Nhạc sĩ trẻ Phạm Hải Âu: Diều chờ ngày gió

Thứ Năm, 26/09/2013, 14:44
Sau thành công của Vệt nắng và Người em yêu mãi, mới đây, Phạm Hải Âu trở lại sân chơi Bài hát Việt với ca khúc Vì em nhớ anh. Lần trở lại này, tuy không lập cú hat-trick giải thưởng như năm trước, nhưng tôi tin người yêu nhạc anh hẳn sẽ vui mừng khi chứng kiến một Hải Âu đang dần định hình phong cách sáng tác, nhẹ nhàng, mộc mạc mà không kém phần tinh tế. Có một Hải Âu trong đời thường, cũng thế…

1. Âu sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt. Tuổi thơ Âu là những chuỗi ngày êm ả trôi. Ba của Âu hồi trẻ từng là một cây văn nghệ có tiếng ở trường và ở huyện. Tiếng hát, tiếng đàn của ông đã làm xuyến xao trái tim cô giáo trẻ xinh đẹp. Bà gật đầu về làm vợ ông. Rồi cũng chính tiếng hát tiếng đàn ấy đã thắp lên tình yêu âm nhạc trong lòng cậu con trai bé bỏng. Hồi Âu vào tiểu học, ba cho Âu học keyboard ở Cung văn hóa thiếu nhi, cũng là nơi ba làm việc.

12 tuổi, Âu bắt đầu tiếp xúc với nhạc rock và bị tiếng guitar điện réo rắt mê hoặc. Đà Lạt ngày ấy, người dạy guitar đã ít, dạy guitar điện lại càng hiếm hoi nên Âu chỉ còn biết thở dài ao ước. Một lần, tình cờ phát hiện ở Lạc Dương có ban nhạc gia đình của anh Bi (Tuyên Đức - guitarist của nhóm Unlimited hiện giờ) với đủ nhạc cụ từ guitar điện đến trống, bass,...

Thế là, Âu cùng với cậu em họ khăn gói đi học. Từ nhà Âu lên Lạc Dương phải đến 30 - 40 cây số, vậy mà nắng hay mưa, hai cậu nhóc vẫn đều đặn đạp xe đi học. Được 2 năm thì Hải Âu cùng với một số anh em trong gia đình lập ban nhạc rock thiếu nhi mang cái tên rất đặc trưng của thành phố - Sương mù. Mỗi lần tập nhạc, cả nhóm lại rúc lên căn gác ở nhà một người bạn, nóng hầm hập, hàng xóm thì liên tục phàn nàn vì tiếng ồn mà vẫn không xi-nhê với mấy cậu nhóc.

Nhờ siêng năng tập luyện, Sương mù dần trở thành cái tên quen thuộc trong giới underground ở Đà Lạt lúc bấy giờ với nhiều sáng tác như: Đại dương sâu thẳm, Chiến tranh, Ngọn gió thánh, Hư vô,… Vì việc riêng của các thành viên, Sương mù tan rã sau khi cống hiến những đêm diễn hoành tráng ở Rockstorm 2010.

2. 18 tuổi, Âu xuống Sài Gòn, thi vào khoa Quản lý Âm nhạc, Trường Đại học Văn hóa. Lúc được tin Âu đậu đại học, bạn bè Âu đứa ngạc nhiên, đứa bất ngờ, thảng thốt. Vì năm lớp 12, Âu đúng nghĩa là cậu học trò cá biệt, khiến ba mẹ rầu lòng, thầy cô lo lắng. Âu thường xuyên cúp học, tóc tai lúc để dài, khi cạo trọc, rồi bấm lỗ tai, đeo bông lủng lẳng, chẳng biết sợ ai. Ngày nào đi học mà không kiếm chuyện gây sự là hôm đó Âu thấy bứt rứt không yên.

Có lần, bị mẹ la, Âu giận dỗi bỏ nhà đi bụi. “Lúc ấy, mình nghĩ mình lớn rồi, có thể tự làm nuôi bản thân được. Thế là mình bặm gan xin vào làm phục vụ ở một nhà nghỉ. Có lẽ thấy mình tội tội nên cô chủ đồng ý dù người ta không cần người. Buồn cười là, khi ấy khách gọi một dĩa cơm lên phòng, cô chủ không biểu mình, còn bảo: “Thôi, ngồi đó đi con, để cô bưng!”.

