Nhạc sỹ Thuận Yến: Đã vô thường rồi

Thứ Tư, 07/10/2009, 14:25
NSƯT Thanh Hương vào nhà chuẩn bị thuốc bữa trưa cho chồng, tôi thấy nhạc sỹ Thuận Yến bước ra vườn ngó nghiêng trời đất. Tôi hỏi ông có tưới cây không? Thuận Yến lắc đầu chỉ vào bà Hương. Nhưng rồi ông cầm bình nước và bắt đầu phun mưa vào những giò hoa phong lan tươi rói. Ông đứng lặng một hồi trước đôi chim đang ríu rít trong lồng, nụ cười nở trên gương mặt đã chợt ngô dại. Gương mặt ông ngơ ngác, đôi mắt hiền, xa vắng...

Hà Nội không nắng không mưa. Hồn ai đó cũng không nắng không mưa như thời tiết vào thu mang chút đìu hiu trong khí trời. Tôi rất sợ phải đi xuống những cái ngõ như những con dốc trên đường Đê La Thành, hun hút, và dốc đứng, những đoạn dốc dẫu không sâu lắm nhưng cũng cho ta cảm giác hút vào phía sâu, đâu đó sau lưng con phố Đê La Thành chật như nêm người. Cổng nhà nhạc sỹ Thuận Yến lúc nào cũng im lìm khóa. Một cảm giác như tách biệt, như ẩn giấu, như riêng tư trong không gian xanh ngút mắt ở ngôi nhà của vợ chồng nhạc sỹ Thuận Yến và Hồ Thanh Hương.

Tôi bấm chuông mất 15 phút thì mới có cô bé mở cổng. Nhạc sỹ Thuận Yến thường ngày an tọa ở trên lầu, quanh quẩn bên chiếc giường, cái bàn nhỏ trong một không gian riêng của mình, sốt ruột nghe tiếng chuông cửa gọi hoài, cũng rón rén xuống nhà và thập thò sau giàn hoa phong lan hỏi vọng ra: "Ai đấy". Thuận Yến hỏi ai đấy mà không nhận ra ai đấy cả, cho dù tôi đứng trước mặt ông, phỏng vấn ông bao nhiêu lần, trò chuyện với ông bao nhiêu dịp. Cứ mỗi một lần gặp, ông lại ngơ ngơ, ngác ngác hơn, nhớ quên hơn và lần gặp này thì dường như xoá hẳn hoàn toàn dữ liệu về tôi rồi khi cố nhắc mãi ông cũng chẳng nhớ ra tờ báo ANTG mà ông nhất mực yêu quý.

Nhà nhạc sỹ Thuận Yến hôm nay vắng hoe. Mọi bận đến nhà tìm ông, lúc nào cũng thấy bóng NSƯT Hồ Thanh Hương, vợ nhạc sỹ Thuận Yến trước hiên nhà. Nhà Thuận Yến trồng nhiều cây cảnh, có hẳn một vườn phong lan trước sân. Bà Hương yêu cây xanh, nên hễ có thời gian rỗi là bà chăm chút cho từng giò phong lan xanh mướt, chăm chút cho vườn cây cảnh nhà mình lúc nào cũng tươi tốt và mát mắt. Đó cũng chính là khoảng không gian trong trẻo, mát lành cho những tâm hồn nghệ sỹ trong ngôi nhà của bà tìm về, neo đậu.

Hôm nay, NSƯT Thanh Hương cùng với con trai Trí Minh và con gái Thanh Lam đang bận rộn cho một liveshow của bố. Bà khá vất vả với những việc tỉ mỉ hậu trường cho liveshow của chồng là nhạc sỹ Thuận Yến chuẩn bị diễn ra tại Nhà hát Lớn trong hai đêm liên tục vào cuối tháng 9. Cả nhà đang tất bật lo toan và thu xếp đến hoàn hảo những công việc cuối cùng cho nhạc sỹ Thuận Yến. Chỉ mình Thuận Yến là đi bên lề sự kiện trọng đại của chính mình một cách hồn nhiên và vô tư nhất.

