Nhớ về một người mẹ qua câu chuyện với người con gái

Thứ Tư, 09/05/2012, 15:00

Bà là Vũ Thị Thanh, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phu nhân của nhà thơ Tố Hữu. Bà là mẹ của TS Nguyễn Thanh Hoa, người tôi từng có hạnh ngộ một lần thực hiện cuộc trò chuyện cuối tháng mùa thu năm 2009, khi chị cùng chồng từ Đức về khánh thành nhà tưởng niệm cha mình ở Cầu Giấy.

TS Nguyễn Thanh Hoa được cha mẹ đặt tên dựa trên tên gốc của quê ngoại: tỉnh Thanh Hóa, tức Thanh Hoa (do phải kiêng tên húy của mẹ vua Thiệu Trị, nên phải đổi ra như thế). Tôi đã từng có những câu thơ tặng cho bạn bè mình quê ở đây: “Thanh gì cũng giữ Thanh Hoa,/ Bốn phương lưu lạc vẫn hòa tiếng quê./ Vung tay chém một lời thề,/ Ở đâu cũng chỉ một nghề vua quan…”.

Bà đã bị ốm từ không chỉ một năm nay. Tôi còn nhớ, năm ngoái, khi đi vào Huế tham dự đêm thơ Tố Hữu, bà dịch chuyển cũng đã khó khăn lắm rồi, nhiều khi phải dùng xe đẩy… Thế nhưng, người phụ nữ cao niên này vẫn rất cố gắng duy trì những sức sống cuối cùng của đời để hoàn thành tập hồi ký mà như bà viết trong lời nói đầu, ghi lại những kỷ niệm về nhà thơ Tố Hữu, “của một người vợ, một người bạn chung thủy” theo chồng suốt cả một đời.

Cuốn sách “Ký ức người ở lại” vừa mới được ra mắt độc giả vào đầu tháng 4, với lời bà ghi ở cuối: “Nay viết “Ký ức người ở lại”, tôi muốn thắp nén hương lòng dâng tặng anh, chắc anh thấu hiểu...”.  Và tối ngày 19/4, bà đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Hình như khi đã hoàn thành công việc sau cùng đối với ký ức về người chồng yêu quý, bà cảm thấy mình có thể rời bỏ trần gian mà không phải luyến tiếc thêm một điều gì nữa.

Trước khi được trực tiếp gặp bà, tôi đã được nghe nhiều về bà. Nên tôi đã không mấy ngạc nhiên khi tới ngôi nhà ở làng quốc tế Thăng Long, Hà Nội, để thực hiện một cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Thanh Hoa, con gái trưởng của bà và nhà thơ Tố Hữu. Hôm ấy, bà luôn có mặt ở cạnh để nghe tôi cùng chị Thanh Hoa trò chuyện, gương mặt hiền hòa nhưng hình như cũng có nét gì đó hơi thận trọng. Tôi hiểu lý do của thái độ đó vì tôi biết những chuyện đã xảy ra, khi có những người muốn tung ra những tư liệu dường như có liên quan tới nhà thơ Tố Hữu nhằm trình bày trước xã hội những góc khác nào đó về ông mà không thích hợp với hình ảnh của ông trong ký ức của những người thân, của những người thực sự hiểu ông một cách tổng thể và căn bản…

Có một sự thật là, hiện nay vẫn có ai đã lầm tưởng rằng, nếu họ phủ nhận được những giá trị của thơ Tố Hữu là họ có thể nghiễm nhiên ngồi được vào vị trí mà lịch sử và thời cuộc đã dành cho ông. Thật là một sự lầm lẫn lớn. Mỗi chúng ta sinh ra đời đều có một sứ mệnh riêng, dù không có ai là người không thể bị thay thế nhưng nói cho cùng, chẳng có ai thay thế được ai cả!

Mặc dù rất ít khi phải tác nghiệp báo chí trong những điều kiện như thế nhưng tôi cũng vẫn cảm thấy rất thoải mái và tự nhiên, vì tôi cảm nhận được thiện chí mà bà dành cho tôi, dù chỉ là gặp lần đầu. Một số câu hỏi tôi dành cho TS Nguyễn Thanh Hoa nhưng thực chất là cũng để biết thái độ của bà về những câu chuyện đó. Và cuộc trò chuyện càng diễn ra thêm thì tôi càng cảm thấy bà có thiện chí với tôi hơn, thậm chí là quý mến tôi nữa.

