Nhớ Nguyễn Minh Châu

Thứ Tư, 21/01/2009, 14:30
Một dịp, nhà văn Nguyễn Minh Châu về quê và được một cán bộ tuyên huấn dẫn đến trường học nói chuyện văn chương. Nhà văn mới nói được một chập thì các cử tọa tỏ ra "không thèm nghe", cứ làm việc riêng, mỗi lúc một ồn ã, rồi thì kẻ ra người vào khá nhốn nháo.

Nhà văn cũng đã thấy ngao ngán, chưa biết xử sự thế nào thì đồng chí cán bộ tuyên huấn dẫn nhà văn đi nói chuyện xông lên bục "quảng cáo" về nhà văn rất kêu, nào Nguyễn Minh Châu là nhà văn lớn, nổi tiếng khắp nước và khắp… thế giới; nào Nguyễn Minh Châu làm đến chức Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn…

Người cán bộ bước xuống, Nguyễn Minh Châu sau một lát né sang một bên, tiếp tục ra đứng trước micro đăng đàn. Nhưng tình thế không hề xoay chuyển tốt lên, ngược lại thêm xấu đi. Nguyễn Minh Châu nghĩ, lúc này thượng sách là đánh bài chuồn, bèn "nói tóm lại" vắn tắt ít phút, cám ơn mọi người "đã chú ý lắng nghe", "hẹn một dịp khác gặp lại"… rồi rút lui vội.

Điều thú vị là khi Nguyễn Minh Châu kể lại cho bạn bè về cái lần đăng đàn "bị gẫy 100%" của mình như trên, nhà văn không hề tỏ ra mảy may đau khổ gì sất, ngược lại còn có vẻ… khoái.

Một chiều cuối năm 1985, Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ đến nhà tôi chơi. Khi Quỳnh và Vũ xách túi sửa soạn ra về, tôi rủ: "Anh Châu có nhà đấy, ta sang anh Châu đã…".

Tôi rủ Quỳnh và Vũ thế vì tôi biết là cả hai đều rất quý Nguyễn Minh Châu mà nhà tôi thì chỉ cách nhà anh Châu có mươi bước, và đã như thành lệ, trước đấy, lần nào Quỳnh và Vũ ghé đến chơi nhà tôi, chúng tôi cũng đều kéo sang anh Châu trò chuyện mãi.

Lần này Quỳnh từ chối ngay: "Quỳnh và Vũ đang vội, để khi khác". Vũ thì không nói gì, chỉ cười cười. Tôi nghĩ ngay, không hẳn hai bạn "vội" và cảm thấy có điều gì đây…

Tối hôm đó tôi sang nhà anh Châu, vừa thông báo vừa thăm dò: "Quỳnh và Vũ chiều nay ghé bên tôi. Rủ sang anh nhưng Quỳnh nói vội không sang được". Anh Châu buồn buồn chậm rãi: "Bà ấy ghét mặt tôi đấy. Mấy tháng nay bà ấy cứ lảng mặt tôi.

Cái hôm tập Bến quê in xong, tôi đến nhà xuất bản lấy sách, bà ấy mắng tôi một trận té tát, bảo tôi mất tư cách, chạy chọt để in tác phẩm". À ra vậy, tôi nói với anh Châu: "Thế sao anh không kể đầu đuôi với Xuân Quỳnh?". Anh Châu bảo: "Tôi chả nói gì. Nói sao kịp với bà ấy đang cơn thịnh nộ".

Đầu đuôi là thế này:

Sau khi anh Châu gửi Nhà xuất bản Tác phẩm mới (bây giờ là Nhà xuất bản Hội Nhà văn) bản thảo tập truyện ngắn Bến quê, tôi có hỏi thăm anh về tập truyện. Anh Châu cho biết: "Nhà xuất bản sắp đưa in nhưng gác lại cái Con mèo hoang và cái Con chim (tức truyện Một lần đối chứng và Chú chim).

Tôi đã được anh Châu đưa cho đọc hai truyện này khi anh mới viết xong, tôi thấy đó là hai truyện tốt, hay và không hiểu sao khi nghe anh Châu nói thoáng qua như vậy mà tôi cứ đinh ninh là hẳn các anh, các chị nhà xuất bản nghĩ hai truyện này in được nhưng sợ nó "gai góc", sợ bị cấp trên "xà lù" nên phải gác lại.

