Nỗi buồn của Ngọc Trinh

Thứ Hai, 29/06/2015, 16:11
Ngọc Trinh là cô diễn viên dáng người nho nhỏ, giọng lảnh lót, thường đóng những vai thương thương, tội tội. Ngọc Trinh cách đây độ gần chục năm đã khiến khán giả truyền hình sụt sùi với Vy trong “Mùi ngò gai”.

Còn bây giờ, sau cuộc bén duyên sượt qua phim ảnh, Ngọc Trinh lăn lộn, đắm mình với sân khấu - cái nôi chị đã chấp cánh cho chị trưởng thành. Tiếc là, tâm huyết ấy dở dở dang dang…

1. Tôi tin rằng, niềm vui lớn nhất, hạnh phúc đong đầy nhất của người làm nghệ thuật nói chung và nghệ sĩ nói riêng là được nói, được chia sẻ về những vở diễn, những dự án, những ấp ủ sắp thành hình trong họ. Chẳng ai muốn rơi vào hoàn cảnh éo le như Ngọc Trinh bây giờ. Và chẳng đặng đừng lắm, chị mới trải lòng. Nói để sẻ chia bởi, “suốt 8 tháng nay chị không dám nói với ai hết, chị chờ một phép màu…”.

Công bằng mà nhận xét, Ngọc Trinh không thuộc dạng diễn viên nổi đình đám. Chị cũng không cuốn hút người ta bởi chân dài, bởi vẻ đẹp long lanh hoặc sắc sảo, mặn mà. Thế nhưng, Ngọc Trinh có những vai diễn đủ để khán giả nhắc nhớ. Đó là Vy của Mùi ngò gai, là Xàng trong vở hài kịch Trái tim nhảy múa, là cô công chúa trong vở Phương thuốc thần kỳ,… Ngọc Trinh khiến người ta nhớ bởi vẻ ngoài nhỏ xinh, gương mặt trẻ trung “không tuổi” và lối diễn ngọt ngào, chân chất. Từng ấy nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng không phải diễn viên nào cũng có được.

Mà thật ra, với phim ảnh, Ngọc Trinh tạm xa rời, còn sân khấu, trở thành một phần máu thịt, đâu nói dứt là dứt, buông là buông ngay được. Ngọc Trinh cần mẫn, lặng thầm như con ong hút mật, như con kiến tha mồi, cứ nhẩn nha, nhẩn nha làm đầy bản thân bằng những vai diễn nhiều dấu ấn. Huy chương Vàng với vai bé Ba trong vở Đời Như Ý của đạo diễn Bùi Quốc Bảo vào năm 2012 là minh chứng cho lòng yêu nghề không mệt mỏi của Ngọc Trinh. Rồi Ngọc Trinh cặm cụi đi học đạo diễn, ôm ấp giấc mơ có một sân khấu để thỏa chí tung hoành mà cũng là để có nơi ăn chốn ở, có cái gọi là nhà cho rất nhiều gương mặt trẻ, trước là một chỗ trú chân, sau là thực tập những kiến thức trường lớp và thể hiện tài năng.

2. Nghĩ là quyết, nói là làm, Ngọc Trinh vét hết tiền dành dụm “chơi” một ván với đam mê. Không thử sao biết thành bại, không làm sao biết nên không. Giữa thời buổi sân khấu hết chèo nơi này tới chống nơi kia, tìm một điểm diễn ổn định là chuyện vô vàn khó khăn, huống hồ việc thu hồi vốn, nên ấp ủ của Ngọc Trinh cũng như hành trình của một người say. Vì say nghề mà đẩy bản thân vào bế mà Ngọc Trinh không hề lường trước được. Và có lẽ cũng không thể ngờ tới được.

