Nhà thơ Evgueni Evtushenko bước vào tuổi bát thập:

Những cột mốc nhân sinh

Thứ Sáu, 09/08/2013, 15:03
Evgueni Evtushenko sinh ngày 18/7/1932 ở Siberia. Thế nhưng năm sinh ghi trong hộ chiếu lại là 1933. Trong huyết quản nhà thơ từ bên nội có dòng máu Đức của người cha xuất thân từ vùng ven Baltik.

Cha ông, Aleksandr Rudolfovich Gangnus, vốn là một nhà địa chất, làm thơ không chuyên. Mẹ ông, Zinaida Ivanovna Evtushenko, cũng từng là một nhà địa chất, cũng làm thơ và đã có nhiều đóng góp trong hoạt động nghệ thuật nên được phong tặng danh hiệu Nhà hoạt động văn hoá công huân của Liên bang Nga. Sau khi chia tay với chồng, bà đã đổi họ của con trai sang họ của mình thời con gái...

Ngay từ nhỏ, thi sĩ tương lai đã rất gắn bó với thế giới sách. Cha mẹ Evtushenko đã cố gắng hết sức để giúp đỡ con trai đằm mình vào thế giới đó từ rất sớm. Về sau, Evtushenko nhớ lại: “Cha tôi có thể dành hàng giờ ngồi kể cho tôi, một đứa bé còn chưa hiểu gì mấy, về sự sụp đổ của thành Babilon, về toà án giáo hội Tây Ban Nha, về cuộc chiến Hoa Hồng Đỏ với Hoa Hồng Trắng, về Willem de Zwijger... Chính nhờ cha mình mà từ năm 6 tuổi tôi đã biết đọc, biết viết và ngấu nghiến các tác phẩm của Dumas, Flauber, Boccaccio, Servantes, Walles. Trong đầu tôi đã là một món nộm không thể tưởng tượng nổi. Tôi đã sống trong một thế giới mộng ảo mà không để ý tới ai hay cái gì ở xung quanh...”.

Ngay cả khi lập gia đình khác rồi, để lại con trai ở cùng vợ cũ nhưng người cha vẫn tiếp tục quan tâm tới việc dạy dỗ thi sĩ tương lai. Ông thường xuyên đưa con trai tới dự các đêm thơ tổ chức trong Trường Đại học Tổng hợp Moskva (MGU). Hai cha con đã tới nghe đêm thơ của Anna Akhmatova, Boris Pasternak, Mikhail Svetlov, Aleksandr Tvardovsky, Pavel Antokolsky... Người mẹ đã không ngăn cản con trai gặp bố thường xuyên. Không những thế, bà còn thường xuyên gửi thư cho chồng cũ mà trong đó có chép những vần thơ mới sáng tác của cậu con chung...

Mẹ nhà thơ đã giữ lại được rất nhiều bản thảo của Evtushenko thời nhỏ. Duy có cuốn vở chép tới cả nghìn câu thơ ngày bé của thi sĩ thì không còn lại được cho tới ngày hôm nay... Bà Zinaida sau khi rời nghề địa chất đã về Moskva, làm ca sĩ trong nhà hát mang tên Stanislavsky vì từng được đào tạo khá chắc chắn về thanh nhạc. Và khi giọng hát không còn được hay nữa, bà chuyển sang làm nhân viên của Hội Khuyến nhạc Moskva, chuyên thống kê các khoản tiền nhuận bút cho các tác giả có tác phẩm được trình bày trong các chương trình…

Cậu bé Zhenia (tên hồi nhỏ của nhà thơ) khi đó cũng hay giúp mẹ làm việc này… Là bà mẹ đơn thân, Zinaida giao du rộng rãi với nhiều nghệ sĩ mà về sau đều rất nổi tiếng... Ngôi nhà của bà đã là nơi mà cậu con trai mơ mộng lần đầu tiên được tiếp cận ở khoảng cách gụi gần với những ngôi sao tương lai của nền nghệ thuật Xôviết... Sau này, trong trường ca Mẹ và bom neutron, Evtushenko đã kể về những người bạn của mẹ mình (Bản dịch của Hồng Thanh Quang):

Mẹ tôi thường có khách -
những ông già Tuyết cạnh cây thông
chưa tới cửa đã thọc tay vào túi áo lông đỏ rút ra chai
                                                                vodka  đen nắp

và những thím Bạch Tuyết,
trong số đó có một người
từng là vợ hai hay ba gì đó của một nhà thơ trừu tượng
giờ gần như bị lãng quên,
nên cái tên họ Vadim Shershenevits tôi không phải gặp trong
mớ các bảng tổng kết chương trình.

