Những người thầy Việt ở Champasak

Thứ Bảy, 30/06/2007, 11:00
Tiếng là Hiệu trưởng, nhưng với mức lương tròm trèm 800.000 kíp (tương đương gần 1,3 triệu đồng) không đủ tiền xăng xe, tiền đám cưới đám giỗ, tiền đi công tác... Mà thầy lại đảm đương cả công tác trong Hội và Mặt trận, nên chuyện thi thoảng vợ dúi cho dăm ba đồng vào túi là chuyện bình thường.

Sau bao nhiêu nỗ lực của cộng đồng Việt kiều tại Champasak (Lào), một ngôi trường tiểu học mang tên Hữu Nghị đã ra đời, là cái nôi đào tạo tiếng Việt cho những thế hệ sau này. Bên trong ngôi trường râm ran tiếng trẻ tập đọc ấy, lấp lánh tấm gương những người thầy đang thầm lặng vượt qua biết bao khó khăn, cống hiến hết sức mình để giữ gìn cho tiếng mẹ đẻ không bị mai một...

20 năm làm hiệu trưởng vì... có vợ nuôi!

Đó là câu đùa mà bà con Việt kiều vẫn yêu mến nói về thầy Đặng Công Nhân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Nghị tỉnh Champasak.

Thoạt đầu, tôi cứ tưởng chỉ là câu đùa vui, ai ngờ chỉ đến khi thầy Nhân xác nhận thì hoá ra là sự thật. Mang trên mình hàng loạt chức danh, nào là Hiệu trưởng kiêm thành viên Ban Thường vụ Hội Người Việt Nam tại Champasak, thành viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh Champasak, nhưng sáng sáng ông thầy phúc hậu ấy vẫn cặm cụi giúp vợ bán cháo, nguồn thu chính trang trải chi tiêu trong gia đình.

Thầy Nhân cho biết, tiếng là Hiệu trưởng, nhưng với mức lương cũng rất "hữu nghị" tròm trèm 800.000 kíp (tương đương gần 1,3 triệu đồng) không đủ cho tiền xăng xe máy, tiền đi đám cưới đám giỗ, tiền đi công tác... Mà thầy lại đảm đương cả công tác trong Hội và Mặt trận, nên chuyện thi thoảng vợ vẫn phải dúi cho dăm ba đồng vào túi là chuyện bình thường.

"Nếu không có bà ấy động viên và giúp đỡ, chắc chắn tôi không thể hoàn thành công việc của mình suốt chừng ấy năm trời", thầy Nhân tâm sự.

Thầy Hiệu trưởng Đặng Công Nhân (giữa) và chuyên gia tình nguyện Lê Doãn Hoài (phải).

Để có thể hình dung được vai trò quan trọng của thầy Đặng Công Nhân đối với sự nghiệp giáo dục trong cộng đồng Việt kiều tại tỉnh Champasak, có lẽ phải nhắc đến câu nói của các thầy cô trong trường: Không có thầy Nhân thì chắc chúng tôi cũng không đủ đam mê để theo nghề được đến bây giờ!

Năm 1975, thầy Nhân và ông Đoàn Hữu Đấu, hiện giờ là Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Champasak, cùng đảm nhận phụ trách khối trường học dành cho học sinh Việt kiều.

Cho đến năm 1984, khi ông Đấu chuyển hẳn sang công tác Hội, thầy Nhân giữ chức Hiệu trưởng được 6 năm thì xin ngưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Chỉ được dăm năm, đến năm 1993, Hội Việt kiều nhất quyết yêu cầu thầy trở lại đảm nhận công tác, và thế là câu nói đồng ý cho một nhiệm kỳ 5 năm đã kéo dài suốt hơn 15 năm cho đến tận bây giờ.