Cảm giác đó của tôi không sai. Sau khi bài trò chuyện đó được công bố trên Chuyên đề ANTG CT, tôi bỗng nhiên trở thành một người thân thiết với gia đình, rất được quý mến, trọng thị, đến mức tôi cũng cảm thấy hơi ngại vì nói thật, xuất thân từ những điều kiện bình dân, tôi rất tránh giao tiếp với những bậc “danh gia vọng tộc”… Thế nhưng, trong những lần tiếp xúc với gia đình bà, tôi luôn cảm thấy từ bà toát lên những tình cảm dịu dàng, nương nhẹ, kể cả khi tôi trong hơi men bộc lộ cái tính thi sĩ bốc đồng của mình bằng những câu thơ phóng túng…

Sau này, tôi cũng đã có ý định thực hiện một cuộc trò chuyện với bà, nhưng điều kiện sức khỏe của bà đã không cho phép tôi làm việc đó. Nhà báo Triệu Phong, có quan hệ gần gụi với gia đình bà, đã khuyên tôi rằng, thôi, chờ khi hồi ký của bà ra đời thì dựa vào đấy làm như là đã có một cuộc trò chuyện… Ôi, ông bạn vong niên của tôi, mỗi một thể loại báo chí nó có một cách tiếp cận riêng của nó chứ…

Như một nén nhang để tưởng nhớ hương hồn của bà, tôi xin giới thiệu lại những gì tôi đã từng trò chuyện với TS Nguyễn Thanh Hoa về gia đình bà, gia đình của nhà thơ Tố Hữu.

- Hồng Thanh Quang: Về nước để khánh thành nhà tưởng niệm cho bác Tố Hữu, chị nhớ gì nhất về cha, với tư cách là một người con gái?

- TS Nguyễn Thanh Hoa: Nhớ gì nhất ư? Thú thật với anh, không bao giờ tôi quên ba cả. Tức là nếu mà nói thật ra chỉ trừ những lúc làm những việc sự vụ hằng ngày, những việc cơm nước cho chồng con... thì thời gian còn lại trong ngày, tôi lúc nào cũng có cảm giác, dù không còn nhìn thấy ba mình nữa, không còn được gặp ba mình nữa, nhưng lúc nào tôi cũng có một sợi dây liên hệ nào đấy với ba. Lúc nào tôi cũng có cảm giác nhớ ba. Nhưng nếu anh hỏi tôi nhớ gì nhất về ba thì khó nói lắm (thở dài). Bởi lẽ, làm gì, nói gì, đối nhân xử thế như thế nào, dù không tự ý thức ngay được nhưng thực ra tôi đều theo những điều ba tôi đã dạy, đã dặn dò ngày xưa. Nghĩ cho cùng, ngồi phân tích cho cùng thì là như vậy…

- Chị là con lớn của hai bác. Thông thường trong các gia đình ở Việt Nam ta, người con gái lớn hay vất vả lắm, vì phải giúp cha mẹ trông nom dạy dỗ các em. Chị hồi bé có phải chịu sự vất vả với tư cách bà chị với những người em của mình không?

- Chắc là không…

- Khi có chị, bác Tố Hữu đã ở tuổi 36 rồi, như vậy không phải là sớm. Khi ấy, bác Tố Hữu đã là một nhà thơ nổi tiếng, một cán bộ cao cấp của Nhà nước. Chị có nhớ, lúc chị còn nhỏ, quan hệ cha con như thế nào, có khoảng cách gì không?

- Có lẽ là không. Tôi nhớ, có lần ba tôi nói đùa rằng, ba là giống mẹ mà mẹ thì giống ba. Bởi vì ba tôi thì rất thích ngâm thơ, rất thích đọc thơ, thành thử ra là nếu trong nhà có ai đó ru tôi mà tôi vẫn nhớ thì người ấy chính là ba.

- Hồi xưa, bác Tố Hữu ngâm thơ ru chị những bài gì? Có phải bài: “Núi cao bởi có đất bồi/ Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu” hay “Mình về với Bác đường xuôi/ Thưa rằng Việt Bắc không nguôi nhớ Người”?

