Nhiếp ảnh gia Phùng Anh Tuấn: "Ngửa mặt cười như gã trăng non"

Thứ Hai, 14/04/2008, 09:00
Sinh năm 1960, cầm tinh con chuột, cuộc đời Phùng Anh Tuấn rất lận đận, chìm nổi nhiều, không có cơ duyên với công danh tiền bạc, nhưng được trời bù đắp lại bằng thiên hướng nghệ thuật. 

10 năm chìm nổi

Năm 2004. Cuộc triển lãm cá nhân mang tên "Đất và Thời gian" với 50 bức ảnh sau 10 năm cầm máy của Phùng Anh Tuấn đã làm đông đảo công chúng và giới cầm máy sửng sốt kinh ngạc.

Bẵng đi mấy năm, người ta không thấy anh có thêm cuộc triển lãm nào khác, dù bây giờ, người ta tổ chức một cuộc triển lãm dễ dãi và đều đặn như… gà đẻ trứng.

Nhiều người ngờ Phùng Anh Tuấn đã chuyển sang một sự quan tâm mới mẻ nào đó, giống như anh góp mặt vào đội CD "tụ tập" với dân chơi xế hộp… Nhưng, những ngờ vực ấy đều sai cả, bởi sự kín tiếng của anh, đấy là một sự chờ đợi không phô trương, để tích luỹ cho những dự định về ảnh, sâu hơn, dài hơi hơn...

Phải đến tận thời điểm anh rục rịch ý tưởng triển lãm "Lặng…" vào những ngày cận tiết thanh minh, người ta mới ồ lên, rằng Tuấn đang theo đuổi một dòng ảnh của riêng mình: dòng ảnh Thiền.

Cái tên Phùng Anh Tuấn, có lẽ vì thế mà ít người biết đến. Nhưng, những người trong giới, bạn bè anh, những người đã một lần cảm được chất suy tư chảy trong ảnh của anh, không dễ dàng để cho gương mặt người đàn ông dạn dày, từng trải ấy… trôi đi như một cuộc gặp gỡ tình cờ, như bao cuộc gặp gỡ khác giữa đời thường.

Sinh năm 1960, cầm tinh con chuột, cuộc đời Phùng Anh Tuấn rất lận đận, chìm nổi nhiều, không có cơ duyên với công danh tiền bạc, nhưng được trời bù đắp lại bằng thiên hướng nghệ thuật. 

Sinh ra tại Bát Tràng, trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, nhưng tất cả các nghề khác, nghề nào cũng có. Nghề gần gũi với nghệ thuật nhất, đấy là nghề làm gốm của mấy ông bà quê gốc bên sông Hồng, đến giờ vẫn miệt mài với đất sét, cao lanh, bàn xoay, khuôn đúc…

Chiến tranh. Bố mẹ anh tản cư lên xứ Đoài. Phùng Anh Tuấn cũng vì thế mà có cả tuổi thơ nhọc nhằn ở Phủ Quốc. Thuở nhỏ, anh ham đọc sách đến mức, anh trốn mẹ, bỏ học… ra ngồi lì ở thư viện cả ngày trời. Một ngày anh có thể đổi thẻ đến bốn lần, vượt cả "chỉ tiêu" cho phép.

Tốt nghiệp cấp 3, theo sự sắp xếp của bố mẹ, anh nộp hồ sơ thi Đại học Giao thông Vận tải. Trượt, dù với mức điểm mà anh đạt được (11,5 điểm), thừa điểm chuẩn để có thể vào một số trường ĐH khác. Rồi số phận đã đưa anh vào Tây Nguyên.

Tại đó, anh kết hôn với một cô giáo dạy cấp 2 trong vùng. Cuối năm 1986, đứa con đầu lòng ra đời… Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Tuấn về làm bảo vệ cho một công ty xây dựng ở Lâm Đồng.  Rồi anh xin nghỉ việc Nhà nước và bắt đầu bươn chải đời thường.

Năm 1987, Phùng Anh Tuấn bắt đầu "sự nghiệp" làm kinh tế bằng… nuôi lợn nái đẻ. Đấy là lúc cả huyện Đức Trọng dân đổ xô đi nuôi lợn. Giá một đôi lợn giống tương đương với một chỉ vàng. Mua một đôi lợn bột để gột giống.

Anh mày mò đi mua sách hướng dẫn chăn nuôi, tự đọc sách thú y, mua những cái xơ-ranh to bằng cổ tay để tự chích, tự phối giống cho lợn. Được mấy năm. Nuôi lợn nái cũng không ăn thua, anh chuyển sang nuôi lợn thịt, đến từng nhà xin cây chuối già về thái làm thức ăn độn cho lợn.