Không bận bịu, không vướng bận, không nghĩ ngợi, không hình dung hết nỗi, ông mơ tỉnh, thực hư, hồn như đang phiêu bồng trong một cõi vô thường. Những lúc trí nhớ lẫn lộn thế này, trông Thuận Yến càng lành hiền hơn. Cảm giác như cuộc sống thực đang bỏ quên ông ở bên lề, hoặc chính ông đang bỏ quên cuộc sống náo động kia, để trốn mình vào ký ức. Cuộc đối thoại sáng nay với nhạc sỹ Thuận Yến thật ngộ.

- Ôi, cả nhà đi đâu hết hả ông?

- Không biết nữa. Họ tới họ quay phim chụp ảnh một chặp rồi đi hết rồi. Ui chao là quay đi, diễn lại, họ còn bắt tôi ngồi vào đàn piano nữa. Vui lắm.

- Thế bà nhà đi đâu rồi?

- Bà Hương nhà tôi đi đâu ấy, có những cái cặp gì ở trên đầu ấy. Tôi sợ lắm, tôi đi theo, tôi thấy mấy cái cặp đó, tôi khóc, tôi lo cho bà. Nhưng đến chiều bà về, thấy không sao cả, đầu bà hết cặp rồi.

(Hóa ra, Thuận Yến nhớ lại chuyện vợ mình đi làm đầu, ông nhìn thấy bà cặp lô uốn tóc nên rất lo, chỉ sợ vợ mình bị làm sao đó ở trên đầu).

- Bà đi vắng, ông mong bà về không?

- Ui chà chà! mấy hôm bà Hương bà ấy khóc quá trời, khóc vì thương tôi bệnh đó. Bà ấy khóc, tôi cảm động lắm. 

- Dạo này ông có sáng tác không?

- Có chớ.

- Có bài gì ông mới viết không?

- Có chớ, chuẩn bị diễn bài mới lắm, hay lắm trên Nhà hát Lớn. Con Lam và thằng Minh đang chuẩn bị gì đó. Lớn lắm, bài dài lắm, là một tổ khúc cơ. Tên "Hương rừng nhớ Bác". (Nhạc sỹ Thuận Yến nhớ lẫn lộn).

- Ông sẽ lên biểu diễn cùng với các con chứ ạ?

- Có chớ, biểu diễn cùng chớ. Chương trình lớn lắm. Thằng cu em con Lam ấy, thằng Trí Minh ấy nó cao to đẹp trai, nhưng tôi quên mất tên thằng con nó rồi. Còn con Lam, nó nổi tiếng lắm, hát hay lắm, cháu có biết không.

- Dạ cháu biết.

- Bà Hương đi đâu rồi, bà ấy đi lâu thế chưa về à.

Thuận Yến không quan tâm tới câu hỏi của tôi nữa, mà quay sang tìm bà Hương vợ ông. Ông vẫn biết sắp tới các con của ông sẽ tổ chức liveshow hoành tráng kỷ niệm một đời sáng tác của ông. Ông vẫn biết những ngày này, các nhà làm phim, Đài Truyền hình đang tranh thủ quay những thước phim tư liệu khi ông còn có thể nhận biết được. Ông chỉ nhớ nhớ quên quên và có lúc quên hẳn, mang mang với ký ức rồi lại chợt nhớ ra. Có khi ông quên hết tên các cháu, quên luôn mình là ai, quên luôn người vợ tần tảo lo toan cho chồng con hết mực là ai. Nhưng hiện tại ông có thể quên nhưng quá khứ, những chuyện ngày xửa ngày xưa thì ông nhớ rất rõ.