Một bữa, tình cờ chạy xe tà tà qua Nhà hát kịch Thành phố (rạp Công nhân trước đây-NV), thấy rạp xuất diễn thưa thớt, Ngọc Trinh chợt nhớ đến ấp ủ của bản thân mà mừng như mở cờ trong bụng: “Có ‘nhà’ rồi! Có ‘nhà’ rồi!” Giám đốc Nhà hát kịch Thành phố giai đoạn đó là nghệ sĩ Khánh Hoàng, từng là đàn anh diễn cùng với Ngọc Trinh thuở chị còn là con bé mới toanh ở sân khấu 5B.

Nghĩ bụng, rạp đang trống, bản thân lại đang cần điểm diễn, giám đốc lại là đàn anh của mình, chắc chắn nếu không trở ngại, anh sẽ giúp. Ngọc Trinh đến gặp thẳng nghệ sĩ Khánh Hoàng bày tỏ tâm tư muốn thuê lại Nhà hát để diễn vào 3 buổi tối, từ thứ 6 cho đến chủ nhật. Nghệ sĩ Khánh Hoàng nghe Ngọc Trinh tỏ bày, gật đầu đồng ý.

Trong sự hân hoan của cả đôi bên, một ngày đẹp trời đầu tháng 4/2014, nhóm kịch xã hội với những gương mặt trẻ do Ngọc Trinh phụ trách ra mắt bạn bè, báo giới, đồng thời khẳng định Nhà hát kịch Thành phố là điểm diễn chính thức của nhóm. Ngọc Trinh, một lần nữa hân hoan, háo hức, tất bật chuẩn bị từ kịch bản, bối cảnh, phục trang,… cho từng vở diễn một cách chăm chút. Thế nhưng, trong sự hân hoan đó còn duy nhất một điều chưa được xác thực trên giấy tờ là thỏa thuận hợp đồng mà nhiều báo đã đăng tải, xin không nhắc đến. Và cũng vì, trước khi gặp Ngọc Trinh, tôi có chia sẻ với chị, chuyện ai đúng ai sai, tòa án sẽ đưa ra phán quyết. Ất ơ như tôi, không dám lạm bàn.

Ngọc Trinh trong một vai diễn.

3. Mà rồi quẩn quanh, cũng chỉ có câu chuyện đó, ngay trước cửa phòng bệnh chồng của chị, Ngọc Trinh nhìn tôi và hai anh chị đồng nghiệp ái ngại. Suốt buổi gặp, lâu lâu như sực nhớ, Ngọc Trinh lại áy náy, thật không phải khi gặp phóng viên ở bệnh viện. Tự dưng, Ngọc Trinh làm tôi nhớ lại cú điện thoại xin phỏng vấn chị cách đây độ nửa năm. Lần đó, Ngọc Trinh đang đi quay ở tỉnh, chị hẹn tôi phỏng vấn qua điện thoại.

Không may, bối cảnh bể giữa chừng, phải quay lại tới cận sáng, Ngọc Trinh hẹn: “Em gởi mail nghen, chị sẽ phản hồi cho em”. Bài phỏng vấn không được hoàn thành vì chị khước từ trả lời, bởi trong đó, có không ít câu hỏi về chuyện riêng và những thăng trầm của đời chị. Tôi không dám chắc, Ngọc Trinh có khéo léo trong cư xử không, song tôi tin chị là một nghệ sĩ giàu lòng tự trọng.

Ngọc Trinh sợ người đối diện lấn cấn giữa chuyện riêng và chuyện tư, sợ gieo thương cảm, sợ người khác thương hại chị. Ngọc Trinh nói với tôi vầy: “Thôi chuyện đó chị nghĩ người phụ nữ nào có gia đình cũng có thể gặp phải. Chị sẽ phải cố gắng và vượt qua được. Có cái chuyện sân khấu…”. Nói tới đó thì bao nhiều uất ức, nghẹn ngào ráng gồng bùng lên, nước mắt Ngọc Trinh ứa ra. “Sáng qua, anh hậu đài bên sân khấu đột nhiên một hai kêu qua chở hết bối cảnh về, nhà hát đang sửa, không chở về hư hết ráng chịu. Chị xin: “Anh ơi, anh báo đột ngột quá nên anh cho em chở trước một vở về được không, mấy vở kia, tối em qua sắp xếp cho xe lớn vô chở, giờ chồng em đang ở bệnh viện’, mà ảnh không có chịu…” Ngọc Trinh vừa ở viện, vừa gọi điện nhờ bạn bè chở giúp bối cảnh mà nước mắt nước mũi tèm lem...

