Nhiếp ảnh gia Phan Quang: Người leo dây cùng “nhiếp ảnh ý niệm”

Thứ Năm, 07/04/2011, 16:14
Bắt đầu từ cái nhìn về những người nông dân, góc nhìn nhiếp ảnh của Phan Quang mang đến nhiều trăn trở. Về thực tại. Về những người nông dân hôm nay, đang phải vật lộn đổi thay với chính họ, để tồn tại trong cuộc đô thị hóa rầm rộ. Ruộng đồng và nương bãi, những con sông ô nhiễm, những mùa màng thất bát, tất cả tạo nên những ánh nhìn ám ảnh. Phan Quang có dụng ý, sắp đặt và chờ đợi. Người ta xếp loại dòng hình ảnh đó là nhiếp ảnh ý niệm.

Một tác phẩm nhiếp ảnh không chỉ là những khoảnh khắc chớp máy, mà đó là một "concept", có tư tưởng và mục tiêu từ trước khi thực hiện. Chính vì thế, tác phẩm của Phan Quang đã không đi con đường thông thường mà bước vào một đời sống khác, buộc người xem phải vật lộn để tìm ra lời giải đáp cho chính mình.

"Nhật ký người nông dân", triển lãm nhiếp ảnh ý niệm của Phan Quang khi ra mắt công chúng TP HCM vài năm trước, đã tạo được nhiều luồng dư luận. Nhưng dù ủng hộ hay không, mọi người đều nhận ra tâm huyết của Phan Quang trong mảng đề tài này, đó là những người nông dân như bất lực, như vật vã để tìm mọi cách thích ứng, trong đó có sự nuối tiếc và cả những tiếng thở dài.

Phan Quang làm mọi thể loại nhiếp ảnh của nền công nghiệp truyền thông và thời trang, như một nghề mưu sinh. Có rất nhiều người đã chọn con đường ấy để có cả danh cả lợi. Nhưng Phan Quang đã bứt ra khỏi dòng chảy đó, nói chính xác hơn là tách biệt được hai mảng khác nhau trong chính con người mình. Công việc mưu sinh đồng thời là cơ hội trải nghiệm. Và sáng tác nhiếp ảnh, mỗi năm cho ra một triển lãm, với những bước đi tiên phong, là một phần khác, có vẻ như được anh chú trọng hơn.

- Ai cũng biết, anh là một người làm nhiếp ảnh. Nhưng tôi muốn hỏi, trước khi cầm máy ảnh, anh làm nghề gì?

- Tôi sinh ra trong một gia đình làm nông và tất nhiên tôi là nông dân.

- Nhiếp ảnh với nhiều người là một khoảnh khắc. Nhưng với Phan Quang, đó là sự cụ thể và được sắp đặt công phu. Vì sao vậy?

- Tôi nghĩ rất khó có thể đưa ra ranh giới khác biệt giữa vẻ đẹp của một khoảnh khắc và sự sắp đặt trong nhiếp ảnh. Bởi ngay cả khi sắp đặt, tôi vẫn cần chọn đúng thời khắc hợp lí để bấm máy, cái này rất khó diễn tả cụ thể vì nó gần như là bản năng làm nghề, tôi sắp đặt và chờ "sự kiện" diễn ra, "sự kiện" đó đôi khi là một ánh mắt thể hiện khát vọng, một cơ mặt buông thả, trống rỗng… và tôi chớp lấy khoảnh khắc đó.

Nó có thể diễn ra rất nhanh trong tích tắc rồi biến mất. Điều tuyệt vời là tôi thường không biết hết "sự kiện" sẽ diễn ra như thế nào, tất nhiên khi sắp đặt, tôi cũng có một vài hình dung, nhưng lúc xây dựng trên thực tế mọi thứ có thể sẽ khác đi. Cũng giống như những môn nghệ thuật khác, nhiếp ảnh có nhiều cách thể hiện, chụp ảnh theo kiểu sắp đặt hay nắm bắt lấy khoảnh khắc không quan trọng mà điều cốt lõi nhất là tác phẩm đó có nói lên được cái gì hay không.

Một tác phẩm trong triển lãm “Nhật ký người nông dân” của  Phan Quang.

- Trong triển lãm "Nhật ký người nông dân", có thể nói lần đầu tiên khái niệm "Nhiếp ảnh ý niệm" được đưa ra bàn thảo. Anh, một trong những người đi tiên phong, nghĩ thế nào về khái niệm này?