Người già quay trở về với quá khứ, chỉ sống bằng quá khứ. Có lẽ vậy mà trong trí nhớ của nhạc sỹ Thuận Yến bây giờ, quá khứ là thứ rõ ràng nhất. Ông nhớ những kỷ niệm chiến trường, tình yêu với người vợ. Càng bị lãng quên hiện tại, nhạc sỹ Thuận Yến lại nhớ vợ nhiều hơn. Ông thể hiện nỗi nhớ đó cuống quýt như một đứa trẻ. Mỗi lần bà ra khỏi nhà ông lại đi lên đi xuống, đi ra đi vào xem bà về chưa. --PageBreak--

Nghệ sỹ Hồ Thanh Hương kể rằng: Bà và nhạc sỹ Thuận Yến cùng học với nhau ở Nhạc viện Hà Nội, sau đấy bà được ở lại giảng dạy ở trường. Nhạc sỹ  Thuận Yến thì được Đảng phân công vào chiến trường. Hồi đó, hai người mới chớm yêu nhau, ông rủ bà cùng đi chiến trường, bà đồng ý vì lúc đó tuổi trẻ, ham vui nên bỏ giảng dạy và đi với ông vào Đoàn văn công Quân Giải phóng Thừa Thiên - Huế.

Lúc đó là năm 63-64 chiến trường vẫn ác liệt và người ta chưa cho nữ văn công đi vào. Để đi được, cấp trên phải lên gặp Bác Hồ, bác Giáp xin phép cho 6 nữ diễn viên rất xinh đẹp đi cùng đoàn. Bà Thanh Hương là nhạc công đàn thập lục có mặt trong đoàn. Khi bà vào chiến trường, bà không hề hình dung được chiến tranh khốc liệt đến vậy. Tình yêu của ông bà kinh qua lửa đạn, càng thắm thiết hơn, bền chặt hơn.

Yêu nhau từ 1960 đến mãi năm 1968 hai ông bà mới cưới nhau. Đến năm 1968 khi quân đội về thành phố Huế để tiếp quản thì vì chiến tranh gian khổ quá cho nên năm 1968 bà bị thấp khớp nặng. Bà không diễn được nữa thì Nhà nước cho bà ra miền Bắc. Lúc đó mới tổ chức cưới nhau, ra Hà Nội mới có Thanh Lam.

Ra ngoài này ban đầu bà dạy ở Trường Nghệ thuật Quân đội, sau đó về Đài Phát thanh Giải phóng và năm 75 tiếp quản Sài Gòn thì bà làm ở Đài Phát thanh Giải phóng Sài Gòn. Sau đó về Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến bây giờ. NSƯT Hồ Thanh Hương nghỉ hưu lâu rồi, năm nay bà đã bước sang tuổi 67 nhưng về nghệ thuật thì bà vẫn tham gia trong lĩnh vực đệm đàn cho ngâm thơ và hát dân ca. Chính danh hiệu NSƯT của bà cũng được Nhà nước trao tặng trên lĩnh vực đệm đàn cho thơ và đệm đàn hát dân ca.

Với NSƯT Thanh Hương, cái làm nên sự bền vững trong tình yêu của ông bà đó chính là sự chia sẻ và sự ngưỡng mộ tài năng của bà với nhạc sỹ Thuận Yến. Bà mến ông, ngưỡng mộ tài của ông trước khi yêu. Trong sự nghiệp của bà luôn có hình bóng ông hiện hữu. Ông dạy cho bà những nốt nhạc đầu tiên, những gì thuộc về âm nhạc ông đều chăm chút dồn trút cho bà. Hồi còn sinh viên, những môn học khó như hòa thanh thì ông đều phải giảng cho bà. Ngay cả danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú của bà, ông cũng có đóng góp rất lớn. Chính ông đã sáng tác những đoạn nhạc cho bà đánh. 