Do vậy mà mấy hôm sau, không nói với anh Châu ý định của mình, tôi mượn anh bản thảo đánh máy hai truyện ngắn bị gác lại và đưa nhờ nhà phê bình Hà Xuân Trường đọc (bấy giờ Hà Xuân Trường là Trưởng ban Văn hóa - văn nghệ Trung ương Đảng và tôi là một cán bộ giúp việc cho anh).

Tôi cứ đem điều mình đinh ninh nói với anh Hà Xuân Trường về việc gác lại hai truyện ngắn này. Chỉ qua một đêm, anh Hà Xuân Trường đã chuyển lại cho tôi bản thảo hai truyện ngắn và nói: "Truyện Chú chim thì còn có phần rối rối, chứ cái Một lần đối chứng là truyện ngắn hay đấy, truyện này không những đặt ra được vấn đề có ý nghĩa rất đáng suy nghĩ mà viết tài lắm - gác lại thì uổng quá".

Được sự đồng ý của anh Trường, tôi đã viết một bức thư ngắn gửi anh Vũ Tú Nam, bấy giờ là Giám đốc và anh Nguyễn Kiên là Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới nói ý kiến anh Hà Xuân Trường "để các anh tham khảo". Xong các việc đó, hôm trả anh Châu bản thảo, tôi có kể lại với anh Châu. Anh Châu bình thản, không tỏ gì vui vẻ, đồng tình và cũng không tỏ ý phản đối việc tôi làm.

Vài tháng sau, tập Bến quê được phát hành, anh Châu cho tôi sách trong đó có in truyện Một lần đối chứng. Tôi nghĩ mọi chuyện như thế là tốt đẹp, vui vẻ cả. Ngờ đâu, Xuân Quỳnh là người biên tập cuốn Bến quê đã đề xuất ý kiến gác lại hai truyện trên, không phải vì sợ nó gai góc, sợ bị "xà lù" gì cả mà là thấy chưa được.

Riêng truyện Một lần đối chứng sau này tôi nghe Vũ nói, Xuân Quỳnh cho là nó có cái gì ác ác, thiếu nhân bản. Chắc khi thấy những người phụ trách chuyển ý kiến anh Hà Xuân Trường cho mình thì Xuân Quỳnh cho là anh Nguyễn Minh Châu chạy chọt cấp trên để in thêm truyện vào tập sách nên "ghét mặt mắng té tát" anh Châu.--PageBreak--

Ngay sau hôm biết chuyện này, tôi đến nhà Xuân Quỳnh kể lại đầu đuôi sự việc và nói: "Mọi chuyện là như thế, chứ anh Châu không hề tác động, không chạy chọt gì đâu, đừng nghĩ oan về anh Châu, tội nghiệp". Xuân Quỳnh chăm chú nghe xong cười ré lên và nói ríu rít như không tỏ ra có chút xíu gì áy náy về sự hiểu lầm anh Châu sất cả:

- Hôm ấy, Quỳnh mắng "cậu" một trận, "cậu" cứ đực ra, không cãi được câu nào…

Nói đoạn, Xuân Quỳnh mở ngăn tủ lấy ra hai gói chè hương thượng hạng nhờ tôi "kính biếu anh Châu hộ Quỳnh, nói Quỳnh đền "cậu" ấy".

Trở về, tôi sang ngay anh Châu chuyển lời và chuyển quà của Xuân Quỳnh. Anh bóc gói chè đưa lên mũi hít hít rồi vừa pha trà vào ấm vừa cười nói:

- Cái "con mụ đốp" Quỳnh này, nó ghê lắm!

Ngay từ ngày đầu tiên phải nhập Viện Quân y 108, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã ý thức rất rõ cái chết cận kề với mình rồi - chỉ có thể tính bằng tuần, bằng tháng chứ không thể bằng năm.