- Xin anh đừng cười, hồi tôi lên năm lên sáu tuổi, tôi cũng thuộc một số đoạn trong bài 30 năm đời ta có Đảng và đi đâu cũng đọc. Nhưng cứ đến câu “Trùng trùng cách mạng ra quân” thì không hiểu sao tôi cứ dứt khoát đọc là “Tùng tùng cách mạng ra quân”, làm ba tôi cứ cười mãi… (cười).

- (Cười): Cứ như tiếng trống trung thu

- Thực ra, ba tôi khi ru tôi thì lại hay đọc thơ của Xuân Diệu, đọc thơ của Huy Cận hay mấy bài của Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên. Ông rất thích thơ Chế Lan Viên…

- Thời “Điêu tàn”…

- Không chỉ riêng thời Điêu tàn. Khi đọc thơ, ba tôi rất ít khi đọc thơ mình mà hay đọc thơ của các nhà thơ khác đồng thời với mình, hay thơ trích từ Chinh phụ ngâm…

- Những bài thơ cổ, “Truyện Kiều”, ca dao?

- Đúng thế, ba tôi thuộc nhiều ca dao lắm. Mà giọng ông đọc thơ nghe rất thích.

- Giọng Huế sinh ra là để đọc thơ và hát dân ca. Bác Tố Hữu hát dân ca Huế có hay không? Giọng Huế nói chung cứ vang lên đã như là hát rồi.

- Đối với tôi thì là hay.

- Ba mình hát mà, phải là hay rồi (cười).

- (Cũng cười): …

- Bác Tố Hữu chắc chắn là luôn bận nhiều việc rồi. Thế khi chị còn bé, bác có giúp chị học hành hay là kiểm tra bài vở không? Có đủ thời gian để quan tâm đến việc học tập của con cái hay chủ yếu là bác gái chăm lo việc ấy?

- Thực ra ba tôi cũng bận nên nếu gọi là giáo dục theo nghĩa chính thống thì do mẹ tôi đảm trách. Nhưng dạy chữ thì ông đã dạy cho cả ba chị em chúng tôi lẫn các cháu nội ngoại sau này. Ba tôi tự nhận là ông dốt toán lắm nên không bao giờ ông dạy toán đâu. Nhưng mà dạy chữ thì ông lại dạy, vì đối với ông, ông quan niệm rằng, học chữ tức là học ngay từ đầu để đọc sách, để học làm người. Ngay từ khi ba chị em tôi và các đứa cháu sau này mới lên 4-5 tuổi đã được bố và ông dạy chữ. Và với tôi, lớp 1-2 phải đi sơ tán thì không kể nhưng từ khi lên lớp 3 là mọi sách đọc đều do ba chọn lựa cho.

Bà Vũ Thị Thanh và con gái - TS. Nguyễn Thanh Hoa.

- Bác Tố Hữu chọn cho chị những cuốn sách cần đọc trong từng thời kỳ?

- Ba tôi chọn. Nhất là những dịp nghỉ hè, những cuộc đi chơi hoặc ở với ông lâu lâu. Vì hồi xưa tuổi tụi mình là đi sơ tán ngay từ năm lớp 2, đúng không anh, tức là lúc 8 tuổi đấy…

- Đó là vào những năm 65, 66…

- Đúng rồi, năm 1965 đấy. Thì trong các kỳ nghỉ hè, mình được về nhà, gần với ba. Thời gian đấy là thời gian ông đưa cả xếp sách và ông bảo là, đọc hết cái này!

- Ví dụ như quyển sách gì?

- Ví dụ như năm tôi học lớp 3, ông đưa cho tôi đọc 2 tập, 3 tập của Maxim Gorki.

- “Những trường đại học của tôi”?

- Những trường đại học của tôi và Kiếm sống… À mà không, đầu tiên là Kiếm sống. Còn cuốn Những trường đại học của tôi thì thực ra ông bảo, cứ từ từ rồi đọc. Sau đấy mới đến Liev Tolstoi.

- “Chiến tranh và hòa bình” hay là...

- Chiến tranh và hòa bình.

- Chứ không phải “Phục sinh”? (Cười).