Khiêm tốn nói về quá trình cống hiến của mình, thầy Nhân cho biết sự thành công cho đến ngày hôm nay của những người thầy lại bắt nguồn từ một điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng có ý nghĩa rất lớn: tất cả các gia đình Việt kiều tại Pakse đều giữ được quy định yêu cầu con cái phải sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp gia đình, và gần như 100% đều gửi con vào Trường Hữu Nghị để được học tiếng Việt một cách bài bản.

Theo chân các thầy, cô giáo vào ngôi trường 3 gian khang trang nằm biệt lập trên một khu đất rộng rãi, thành quả của biết bao năm kiên trì vận động và quyên góp, nghe các thầy kể chuyện mới thấy việc tưởng chừng như đơn giản ở đâu, nhưng ở đây cũng gần như là một kỳ tích.

Trước đây, trường dành cho học sinh Việt kiều nằm rải rác trên nhiều địa bàn, gồm 3 nhóm nằm ở Tân An và 4 nhóm nằm ở Phon Xay. Đại hội của Hội Người Việt Nam tại Champasak lên chương trình và ra nghị quyết cần phải lập một ngôi trường để tập trung học sinh lại, rồi làm đơn xin đất.

Năm 1998, khi đã có quyết định cấp đất, Hội bắt đầu kêu gọi bà con đóng góp thì không may lại xảy ra vụ cháy chợ, bà con tiểu thương mình bị phá sản nhiều, kế hoạch phải đình lại. Dùng dằng mất nhiều năm, mãi đến tháng 9-2003, dãy phòng học đầu tiên gồm 7 phòng học mới được hoàn thành, do bà con đóng góp.

Dãy phòng học thứ 2 được xây sau đó, 50% nguồn vốn là từ sự hỗ trợ của Quỹ Bà con Việt kiều ở nước ngoài, 50% đối ứng còn lại là do mọi người tiếp tục quyên góp. Và cuối cùng, sau một thời gian quyên góp nữa, dãy phòng học thứ 3 đã được hoàn thành, thỏa ước nguyện bấy lâu của cộng đồng là mong con em mình có được một ngôi trường khang trang.

Thầy Hiệu phó Nguyễn Văn Thơ bối rối nhìn cốc nước vừa mới rót ra mời khách chưa được 10 phút đã đóng một lớp váng bụi đỏ quạch. Những cơn gió quẩn giữa mùa khô ở Pakse vốc lên hàng đống bụi, luồn lách qua những khe cửa đã đóng kín phả khắp nơi, khiến tất cả mọi thứ đều mang một màu vàng đỏ quạch, người ngồi nói chuyện một lúc đã thấy lạo xạo trong mồm.

Thầy Thơ ái ngại chỉ ra sân trường, nơi hàng chục học sinh đang chơi đùa trong đám bụi mù mịt, cho biết trường lớp thì đã hòm hòm nhưng khó có thể huy động thêm được nữa để trải xi măng cho sân trường. Các em sau giờ ra chơi vào lớp là đồng phục trắng đã biến thành màu vàng, tay chân lấm lem bôi vàng cả vở viết.

Bên cạnh đó, vì cũng không có đủ kinh phí để làm hàng rào nên các hàng quà vặt tha hồ áp sát lớp học, khiến các thầy cô nhiều phen rất khó xử. Thầy Nhân dẫn tôi đi một vòng thăm các lớp học thì thấy nhiều quầy bán hàng được dựng ngay sát cửa sổ lớp học, học sinh chỉ cần mở cửa ra là mua được đồ.

Ngạc nhiên hơn, nhiều hàng mực nướng và cá nướng mang cả chậu than vào nướng mực thơm phức ngay tại... thềm lớp học. Thầy Nhân cười nói rằng đến tiết cuối, các thầy cô giáo đang giảng bài ngửi thấy mùi mực nướng bụng còn réo ầm ầm, thì bảo sao các em có thể tập trung học bài được.