Buổi trưa ấy (ngày 7/3/1998), sau khi anh Nguyễn Minh Châu có kết quả xét nghiệm xác định mắc bệnh nan y ung thư máu, phải nhập viện ngay, chị Doanh - vợ anh - ở bệnh viện về sang ngay nhà tôi thì thầm "nói riêng" với tôi tình trạng bệnh tình nguy hiểm của anh.

Ngay chiều đó tôi vào thăm anh Châu, anh đã biết rõ hết sự tình. Anh bảo: "Cái máu tôi là máu bạch vệ rồi ông ạ. Vậy là chả còn bao lâu nữa". Sau đó ít ngày, anh lại nói với tôi: "Hôm qua bà Doanh tổ chức cúng bái cho tôi, dặn tôi giờ ấy, giờ ấy phải ngồi sắp bằng tròn trên giường yên lặng, hướng về hướng này (anh chỉ phía bức tường cạnh giường). Tôi cũng cứ phải làm theo đúng lời dặn nhưng thực là chả tin nó có hiệu quả gì".

Nói rồi anh cười nhạt lắc lắc đầu ngao ngán. Mặc dầu khi vào chùa Pháp Hoa (Đồng Nai) nhờ cậy nhà sư chữa chạy, có lúc ở anh cũng loé chút hy vọng mong manh có khả năng kéo được sự sống dài dài, nhưng hy vọng ấy chỉ thoáng qua ít ngày thôi, chứ nhìn chung là anh luôn nghĩ bệnh anh vô phương cứu chữa, cái chết nó đã đến với anh không xa nữa.

Bởi vậy, Nguyễn Minh Châu rất ý thức phải thật tranh thủ lúc còn chưa sập xuống hoàn toàn, làm nốt cái đang làm dở dang cần phải làm cho xong. Mục tiêu của anh là hai việc: sửa kỹ lưỡng cái truyện Bài tập đi đều (sau đổi là Mùa trái cóc ở miền Nam) và viết tiếp cho xong thiên truyện Phiên chợ Giát anh đã viết được hơn chục trang trước khi phát hiện bệnh phải nhập viện.

Thiên truyện Phiên chợ Giát nếu viết trong tình trạng sức khỏe bình thường chắc chắn Nguyễn Minh Châu còn viết được thêm ra nhiều trang nữa và việc sửa sang nó cũng được kỹ càng hơn. Nhưng sức anh suy sụp rất nhanh, buộc anh phải "thu gọn lại" như hồi đó anh đã ghi cho tôi dưới bản thảo.             

Việc viết lách của nhà văn Nguyễn Minh Châu bị bác sỹ, và nhất là vợ anh - chị Doanh - cấm ngặt vì sợ anh lao động viết lách mệt nhọc không tốt cho việc chữa bệnh.

Vì vậy phần nhiều Nguyễn Minh Châu phải viết trộm, đặc biệt khó là viết trộm vợ. Trong mấy dòng viết cho tôi dặn việc sử dụng thiên truyện Phiên chợ Giát ở cuối trang bản thảo này, anh Châu đã ghi rõ đó là những trang "viết trộm bà Doanh".             

Vậy anh đã viết trộm vào lúc nào, bằng cách nào?              

Anh Châu đã kể với tôi, đêm đêm khi phòng bệnh yên yên, chị Doanh đã thiu thiu ngủ là anh vạch màn lên, lúc thì nằm sấp thò cái đầu ra ngoài màn viết viết; lúc thì ngồi khom lưng viết dưới ánh sáng... từ cái nhà xí.

Phòng vệ sinh buồng bệnh gần giường Nguyễn Minh Châu sáng đèn suốt đêm và ánh sáng mờ mờ đã luôn lọt vào giường Nguyễn Minh Châu, rọi sáng trên trang giấy. Viết trong tình trạng vừa thiếu ánh sáng, tư thế viết chả ra làm sao, vừa sức yếu... cho nên nhiều trang bản thảo hồi đó của nhà văn Nguyễn Minh Châu lèm nhèm, chữ to chữ nhỏ rất khó đọc.

