Niềm tin tâm linh của một vị tướng

Thứ Năm, 28/04/2016, 14:29
Thiếu tướng, Tiến sĩ Chu Phác là một nhà văn, một người cầm bút trưởng thành trong môi trường quân đội và có những tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc về cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc chống kẻ thù xâm lược. 

Thế hệ chúng tôi lớn lên khi đất nước đã hòa bình, chỉ có thể cảm nhận sự đau thương khắc nghiệt của chiến tranh, thông qua những trang viết thấm đẫm tình yêu xứ sở, tình yêu con người trong những trang viết của các nhà văn quân đội như ông. 

Sau này, đọc những tư liệu và những cuốn sách nghiên cứu về tâm linh của Thiếu tướng Chu Phác, tôi hiểu thêm một góc khác trong tâm hồn của một người lính già đã từng xông pha trận mạc. Những công trình nghiên cứu của ông về một lĩnh vực khá nhạy cảm, thậm chí còn nhiều tranh cãi trong khoa học, trong đời sống, là vấn đề tâm linh, đã mở thêm một cánh cửa để nhiều người hiểu thêm về những bí ẩn đời sống mà chúng ta đang sống.

Không phải ngẫu nhiên mà một người cầm bút viết văn, một nhà khoa học như Thiếu tướng, Tiến sĩ Chu Phác lại quan tâm đến vấn đề tâm linh. Thường chúng ta chỉ nhận thức rõ rệt những gì mà mắt thấy tai nghe trong cuộc sống thường ngày, nhưng dường như vẫn luôn còn một thế giới vô hình khác tồn tại xung quanh, cho dù chúng ta không thừa nhận đi nữa thì vẫn luôn có những câu chuyện, những ví dụ để chúng ta hoài nghi về thế giới đó. 

Thiếu tướng Chu Phác đã từng là một người lính vào sinh ra tử. Ông chiến đấu cùng đồng đội ở chiến trường Điện Biên từ năm 20 tuổi. Làm Trung đội trưởng Trung đội xung kích thuộc Trung đoàn 57, Đại đoàn chủ lực 304, tướng Chu Phác đã chứng kiến nhiều mất mát của anh em đồng chí.

Ông không nhớ nổi bàn tay mình đã vuốt mắt cho bao nhiêu đồng đội. Và cho dù chiến tranh đã qua đi nửa thế kỷ, người chỉ huy của trung đội xung kích năm nào vẫn nhớ như in từng gương mặt đồng đội mình, những người lính trẻ măng đã vĩnh viễn nằm im trong lòng đất mẹ. 

Trong những ngày tháng khắc nghiệt đạn bom ấy, lúc hy sinh, những người lính chỉ được gói trong mảnh vải dù day tấm vải hoa để chôn cất. Và cũng chẳng có gì để đánh dấu mộ phần các anh, ngoài mấy nhánh cây rừng bứt vội. Thương vô cùng những đồng đội hy sinh vì bom nổ không thể tìm thấy xác. 

Rồi ngay cả trong hòa bình, công việc tìm mộ những người lính đã hy sinh cũng không dễ dàng gì. Rất nhiều gia đình đã bỏ công tốn sức bao lâu mong đưa được hài cốt người thân về quê nhà. Khi mọi con đường tìm kiếm mộ liệt sĩ trở nên khó khăn, bế tắc vì thời gian đã lùi xa và vì rất nhiều yếu tố khác, thì việc tìm kiếm bằng tâm linh, thông qua các nhà ngoại cảm là hy vọng cuối cùng của nhiều gia đình.

Thiếu tướng, Tiến sĩ, nhà văn Chu Phác sinh năm 1934, mất ngày 9-4-2016.

Vì lẽ đó, Thiếu tướng Chu Phác đã bỏ nhiều năm tháng để nghiên cứu về vấn đề này. Ông gặp gỡ nhiều nhà ngoại cảm, nghiên cứu các đề tài liên quan đến vấn đề gọi hồn, áp vong, tìm mộ. 

Trong cuốn sách Nhân quả được xuất bản năm 2015 và sau đó được tái bản nhiều lần, Thiếu tướng, Tiến sĩ Chu Phác kể lại: “Từ nhiều năm của thế kỷ trước, chúng tôi cùng những người có khả năng ngoại cảm đi tìm mộ liệt sĩ. Chúng tôi bắt đầu được nghe các vong nói chuyện về mình, về đồng đội và về gia đình, đơn vị. Trong đó có nhiều chuyện về nhân quả, báo oán.

