Như Bình: Gieo ái tình trên cánh đồng chữ

Thứ Tư, 06/04/2011, 14:29

Bạn đừng bao giờ cố gắng tạo nên một chân dung hoàn hảo. Bởi, đó là điều vô nghĩa. Bởi, chân dung bạn luôn được nhìn và định giá từ kẻ khác. Bởi, trong vạn ánh nhìn, sẽ là vạn góc khác nhau. Mỗi người sẽ nhìn từ góc đứng của mình, sẽ nhìn từ kiến văn, nền tảng của mình và sẽ nhìn từ cả thói quen, định kiến để nhìn kẻ khác.

Thế nên, mỗi một tài năng lớn, luôn tồn tại nhiều giai thoại và đó chính là một chân dung đa chiều. Như Bình, trong cuốn sách Người mang lại ái tình cũng tìm nhiều góc đắc địa của những tài năng lớn của văn học nghệ thuật Việt Nam, và cũng dựng lên những chân dung họ theo cách của riêng chị. Theo cách riêng, nên sẽ không lẫn vào ai. Và theo cách riêng, nên cũng sẽ vẽ ra những chân dung khác biệt.

Như Bình, trước hết là một người đàn bà. Thế nên trong tập sách này, không phải ngẫu nhiên, chị luôn chọn đàn ông. Những người đàn ông tài hoa và khốn khó. Và chị vẫn có một niềm tin cổ điển vào sự lãng mạn trong tình yêu của người nghệ sỹ.

Chị đi tìm kiếm những góc khuất của nhân vật, cố lý giải và hiểu họ, cố đặt mình vào cuộc sống của họ. Hấp lực của những người đàn ông nổi tiếng với phụ nữ quả là lớn. Có thể cảm nhận rất rõ, ngoài công việc của một người viết báo, Như Bình còn tìm đến với nhân vật của mình bằng cả lòng yêu và sự kính trọng.

Thế nên, chị luôn yêu nhân vật của mình hơn mức bình thường. Và lòng yêu ấy, đôi khi phủ lên những trang viết những câu chữ quá ngọt ngào, khiến những chân dung ấy trở nên lộng lẫy hơn ngay cả khi họ gặp những bão tố. Và vì là đàn bà, nên Như Bình thường mang cả cái nhìn bao dung vào lầm lỡ của họ. Vượt qua giới hạn một tập ký chân dung, Người mang lại ái tình gợi cảm giác đây là một cuốn sách viết về tình yêu.

Trong đó, phía sau những người nghệ sỹ lớn của hội họa Việt Nam như Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh; các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu; các nhà thơ Quang Dũng, Phạm Tiến Duật, Hoàng Trung Thông… luôn là bóng dáng những người phụ nữ và những mối tình, có khi trắng trong, có lúc dị thường.

Nhưng Như Bình tin tất cả. Bởi dường như chị tin rằng, khi yêu người nghệ sỹ nào cũng hồn nhiên. Và như thể, trời sinh ra họ để yêu như vậy và sống với nghệ thuật đắm say như vậy. Chị cũng luôn dành cho những người phụ nữ gắn bó với cuộc đời nghệ sỹ cái nhìn cảm thông, sẻ chia và có phần trìu mến.

Bởi chị tin rằng, là nghệ sỹ lớn, nên yêu nhiều cũng là cái lẽ người ta thường tình. "Nhiều lúc tôi cũng không định được, mình đang viết văn bằng báo chí, hay viết báo bằng văn chương. Mỗi chân dung nhân vật của tôi, được bắt đầu bằng một cuộc đối thoại kỳ công và không kém phần áp lực. Một cuộc đối thoại mà ở đó, tôi, kẻ đã cùng với nhân vật của mình đi đến tận cùng những trạng thái xúc cảm để cố gắng cảm nhận được tất cả những hỉ, nộ, ái, ố trong từng đoạn đời nhân vật đã đi qua. Nhân vật của tôi hầu hết là những người nổi tiếng, bởi thế mà cuộc đời của họ là cả một bộ phim, những tập tiểu thuyết đẫm hào quang, danh vọng và cả nỗi cay đắng" - Như Bình tâm sự.