Sau thiên truyện Mùa trái cóc ở miền Nam và thiên truyện Phiên chợ Giát, trải những đêm trường đằng đẵng mất ngủ, nghĩ ngợi được điều gì hay hay, dù nó vụn vụn thôi anh cũng muốn ghi lại. Và thường những trang này cũng được viết dưới thứ ánh sáng... nhà xí như khi anh viết Phiên chợ Giát.

Trong mấy chục trang ghi chép nhớ gì ghi nấy Nguyễn Minh Châu viết trong hoàn cảnh như thế, duy có một cái anh viết "gai góc" quá, chị Doanh đang cất giữ, còn hầu hết đã được công bố.           

Những trang viết cuối cùng đời viết của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã được ra đời như thế đấy!

Trước khi nhà thơ Xuân Sách đưa Nhà xuất bản Văn học in tập Chân dung nhà văn, tôi có được nghe thơ chân dung khá nhiều nhà văn của ông được "xuất bản miệng" qua bạn bè.

Trong đó có một số chân dung Xuân Sách chỉ phác họa, chấm phảy vài nét mà hiện rất rõ hồn cốt nhà văn, ngòi bút Xuân Sách rất "quái", không né tránh, nể sợ chi hết. Tôi có để ý nghe thơ chân dung nhà văn Nguyễn Minh Châu, nhưng không thấy.

Một hôm tôi hỏi anh Nguyễn Minh Châu xem Xuân Sách có viết chân dung anh không, anh bảo: "Ông Sách có viết chân dung tôi đấy, tôi chả nhớ hết bài, chỉ nhớ mỗi câu cuối: Thằng này không trước thì sau cũng tù".

Nói đoạn Nguyễn Minh Châu rụt cổ cười khoái chí. Vê điếu thuốc lào tra vào nõ điếu cày làm một choác, vừa ngửa mặt phun ra hết chuỗi khói đậm đặc, Nguyễn Minh Châu lại rụt cổ cười, giọng phê thuốc khàn khàn: "Thằng này không trước thì sau cũng tù" và lại khoái chí cười khần khật.

Ít lâu sau, trong dịp gặp nhà thơ Xuân Sách ở TP HCM, tôi nói anh đọc cho nghe đầy đủ cái chân dung Nguyễn Minh Châu. Xuân Sách tủm tỉm cười:

Cửa sông cất tiếng chào đời
Đã ti toe những vùng trời khác nhau                                   
Dấu chân người lính in mau
Thằng này không trước thì sau cũng tù

Tôi nhờ Xuân Sách chép cho mấy câu đó. Xuân Sách vớ mẩu giấy trên bàn chép nhanh đưa cho tôi (tiếc là không in kèm ảnh bút tích bài thơ này của Xuân Sách) và đã kể về "hoàn cảnh ra đời" của bài thơ. Rằng, Nguyễn Minh Châu là một trong những người Xuân Sách muốn viết ngay từ những ngày đầu nảy ý làm thứ thơ chân dung nhà văn, nhưng chưa viết ra được.

Một chiều, lúc Xuân Sách và mấy bạn văn đang ngồi ở toà soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội thì Nguyễn Minh Châu từ đâu bước vào cầm một tập thơ liệng xuống sàn trước mặt họ, vẻ rất bực bội: "Thơ phú các ông thế này mà cũng in à, mà in đẹp, in sang đến vậy cơ chứ, thật ngao ngán quá!" - Đó là tập thơ vừa xuất bản của một tác giả có vai vế đang được báo chí sốt sắng công kênh.

Xuân Sách nói: "Chiều ấy như giọt nước tràn ly, ngay trên đường đạp xe về nhà mình đã xong bốn câu này...". Nói đoạn Xuân Sách gật gật rướn mắt lên, cười vẻ đắc ý nhắc lại câu cuối: "Thằng này không trước thì sau cũng tù". Sau đó thì như mọi người biết, nhà thơ Xuân Sách đã "chỉnh sửa" bài về Nguyễn Minh Châu:                                       

Cửa sông cất tiếng chào đời                                   
Rồi đi ra những vùng trời khác nhau                                      
Dấu chân người lính in mau                                      
Qua miền cháy với cỏ lau bời bời                                      
Đọc lời ai điếu một thờ
Tan phiên chợ Giát hồn người về đâu

Nguyễn Trung Thu
.
.