Thầy cho biết ở nước bạn chuyện ăn quà vặt như thế này được coi là bình thường, mình muốn tạo một không khí sư phạm nghiêm túc cho các em cũng khó vì trường chẳng có rào có cổng gì cả, muốn thay đổi tình hình cũng đành... bó tay.--PageBreak--

Những thầy cô "cắm bản"

Cô giáo Kiều Thị Định và thầy giáo Lê Doãn Hoài hóm hỉnh tự ví mình là giáo viên "cắm bản", có điều không cắm ở vùng sâu vùng xa nào mà cắm hẳn ở nước Lào. Một người là tổ trưởng tổ tiếng Việt, một người là giáo viên trẻ đều đến từ Trường Bổ túc văn hoá Hữu Nghị ở huyện Phúc Thọ, Hà Tây.

Cô giáo Định cho biết 2 chị em đều là những chuyên gia tình nguyện sang đây dạy tiếng Việt cho học sinh Việt kiều theo sự phân công của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời hạn 1 năm. Cả 2 đều ở luôn trong nhà thầy Nhân, nơi được mệnh danh là "ký túc xá của chuyên gia tình nguyện".

Thầy Hoài cho biết từ năm 2002 đến nay, 3 thế hệ chuyên gia tình nguyện đều tá túc trong nhà thầy Nhân. Tuy gia cảnh thầy không sung túc, nhưng vì cũng thấu hiểu cảnh giáo viên xa nhà nên thầy Nhân đều mời mọi người về ở, chẳng lấy tiền thuê nhà mà cũng chẳng tính toán chuyện điện nước, nhà sinh hoạt thế nào thì mọi người cũng như thế.

Ban Biên tập Báo CAND và Chuyên đề ANTG kêu gọi những tấm lòng hảo tâm đóng góp ủng hộ Trường Tiểu học Hữu Nghị, tỉnh Champasak hoàn thành nốt những hạng mục đang còn thiếu như sân trường, hàng rào...

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ Toà soạn ANTG số 100 Yết Kiêu, Hà Nội 373D Nguyễn Trãi, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Xin chân thành cảm ơn!

Các thầy cô thì biết gia cảnh thầy nên hằng tháng đóng góp một khoản tiền ăn. Và thế là như vợ thầy Nhân nói vui trong buổi hàn huyên, rằng nhà này 5 năm nay không lúc nào là không có khách.

Đã sang đây được 3 tháng nhưng thầy Hoài và cô Định vẫn đang loay hoay với hàng núi công việc, mà việc cấp thiết nhất là làm thế nào xây dựng được một bộ giáo án hoàn chỉnh, vừa đảm bảo yêu cầu chất lượng, lại vừa phù hợp với hoàn cảnh.

Thầy Hoài cho biết cái khó là ở chỗ, đến khi sang đây mới biết có vô vàn điều mình không thể hình dung được khi ở nhà, ví dụ học sinh không có thói quen ham học, đội ngũ thầy cô chủ yếu là những người tình nguyện hoặc đã có tuổi, chủ yếu dạy theo thói quen chứ không có phương pháp sư phạm, giáo trình dạy là sách tiếng Việt mang sang từ Việt Nam, trong khi đó trình độ học sinh không thể đòi hỏi như ở nhà...

Bên cạnh đó, mỗi thế hệ thầy, cô giáo Việt Nam sang đây giảng dạy lại có một phương pháp khác nhau, thế hệ sau không có cơ hội tiếp xúc để "giao ban" với thế hệ trước nhằm thống nhất phương pháp giảng dạy. Trăm ngàn cái thứ khó đổ dồn lên những tháng ngày đầu tiên họ sang đây, đến độ thầy Hoài chẳng biết nói đùa hay thật lúc nào cũng khẳng định chắc là sẽ phải xin thêm thời gian ở lại Lào, chứ chừng 1 năm thì không thể làm nổi những gì mình mong muốn.

Có chứng kiến các thầy cô đêm đêm chong đèn ngồi soạn chương trình cho theo kịp tiến độ của sách giáo khoa mới, có biết thầy cô người thì con gái 5 tuổi với một mẹ già, người thì con mới được 11 tháng tuổi... mà đành lòng gác lại để ra đi, mới thấy cái lòng yêu nghề của các thầy các cô lớn biết chừng nào.