- (Cũng cười): Không phải Phục sinh. Còn cuốn Anna Karelina thì đến tận năm tôi học lớp 8, ông mới cho đọc. Ông rất là kỹ những chuyện đấy. Đọc xong thì nói chuyện với ông. Cho nên thực ra thì chính là mình học từ những cái đấy cũng nhiều. Mà ông cũng kiểm tra tôi tư cách đạo đức có tốt hay không cũng qua những buổi nói chuyện đấy thôi, chứ không bao giờ ông nói trực diện cả... Mà ông cũng toàn nói bâng quơ để qua những cái đấy thì ông biết ngay mình thế nào rồi.

- Tức là bác Tố Hữu dạy con không bằng cách nói thẳng ra tất cả những định đề, giáo huấn, giáo lý mà thông qua đọc sách, thông qua trò chuyện bằng sự tế nhị để tiếp cận cái điều bác cần biết?

- Ông ít khi nói thẳng.

- Đấy cũng là phẩm chất cần có của các nhà chính trị... (cười).

- (Cũng cười): Cần có của những nhà thơ!

- Nhà thơ cũng thế, hay sử dụng hình ảnh, hình tượng để bày tỏ tình cảm, “đường gần anh cứ đi vòng cho xa” như Nguyễn Bính từng viết.

- Nếu mà đã làm thơ thì không nói thẳng, đúng không anh?

- Phải dùng hình ảnh, nếu chỉ nói là tôi yêu đất nước thì nó lại đơn giản, nói yêu con cái cũng thế. Phải dùng hình ảnh, hình tượng để toát lên cái đó mới là thơ… Xin được hỏi chị tiếp, sau này chị sang học Liên Xô là vào năm 1972?

- Năm 1974 anh ạ.

- Ngày xưa mình đi học nước ngoài là được tuyển hay là phải thi?

- Trước năm tôi tốt nghiệp phổ thông một năm thì bắt đầu có chính sách thi toàn miền Bắc rồi lấy đi học ở nước ngoài theo cách tính điểm từ trên xuống. Ví dụ Bộ Đại học mình có hiệp định với Liên Xô một năm đưa bao nhiêu sinh viên đấy thì họ lấy từ trên xuống, tất nhiên là cộng thêm điểm ưu tiên, như là với con em miền Nam, con em miền núi… Mình không phải con em miền Nam cũng chả phải người miền núi được xét như bình thường thôi, theo đúng số điểm mình đã được.

- Với sức học của chị thì cũng thừa điểm, có đúng không ạ?

- Không phải thừa điểm nhưng cũng đủ điểm đi học ở Liên Xô.

- Các nhà thơ, tất nhiên bác Tố Hữu không chỉ là nhà thơ, bác còn là một nhà lãnh đạo, nhưng mà theo chị, phong cách nhà thơ ngoài chuyện dạy con theo một cách bóng bảy ấy, thì có thể hiện trong sinh hoạt hằng ngày mà chị quan sát được không bằng sự tinh tế của người con gái trưởng trong gia đình? Hay là lúc ấy mình cũng bé quá nên không nhận thấy? Và sau này trở thành một người phụ nữ có gia đình rồi, gần với ba mình, chị có nhận xét gì về phẩm chất vốn có của các thi sĩ ở bác Tố Hữu?

- Tôi có được trích dẫn lời con gái của tôi không nhỉ?

- (Cười): Tất nhiên là có!

- Con gái tôi bảo rằng, con rất là ghen tị với mẹ vì mẹ có một người cha như vậy. Vì thực ra đối với tôi, cái quan trọng nhất không phải việc ba tôi có hoạt động chính trị hay không. Tôi nhớ, nói mọi người không tin tôi cũng đành chịu, hồi bé, lúc mới 6-7 tuổi thôi, đã có lần tôi giãy nảy, tôi bảo với ba rằng, con không thích ba làm Trung ương đâu!

- Vì sao?

- Nhìn từ bên ngoài thì thấy có vẻ như mình cũng có những quyền lợi nào đó.

- Ưu thế nào đấy…

- Nhưng thực ra, làm con của ông, theo tôi, là một cái nghĩa vụ không phải dễ dàng mà đôi khi rất khó khăn, anh ạ.

- Đúng, chị nói đúng, tôi hiểu điều đó.

