Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Nối vòng tay lớn…

Thứ Năm, 24/03/2011, 16:06
"Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi/ Rồi một mai tôi về làm cát bụi" (Cát bụi)..."Thí dụ bây giờ tôi phải ra đi/ Tôi phải ra đi/ tay chia ly cùng đời sống... (Rơi lệ ru người). Rồi "Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời" và "Mệt quá thân ta này/ nằm xuống với đất muôn đời"... Đã rất lâu, Trịnh nhiều lần "nói dại" vậy. Và rồi đúng ngày nói dối năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, Sơn đi thật, anh nằm xuống với đất muôn đời để lại khoảng mênh mông nỗi nhớ của người đời...

Trịnh Công Sơn, thiên tài và định mệnh

Năm ấy, một lần vào đầu thập niên 90 TK XX, lúc tôi đến thăm nhạc sĩ Văn Cao tại ngôi nhà ông đương ở, số 108 Yết Kiêu, Hà Nội, tình cờ gặp Trịnh Công Sơn ở đó. Hai nhạc sĩ nổi tiếng ngồi với nhau và còn có hai người bạn nữa, rượu Vân trong những cái chén nhỏ thơm lừng khiến sáng đông ấy hình như ấm áp hơn.

Họ nói những câu chuyện về nghệ thuật, về văn chương, hội họa rồi cuối cùng là âm nhạc. Vâng, âm nhạc đã đưa Trịnh đi tìm Văn Cao. Nhạc sĩ Văn Cao bảo: "Bạn tôi là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát từng nhận xét: "Sơn viết nhạc dễ như lấy chữ trong túi mình ra vậy. Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển, theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra".

Văn Cao kể rằng sau năm 1975 một năm, hai người mới gặp nhau nhưng từ trước đó, ông và Trịnh Công Sơn ngỡ đã là bạn của nhau từ bao giờ mặc dù Sơn kém ông 16 năm... Trịnh Công Sơn bảo: Bên Mỹ, ở trung tâm NASA, người ta cử bản “Thiên Thai” của Văn Cao trước khi lên vũ trụ… Hai nhạc sĩ tài năng này có điểm gì đó giống nhau. Có lẽ là về hình thể bên ngoài: người gầy thanh thoát, ngón tay dài trông rất tài hoa...

Vâng! Tài hoa vì cả hai đều viết nên những bản nhạc nổi tiếng, lại làm thơ cũng thật hay và vẽ thì thật đẹp. Thơ Trịnh là ca từ các bài hát của anh. Tôi nhớ GS Hoàng Ngọc Hiến có lần đã nói rằng bài hát "Đêm thấy ta là thác đổ" của Trịnh có ca từ là "một bài thơ tình có thể xếp vào hàng hay nhất thế kỷ". Ngày xuân bước chân người rất nhẹ/ Mùa xuân đã qua bao giờ/ Nhiều đêm thấy ta là thác đổ/ Tỉnh ra có khi còn nghe...

Lúc Trịnh rời nhà Văn Cao, người nhạc sĩ già ngồi riêng tiếp chúng tôi, ông bảo: Nếu được chọn ba tên tuổi trong làng nhạc Việt Nam thế kỷ này, tôi sẽ đề cử ba người, trong số ấy có Sơn.

 - Bác có thể cho biết hai người còn lại?

- Nói thì bảo là không khiêm tốn nhưng vừa rồi, thi làm quốc ca, thì mười bảy tác giả vào chung khảo kéo đến nhà tôi bảo rằng: Ông mới là "tác thật" của Quốc ca, còn chúng tôi đều là "tác giả" sất!

Văn Cao cười và tôi biết ý ông đã tự đề cử mình. Tất nhiên với ông còn những tuyệt phẩm khác… Còn người thứ ba?

