Thượng tướng, Tiến sĩ, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu:

Những hoài niệm ám ảnh của quá khứ

Thứ Ba, 28/12/2010, 16:25
Tôi ngồi cùng ông trong một buổi chiều cuối năm. Mùa đông năm nay đến muộn. Đã sắp sửa đón năm mới rồi mà mùa đông vẫn rực rỡ nắng. Hơi ấm của một ngày đông nắng đẹp đủ để níu chúng tôi lại trong một khoảnh khắc thư thái của nhịp sống bận rộn và hối hả đang chảy ào ạt ngoài kia. Hiếm lắm những giây phút này, ông như lặng người đi khi để cho tâm tưởng của mình ngược về quá khứ.

Dòng chảy của ký ức giờ đây tuyệt nhiên không phải chỉ để đánh thức trong ông những kỷ niệm cũ. Tất cả chỉ là những thôi thúc, những khát vọng, những việc làm cụ thể để những lớp trầm tích của ký ức cũ nhuốm một ánh sáng linh diệu của hai chữ TỪ BI mà suốt bấy nhiêu năm, ông vẫn mê mải kiếm tìm.

Con số 7 định mệnh trong đời

Thượng tướng, Tiến sỹ, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu nói với tôi: Trong đời ông, ngẫu nhiên mà gắn liền với con số 7 định mệnh. Vì sao số 7 như một con số tâm linh gắn bó với ông có lẽ đó là một bí ẩn của số mệnh mà ông không thể lý giải. Phải chăng, tất cả là do duyên trời.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu sinh ngày 27/7 năm 1947. Vợ ông sinh ngày 17/7/1949. Cuộc hôn nhân của họ bắt nguồn từ những con số 7 đáng nhớ và ngẫu nhiên trong ngày sinh tháng đẻ đã gắn bó họ bền chặt trong những ghềnh thác của cuộc đời.

Vào chiến trường, ông tham gia tròn trặn 67 trận đánh ác liệt vào sinh ra tử từ vai trò là một người lính trẻ cho đến cương vị chỉ huy. 67 trận đánh cho cuộc đời binh nghiệp trên sa trường ông đươc phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Kết thúc chiến tranh, trở về với cuộc sống hoà bình, ông đã tham gia viết được 7 cuốn sách.

Cuốn thứ nhất: "Một số vấn đề đối ngoại quốc phòng Việt Nam." Cuốn sách này hiện không chỉ là tài liệu quý giá trong Viện Khoa học lịch sử của Bộ Quốc phòng, mà còn là cuốn sách quý nằm ở thư viện Washington. Cuốn sách thể hiện tất cả những sự đúc kết, chắt lọc tối đa những tinh hoa kinh nghiệm của cha ông ta để lại cho đến khi Việt Nam gia nhập WTO.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tại lễ đón nhận danh hiệu Viện sỹ.

Cuốn thứ hai được ông viết sau khi chiến tranh kết thúc. Đó là cuốn hồi ký  "Một thời Quảng Trị" do Đại tá Lê Hải Triều chấp bút viết lại từ dòng hồi tưởng của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Riêng cuốn sách này đã có 40 ngàn trang web kết nối và sử dụng nguồn tài liệu chiến tranh từ cuốn hồi ức của ông cung cấp. Cuốn sách thứ 3: "Vận dụng phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai". Đây là cuốn sách có tính chất tài liệu khoa học đối với công tác phòng chống thiên tai quý giá cho những ai làm công tác nghiên cứu. Cuốn sách thứ 4: "Quân đội với vấn đề giải quyết hậu quả sau chiến tranh".

Chiến tranh đã lấy đi hơn 40 ngàn sinh mạng, làm bị thương và tàn phế hơn 60 ngàn người Viêt Nam. Với cuốn sách này, thông điệp mà Thượng tướng, Tiến sỹ, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu gửi đến cho thế giới là chúng ta phải đưa ra được một chương trình hành động cụ thể để làm lành những vết thương chiến tranh, để cộng đồng thế giới xích lại gần nhau, sống với nhau trong yêu thương và hoà bình.

Cũng nhờ thông điệp này mà ông đã kêu gọi được nhiều nước trên thế giới ủng hộ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh. Cuốn sách thứ 5: "Một số vấn đề nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc". Đây cũng là một cuốn sách quý đối với nghệ thuật Quân sự Việt Nam.

Thượng tướng, Tiến sỹ Nguyễn Huy Hiệu là người Việt Nam và là người nước ngoài đầu tiên được bầu làm Viện sĩ chính thức Viện Hàn lâm khoa học Quân sự Liên bang Nga (nghệ thuật quân sự) vì đã có nhiều công trình khoa học Quân sự, sự cống hiến của ông trong chiến tranh, nghiên cứu khoa học và tăng cường sự hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Cuốn sách thứ 6: "Quân đội với chiến lược bảo vệ môi trường".