- Nhất là đối với người nào cũng muốn khẳng định mình một tí, mình muốn có một cái riêng một tí.

- Mình là giá trị độc lập, mình phấn đấu bằng nỗ lực của mình, năng lực của mình, chứ không phải dựa vào “cây cao bóng cả”!

- Vâng, thì cái đấy rất là khó khăn anh ạ, vì cái định kiến của xã hội, không phải chỉ ở nước mình đâu mà ở nước nào cũng vậy. Cho nên tôi quan niệm rằng làm con của ba thực ra là khó khăn.

- Thực sự cái đó rất đúng, xã hội nào cũng thế.

- Nói đi, rồi cũng phải nói lại, tôi vẫn rất tự hào.

- Cái đó tôi hiểu. Xã hội nào cũng đòi hỏi rất cao ở con của các đồng chí lãnh đạo, con những người nổi tiếng. Trong tuổi thơ của chị, chị còn nhớ đã xảy ra trường hợp nào vì những lý do như thế mà chị phải ức đến phát khóc lên được không? Có khi nào những người xung quanh đòi hỏi ở chị những yêu cầu cao quá chỉ vì chị là con của nhà thơ Tố Hữu, mà chị đã cố gắng hết sức cũng vẫn chưa chắc làm hợp ý người ta được, có chuyện nào như thế không, thưa chị?

- Nếu mình gặp trường hợp đột ngột thì mình sẽ rất là bột phát. Nhưng nếu mình đã sinh ra và lớn lên trong một điều kiện như thế thì mình lại có một cách xử thế khác, đúng không anh?

- Bản năng tự vệ khác, đã được đào luyện...

- Và một khi đã có một bản năng khác rồi thì tôi nghĩ chưa chắc đã dở đâu, vì...

- Mình đã được rèn luyện nhiều.

- Vâng. Thì nếu bây giờ anh đứng trên sân khấu hay là anh đứng ở chỗ người ta nhìn anh thì rõ ràng anh không thể tùy tiện được rồi, và một khi anh đã có bản lĩnh như thế thì có thể cái đấy cũng không phải là dở.

- Tức là ngay từ hồi chưa lớn hẳn, chị đã ý thức được vị trí của mình, ý thức rằng xã hội đang nhìn mình bằng một con mắt khắt khe hơn bình thường và chị đã quen dần với điều đó để có một cách ứng xử tương ứng?

- Hồi đi học, bạn bè người ta cứ hơi một tí thì bảo, con ông Tố Hữu mà thế. Vậy tức là bản thân mình không chỉ chịu trách nhiệm cho mỗi mình mình, mà còn chịu trách nhiệm vì những gì mình làm có thể ảnh hưởng đến ba, mà nếu mình yêu ba thì tất nhiên mình không nên làm cái đấy.

- Hồi ấy, chị học Trường Chu Văn An?

- Hồi bé tôi học ở Trường Phan Đình Phùng.

- Ở Cửa Bắc…

- Ở Cửa Bắc. Sau chuyển sang Trường Nguyễn Trãi, nhưng chỉ học ở đấy một năm, sau đi sơ tán. Chính thời gian sơ tán là thời gian sung sướng nhất.

- Hồi đó chị đi sơ tán ở đâu?

- Mỗi năm một nơi anh ạ. Nhưng lúc đấy để giữ bí mật nữa, vì đi sơ tán cùng một số gia đình khác cho nên không nói là con ai cả. Tôi cho rằng đấy là thời kỳ sướng nhất, bởi vì mình chẳng phải giấu giếm gì hết (cười).

- Mình sống hoàn toàn thích ứng với tuổi thơ của mình

- Trong lý lịch cứ đề, bố là cán bộ cách mạng, mẹ là cán bộ cách mạng, thế là xong.

- Chị hồi học phổ thông có thích văn học không, hay chỉ giỏi những môn tự nhiên? Hay là học đều đều cả các môn tự nhiên và xã hội?

- Thực ra mà nói, tôi chả có tí gien nào của ba cả. Nhưng mà cái sự ham mê thích tìm hiểu tâm lý, tâm tư con người thì chắc là tôi được thừa hưởng từ ba. Và mặc dù tôi không có năng khiếu làm thơ nhưng học văn thì hình như tôi cũng được điểm khá đấy.

