Vợ chồng NSND Thanh Huyền – Thanh An:

Những tháng ngày hạnh phúc

Thứ Tư, 13/04/2005, 08:08
Bà là ca sỹ Thanh Huyền, một trong bốn nghệ sỹ đầu tiên được tặng danh hiệu NSND trong lĩnh vực ca nhạc năm 1984 cùng với nghệ sỹ Quốc Hương, Châu Loan và Đặng Thái Sơn. Còn ông, NSND Thanh An là nhà biên kịch và đạo diễn phim tài liệu.

Bà Thanh Huyền chầm chậm dìu ông Thanh An ra sân tập thể dục và sưởi nắng. Căn bệnh Parkinson (Hội chứng liệt rung) khá nặng của ông truyền sang cả người bà những cơn rung thảng thốt. Sáng nào cũng vậy, sau giờ đi dạo cũng với những người hàng xóm thân thiết, bà và ông lại lẩn mẩn tự trị liệu cho nhau để vượt qua gánh nặng của bệnh tật.

Có vẻ như thời gian không quá khắc nghiệt với tuổi tác của bà Thanh Huyền khi ở tuổi 63, trên gương mặt trắng hồng mịn màng kia, bóng dáng của nét đẹp dịu dàng của cô gái sinh ra và lớn lên nơi làng hoa nổi tiếng Đại Yên, Ngọc Hà dường như vẫn còn nguyên vẹn.

Tiếp tôi bên ấm trà thơm nghi ngút khói, những ký ức "chợt nhòa chợt hiện" của NSND Thanh Huyền được chồng là nghệ sỹ Thanh An nhớ hộ, trở nên rõ nét hơn. Con chim sơn ca của Hà Nội sinh ra trong một gia đình giàu có, ông nội là chủ một rạp hát xưa ở phố Kim Mã. Bà thừa hưởng trọn vẹn ngoại hình xinh đẹp và giọng ca quyến rũ của người mẹ vốn là cô đào cải lương nổi tiếng ở rạp hát thời bấy giờ.

NSND Thanh Huyền có một giọng hát trời phú. Tiếng hát của bà được ví: "Đi giữa trời nắng nóng chói chang, chợt nghe tiếng hát của Thanh Huyền thì như được uống một cốc nước chanh mát lạnh làm dịu cơn khát đang cháy khô cả cổ".

NSND Thanh Huyền thuở nhỏ.

Từ nhỏ, Thanh Huyền sinh hoạt ở Đội thiếu nhi thành phố Ấu Trĩ Viên (thành Hà Nội). Mười bốn tuổi, mùa thu năm 1957, Thanh Huyền là một trong những giọng ca thiếu nhi được lựa chọn để hát cho Bác Hồ nghe nhân dịp Bác đến dự Tết Trung thu ở Ấu Trĩ Viên. Giọng hát trong ngần, thánh thót đã phát lộ một tài năng thiên bẩm. Mười bảy tuổi, chị vào học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội).

Con đường ca hát của chị từ đó rộng mở thênh thang, để chị bước đến những vinh quang của nghề ca hát. Tốt nghiệp ra trường, ngay lập tức trở thành diễn viên xô-lít của Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương. Và cũng từ đây, chị là con chim sơn ca luôn có mặt trên tuyến đầu của Tổ quốc. Tiếng hát của Thanh Huyền phục vụ kháng chiến, phục vụ cho cuộc đấu tranh kiên cường mà bất khuất của dân tộc.

Chị là nghệ sỹ vô cùng vinh dự được hát phục vụ cho Bác Hồ nghe rất nhiều lần. Tốp ca nữ của chị ở Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương được nhà báo Nguyễn Hữu Chỉnh đặt tên là: "Tên lửa tầm xa", do tốp ca luôn được đi lưu diễn ở nước ngoài để phục vụ công tác ngoại giao của đất nước.

Đặc biệt, chuyến lưu diễn ấn tượng nhất trong đời diễn viên của Thanh Huyền là chuyến đi cùng đoàn ngoại giao Việt Nam sang dự Hội nghị Paris ở Xoa-Zi, biểu diễn ở ba nước: Pháp, Algeria, Italia năm 1969 để quảng bá văn hoá, tăng thêm uy thế và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Chuyến biểu diễn thành công vang dội, sau khi về nước, chị đã được mời vào Phủ Chủ tịch để báo cáo kết quả chuyến công tác cho Bác Hồ nghe.

Câu chuyện với Bác mãi là kỷ niệm thiêng liêng bà không thể nào quên được. Lúc này, Bác đã yếu lắm rồi, đi phải có hai người dìu hai bên. Thế nhưng dù rất yếu, song tính hài hước và hóm hỉnh của Bác trong câu chuyện với NSND Thanh Huyền làm cho mọi người có mặt ở đấy nhớ mãi.

Bác vào phòng khách ngồi xuống và thân mật hỏi chị: "Cháu có biết Algeria theo đạo gì không". Chị trả lời: "Thưa Bác là đạo Hồi ạ". "Thế đặc điểm của đạo Hồi là gì?". "Dạ thưa Bác, đàn ông được lấy nhiều vợ ạ". Bác cười rất vui và trong lần gặp gỡ ấy, Bác đã trao tặng cho Thanh Huyền chiếc Huy hiệu Bác Hồ. Đó là kỷ vật quý giá nhất mà chị gìn giữ như một báu vật.