Đến năm 1996, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người ra đời, chúng tôi được Giám đốc Trung tâm và Hội đồng khoa học giao cho các đề tài khoa học nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến gọi hồn, áp vong và tìm mộ… Qua nghiên cứu, chúng tôi “chộp” được một biểu hiện của vong thấy rất thú vị và rất quan trọng đối với con người hiện nay, đó là luật Nhân quả, hay còn gọi là báo oán hoặc quả báo và giải nghiệp.

Triết học Phương Đông cách đây trên 2.000 năm đã nói, vũ trụ này là vũ trụ của đạo lý, vũ trụ của tâm linh. Khi tri thiên, tức là khi đã biết đến Trời thì người ta không những là công dân của xã hội nhân quần, mà còn là công dân của trời, công dân của vũ trụ. Người ta không những được hưởng phẩm tước của xã hội nhân quần mà còn hưởng phẩm tước của Trời…”. 

Là Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, Thiếu tướng, Tiến sĩ Chu Phác từ các công trình khoa học của mình đã rút ra một kết luận cốt lõi nhất trong vấn đề tâm linh, đó là: Thế giới này được điều khiển tự động bằng luật Nhân quả. Luật của vũ trụ chính là luật Nhân quả. Không chỉ có báo oán, quả báo, nhân quả giữa con người với con người mà còn có báo oán, quả báo, nhân quả của tự nhiên với con người.

Ông cũng cảnh báo, con người không nên quá tự hào về những thắng lợi của khoa học kỹ thuật để chinh phục tự nhiên. Con người dùng khoa học để tàn phá tự nhiên, chế ngự tự nhiên, rồi đến lúc, con người sẽ bị tự nhiên trả thù dữ dội. Thực tế cho thấy, hiện tượng trái đất nóng lên, băng tan hay các thảm họa thiên tai khác đều có thể hiểu là sự trả thù của tự nhiên khi con người đã can thiệp thô bạo vào tự nhiên như phá rừng, làm suy kiệt nguồn nước, nguồn tài nguyên thiên nhiên…

Ở khía cạnh tâm linh liên quan đến con người, trong cuốn sách Nhân quả của mình, Thiếu tướng, Tiến sĩ Chu Phác đã kể lại rất nhiều câu chuyện mà ông đã chứng kiến, hoặc ghi chép lại qua lời kể của các nhân chứng khác nhau liên quan đến luật nhân quả. Vị tướng, nhà khoa học này dường như có niềm tin sâu sắc vào một thế giới khác, thế giới của tâm linh. Đó là thế giới không thể cân đong đo đếm được, nhưng vẫn luôn hiển hiện xung quanh đời sống con người. Ông cũng chia sẻ, đây không phải vấn đề mê tín dị đoan, mà là câu chuyện của lòng tin, là câu chuyện của khoa học. 

Dù những kết quả khoa học cho lĩnh vực này luôn gây nhiều tranh cãi, nhưng ngay cả những người theo thuyết duy vật thực tế nhất cũng không dám bác bỏ hoàn toàn về một thế giới mà họ không nhìn thấy. Những câu chuyện được kể trong cuốn sách, bằng người thực việc thực hẳn hoi, hẳn đã khiến không ít người “nổi da gà”. 

Vì sao những người đã chết có thể trở về trò chuyện với người còn sống bằng cách áp vong vào người khác? Vì sao những người báng bổ thánh thần, phá phách chùa chiền miếu mạo, xúc phạm tín ngưỡng lại hay phải chịu những tai ương bất ngờ, ngẫu nhiên, ly kì đến khó giải thích? Vì sao một số người có khả năng ngoại cảm, nhìn thấu cõi âm - dương, có thể chỉ lối để những người thân tìm thấy mộ các liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh? Vì sao nạn nhân của các vụ án bị giết, bị ném xác xuống sông, bị chôn ở các khu vực hẻo lánh, các cơ quan điều tra không tìm thấy, lại có thể được tìm thấy nhờ khả năng của các nhà ngoại cảm? 