Cuốn thứ 7: "Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, mô hình mới về hợp tác khoa học công nghệ". Còn một cuốn sách nữa viết về cuộc đời ông đang chuẩn bị dựng phim: "Bến sông tuổi thơ". Ông không tính vào danh mục sách của ông bởi nhà văn Lê Hoài Nam mới chính là tác giả. Cuốn sách là những cảm nhận riêng tư của Lê Hoài Nam, một người bạn cùng quê chí thân của ông viết về cuộc đời, gia đình Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

Lúc này đây, cuộc gặp gỡ tình cờ với tôi sau chuyến đi thăm nước thứ 67 trở về, Thượng tướng, Tiến sỹ, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu tâm sự rằng: Có lẽ ông sẽ không viết tiếp cuốn sách khác nữa. Ông muốn dừng lại ở con số 7 của số phận và định mệnh. Và đó cũng là con số đóng khung toàn bộ sự nghiệp đồ sộ của ông trong công tác.

Ông muốn dừng lại ở đó để chiêm nghiệm, để bước sang một cuộc thử nghiệm khác, kiếm tìm khác ở chính bản thân ông, một vị tướng ham học hỏi, ưa tìm tòi khám phá và chưa bao giờ ngơi nghỉ lao động sáng tạo. Đọc, đi, học, viết là những phần không thể thiếu trong cuộc sống luôn vận động của một vị tướng mang học hàm Viện sỹ.

Những khát vọng đã được thực hiện

Phía sau bộn bề những núi công việc của một vị tướng ham mê công tác nghiên cứu những vấn đề khoa học quân sự lớn lao là một tâm hồn yêu thiên nhiên, hướng về thiên nhiên, về với cuộc sống đời thường dung dị nhất. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu có một đời sống tâm linh khá đặc biệt.

Ông khát khao biến những mảnh đất khô cằn, thậm chí nơi từng là mảnh đất chết với bao tang tóc của chiến tranh, của bom đạn gây ra thành những địa danh được hồi sinh bất tử với màu xanh của cây lá, là sự kỳ công của bàn tay con người để tạo nên một thiên nhiên đẹp, biến nơi đây thành một địa chỉ tâm linh, một điểm trở về với quá khứ, làm sống động một hồi ức bi tráng của lịch sử.

Không chỉ có ở những chiến trường xưa, nơi ông đã từng đi qua, từng đặt chân tới, từng ngày đêm bám trụ cùng đồng đội chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng, ông mới bứng những cây Bồ đề trở về trồng lại trên mảnh đất đó để làm dịu bớt những ám ảnh của ký ức chiến tranh.

Ngay trong cuộc sống của ông, ngôi nhà của ông, mảnh vườn của ông, hay bất kỳ nơi nào ông từng có thời gian sống và chiến đấu. Cây Bồ đề được ông kỳ công ươm giống từ đất Phật, kỳ công mang từ hàng ngàn cây số xa xôi về khoảng cách không gian và địa lý, để trồng lên những địa danh đó với một ý nghĩa lớn lao.

Chiến tranh, theo ông bản thân nó là sự mất mát, là sự thảm khốc, ông mang cây TỪ BI trồng lên đó để hoá giải mọi đau thương không chỉ ở phía ta mà cho cả phía bên kia tìm về với nhau trong hướng thiện, hoá giải mọi hận thù. Điều quan trọng hơn nữa, ở những chiến trường xưa, biết bao nhiêu người lính hai phía đã ngã xuống, có những linh hồn đã tìm đường về được với quê nhà, nhưng còn biết bao linh hồn tha hương, lang thang không nơi neo đậu.

Cây Bồ đề, chính là cây TỪ BI để cho những linh hồn người lính chưa có nơi nương tựa, tụ về đây, nơi cây tâm linh này để ngày đêm được hương khói siêu thoát và tìm về với cõi Phật.

Năm 2003, tướng Hiệu đã làm cuộc hành hương sang Ấn Độ mang được 3 cây Bồ đề về trồng ở nghĩa trang Quốc gia đường 9, trồng ở đại bản doanh Quân đoàn 1 Tam Điệp, nơi xưa vua Quang Trung đã tập kết quân tiến về Thăng Long, và cây thứ 3 trồng ở nghĩa trang liệt sỹ quê nhà, nơi thờ cúng 245 liệt sỹ là người con quê hương Hai Long đã ngã xuống vì cuộc chiến tranh chính nghĩa.