 Và dường như chính chị cũng nhận ra được rằng, mình đang "nuông chiều" nhân vật hơi quá đà trong thế giới chữ của mình: "Tôi yêu những nhân vật của mình vô điều kiện. Đó là nguyên tắc tối thượng trước trang viết. Và vì quá yêu họ, thỉnh thoảng tôi rơi vào sự miên man vô thức trong những chi tiết, con chữ mà tôi không đừng được. Nó bước ra trong tâm cảm tôi, tràn ngợi ra trước trang giấy trắng mà nhiều khi tự thân tôi thấy bất lực".

Có ba chân dung lớn được Như Bình ưu ái nhất trong Người mang lại ái tình, đó là họa sỹ Dương Bích Liên, nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà văn Lê Lựu. Trong số này, những trang về Dương Bích Liên mang màu sắc của một truyện ngắn. Với những chi tiết quá lộng lẫy về cuộc đời, nét sống và cả cách bày tỏ tình cảm với người, với đời. Dương Bích Liên, người họa sỹ cô đơn, sống một mình và lặng lẽ ra đi trong một mùa đông, tự tại và thanh thản sau nhiều ngày không ăn cơm, chỉ bạn bầu với rượu.

Ông để lại quá nhiều giai thoại, kể cả việc có một đứa con với một người phụ nữ bí ẩn. Nhưng vượt qua những giai thoại có  màu xám ấy, là những câu chuyện được kể lại từ một người bạn, một người thân thiết lúc cuối đời, đồng thời cũng là một người tài trợ hào phóng cho cuộc sống của một họa sỹ nghèo như Dương Bích Liên, đó là nhà sưu tầm Nguyễn Hào Hải.

Dương Bích Liên tài hoa và ứng xử nho nhã như một gã lãng tử cuối cùng của Hà Nội xưa, người đốt ghế sofa để người mẫu có đủ hơi ấm cho ông vẽ, người trốn mẫu khi biết mình sẽ thất bại nếu tiếp tục cố gắng hoàn thành bức vẽ không ưng ý, người đi thăm bạn tù không biết tên, người nửa đêm lặng lẽ gõ cửa rủ bạn ra sân ga để nhìn ngắm cuộc đời, để rồi tặng lại những vật phẩm quý giá nhất trên người cho một cô gái xa lạ, người xúi bạn đốt bức tranh quý giá chỉ vì bạn nghĩ mình bán tranh để kiếm tiền.

Qua những trang viết của Như Bình, người ta có thể hình dung rõ rệt chân dung của người họa sỹ tài hoa trong lòng một thành phố những ngày còn đơn sơ, đẹp đẽ nhưng nghèo túng. Với Phạm Tiến Duật, Như Bình giống một chứng nhân và kể lại những ngày cuối cùng trên cõi trần của nhà thơ. Trong câu chuyện về ông, có cả những góc khuất được hé mở và dường như trong những lúc khốn cùng và hoảng loạn nhất, khi cận kề cái chết nhất, con người ta lại bộc lộ rõ mình hơn ai hết.

Còn Lê Lựu thì những con chữ của Như Bình ngập tràn sự thương cảm. Có cái gì đó đau đớn và cảm thấy bất nhẫn khi chứng kiến cảnh ngộ của nhà văn già với bi kịch gia đình..., và bi kịch của chính ông, một nhà văn lớn, nổi tiếng cuối đời lơ phơ tìm chốn nương mình, và ông lại quay về ngôi làng đẫm buồn nơi ông đã dứt ra đi.

Cuộc sống đời thường quá bất thường khiến Lê Lựu trốn mình trong công việc và ông đang từng ngày hành xác, để tìm kiếm sự yên ổn nhỏ nhoi trong mỗi đêm về…

Người ta vẫn nói rằng, để có những trang viết (dù là văn chương hay báo chí) neo bám được vào tâm trí bạn đọc, người viết phải sống và trải nghiệm, đôi khi bằng cả sự đớn đau của mình. Không phải ngẫu nhiên mà Như Bình lại chọn những ẩn ức về tình yêu và góc khuất thân phận của con người làm đề tài.

Có thể nói, đó là quá trình xuyên suốt, Như Bình đi tìm kiếm trong những nhân vật của mình và để nghiệm lại những câu chuyện từ bản thân. Nếu ai gặp Như Bình ở ngoài đời, đã từng nói chuyện hay làm việc, sẽ thấy những gì chị đưa vào trang viết không xa lạ.