Đọc xong cuốn sách Nhân quả của Thiếu tướng Chu Phác, người đọc chắc chắn phải tự vấn mình nhiều hơn, về không ít hiện tượng liên quan đến luật Nhân quả mà chắc chắn mỗi người đều đã gặp đâu đó trong cuộc sống, chỉ là không giải thích rõ ràng được. 

Qua đó, họ sẽ phải suy ngẫm nhiều hơn về cái thiện, cái ác, cái đúng, cái sai trong cuộc đời và lựa chọn một cách sống, cách ứng xử vào cho hợp lẽ đời và gieo trồng được nhiều phước hạnh cho mình và các thế hệ sau mình.

Bản thân Thiếu tướng, nhà văn Chu Phác cũng có khả năng ngoại cảm. Những năm tháng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, ông đã cùng với các nhà ngoại cảm từ tâm khác, thực hiện nhiều cuộc tìm kiếm mộ liệt sĩ và đã ghi nhận những kết quả không nhỏ. Hơn 7.000 hài cốt, chủ yếu là hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy nhờ các hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, trong đó có đóng góp của người lính già Chu Phác. 

Sinh thời, Thiếu tướng, Tiến sĩ Chu Phác cũng rất nhiều lần đau đáu nói về sự giả dối của không ít nhà ngoại cảm. Họ lợi dụng nhu cầu tìm hài cốt liệt sĩ của nhiều gia đình mỏi mòn vì tìm kiếm thân nhân nhiều năm không thấy để trục lợi, kiếm tiền. 

Ông nói, không thể đem tiền ra mua thánh thần. Những người lợi dụng sự đau khổ của người khác để moi tiền của họ, núp dưới vỏ bọc ngoại cảm hay tâm linh thì chính là đang gây tội ác. Ông mong muốn những người có khả năng ngoại cảm hãy đoàn kết, hỗ trợ nhau để giúp đời, giúp người, cụ thể tìm mộ liệt sĩ, tìm kiếm người mất tích, chữa bệnh, thậm chí là truy tìm kẻ phạm tội…

Tất nhiên, con đường tìm hiểu, khai mở một thế giới thuộc về tâm linh, dựa trên những nghiên cứu mang tính khoa học không bao giờ là dễ dàng. Nó thậm chí còn là một thách thức lớn, một câu hỏi lớn đòi hỏi nhiều nhà khoa học phải tiếp tục trả lời. 

Thiếu tướng, Tiến sĩ Chu Phác đã dừng cuộc hành trình của mình vào ngày 9-4 vừa qua. Nhưng chắc chắn ông đã luôn mong mỏi, những kết quả dù lớn nhỏ thế nào mà ông và các đồng nghiệp ở Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đã chạm mốc sẽ giúp ích cho đời sống nhân dân. 

Theo đó, bằng trải nghiệm của mình, mỗi chúng ta có thể chinh phục khoa học, kỹ thuật, kiến thức của nhân loại, nhưng cũng đừng quên lắng nghe hay nhìn sâu vào một thế giới bên trong mình, còn gọi là thế giới tâm linh, để lựa chọn cách sống đúng, cách hành xử hợp lý với con người xung quanh, với thiên nhiên, vũ trụ.

Nhiều người biết rằng, lúc còn sống, Thiếu tướng, Tiến sĩ Chu Phác đã dựng một cái am nhỏ trên sân thượng nhà mình, thờ hai chữ “đồng đội”. Ông giải thích, bát hương ấy ông thờ vong hồn của rất nhiều chiến sĩ chưa thể về được với gia đình. Đấy là cách vị tướng hôm nay biết ơn những người lính năm xưa đã nằm xuống. “Không có họ, chẳng có ông tướng ông tá nào như chúng tôi đâu”. 

Vào các ngày rằm tháng 7, 27-7, hay ngày lễ Tết, ông làm cơm cúng các liệt sĩ. Những thứ để cúng thường làm nhiều hơn lên, vì khi còn sống “lính tráng trai trẻ đi đâu chả rủ nhau đi cùng. Mỗi chiến sĩ về ngự ở am, thể nào chả rủ thêm vài ba chiến sĩ nữa, nên làm đồ lễ nhiều hơn để đồng đội dư giả quây quần bên nhau”…

Bình Nguyên Trang
.
.