Lại đến đận cà phê rớt giá, dân trong vùng nhất loạt phá bỏ. Tuấn chuyển qua trồng dâu nuôi tằm. Mười mấy né tằm ăn rỗi, thở không kịp vì phải hái kịp dâu cho tằm ăn. Ngày nắng không sao, ngày mưa dầm sùi sụt phải khoác áo tơi đi hái lá dâu, mua thuốc pênixilin về rắc vào lá dâu ướt để tằm ăn không bị đau bụng…

Tằm rớt giá. Anh đi đào giếng thuê. Đất ba gian, đào sâu chừng 3 mét thì gặp đá hộc. Mỗi người một cái đục, một cái chạm, ngụp dưới mực nước bắt đầu nhơm nhớp dưới chân… Có những lúc ngồi dưới đáy giếng, qua cái khoảng hẹp toen hoẻn, anh đã có những phút mềm lòng tưởng rằng đời mình như thế đã hết, chẳng còn hy vọng gì nữa…

Cà phê lại được giá. Dân trong vùng lại thi nhau trồng mới. Tuấn cùng một người thầy giáo, quê Thái Bình, rủ nhau đi đào hố cà phê. 300 đồng một hố. Cật lực, một ngày anh đào được 30 - 35 hố, được chừng mười ngàn đồng để về đong gạo cho con.

Anh kể: Một lần, trong nhà còn đúng một nhúm gạo cuối cùng. Anh nghĩ mãi, chẳng biết làm thế nào để có gạo ăn bữa ấy. Tiền trong nhà đã cạn. Anh đành vào trong bản cách nhà chừng 2 cây số, xin được vốc ngô hạt đã nghiền nhỏ. Bữa ấy, nắm gạo để riêng một góc nồi dành cho con. Hai vợ chồng anh ăn ngô hạt, cứng như đá, mà nước mắt không sao cầm được.

20 Tết. Cái Tết sắp kề nhưng anh vẫn chưa nghĩ ra cách nào kiếm tiền. Một người bạn thấy anh cực quá, liền đưa anh đến giới thiệu với bà mẹ vợ, cho anh được mua chịu 1.500 bông hoa dơn, tính ra là hơn ba chỉ vàng.

Đóng vào bị cói mang xuống Nha Trang. Không bán được. Anh tính chuyện mang xuống Sài Gòn. Nhưng Sài Gòn lại có hoa từ Đà Lạt đưa xuống. Mang xuống Quảng Ngãi không ổn, vì người dân ở đó cũng nghèo, không thể xa xỉ mua dơn bày Tết...

Tuấn đánh liều đi Đắk Lắk. Bắt chuyến xe cà tàng chạy mất hơn 1 ngày trời. Đến cổng chợ Buôn Ma Thuột. Mua một gùi lá chuối tươi, anh thức trắng một đêm dỡ toàn bộ hoa, chia làm 150 bó rồi lấy lá chuối bọc, chỉ để chừa mỗi chỏm đầu bông để người ta không thấy hoa đã nở gần hết.

Sớm hôm sau, khi chợ Đắk Lắk còn mờ trong sương, anh đã ăn chực nằm chờ ở đó đợi người đi chợ. Đến tận chiều 27 Tết, bắt chuyến xe cuối cùng về kịp nhà, lãi được đúng… 1 chỉ vàng để mang cái Tết về cho vợ con.--PageBreak--

Đi qua đời lặng lẽ…

Sau cái đận bán hoa áp Tết năm 1994 ấy, một người bạn của anh làm nghề chụp ảnh dạo trên phố, đến chơi xách theo cái máy ảnh cổ lỗ sỹ… Thấy nhà Tuấn rách quá, mới hỏi: "Mày đi chụp ảnh không? Tao chỉ cho…". 30 phút chỉ dẫn sơ sơ, chụp như thế này, vặn cái ống này để điều chỉnh xa gần…

Đến ngày rằm, anh được "ông thầy" ảnh đầu tiên trong đời cho mượn cái máy Zen-nhít. Gom được mười mấy ngàn đồng làm vốn, mua cuộn phim, anh xách máy ra chùa. Lần đầu cầm máy, vừa run vừa sợ. Khách nhiều. Anh chụp đại. Phim hết. Anh mới ngớ ra là chưa được thầy dạy cách tháo lắp phim như thế nào.

Nhớ lại một lần, "thầy" cầm một cái nút tua phim. Thế là anh mắm môi mắm lợi quay. Phim bị giật. Hoảng, anh mở nắp lôi phim ra. Một phần đã bị trầy xước và nhàu nát. Lộ sáng, phim cháy hết cả. Số còn lại mang về rửa, cái thì ngược sáng tối thui, rất nhiều tấm bị loang sáng, mờ hết phần mặt người và có một khoảng trắng giữa ảnh, như những đám mây trước bụng…

Mười mấy ngàn làm vốn đi tong! Nản. Sớm hôm sau, anh đạp xe đến từng nhà, từng người xin lỗi và hẹn sẽ chụp đền, không lấy tiền vào ngày cúng rằm tháng sau…

Phùng Anh Tuấn bước vào nghiệp ảnh, với một lý do rất "nhân sinh" như thế. Những chiều lang thang nơi sân chùa đợi khách, anh thường vào nghe thầy tụng kinh, giảng kinh…

Rồi, chẳng biết từ khi nào, anh ngộ ra những triết lý sâu xa của nhà Phật, thấm thía những triết lý của Phật…, để rồi, anh chuyển những điều mà anh cảm, anh ngộ được vào trong các tác phẩm ảnh của mình, một cách rất tình cờ, đến độ anh cũng không lý giải được. Dòng ảnh Thiền của anh manh nha như thế.

