Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1/3/1906 - 1/3/2006):

Nhân cách lớn của người cộng sản

Thứ Ba, 28/02/2006, 09:39

Ai đã từng dẫu chỉ một lần được trực tiếp tiếp xúc với Bác Phạm Văn Đồng, đều phải nhớ mãi tiếng cười sảng khoái và âm vang của Bác. Nhà văn hóa Trần Bạch Đằng từng viết: "Tôi không thể nào quên cái mà tôi gọi là "Tiếng cười Phạm Văn Đồng", hào sảng, bộc trực, thân thiết...". Tiếng cười đó chỉ có thể có được ở những người rất lạc quan, rất vững chãi, rất tử tế và luôn lấy chữ đức làm đầu.

Phát biểu trong lễ nhận Huân chương Sao Vàng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho mình ngày 1/3/1990, Bác Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh: "Trong lúc này, lòng tôi nghĩ đến Bác Hồ và nhớ tới điều căn dặn của Bác: thường xuyên tự phê bình và phê bình như mỗi ngày người ta phải rửa mặt. Đồng thời, tôi cũng cần nói với các đồng chí một điều mà đồng chí Tổng Bí thư (lúc đó là đồng chí Nguyễn Văn Linh-VHC) đã nói rất rõ trong bài diễn văn nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đảng ta và gần đây có nhắc lại trong một cuộc hội nghị với cán bộ, đó là phấn đấu chống lại cho bằng được các loại tiêu cực trong đời sống kinh tế và xã hội của nước ta.

Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ kể trên, tôi nghĩ rằng cái nhà của chúng ta hiện nay đang nhiều rác rưởi và dơ bẩn, làm cho quần chúng nhân dân phẫn nộ một cách chính đáng. Trong tình hình như vậy, việc chúng ta phải đặt lên hàng đầu công tác quét cái nhà của chúng ta, quét mọi rác rưởi và dơ bẩn, làm cho nó ngày càng sạch sẽ, có như vậy chúng ta mới có môi trường và cơ hội thuận lợi để làm tốt công tác khác về chính trị, kinh tế, xã hội, về đối nội, đối ngoại, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta tiến lên những bước mới, giành những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta". Thực sự là cho tới hôm nay, những lời nói tâm huyết này vẫn còn nguyên tính thời sự và cấp thiết.

Thủ tướng Phan Văn Khải cho tới hôm nay vẫn giữ nguyên trong lòng mình ấn tượng tốt đẹp từ những buổi gặp với người chiến sĩ cộng sản tận tụy với dân, với nước Phạm Văn Đồng: "Mỗi lần được gặp Anh, với từng câu chuyện nhỏ, Anh không chỉ truyền cho tôi kiến thức và kinh nghiệm hoạt động chính trị, ngoại giao mà còn ân cần chia sẻ những suy tư, kiến giải rất bổ ích về trách nhiệm điều hành và quản lý kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Anh rất say sưa, trăn trở, trăn trở đến cuối đời, về hoạt động văn hóa - giáo dục, luôn quan tâm đến đời sống của dân và đạo đức, phẩm chất của cán bộ. Anh am tường về văn học, lịch sử, lại rất chịu nghe, nhất là trước những vấn đề mà thực tế đặt ra. Anh trọng trí thức, hiền tài mà không sách vở, giáo điều. Không ít lần tôi được chứng kiến những buổi Anh làm việc, sinh hoạt với cán bộ cấp dưới. Lặng ngắm Anh và lắng nghe Anh giảng giải, tôi hiểu rằng, trước mắt mình là một con người thông tuệ, đa tài, chân thực và tâm huyết... Anh lại rất ôn tồn, nhẹ nhàng, điềm đạm, bao dung, với phong thái một nhà giáo. Điểm chung nhất ở Anh là sự uyên bác, tinh tế, sức truyền cảm từ những ý tưởng chân thành, đầy nhiệt huyết".

Trung thực với chính bản thân mình và cuộc đời, đó là thái độ nhất quán của Bác Phạm Văn Đồng từ đầu đến cuối. Chính vì tấm lòng Bác sáng như gương nên Bác dễ nổi giận, lo âu, trăn trở vì những hiện tượng tiêu cực, sai trái nảy sinh trong thực tế. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể, điều canh cánh trong lòng Bác Phạm Văn Đồng cho tới tận khi Bác từ giã cõi đời này vẫn là hiện tượng thoái hóa trong Đảng trong cơ chế thị trường: "Nhiều khi Anh đã kêu lên: Sao đảng viên bây giờ nhiều người hỏng thế!". Nói vậy nhưng tất nhiên Bác Phạm Văn Đồng cũng hiểu rằng, bao giờ cũng thế, trong Đảng ta, những cán bộ tốt đông hơn gấp bội phần số cá nhân riêng lẻ bị thoái hóa biến chất do không chịu thường xuyên tu dưỡng đạo đức. Và cũng chính vì thế nên gặp gỡ với những nhà lãnh đạo Đảng lớp sau hay gặp những đảng viên bình thường, bao giờ Bác Phạm Văn Đồng cũng tâm sự đầy tâm huyết về nhu cầu tiến hành phê bình và tự phê bình trong Đảng một cách nghiêm túc nhất để Đảng ta xứng đáng với vai trò vừa là lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của đất nước và dân tộc.--PageBreak--