- Khá bởi vì là con của nhà thơ Tố Hữu hay là khá bởi vì chính những bài tập làm văn chị viết?

- Không, là con nhà thơ Tố Hữu thì còn bị đòi hỏi cao hơn. Có một lần hồi lớp 8, tí nữa tôi bị điểm trung bình thấp, cô giáo định cho tôi gỡ điểm bằng cách đọc thuộc lòng. Cô gọi tôi lên cô bảo rằng, thôi bây giờ, em đọc một bài thơ Tố Hữu. Và tôi phải nghĩ mãi, một lúc bảo, thưa cô, em đọc bài Trăng trối…

- “Từ thuở ấy quăng thân vào gió bụi/ Đến hôm nay phút chết đã kề bên/ Đến hôm nay kiệt sức, tôi nằm rên/ Trên ván lạnh không mảnh mền, manh chiếu…”.

- Đúng rồi. Nhưng khi đó, tôi hình như mới đọc được một nửa hay một phần ba mà tôi quên không nhớ những đoạn tiếp nữa (Cười).

- (Cười): Con của rất nhiều nhà thơ khác cũng không thuộc hết thơ của bố mình, cái đó không sao cả. Sau này hai người em của chị cũng đi học ở Liên Xô, có đúng không ạ?

- Không, người em thứ hai học ở C500. Tôi nghĩ chắc là ba mẹ tôi chọn con đường đấy cho em cũng đúng.

- Đi rèn luyện, học trong an ninh cũng rất tốt.

- Còn người em thứ ba thì khi thi đại học, theo bảng điểm hồi đấy là đủ điểm đi nước ngoài nếu là con thứ nhất nhưng vì tôi đã đi rồi nên em tôi phải học ở nhà.

- Không có sự ưu tiên cho con nhà thơ Tố Hữu? (Cười).

- Không có sự ưu tiên nào cả. Cho nên em thứ ba của tôi đã học ở Khoa Vô tuyến tại Bách Khoa…

- Công việc của bác Tố Hữu kể cả với tư cách nhà thơ lẫn trên cương vị một nhà lãnh đạo thì rất nặng nề. Thời nào cũng thế, ở đâu cũng thế thôi, không phải lúc nào cũng suôn sẻ… Có bao giờ chị cảm thấy, với tư cách người con, áp lực công việc đối với bác lại truyền về tới các con ở nhà không? Hay bác không bao giờ để cho áp lực công việc cơ quan ảnh hưởng đến những người thương yêu của mình?

- Ba tôi luôn luôn bận. Ba tôi luôn luôn rất nhiều suy tư. Cả lúc mà gọi theo cách ở nước mình là trên cao trào trong sự nghiệp chính trị cũng như sau này lúc nghỉ… Có những lúc buồn, có rất nhiều trăn trở. Nhưng bản thân tôi không bao giờ cảm thấy ông đi lùi. Những trăn trở của mình, có thể ông đã chia sẻ với bà nhưng với các con thì không.

- Không để cho các con nhận thấy điều đó?

- Đúng thế.

- Sông có khúc, người có lúc. Với cá nhân tôi, lúc nào tôi cũng thấy di sản thi ca của nhà thơ Tố Hữu luôn là cực kỳ quý báu của cách mạng mình, của đất nước mình, của nhân dân mình. Nhưng có một giai đoạn nào đấy, tác động của nhiều yếu tố khách quan đã ảnh hưởng sự đánh giá đối với thơ Tố Hữu. Chị nhìn nhận tất cả chuyện đấy như thế nào? Điều ấy có ảnh hưởng gì đến chị trong giao tiếp xã hội không, hay là chị không để ý vì chị vẫn yêu cha mình như vậy?

- Không, không phải tôi không để ý mà tôi yêu cha. Thực ra, sáng hôm nay, hai mẹ con cũng đùa và nói chuyện với nhau về thơ của cha tôi. Nói thực, tôi nghe thơ ông từ nhỏ và tôi biết ông. Thơ ông thế nào thì con người ông như thế chứ không phải là... Có những người hô khẩu hiệu mà mình thấy đó là hô khẩu hiệu. Còn với thơ ông, tôi cũng xin trích lại có một số người nói, thơ ông ngay cả ở những câu có vẻ như hô khẩu hiệu thì vẫn có tấm lòng, có cái tình trong đấy.