- Tôi nghĩ nếu có bàn thảo, hẳn mọi người sẽ bàn thảo "vì sao là nhật kí người nông dân" chứ không bàn về khái niệm nhiếp ảnh ý niệm và tôi cũng chưa phải là người đi tiên phong trong trường phái này. Và đó là một câu chuyện dài. Mọi người thường nói về nhật ký người nông dân như nói về một cách biểu đạt những ý tưởng. Và tôi nghĩ, nó cũng có được những dư âm.

- Nhiếp ảnh ý niệm thiên về sắp đặt ý tưởng và cố gắng tạo được ấn tượng không phải chính từ tác phẩm ấy mà từ thông điệp muốn gửi tới. Nói cách khác, anh đang làm công việc của một người chụp hình nhưng muốn người xem không nhìn thấy hình mà đọc được ý của tác giả. Công việc này hẳn là vất vả?

- Tôi nghĩ không riêng tôi mà tất cả những người làm nghệ thuật đều trải qua vất vả, càng vất vả bao nhiêu càng nhiều đam mê bấy nhiêu. Ngoài những yếu tố khách quan, những người làm nghệ thuật đương đại phải trang bị cho mình rất nhiều kiến thức về lịch sử, triết học, v.v và quan trọng nhất là sự trải nghiệm của bản thân.

- Có thể nhận thấy đề tài nông dân được anh khá ưu ái. Và trong những bức ảnh của anh có cả một tiếng kêu và tiếng thở dài. Anh nuối tiếc ư?

- Tôi không có ý định áp đặt người xem bằng cách trình bày chủ đề và nội dung của từng tác phẩm, tôi muốn người xem tự lí giải và hiểu theo cái nhìn riêng của từng người. Vì vậy nếu bạn tìm thấy trong ảnh của tôi tiếng kêu và tiếng thở dài, hẳn là bạn sẽ tự tìm được câu trả lời cho sự nuối tiếc, bạn có câu trả lời rồi, đúng không? 

- Để chuẩn bị chụp một bức ảnh như những bức ảnh trong "Nhật ký người nông dân" anh mất bao lâu? Và đâu là bức ảnh anh tâm đắc nhất?

- Tôi đã mất khoảng 2 năm từ lúc bắt đầu cho đến khi hoàn thành tác phẩm cuối cùng của seri "Nhật kí người nông dân". Đó là một chuỗi liên tục các vấn đề, sự kiện. Thật tình khi mới bắt đầu tôi không biết dự án này sẽ kéo dài bao lâu, có thời gian tôi thực hiện xong một bức rồi suy nghĩ đến bức ảnh kế tiếp.

Cũng có lúc bế tắc, phải dừng lại một thời gian khá dài để suy nghĩ cho đến tận cùng điều mình muốn thể hiện hoặc cân nhắc giữa hai hay ba cách thể hiện. Nhưng cũng có khoảng thời gian sung mãn, các ý tưởng đến ào ạt thì tôi lại gạt hết các công việc thường nhật khác, làm ngày, làm đêm trong cảm giác hưng phấn. Còn câu hỏi tôi đâu là bức ảnh tâm đắc nhất cũng giống như hỏi một ông bố thương đứa con nào nhất trong những đứa con của mình, thật là khó trả lời

- Anh cũng là một nhiếp ảnh gia đầu tiên thực hiện bộ ảnh về body art. Dự án này đã gây nhiều tranh cãi. Anh đánh giá mọi thứ thế nào?

- Tôi thích những công việc tạo ra sự tranh luận. Việc xuất hiện một cái gì đó mới, mọi người bàn tán về nó cũng là lẽ đương nhiên. Tranh luận mới thúc đẩy sự phát triển.

- Người tiên phong hoặc là thành công hoặc là bị ném đá. Bởi những gì họ làm chưa từng xuất hiện trong cộng đồng nghệ thuật (nơi họ sinh sống). Anh có từng bị ném đá không? Cảm giác của anh như thế nào?

- Như tôi đã nói, tôi thích những công việc tạo ra sự tranh luận, tranh luận nhiều chiều lại càng tốt vì chứng tỏ thế giới này quá mênh mông, còn cái tôi của mỗi người thì rất nhỏ bé. Làm gì mà ném đá! Tôi không thích dùng những ngôn ngữ quá ầm ĩ.