Bức ảnh đầu tiên của dòng ảnh Thiền, Phùng Anh Tuấn chụp Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Một bữa vào phòng thượng tọa chơi, thấy những bức ảnh về trăng trên Trúc Lâm, Thiền viện Trúc Lâm trong mây…, anh mê quá.

Chục ngày sau, mượn một cái chân máy, anh đợi từ chập tối cho đến khi trăng lên. Bấm máy chừng chục cái, chụp với tốc độ 1, tốc độ 2, ba cái tốc độ B hỏng hết, vì trăng lên lâu quá thành… 2 trăng. Về sau, Phùng Anh Tuấn chụp được một bức "Trăng trên Trúc Lâm" xuyên qua gác chuông, vầng trăng khuyết đang treo lơ lửng trên thiền viện.

Người đọc và hiểu ngôn ngữ ảnh của Phùng Anh Tuấn không nhiều, bởi cái ý tứ mà ảnh Phùng Anh Tuấn muốn nói, nó không hiện hữu ở bề mặt của ảnh, mà ở trong một chiều sâu, ở đằng sau ảnh.

Bức "Suối" Tuấn chụp, là những lọn lá thông già nua, khô khốc được gió rải theo từng lọn, đổ dài trên những bậc thềm cũ kỹ, xuôi theo những đốm nắng suốt dọc con đường. "Bến" - một trong 18 bức ảnh sẽ triển lãm trong "Lặng…" vào tháng tư tới đây, là bóng một xác chuồn khô, nằm lay lắt trên lề đường. "Mòn" chỉ đơn giản là hai chiếc vòng bi người ta đặt làm bánh xe của chiếc cổng, những vệt mòn để lại trên nền sân, theo biên độ xoay mở của cánh cổng…

"Đầy" - một gầu nước sóng sánh đang ở lưng chừng giếng, chiếc dây gầu căng lên hết cỡ để hứng đỡ một sự ngọt lành căng tràn của tự nhiên… "Chiều" - hai cành củi khô dường như ai đó bỏ quên trên mặt hồ, quay ngược hướng nhau tựa như người ta sắp chữ…

Góc độ ảnh của Phùng Anh Tuấn, luôn là một sự ngạc nhiên cho người xem, bởi những cái mà anh đọc được, anh chụp lên ảnh, người ta mới ồ lên, rằng những thứ đó, toàn gần gũi xung quanh, toàn những điều giản dị, toàn những thứ nhỏ bé tầm thường…, tại sao mình không nhìn thấy, không để ý thấy? 

Phùng Anh Tuấn chụp ảnh không phải bằng mắt, mà có lẽ, bằng trái tim, bằng sự nhọc nhằn tủi nhục của mấy chục năm anh bươn chải giữa cuộc đời, vật vã làm nghệ thuật vì một lý do mưu sinh, vật vã với chính nó, để giữ cho mình một dòng ảnh riêng, không lẫn, không giống bất cứ ai, và khó có thể ai lấy được góc nhìn như của Tuấn…

Đôi mắt Phùng Anh Tuấn có đuôi dài. Một nốt ruồi đỏ nằm ngay khoé mắt. Vị trí nốt ruồi ấy cho thấy, chủ nhân của nó là một con người đa đoan, đa cảm, một con người đã phải nuốt nước mắt ngược vào trong không biết bao nhiêu lần, một người đã đi qua hết tất thảy những khó khăn, kể cả những chiều kiếm sống nuôi cả nhà bằng 10 ngàn tiền vốn, mua 3 lít xăng ngồi bán lẻ bên lề đường, phải cụp chiếc mũ vải xuống mỗi khi có bạn hữu đi qua… Không phải vì xấu hổ, mà vì một lòng tự trọng quá lớn, một con người lúc nào cũng nặng trĩu ưu tư…

Gã lại nhảy lên chiếc xe to tổ chảng, khuềnh khoàng giữa đường, như một gã du mục rong chơi giữa đại ngàn… Ai hỏi gã, gã lại cười, nụ cười giòn tan như tiếng nổ giòn giã của chiếc xe Su lật khật đã gắn bó với gã quá nửa thời gian tồn tại giữa cõi nhân gian này…

Ai hỏi gã, gã lại ngửa mặt cười xoà, như một gã trăng non…

Thái Bình
.
.