Như tôi nói, Ngọc Trinh là nghệ sĩ giàu lòng tự trọng đến mức nhạy cảm. Tôi có đưa bài viết này cho Ngọc Trinh đọc, vì tôn trọng chị. Chị nhất quyết nói với tôi: “Mình nói cho hiểu nhau nhưng em đừng đưa chuyện chồng chị ốm vào, chị ngại lắm…”. Tất nhiên, tôi tôn trọng ý kiến của chị nhưng tôi cũng có quan điểm của riêng mình.

Dấu ấn sân khấu trẻ của Ngọc Trinh có thể chưa sâu đậm trong lòng khán giả bởi vở diễn không có ngôi sao, bởi tuổi đời sân khấu còn quá mới… nhưng ít nhất, khán giả trong suốt quãng thời gian sân khấu hoạt động, đã không còn chạy một hơi ra Nhà hát Thành phố, chưng hửng đánh vòng lại, hóa ra, Nhà hát kịch Thành phố là một điểm khác! Suốt cuộc trò chuyện, Ngọc Trinh rất nhiều lần nói với tôi rằng: “Phải chi, chị làm thua lỗ, hết tiền chị không làm nữa cũng được. Còn đằng này, mọi chuyện đang vào guồng quay thì lại xảy ra như vậy… Mà phải chi, chị thua lỗ thiệt cho đỡ buồn, đỡ mất niềm tin… Toàn anh em cả mà, chị không hiểu sao lại như vậy nữa…”.

Chị đồng nghiệp cạnh tôi trách Ngọc Trinh cả tin và ngây thơ quá! Khi câu chuyện Ngọc Trinh đi kiện rần rần trên mặt báo suốt mấy ngày trời, rất nhiều độc giả cùng ý kiến với chị đồng nghiệp. Cá nhân tôi thì cho rằng, Ngọc Trinh cả tin vì quá say nghề. Và tin vào uy tín của một người anh khi vỗ vai chị nói rằng: “Mày sao cẩn thận quá, anh em với nhau, tao không giúp mày thì giúp ai!” Như khi một ông anh, bà chị hay một người bạn nào đó vỗ vai bạn rằng: “Ê cu, làm cái này với anh/chị/bạn, tao không để mày thiệt thòi”. Rồi hốt nhiên, anh/chị/bạn, sau thời gian, bảo với bạn rằng: “Chỗ đó người ta đang khó, không trả cho tao, lúc nào người ta trả, tao đưa mày liền!” mà thực hư chuyện thế nào, bạn làm sao biết được.

Mất tiền thì có thể kiếm lại được, nhưng đổ vỡ lòng tin là vết rạn khó lành. Điều Ngọc Trinh cần nhất bây giờ, có lẽ không phải là tiền bạc mà là một sự rõ ràng, một liều thuốc, một thứ keo dán hữu hiệu để nối liền vết thương hoài nghi, âm ỉ bấy nay.

Ngọc Trinh đưa bàn tay nhỏ nhắn, lòng bàn tay có nhiều nếp nhăn, xếp lại mớ giấy tờ đang bộn bề trên mặt ghế, mắt xa xăm… “Phải chi, chị làm ăn thua lỗ…”. Tôi đọc đâu đó rằng, phụ nữ, lòng bàn tay nhiều nếp nhăn, cực kỳ vất vả!

Hoàng Hoài Hương
.
.