- Khi những bức ảnh có phần gợi cảm như vậy xuất hiện, chắc chắn sẽ có những dư luận trái chiều. Có dư luận nào khiến anh cảm thấy những nỗ lực của mình bị xúc phạm?

- Bất cứ người làm nghệ thuật nào cũng có những trải nghiệm riêng khi quyết định công bố những tác phẩm của mình ra công chúng. Với tôi, dư luận rất cần để chúng ta biết mình đang ở đâu, và chắc một điều rằng tôi không thấy có gì là xúc phạm khi ai đó không thích tác phẩm của mình.

- Làm nghệ thuật, cái khó nhất chính là tìm cho mình một lối đi riêng giữa dòng chảy chung. Anh đã chọn một con đường khó. Nhưng đến nay nhìn lại, anh có thấy hài lòng về điều đó?

- Đến chừng nào tôi vẫn thấy mình làm điều đúng thì chừng ấy tôi vẫn còn hài lòng.

- Anh từng nói, mỗi năm anh sẽ có một triển lãm ảnh để đánh dấu một bước đi trong con đường nhiếp ảnh của mình. Vậy năm 2011 anh sẽ làm về đề tài gì?

- Tôi đang thực hiện song song 2 dự án cũng về nhiếp ảnh ý niệm, cũng chưa biết cái nào để hoàn thành trước cái nào. Nhưng trước mắt tôi kì vọng năm nay sẽ làm được một cuốn sách nghệ thuật cho cá nhân mình. 

- Tôi được biết, anh không chỉ là một người làm nhiếp ảnh ý niệm, cuộc sống của anh được cấu kết chặt chẽ bởi đời sống thị trường, trong đó anh làm ảnh dịch vụ. Có sự mâu thuẫn nào giữa con người thị trường và con người nghệ thuật trong anh?

- Tôi không gọi đó là mâu thuẫn vì tất cả những công việc tôi đang đảm nhiệm lúc này đều có những mối liên quan mật thiết với nhau.  Khi mưu sinh bằng nhiếp ảnh thương mại hay khi làm báo, tôi có thêm cơ hội tích lũy những kiến thức tổng quan về xã hội và môi trường sống quanh mình. Cũng từ những công việc mưu sinh này, tôi có cơ hội quan sát tổng thể vấn đề, nhìn mọi khía cạnh của sự việc một cách rõ ràng chứ không phiến diện. Tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại, công việc của tôi nằm ở nhiều ngăn kéo nhỏ và khi muốn mở ngăn kéo này, tôi phải đóng ngăn kéo khác lại để không bị lẫn lộn và chi phối.

- Các nhiếp ảnh gia thường khó phục nhau. Anh có thấy rằng mình chưa được những người làm nghề đánh giá đúng về tài năng và tâm huyết?

- Hình như tôi chưa từng nghĩ về điều này, tôi vẫn luôn quan sát công việc và thành tựu của nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước. Còn họ đánh giá như thế nào về tài năng và tâm huyết của tôi thì không quan trọng. Bởi như tôi đã nói, khi công bố tác phẩm của mình ra công chúng, người xem thích và không thích là chuyện thường tình. 

- Cuộc sống là một dòng chảy không ngừng. Nhưng nghệ thuật lại là những giây phút lắng lại. Anh có cảm thấy mình rất thiếu thời gian để thực hiện những ý tưởng mới, khi mà anh quá bận bịu với nhiều công việc mưu sinh?

- Điều này thì có lẽ là có, vì vậy tôi thường bắt mình làm việc chăm chỉ gấp nhiều lần người bình thường. Người nhà của tôi cũng thường phàn nàn, tôi không có ngày nào thật sự là thứ bảy hay chủ nhật. Tôi biết vậy nhưng đã thành thói quen mất rồi.

- Anh quan niệm về cuộc sống thế nào? Và cuộc sống hiện tại của anh ra sao?

- Có công mài sắt, có ngày nên kim, cứ làm việc chăm chỉ, bạn sẽ nhận được thành quả tốt đẹp. Cuộc sống hiện tại, tôi nhận được sự hy sinh và chia sẻ của những người thân, đó là điều tôi cảm thấy hạnh phúc.

- Xin cảm ơn anh!

Thiên Ý (thực hiện)
.
.