- Đấy là xuất phát từ trái tim ông.

- Vâng, cái đấy nó đã ngấm trong máu của tôi rồi và tôi tin cái đấy. Rất nhiều bạn bè tôi đọc bài thơ bây giờ gọi là thơ khẩu hiệu và họ rất thích. Với tôi, tôi vẫn thấy cảm động khi đọc lại thơ ông. Thực sự tôi đọc, tôi lại cảm động... Tại vì tôi biết lúc ấy ông viết từ...

- Trái tim…

- Nó trào ra như thế chứ không phải vì ông hô khẩu hiệu như thế mà nó từ lòng ông ra.

- Những sự chân thành từ trái tim chắc chắn kiểu gì cũng làm trái tim rung động.       

- Tôi vẫn nghĩ rằng, với thơ thì người này thích thế này, người kia thích thế kia, nhưng vẫn có rất nhiều người yêu thơ ông, yêu những câu thơ mà có thể ai đó đang chê. Nhưng với tôi và không ít người, chúng tôi vẫn thuộc và vẫn yêu những câu thơ ấy của ông. Nên nói cho cùng, những sự đánh giá nào đó khác về thơ cha tôi không làm ảnh hưởng đến tôi được đâu.

- Con gái của chị có đọc thơ ông và ở xa Tổ quốc như thế, cháu có hình dung được rằng có một người ông vĩ đại với những câu thơ tuyệt vời như thế không?

- Nó là con tôi mà, là sản phẩm cả về sinh học lẫn tinh thần. Có một quyển thơ mà trong bảo tàng lưu niệm không có, chính là quyển thơ Tố Hữu dịch sang tiếng Đức. Bởi vì, khi con gái tôi đọc, nó bảo, ông ơi thế này là họ giết thơ ông rồi, cho nên con xin phép con mang sang con dịch lại. Cháu cũng thử dịch một số bài và đang rất cố gắng. Tất nhiên, bản dịch của cháu thế nào thì phải để xem xét đã…

- Xin phép hỏi thế này, với tư cách người con gái của nhà thơ Tố Hữu, chị có cảm thấy hài lòng với cả việc xã hội hiện nay đang ứng xử, đang tôn vinh bác Tố Hữu, hay là theo chị, chúng ta cần phải làm thêm điều gì nữa để thực sự xứng đáng với tất cả đóng góp của bác, với sự cống hiến của bác cho thi ca, cho cả sự nghiệp chính trị của cả đời sống đất nước nữa? Nhà mình xây nhà tưởng niệm cho bác, đó là việc rất đúng và rất tốt rồi nhưng về mặt xã hội, theo chị, nên cần phải làm gì thêm nữa để xứng đáng với ký ức rất tốt đẹp về thơ và con người bác Tố Hữu?

- Khi làm nhà lưu niệm này, trước hết mẹ và chị em chúng tôi muốn đầu tiên là có ý thức gìn giữ những kỷ vật, kỷ niệm về ba, đầu tiên là gìn giữ đã, nếu mình không giữ sẽ mất. Cái đấy đối với gia đình là vô giá, còn lại đối với xã hội thì nếu những người, những độc giả nào, hoặc bạn bè vẫn yêu ông thì là một nơi để họ tới, để biết thêm về ông. Cũng có thể nhiều người biết thơ ông mà không biết con người ông thì gia đình cũng cố gắng giúp đỡ. Cái đấy thì không có một bảo tàng quốc gia nào có thể làm được, trừ những người thân trong gia đình. Tất nhiên có những cái về mặt chuyên môn có thể không đúng bằng hoặc không quy củ bằng, nhưng những người trong gia đình mà làm thì mình có thể thể hiện được khía cạnh nào…

- Mà nó chân thực hơn, cảm động hơn…

- Của con người ông. Nhà lưu niệm của ông cũng chỉ với mục đích như thế thôi.

- Còn với xã hội thì để mọi người tự quyết định về cách mà họ sẽ biểu lộ tình yêu với mình như thế nào.

- Vâng. Đúng rồi, chứ mình không thể nào yêu cầu được.

- Vâng, tôi hiểu. Rất cảm ơn chị

H.T.Q.
.
.