Mình năn nỉ, rốt cục cô chủ cũng chịu. Lần đầu tiên đi phục vụ, mình làm đúng ngày hôm đó và bưng đúng một dĩa cơm. Sáng hôm sau đến trường thì thấy anh đã đứng đón mình ở cổng. Về nhà, mẹ không la mắng gì hết, vậy mà mình thấy có lỗi vô cùng”.

“Mà chưa hết đâu, hôm trước lễ trao bằng tốt nghiệp, mình còn đánh nhau một trận tơi bời với mấy bạn ở lớp chuyên toán nữa, trong khi hôm sau mình lại có tiết mục văn nghệ chia tay thầy cô, bạn bè. Sợ mình bị kỷ luật, mấy bạn nữ trong lớp khóc bù lu bù loa, các thầy các cô thì giận vô cùng, tâm trạng đâu nữa mà hát với hò. Giờ nghĩ lại, mình vẫn không hiểu sao, tự dưng năm đó mình trở nên đổ đốn dữ vậy!”.

 “Rồi mình xuống Sài Gòn thi đại học. Trường ở tít quận 2, ba phải chở mình đi từ sớm cho kịp giờ thi. Thấy ba lo lắng từng chút, ngồi lay lắt trước cổng trường đợi, mình thương ba quá, tự nhủ phải thay đổi. Ba mẹ chưa bao giờ nói với mình những câu đạo lý to tát cả. Với mấy anh em mình, ba mẹ như những người bạn vậy, lắng nghe, chia sẻ, nhưng sau những lần ấy, mình nhận ra được nhiều điều để tự lớn lên”.

“Có 3 khoảnh khắc mình nghĩ là mình đã trưởng thành. Lần thứ nhất là lúc mình học lớp 6, mình không còn được nhận quà vào ngày Quốc tế thiếu nhi nữa. Lần thứ hai là năm học lớp 12, mình bỏ nhà đi bụi ấy, nhưng lần đó mình sai. Và lần thứ ba là khi học năm thứ nhất đại học, mình về thăm nhà, xin đi đâu, mấy giờ về, mẹ cũng cho hết. Lúc ấy, mình ý thức được rằng, mình đã lớn, càng phải sống có trách nhiệm hơn. Hồi xưa, hay gây sự đánh nhau vậy chứ giờ về Đà Lạt mà gặp ai gây sự là mình bỏ chạy mất” - Âu cười trong trẻo.

3. Suốt năm học thứ nhất, tháng nào Âu cũng về lại Đà Lạt cho thỏa nỗi nhớ. Âu yêu những buổi sớm sương giăng mắc khắp cành cây ngọn cỏ. Âu nhớ những con phố yên tĩnh, những quán bún bò, café dẫu có đông đúc nhưng vẫn có chút gì đó thật trầm lắng. Để rồi, mỗi lần trở lại Sài Gòn, Âu nhận ra, “Sài Gòn có… mùi rất lạ, hơi khói bụi, hơi đông đúc nhưng không hề khó chịu”. Tôi bật cười trước nhận xét thú vị của Âu, bởi những lúc xa Sài Gòn, tôi cũng da diết nhớ cái mùi khó định danh ấy.

Để có thêm tiền trang trải việc học, Âu đi đánh đàn cho đám cưới. Gần cũng đi mà xa cũng nhận lời. Âu bùi ngùi kể: “Không có lúc nào mà tâm trạng khổ như đánh đàn đám cưới. Mình đánh đàn ở trên sân khấu, bụng đói meo, trong khi ở phía dưới người ta ăn uống khí thế. Mình nhớ, hôm đó, tiền cát-sê của mình được 90 ngàn, ông bầu đưa tờ 100, mình không có 10 ngàn thối lại, phải ráng đợi hơn 15 phút nữa để ông bầu đi đổi tiền”.

Thương Âu chịu khó, lại có ngón đàn tốt, bạn bè giới thiệu Âu vào đàn ở quán café và các bar. Khoảng thời gian ấy đã giúp Âu được cọ xát rất nhiều. Nhưng rồi, Âu chợt nhận ra, việc chơi guitar không phải là con đường lâu dài để làm nghề. Âu dần tiếp cận với hòa âm-phối khí qua sự chỉ dẫn tận tình của anh Tâm Vinh, rồi tập tễnh hòa âm hai ca khúc Âu viết hồi 15, 16 tuổi là Những ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên và Đã là mãi mãi. Được một thời gian, Âu bắt đầu nghĩ đến việc viết ca khúc và tự hòa âm cho thỏa sức sáng tạo.