Người phụ nữ-cao su
mệt làm rắn hổ mang
chuyển sang thành con mèo nhà ngoan ngoãn
và ngồi cuộn tròn trên ghế bành đan mũ len cho em tôi.

Còn Zmei Gorunuts, với biệt danh Milia, tráo bộ tổ tôm
và khi chơi thường gắng cho mẹ tôi được thắng
vì ông biết mỗi tháng mẹ tôi lĩnh được bao đồng.

Cô Mũ đỏ thở than chuyện những vết thương bị hồi 
                                      chiến  tranh giờ trở giời hay nhức
còn thím diễn viên ngoại tứ tuần thường hay sắm những
                                                                                   
vai nam
với cặp mắt của chú bé chưa một lần bị bắt quả tang làm việc xấu
quanh quẩn bên lò
                                              và giấu mẹ tôi rất khéo

để Người không hay sau giờ học ở trường
thím đã dạy tôi tình yêu trong căn phòng riêng tươm tất
ở phố Làng Đỏ  có treo ảnh thím
                                                   
sắm vai con nuôi trung đoàn
                                                       phía trên cái gối thơm phưng phức.

Tôi đã yêu và mãi còn yêu
những diễn viên không nổi tiếng này
vì trong họ có tình anh em đồng nghiệp
hơn ở những diễn viên nổi tiếng...”.

Dĩ nhiên là với những bậc phụ huynh như thế và trong một khung cảnh như thế, Evtushenko đã có những bước trưởng thành xuất sắc về cả đời sống lẫn tài thơ. Thi sĩ tương lai đã là một cậu bé thông thái lạ thường. Nhiều bạn bè đồng lứa phải ghen tị với cậu. Rồi Evtushenko vào học ở trường viết văn mang tên Gorky. Thi sĩ trẻ kết thân với nhiều tài hoa danh giá, đồng niên và vong niên. Và cũng mau chóng trở thành một nhà thơ được chú ý, thường xuyên được mời đọc thơ ở Cung Thiếu nhi Moskva...

Tuy nhiên, do những phát ngôn bạo phổi nên Evtushenko đã bị loại ra khỏi Trường Gorky khi chưa kịp tốt nghiệp (hơn ba mươi năm sau, khi đã là một thi nhân đệ nhất, Evtushenko đã được ban giám hiệu trường này mời về và long trọng trao bằng... tốt nghiệp danh dự!). Tập thơ đầu tay của Evtushenko có tên Những nhà thám hiểm tương lai. Đó là những bài thơ mang nặng tính cổ động đầy hứng khởi của nền thơ Xôviết những năm 50 của thế kỷ trước.

Cũng trong năm xuất bản tập thơ đầu tay, Evtushenko còn cho in hai bài thơ Toa tàu và Trước cuộc gặp gỡ. Điều này đã khởi đầu cho sự nghiệp sáng tạo nghiêm túc của thi nhân. Năm 1952, Evtushenko được kết nạp vào Hội Nhà văn Xôviết. Ở thời điểm đó, ông là hội viên trẻ nhất của tổ chức danh giá này…

Danh tiếng lừng lẫy của Evtushenko đã đến cùng với các tập thơ tiếp theo: Bông tuyết thứ ba, Đại lộ của những người nhiệt huyết, Lời hứa, Thơ của những năm khác nhau, Quả táo…

Evtushenko từng tham gia rất nhiều chương trình biểu diễn thơ được tổ chức tại Viện Bảo tàng Bách khoa Moskva. Cùng đọc thơ với ông trong những đêm thơ như thế là các thi nhân cũng rất lừng lẫy như Robert Rozhdestvensky, Bella Akhmadulina, Bulat Okudzhava.