Giờ đây nhạc sỹ Thuận Yến lại trở về vẹn nguyên như đứa trẻ trong vòng tay chăm bẵm của vợ. Bà lo cho ông từng bữa cơm, từng viên thuốc. Ngày nào bà cũng kẽo kẹt chở xe máy đưa ông đi tiêm. Ông bị bệnh alzheimer đã 5-6 năm nay, đến giờ thì ngày càng nặng. Gần chục năm nay, bà tần tảo chăm sóc ông như chăm một đứa con lớn tuổi mà khờ khạo, nhớ nhớ quên quên, lẫn lộn trí nhớ.

Dự định làm liveshow cho bố là ý tưởng và mong muốn của hai con ông bà là Thanh Lam và Trí Minh. Nhưng đầu năm nay, do bệnh tình của nhạc sỹ Thuận Yến ngày một nặng lên, hai con ông đã quyết liệt dành toàn bộ thời gian, tiền bạc để quyết tâm lo cho bố một liveshow để đời. Thanh Lam chịu trách nhiệm về nội dung, còn Trí Minh là tổng đạo diễn kiêm hoà âm phối khí cho các tác phẩm âm nhạc của bố. Nói đến điều này, NSƯT Hồ Thanh Hương nước mắt rơm rớm. Bà bảo: "Nhìn hai đứa con lo lắng và dồn tất cả tâm huyết để làm liveshow cho bố, tôi xúc động lắm. Tôi nể các con, phục chúng nó và thương các con vô chừng. Cả hai đứa nói làm liveshow khi bố vẫn còn nhận biết được, chủ yếu là để bố vui, còn dư được đồng nào thì để bố chữa bệnh. Hiện nay vé đã bán hết sạch từ 4 ngày trước. Điều này tôi cũng không thể ngờ được, vì giá vé rất cao, toàn 4-5 trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, giá mà liveshow này tổ chức được sớm hơn chút nữa, lúc mà ông còn hoàn toàn minh mẫn thì chắc chắn cả đại gia đình sẽ sung sướng hạnh phúc hơn bội phần".

NSƯT Thanh Hương vào nhà chuẩn bị thuốc bữa trưa cho chồng, tôi thấy nhạc sỹ Thuận Yến bước ra vườn ngó nghiêng trời đất. Tôi hỏi ông có tưới cây không? Thuận Yến lắc đầu chỉ vào bà Hương. Nhưng rồi ông cầm bình nước và bắt đầu phun mưa vào những giò hoa phong lan tươi rói. Ông đứng lặng một hồi trước đôi chim đang ríu rít trong lồng, nụ cười nở trên gương mặt đã chợt ngô dại. Gương mặt ông ngơ ngác, đôi mắt hiền, xa vắng. Bà Hương gọi ông vào nhà chuẩn bị đi tiêm.  Nhạc sỹ Thuận Yến lật đật lên lầu quần áo chỉnh tề đóng bộ sơvin gọn gàng, đội chiếc mũ tai bèo như hình ảnh chú bộ đội giải phóng quân năm xưa.

Nhìn bà lạch cạch dắt xe máy ra, chở ông ngồi sau, mất hút trong ngõ phố ngoằn ngoèo, thấy thương và cảm phục đôi vợ chồng già. Cũng dễ đến gần 10 năm nay, ông đi đâu, bà đều có mặt bên cạnh ông để chở ông đi, lo cho ông từng ly từng tí. Không những thế, bà còn là người quản lý đắc lực cho con gái Thanh Lam, là chốn bình yên và thân thương nhất để lúc nào Lam mỏi mệt lại trở về bên bố mẹ.

Cuộc sống là những dòng chảy mải miết. Mới ngày nào đó, nhìn thấy nhạc sỹ Thuận Yến bên cây đàn với những nốt thanh âm xao xuyến vang lên…vậy mà bây giờ, dường như đã lâu lắm, ông như từ từ bước vào cõi vô thường rồi

N.B.
.
.