đận, đôi dép tôi mang mòn vẹt những con đường. Có những đêm mưa, tôi lầm lũi đi trong vô định. Nước mưa sao mà mặn đắng đến thế? Tôi sợ vợ tôi thấy tôi yếu đuối, sợ vợ tôi thấy tôi quỵ ngã, sợ vợ tôi thấy những giọt nước mắt bất lực…

Nói là nói vậy thôi, chứ làm sao qua được đôi mắt đầy quan tâm của vợ tôi. Vợ tôi biết hết, hiểu hết. Không than vãn, không kêu ca, trách móc, cũng không có những lời động viên thừa thãi, chỉ có những cái siết tay thật chặt, những vun vén gia đình cho tôi khỏi bận tâm, cần mẫn dỗ con quấy khóc cho tôi bớt nghĩ suy…

Rồi cũng chính vợ tôi đề nghị hai vợ chồng tập hài đi diễn chung. Tôi do dự nhưng vợ tôi bảo cứ thử, có mất mát gì đâu. Nhóm hài Bảo Trí – Kim Tuyết ra đời. Tình hình cũng chẳng khả quan gì hơn so với trước đây. Vợ chồng tôi tối nào cũng tới sân khấu ngồi chờ thời, không ai thèm ngó ngàng gì hết. Buồn thúi ruột gan vẫn tự an ủi ráng vượt qua. Bữa nào được cho diễn, mà diễn khán giả cười, con đường ríu rít nói cười.

Bữa nào diễn khán giả không cười, tâm trạng vợ chồng tôi nặng như đeo cả mấy tấn chì. Có gì thảm hại cho bằng việc lên sân khấu diễn hài nói cả 5, 10 phút mà khán giả cứ im phăng phắc? Trầy vi tróc vảy, tôi suy sụp tới mức bao nhiêu muộn phiền, bao nhiêu uất ức dồn nén đem trút hết lên vợ tôi. Vậy mà vợ tôi vẫn ẩn nhẫn ngồi nghe, không hé răng nói lại nửa lời. Biết lấy gì đền đáp tấm lòng và sự yêu thương của vợ tôi? Nếu không có vợ tôi, có lẽ tôi đã không bao giờ đứng dậy được nữa.

3. Tôi tin vào Tổ nghiệp. 10 năm gian khổ ấy có lẽ là vì lúc nổi tiếng tôi cũng làm mình làm mẩy nên Tổ phạt. Nhưng chưa bao giờ Tổ để vợ chồng tôi phải đói cái ăn cái mặc cả dù có. Cũng nhờ Tổ thương tôi mới có được ngày hôm nay, dẫu lận đận vẫn còn đeo bám. Nhiều khán giả trẻ hỏi tôi, sao thấy chú xuất hiện trên tivi hoài mà coi bộ vô duyên với các giải thưởng quá vậy? Ờ, biết sao được, tại cái duyên, cái số. Tổ cho lúc nào thì tôi nhận lúc ấy. Mà, khán giả trẻ còn khoái coi một ông trung niên như tôi diễn là phần thưởng lớn nhất rồi còn gì.

Tôi giờ đã ngót nghét bước qua cái tuổi ngũ thập, cái tuổi mà người ta bắt đầu chững lại để nghiệm suy ít nhiều về những thăng trầm trong đời sống. Nhiều khi nghĩ, anh em trong lĩnh vực tấu hài ai cũng có ít nhất một album, một liveshow để kỷ niệm con đường theo nghề, còn tôi chẳng có gì cả cũng bùi ngùi chạnh lòng. Một phần vì kinh tế, một phần là vì anh em, rồi lớp đàn em sau này nữa đối xử với tôi rất chân thành, làm liveshow mà mời người này bỏ người kia, tôi coi không có đặng. Còn mời hết thì nội tiền xăng thôi tôi cũng không đủ trả. Nên đành gói ghém ước mơ cất giữ lại.

Tôi chỉ có duy nhất mong muốn, thiết tha và bền chắc lúc này là mở được một lớp học, nho nhỏ thôi, chừng dăm ba đứa học trò nhưng có đầu ra đàng hoàng, tươm tất để truyền lại kinh nghiệm cho các bạn trẻ. Có gì hạnh phúc bằng việc nhìn những đứa trò thân thương vùng vẫy trưởng thành trong nghề, cái nghề mà mình đã từng đắm say khóc cười, lăn lộn từ hồi mười mấy tuổi. Nghĩ là nghĩ vậy, mong là mong vậy chứ tôi băn khoăn nhiều lắm.

Mười bữa, nửa tháng, học trò gặp tôi lại hỏi: “Sao thầy không mở lớp đi thầy?” Ờ, tôi cũng muốn mở, nhưng mà mở rồi, dạy rồi phải có nơi đón đầu để các em sống được với nghề, tin vào nghề chứ đâu bỏ mặc các em cù bơ cù bất mò đường được. Tôi bây giờ cơ hội với nghề đã chững lại rồi, kiếm đâu ra điều kiện vun vén cho các em? Mà như vậy thì mở lớp để làm gì? Thôi thì, em nào có thắc mắc gì cứ hỏi, tôi sẵn sàng chỉ hết. Còn lớp học, mong là Tổ thương và nghe được tâm nguyện của tôi vậy

Dung Hoàng
.
.