 Ngay từ ngày trẻ, Evtushenko đã hiểu rằng, với những thi phẩm của mình, ông sẽ trở thành nhà thơ của thế hệ tương lai, “thế hệ 60” (trưởng thành trong những năm 60 của thế kỷ XX). Ông từng viết tặng cho thế hệ đó một tác phẩm rất ấn tượng: Tặng những người tuyệt vời nhất trong số những người tuyệt vời.

 Khi biểu diễn thơ trên sân khấu, Evtushenko luôn biết cách truyền tải tới người nghe chiều sâu cảm xúc của các thi phẩm, khiến họ rung động đồng điệu cùng với trái tim của thi nhân. Buổi biểu diễn thơ đầu tiên của ông trên sân khấu lớn từng diễn ra ở Kharkov (Ukraina) theo lời mời của nhà phê bình văn học nổi tiếng cư trú tại đó Lev Livshits (1920-1965), một người sinh thời rất hâm mộ tài năng của Evtushenko. Công chúng Nga nhìn chung rất bị hấp dẫn bởi các sáng tác của Evtushenko. Thơ ông luôn tràn căng đời sống, rất phong phú và đa dạng theo cách riêng của mình…

Thế nhưng, cũng có không ít những nhà phê bình văn học không hiểu và không chấp nhận sáng tác của Evtushenko. Trong cuộc đời của mình, nhà thơ rất hay bị dính líu tới những tai tiếng. Bằng cả tác phẩm lẫn những chi tiết sinh hoạt. Thế nhưng, bao giờ cũng tai qua nạn khỏi… Cho tới hôm nay, ông vẫn làm thơ tự nhiên như thở… Các chương trình biểu diễn thơ của ông ở Nga luôn luôn chật đầy khán giả.

Không chỉ là tác giả của nhiều bài thơ đã trở thành dấu ấn không thể mời phai trong di sản thi ca Nga, Evtushenko còn có nhiều tác phẩm chính luận xuất sắc. Ông cũng viết một số tiểu thuyết (trong đó có Miền quả chín) và đạo diễn phim (Vườn trẻ…). Ông từng cộng tác với cả các ban nhạc trong các chương trình biểu diễn. Nhiều bài thơ của Evtushenko đã được phổ thành những ca khúc hay, được nhiều người biết tới: Người Nga có muốn chiến tranh không, Tuyết rơi, Chuyện này đang xảy ra với tôi, Chuông nguyện hồn ai, Dưới tán liễu vẫn chưa hết lệ…

Evtushenko từng là Thư ký Hội Nhà văn Xôviết. Sau khi Liên Xô tan rã, ông từng là Thư ký Cộng đồng Hội Nhà văn của các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập… Ông cũng từng là Chủ tịch tổ chức tập hợp các nhà văn “Tháng Tư”…

Dưới thời Xôviết,  Evtushenko từng ra tranh cử vào Xôviết tối cao ở thành phố Kharkov. Và ông đã giành được tỉ lệ phiếu ủng hộ rất cao, vượt trội hơn hẳn các đối thủ khác…

Năm 1991, khi Liên bang Xôviết trên đà tan rã, Evtushenko đã ký hợp đồng giảng dạy cho một trường đại học ở Mỹ…

E. Evtushenko

Có thẳng thắn mà ngỡ như lệch lạc

                                             (Bản dịch của Hồng Thanh Quang)

Có thẳng thắn
                  mà ngỡ như lệch lạc,
nó cong queo trong chính bản thân mình.
Đời trước nó bỗng dưng thành có lỗi
vì luôn không đơn giản hiện lên hình.

Đừng báng bổ ép thẳng đời,
                                    không hiểu
ép thẳng ra lại chỉ uốn cong đi,
trong lịch sử đôi khi đường thẳng
nối hai đầu bỗng hoá quá nhiêu khê...

Huyền Anh
.
.