Như Bình thuộc trong số những người có chút cả tin, có chút khờ khạo và sau những đổ vỡ thì thường nhìn vào tâm can người khác từ chính những đổ vỡ của mình. Nhìn vào không để soi mói, mà nhìn vào để soi chiếu, để cảm nhận và để cố gắng hiểu bi kịch của người khác thông qua bi kịch của mình. Tất nhiên, cuộc đời mỗi con người là một bản thể riêng biệt, hoàn hảo và không cần sao chép của ai.

Ngay cả cái chết, người ta cũng sẽ không chết giống nhau, dù ai cũng nói chết là hết. Nhưng, khi đi qua những buồn đau của kiếp người, sẽ dễ nhìn thấy và sẻ chia những cô đơn hay bất hạnh của người khác. Như Bình cũng vậy. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi thấy chị thường có cái nhìn trìu mến với những người phụ nữ hy sinh tối cao cho chồng, những người đàn ông chỉ biết ăn và vẽ vời, thi ca nhạc họa, mà ít khi giúp được việc nhà.

Chị có vẻ ưu ái và tôn thờ những người phụ nữ dám yêu, dám đi đến cùng với tình yêu của mình bên cạnh những người nghệ sỹ, mà hầu hết họ khi về già bệnh tật thường ốm yếu, cô đơn.

Bởi chị tin rằng, đó là những tình yêu chỉ xuất phát từ tình yêu, nếu có thêm, đó là sự ngưỡng mộ, chứ không bao hàm sự vụ lợi. Và những tình yêu ấy đến lúc này vẫn còn sống sót, thì đó là một… kỳ tích. Như Bình, bằng trái tim lãng mạn của người phụ nữ viết văn và đang yêu, luôn muốn tin vào những chuyện cổ tích trong tình yêu.

Có một bài viết mà tôi cảm thấy Như Bình viết trong một trạng thái giống như được giải thoát, giống như tìm được một niềm vui bất ngờ của những tâm hồn đồng điệu, ấy là bài viết về diễn viên - nhà biên kịch Đào Mộng Long.

Câu chuyện của chị với NSND Phạm Thị Thành rất ấm áp và người nghệ sỹ này khi nói về chồng cũ bằng một thái độ rất đáng ngưỡng mộ, đó là sự ấm áp và trìu mến. Bà ngồi kể về những câu chuyện cũ, của Đào Mộng Long, với tình cảm đậm sâu rồi vơi nhạt, sống chung rồi tan vỡ. Người ta yêu nhau rồi chia tay nhau nhiều khi không phải vì ai phản bội ai, không phải ai đúng ai sai, mà vì cuộc đời cứ kéo xa nhau ra, đến một lúc thấy không thể gần nhau thì chia tay.

Chia tay rồi vẫn nhớ, vẫn yêu thương và vẫn mừng vui khi gặp lại, vẫn trân quý những món quà tặng nhau. Tình yêu khi ấy vượt qua cả ranh giới của tình chồng vợ, vượt qua cả rào cản của dư luận, vượt lên khỏi thói thường, để giữ lại những điều tốt đẹp nhất về nhau. Cái ứng xử của những nghệ sỹ lớn, ngay cả khi chia tay, nhiều khi cũng làm kẻ khác thấy ấm lòng.

Như Bình viết nhiều thể loại, nhưng mảng mạnh nhất của chị chính là chân dung. Những chân dung, dù tài hoa hay chỉ mới dừng ở mức vừa phải, vẫn cho thấy rõ tâm trạng của người viết. Dường như chị muốn đào sâu tận cùng những gì còn giấu kín trong mỗi con người, để từ đó tái tạo một chân dung theo kết cấu của riêng mình, như một cách sáng tạo khác.

Có thể bạn sẽ nói, chính vì thế mà những bài ký chân dung của Như Bình thường thể hiện rõ góc nhìn cá nhân, có thể đôi khi mang màu sắc chủ quan. Nhưng đứng ở một góc khác, sẽ thấy Như Bình là một nhà văn, và chị đang vẽ chân dung người khác bằng bút pháp văn học của mình…

         TP HCM, ngày 23/3/2011

Toàn Nguyễn
.
.