Ông cũng đã kêu gọi được các nhà hảo tâm xây đài tưởng niệm ở Gia Bình, Gio An, Quảng Trị. Nơi đây năm 1968 ông cùng đồng đội đã trồng lên đó một cây đa búp đỏ để kỷ niệm một thời đánh Mỹ. Giờ đây cây đa đã cao lớn toả bóng xuống bến nước sân đình.

Ông cũng đã kêu gọi để xây dựng đồi Gio An 82, kỷ niệm trận đánh lịch sử năm 1967; xây dựng cao điểm 31 Phúc Xá Cửa Việt, đây là cao điểm địch gọi là mắt thần trong hàng rào điện tử Mác Namara, nơi từng có 1 tiểu đoàn đã hy sinh, một đền thờ và một khu tâm linh tưởng niệm những chiến sỹ đã hy sinh nơi đây...

Ngoài ra các khu tưởng niệm ở Ngô Xá Tây, Triệu Phong, Quảng Trị, hay Thanh Hương giáp Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Nhưng lớn nhất trong tất cả các khu tưởng niệm trên phải kể đến Trung tâm hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội ở Thành Cổ Quảng Trị ở số 1 Trần Hưng Đạo với số tiền kêu gọi được đến nay đã là 10 tỷ đồng.

Ông chia sẻ nỗi niềm của mình. Trung tâm Hoài niệm chiến tranh không chỉ hoài niệm cho ta mà cho cả phía bên kia, cho những người đã từng cầm súng. Đây cũng không chỉ là hoài niệm riêng về quân sự mà cho cả vấn đề văn hoá, ngoại giao, sẽ là trung tâm kết nối từ tâm điểm Quảng Trị với Điện Biên và Củ Chi, và lan toả ra những trung tâm hoài niệm chiến tranh trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Làm xong được tất cả những nguyện ước này, tướng Hiệu sẽ làm nốt phần việc cuối cùng mà ông ấp ủ, đó là xây dựng một nghĩa trang liệt sỹ thật đẹp để tri ân và tưởng niệm những người lính quê nhà ngã xuống vì cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc.

Vườn cây tâm linh tỏa ánh sáng từ bi

Hôm đó, sau buổi chuyện trò, chúng tôi may mắn cùng ông trở về thăm ngôi nhà nơi có vườn cây TÂM LINH mà tướng Hiệu dày công tạo dựng. Đứng trước ngôi nhà cổ kính với khu vườn rộng với bao loài cây quý hiếm, tướng Hiệu sung sướng chia sẻ cho tôi thành quả của gia đình ông sau giờ làm việc. Trong muôn loài cây quý ấy, có hai cây cau vua vươn cao, có cây khế trĩu quả, có hàng trăm giò phong lan mang về từ chiến trường xưa.

Tướng Hiệu say sưa xúc động giảng giải cho tôi nghe về bí ẩn của từng loài cây và cách bài trí của vườn cây TÂM LINH. Đứng sừng sững giữa vườn Tâm linh là cây trực hương khói. Tán cây uốn lượn theo làn khói bay lên trời cao, bay vào thiên nhiên, là nơi để cho linh hồn đồng đội tìm chốn neo về, là điểm tựa cho linh hồn đồng đội tìm nơi tĩnh lặng để ở lại: "Nhất tướng công thành vạn cốt xương".

Một vị tướng lĩnh được vinh danh trong đó có vạn cốt xương của đồng đội ngã xuống. Chính vì ý nghĩa đó mà vườn cây Tâm linh của ông được vun trồng đẹp đẽ xanh tốt để toả ánh sáng từ bi. Hai bên cây Trực hương khói là cây Cửu phẩm với chín tầng mây.

Xung quanh trung tâm cây Trực hương khói và cây Cửu phẩm là 2 cây Mai chiếu thuỷ,  2 cây Ngũ phúc, và 2 cây Nguyệt quế. Tướng Hiệu vốn dòng dõi con nhà nho, hiếu học, bởi thế mà trong khu vườn Tâm linh này, cây Nguyệt quế là một phần không thể thiếu để ông, gia đình ông, con cháu ông hướng tới.

Vợ ông, bà Lại Thị Xuân là bác sĩ y khoa được đào tạo  ở Ôđétxa  (Liên Xô cũ), đã nhận danh hiệu cao quý Thầy thuốc ưu tú. Hai con ông, một trai một gái Hải Yến, Hải Anh đều học rộng, là những thạc sĩ được đào tạo ở Anh quốc. Cả gia đình thành đạt trong công danh sự nghiệp nhưng theo tinh thần và tâm nguyện của ông là làm từ thiện, sống nhân hậu, phúc đức và hướng tới một cuộc sống từ bi bác ái.

Thanh thản và hạnh phúc, đó là những gì tôi cảm nhận được ở tướng Hiệu trong một buổi chiều cuối năm khi mà thời gian đã đổ bóng phía sau cuộc đời

N.B.
.
.