"Ấy thế mà khi biết kỹ hơn về hoàn cảnh của các thầy cô trong Trường Hữu Nghị, em mới thấy mình còn phải học ở mọi người nhiều lắm", thầy Hoài tâm sự. Tôi biết thầy Hoài nói rất thực, bởi tôi đã được gặp thầy Lê Văn Viện phụ trách mảng tiếng Việt cho học sinh lớp 4, kèm thêm cả dạy tiếng Anh, đã 56 tuổi rồi mà sau giờ dạy vẫn đi làm lễ tân ở khách sạn Lao Cha Lan để kiếm tiền phụ thêm vào đồng lương ít ỏi.

Tôi cũng đã được gặp cô giáo Trần Thị Kim Phượng, tuy trình độ mới hết lớp 11 nhưng đã có kinh nghiệm đứng lớp được 11 năm, cho đến giờ vẫn hưởng đồng lương vỏn vẹn 800.000 kíp mỗi tháng, không hề có thêm bất kỳ một chế độ đãi ngộ nào khác...

Hầu như thầy, cô giáo nào trong Trường Tiểu học Hữu Nghị đều phải có thêm một nghề phụ nào đó, nhưng bao nhiêu năm vẫn thủy chung với nghề, vẫn miệt mài đứng lớp. Thầy Viện cười và bảo rằng, lớp già chúng tôi cũng mệt mỏi lắm rồi, cũng muốn bàn giao lắm nhưng chờ mãi chả thấy lớp trẻ tiếp nhận gì cả. Đó là sự thật, vì tìm được một thầy cô giáo trẻ tình nguyện tiếp nối trong thời điểm hiện nay là thực sự khó, khi những công việc bên ngoài hấp dẫn hơn hẳn cả về đồng lương và chế độ đãi ngộ.

Cuộc họp chuyên môn giữa các chuyên gia tình nguyện Việt Nam và lãnh đạo Trường Tiểu học Hữu Nghị kéo dài đến tận nửa đêm mà vẫn chưa kết thúc. Thầy Đặng Công Nhân từ tốn đưa ra những lời tư vấn về tâm lý giáo viên, tâm lý học sinh, đặc thù của hệ thống giáo dục của bạn... để làm sao tìm được sự dung hợp giữa chương trình của thầy Hoài và cô Định với thực tế hiện nay.

Thầy Hoài cho biết, cái khó là vẫn phải đảm bảo theo đúng chương trình của bạn, đồng thời nâng cao được khả năng tiếng Việt của các em trong khi thời lượng vẫn chỉ là 6 tiết tiếng Việt trong cả tuần, và học sinh của trường gồm có 2/3 là người Việt và 1/3 là con em Lào.

Mới sang đây được một thời gian ngắn, thầy Hoài phải vừa dành thời gian lên đề cương giáo án, vừa phải trở về Việt Nam để mua sách giáo khoa và vở tập viết cho các em. "Em mang sách về đến đây rồi mà sách của Bộ gửi sang vẫn chưa tới", thầy Hoài lắc đầu cười.

Điều mà thầy Hoài mong muốn nhất hiện nay là làm sao có được một chương trình dạy tiếng Việt riêng cho người Việt ở nước ngoài để đảm bảo sự thống nhất về chương trình, đồng thời tạo điều kiện cho các thầy cô khi sang đây có thời gian toàn tâm toàn ý với công việc.

"Tất nhiên là kiểu gì bọn em cũng sẽ cố gắng hết sức để lên được đề cương giảng dạy, nhưng giá như có một chương trình được biên soạn một cách khoa học và hợp lý, thì các em học sinh sẽ có hứng thú với môn tiếng Việt hơn rất nhiều", thầy Hoài tâm sự

Việt Tây
.
.