Theo lời kể của nhà thơ Việt Phương, nguyên Thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, có lần chính Bác Phạm Văn Đồng tâm sự: "Bác Hồ bảo xét cho cùng cái xấu trong con người là danh và lợi. Bao nhiêu thứ bệnh quy về đấy, bao nhiêu tác hại là do đấy... Khó nhưng phải tìm mọi cách giữ cho cán bộ, đảng viên đừng mắc vào vòng tham danh lợi". Bản thân Bác rất gương mẫu trong việc này. Cũng theo lời kể của nhà thơ Việt Phương: "Sau một phần tư thế kỷ giúp việc Anh, được Anh khuyến khích, một hôm tôi đề nghị Anh thu xếp thì giờ nghe phê bình những khuyết điểm của Anh. Anh hẹn sáng hôm sau. Tuy đã chuẩn bị kỹ, cả đêm đó tôi còn chuẩn bị thêm, chủ yếu là tắm gội cho tấm lòng mình trong sạch. Đúng hẹn, Anh đã ngồi im nghe một người cấp dưới, một thư ký, giúp việc mình phê bình suốt hơn hai giờ, không một lần nào ngắt lời, nghe chăm chú và nghiêm chỉnh. Nghe xong, Anh trầm ngâm suy nghĩ khá lâu, rồi nói: "Những lời phê bình có nhiều điều đúng. Cũng có một số điều người không hoàn toàn trong cuộc không thể hiểu hết mọi hoàn cảnh. Nhưng tôi thấy không nên và không cần nói lại. Tôi sẽ suy nghĩ và tiếp thu để sửa chữa. Đồng chí chúng ta, anh em chúng ta phê bình nhau thế này là rất tốt". Anh đứng lên ôm hôn tôi, như rất ít khi, hàng chục năm mới có một lần, chỉ vào dịp rất đặc biệt, Anh mới ôm tôi như thế. Sau đó, tôi thấy anh cố gắng sửa chữa những điều mà Anh nhận là cần sửa...". Gần những lãnh tụ như Bác Phạm Văn Đồng, lòng chúng ta thực sự trở nên trong sáng hơn, đúng đắn hơn, vị tha với người, với đời hơn.

Bác Phạm Văn Đồng từng nói trên diễn đàn một hội nghị lớn: "Chúng  ta, những người lãnh đạo cao của Đảng và đất nước, dĩ nhiên có tôi, nợ của dân rất nặng. Chúng ta ăn lương của dân, do dân nuôi, nhưng chúng ta chưa làm lợi cho dân được bao nhiêu, thậm chí có người còn làm ngược lại...".

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhớ lại rằng, những năm cuối đời, Bác Phạm Văn Đồng "bận tâm nhiều đến một số hiện tượng thoái hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên. Bác hay nói tới ý, đường đời cũng như đường cách mạng lâu dài, thường phải đứng trước và trải qua nhiều ngã ba. Đứng trước ngã ba đó, Đảng và đảng viên phải kiên định con đường đã lựa chọn. Đừng nghiêng ngả”.

Chủ tịch Trần Đức Lương cũng nhận xét, trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Bác Phạm Văn Đồng thực sự không giấu nổi những suy tư trước những tác động theo mặt trái của nền kinh tế thị trường, trước nạn tham nhũng, tệ quan liêu đang ngày càng gia tăng, trước hiện tượng thương mại hóa các quan hệ xã hội kéo theo các tệ nạn xã hội ngược với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và đạo đức xã hội truyền thống của dân tộc...

Bản thân cuộc sống của Bác Phạm Văn Đồng đã là tấm gương soi trong trẻo nhất về một nhân cách cách mạng lớn. Bác là người suốt đời tự giác sống theo những quy chế đạo đức và sinh hoạt nghiêm ngặt nhất tự đặt cho mình. Bữa ăn của Bác bao giờ cũng đạm bạc, dân dã. Món tráng miệng ưa thích nhất của Bác là khoai lang. Đồng chí Hoàng Quốc Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên thư ký riêng của Bác Phạm Văn Đồng, kể: "Bên trong cuộc sống bình dị và phong cách ứng xử độ lượng là thái độ nghiêm khắc với bản thân của đồng chí Phạm Văn Đồng. Hiếm thấy đồng chí "vi phạm" các chế độ tự đặt cho mình về sinh hoạt, rèn luyện thân thể, tu dưỡng, tự học...

Các thầy thuốc được biệt phái chăm sóc sức khỏe đồng chí đều có chung nhận xét về tính nghiêm túc trong việc tuân thủ phác đồ điều trị của đồng chí. Những năm đã cao tuổi, đồng chí thường nói với chúng tôi: "Người già có nhiều kinh nghiệm sống và hoạt động nhưng cũng dễ bảo thủ, cố chấp, gia trưởng, phải luôn cảnh giác với chính mình. Nếu anh em thấy tôi có điều không phải thì cho biết, đừng nể". Những buổi làm việc sau đó, đồng chí thường hỏi: "Có gì cần nói không?". Khi chúng tôi báo cáo chưa có, thì đồng chí nói vui: "Chưa nghĩa là sẽ có chứ gì? Ta phải cố giữ cho nhau nhé!". Thật đáng mừng, khi tuổi đồng chí ngày càng cao, chúng tôi không hề phải báo cáo điều "sẽ có" như đồng chí căn dặn...".

Cố thi sĩ  Huy Cận trong bài viết về Bác Phạm Văn Đồng đã kết luận: "Phạm Văn Đồng đúng là một sĩ phu của thời đại mới". Người cộng sản chân chính với nhân cách lớn của mình luôn là sĩ phu của thời đại mới theo nghĩa đúng đắn và biện chứng nhất của từ này

Vũ Hoài Châu
.
.