Cũng trong năm 1969, Thanh Huyền cùng với 20 diễn viên của đoàn hành quân bằng xe đạp từ Hà Nội vào phục vụ tuyến lửa ở Khu IV. Đoàn đi đến đâu có bộ đội đóng quân là ở lại để biểu diễn phục vụ. Chuyến công tác kéo dài 3 tháng liền trong giai đoạn Mỹ đánh phá Bắc miền Trung vô cùng ác liệt.

Một lần đoàn hành quân vào đến Nghệ An, gặp các anh bộ đội trên một quả đồi vẫy tay rối rít. Cả đoàn quyết định dừng lại để biểu diễn phục vụ. Hoá ra, trận địa pháo này có tên gọi là Nguyễn Viết Xuân, từ chiều họ vừa bắn rơi 3 máy bay của địch. Đêm đó, cả đoàn say sưa biểu diễn cho những người lính vừa thắng trận đến tận 12h đêm.--PageBreak--

Bà con, dân quân gánh cháo gà ra trận địa để bồi dưỡng cho đoàn văn công. Ăn uống xong, từ chối những lời mời nhiệt tình và tha thiết của các anh bộ đội, vì ngày mai còn phải đi biểu diễn ở trận địa khác, đoàn ra về và ngủ lại nhà dân cách trận địa Nguyễn Viết Xuân một con sông. Đau xót thay, chính đêm ấy, máy bay địch ném bom xuống trận địa gây tổn thất và thương vong lớn cho những người lính.

Càng chứng kiến cuộc chiến tranh ác liệt và sự hy sinh vì cuộc chiến của những người lính xả thân vì Tổ quốc, tiếng hát của Thanh Huyền càng bay cao, bay xa đến từng trận địa như một lời nhắn nhủ động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Những bài hát nổi tiếng thời đó "Đường cày đảm đang", "Xa khơi", "Mẹ yêu con", "Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó", "Trông cây lại nhớ đến Người" v.v… đã đưa tên tuổi của Thanh Huyền rực sáng trên làn sóng phát thanh những năm kháng chiến.

NSND Thanh Huyền nói rằng, cái thời của bà là thời xa xưa, đã cũ mèm, cũ rích, nhớ làm chi, nhắc lại mà làm chi. Thế nhưng, ông Thanh An, chồng bà lại kể rằng, có những ngày, bà trở nên lặng lẽ hơn, xa vắng hơn. Bà ít nói, ít cười, ít cất tiếng hát một mình khe khẽ mà bà lẩn thẩn vào ra như người vừa để quên một cái gì đó lớn đến mức không nhớ nổi.

Rồi bà lục, tìm, lại tỉ mẩn lôi ra hàng đống tranh ảnh và những món đồ xưa cũ, ngồi thần người trước từng kỷ niệm. Đó là những lúc, mắt bà nhòe nhoẹt ướt khi đứng lặng ngắm bức ảnh phóng to treo trang trọng hình ảnh cô bé Thanh Huyền 14 tuổi đang đứng trước micro để hát cho Bác Hồ nghe. Đó là những khoảnh khắc, cái bóng của ký ức vụt trở về, bao bọc và đánh thức nỗi nhớ nghề của bà.

Rồi bà lấy chiếc băng cassette, trong đó bà thâu lại những bài hát năm xưa qua Đài Tiếng nói Việt Nam và mở cho tôi cùng nghe. Dẫu là bài hát đã cũ, có thể lâu lắm rồi, tôi không có dịp được nghe giữa những ồn ào nhạc trẻ thời hiện đại, thì cái vẻ chăm chút, cẩn thận đầy nâng niu của bà đối với kỷ vật xưa cũng đủ làm cho tôi se lòng.

Thời của bà đã qua, có thể lớp trẻ sinh ra sau chiến tranh chưa từng nghe nói về một giọng ca Thanh Huyền, Kiều Hưng trong "Rặng trâm bầu"… thì điều đó không hề ai có lỗi. Và căn nhà tập thể 104 phố Nghĩa Tân của bà, những người hàng xóm trẻ tuổi sau này có thể không biết vợ chồng bà là ai, chỉ biết ngày ngày có cặp vợ chồng già lẫn trong muôn vàn những người cao tuổi khác nương tựa vào nhau trên lối đi hẹp bên đường để tập những bước đi vững vàng trên đất. Thì cũng không ai có lỗi vì đã không biết bà chính là NSND đầu tiên trong lĩnh vực ca nhạc.

Tuy nhiên, những người thuộc thế hệ của bà thì biết rất rõ bà là ai, và cuộc sống vui vẻ gắn bó với xóm giềng của ông bà đã mang đến cho bà những niềm vui chật ních, những hạnh phúc nhỏ bé mà dịu dàng, bởi mỗi sáng, bà bước chân ra chợ lại có người níu tay bà kể rằng họ vừa nghe giọng hát của bà trên sóng FM. Hơn 200 bài hát với giọng ca Thanh Huyền vẫn hàng ngày vang lên trên sóng FM là niềm tự hào đầy kiêu hãnh của bà về một thời trẻ.

Chồng bà là NSND Thanh An nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam trong hai khoá liên tục (3 và 4). Họ là cặp vợ chồng nghệ sỹ lớn lên trong hai cuộc chiến tranh, trưởng thành từ chiến tranh và cũng bước ra khỏi chiến tranh để trở về với cuộc sống đời thường mai danh ẩn tích.

Tôi nhớ mãi câu nói của nghệ sỹ Thanh An, chồng của nghệ sỹ Thanh Huyền: "Thế hệ của chúng tôi, sống sót để trở về sau cuộc chiến đã là hạnh phúc lắm rồi. Tôi may mắn hơn vạn lần những đồng đội của tôi đã ngã xuống"

.
.