Âu tìm cách gởi sáng tác cho các ca sĩ nổi tiếng. Nhưng, tuyệt không một ai trong số ấy hồi âm. Không nản chí, Âu đánh liều gởi sáng tác đến chương trình Bài hát Việt. Một bài, hai bài rồi đến bài thứ ba gởi đi mà vẫn bặt vô âm tín. Đã có lúc, Âu thấy hoàn toàn mất phương hướng, rồi lại nghĩ có lẽ tại bản phối sơ sài quá. Thế là, Âu vét mấy trăm ngàn tiền để dành thu bản hoàn chỉnh cho Vệt nắng. “Hồi ấy, mình là đứa viết nhạc ất ơ nên đâu có dám nghĩ đến việc mời ca sĩ hát, chỉ biết nhờ người có giọng hát tốt hát giúp thôi”.

Có lẽ, trời không phụ lòng người. Vệt nắng được chọn. “Lúc ban tổ chức gọi cho mình hỏi muốn ca sĩ nào hát. Tình thiệt, mình nghĩ ca sĩ nào cũng được, bài được chọn là mình vui lắm rồi”. Có lẽ, do cái duyên, Lân Nhã hát Vệt nắng của Âu rồi trở thành đôi bạn thân trong âm nhạc đến giờ. Âu kể: “Bài hát gởi gấp quá, anh Lân Nhã không kịp thuộc nên hát lộn lời lung tung. Ngồi ở phía dưới mình nghe mà hoang mang tột độ nên đâu có dám mơ ước gì đến chuyện giải thưởng”.

Nhưng có lẽ, sự giản dị, gần gũi của bài hát đã chiếm được cảm tình của thính giả. Cái tên Phạm Hải Âu được xướng lên trong niềm vui vỡ òa. “Mình nhớ lúc đó có ba bốn mươi người bạn đang ngồi quanh mình, đồng loạt đứng lên vỗ tay. Bước lên sân khấu nhận giải mà mình như đi trên mây vậy. Đêm đó, mình lấy tiền được giải khao hết bạn bè” - Âu hạnh phúc nhớ lại.

Có thể nói, Bài hát Việt là một bệ phóng quan trọng cho sự nghiệp của Âu. Bởi, sau thành công của Vệt nắng, rồi tiếp đến là Người em yêu mãi, Phạm Hải Âu dần trở thành cái tên được giới làm nghề tin tưởng. Thiết nghĩ, đó là phần thưởng xứng đáng cho sự lao động miệt mài, kiên trì của chàng trai có tâm hồn nhạy cảm ấy.

4. Gom góp tiền hòa âm, tiền bản quyền ca khúc, Âu giờ là chủ một phòng thu trên đường Nguyễn Biểu, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Âu trải lòng: “Cuộc sống của mình hiện tại không dư dả nhưng được cái ổn định. Phải ổn định mới lo cho gia đình được”.

Có cảm giác như, sự nổi loạn ở tuổi 18 đã cuốn đi hết cái bốc đồng của tuổi trẻ trong Âu, để thay vào đó là một Hải Âu khiêm tốn và tinh tế. Trong câu chuyện với Âu, tôi chợt hiểu, mai này, Âu có thể tiếp tục sáng tác, tiếp tục hòa âm, hoặc cũng có thể chuyển sang làm quản lý đúng với chuyên ngành Âu học. Nhưng, dù là nhánh nào thì vẫn chỉ có duy nhất một Phạm Hải Âu cháy hết mình, khát khao mang lại những sản phẩm âm nhạc chất lượng.

Sau đêm diễn ở chương trình Bài hát Việt, Âu vội vã bắt chuyến xe đêm trở về “ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” như thể nếu đợi đến sáng hôm sau, Âu sẽ không kịp tận hưởng cái khí trời trong vắt lành lạnh, sẽ không kịp đắm mình trong cái khung cảnh vốn dĩ êm ả của Đà Lạt. Bởi Đà Lạt, trong Âu không chỉ là nơi chốn bình yên để trở về mà còn là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn và sáng tạo

Hoàng Dung
.
.