Đó cũng là một người bạn tôi. Ông ấy đã có một quá khứ âm nhạc rất vẻ vang mà ai cũng thừa nhận…

Tôi cảm động vì tình cảm của Văn Cao dành cho Trịnh Công Sơn. Mới hay tài năng và nhân cách của những tên tuổi lớn thường ở cạnh nhau. Vậy là Trịnh đã được chính Văn Cao đánh giá là một trong những nhạc sĩ lớn nhất thế kỷ XX ở Việt Nam 

Nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Không biết rồi qua thế kỷ XX, liệu có ai đứng ra tổ chức cuộc bầu chọn như Văn Cao từng kỳ vọng, nhưng tôi biết Trịnh Công Sơn có một chỗ đứng vô cùng lớn trong lòng người yêu nhạc… Thế hệ anh tôi, chúng tôi, rồi các em tôi và bây giờ khi Trịnh đã về miền cát bụi rồi, thì tiếng hát anh, những bài hát anh vẫn còn là tiếng ru, vẫn còn là niềm an ủi cho những phận người khác nhau. 

Ngày Trịnh mất, tôi đã bàng hoàng như thể mình mất một thứ gì thiêng liêng lắm. Cả buổi chẳng nói một câu nào với ai. Tôi ân hận vì cuối năm 1999 vào Sài Gòn công tác, gọi điện thoại cho anh rồi nhưng vì mải việc, đến khi bay ra Hà Nội mà không đến được nhà anh. Vậy là tôi nợ anh cuộc hẹn của một đời… Trịnh Công Sơn quê quán Huế, làng Minh Hương. Làng Minh Hương nay sáp nhập vào Bao Vinh thành xã Hương Vinh. Bao Vinh là thương cảng của Huế xưa.

Nhưng anh sinh ngày 28/2/1939, tại tỉnh Đắk Lắk, rồi lớn lên tại Huế.

Trịnh Công Sơn theo học chương trình Trung học Pháp tại Huế, đến hết cấp 2, theo học Trường Thiên Hựu, Providence ở Huế. Rồi chuyển vào Sài Gòn, học tại Trường Jean Jacques Rousseau. Sau đó vào học Trường Sư phạm Quy Nhơn, rồi đi dạy học ở BLao…

Trên một cuộc đời ít nhiếu biến động, cậu bé Sơn thuở ấy đã có xu hướng nghệ thuật. Anh mê ca hát và âm nhạc từ lúc còn rất nhỏ. Mới 10 tuổi đã biết solfège, chơi đàn mandoline, và thổi sáo. 12 tuổi đã chơi guitare và tự đệm cho mình hát. Rõ ràng âm nhạc đã cuốn hút Trịnh Công Sơn từ lúc thiếu thời, tuy anh không nhận mình nuôi mộng thành nhạc sĩ.  "Tôi đến với âm nhạc như một cách chọn nghề. Chỉ viết những ca khúc đầu tiên từ những thôi thúc bên trong. Tôi yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên tôi không hề gợn lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ…".

Đó là một bí ẩn. Thiên hướng âm nhạc rõ ràng như vậy mà anh lại không định đi theo con đường âm nhạc. Vì sao vậy? Đi dạy học rồi viết nhạc và ca hát, dùng tiếng ca để hiến dâng cho đời tình yêu và trái tim người nghệ sĩ cho khát vọng đất nước hòa bình, an vui. Có lẽ vì thế, mà âm nhạc với anh chỉ là một thứ phương tiện để thể hiện tình cảm với cuộc đời. Và anh đã làm sứ giả của hòa bình, anh tranh đấu cho đất nước yên hàn…

Không học nhạc, trải bao thăng trầm thời cuộc thế mà viết đến 600 ca khúc làm lay động triệu triệu trái tim… Thiên tài là ở đó. Thiên tài thường mang nhiều bí ẩn. Trịnh đã không là ngoại lệ. Tôi gọi đó là định mệnh. Định mệnh đã trao anh cây đàn và cây bút và bắt anh hát lời yêu thương dành cho đất nước và thân phận con người.

Sơn tranh đấu cho ngày hòa bình trên quê hương

Sống trong một xã hội tạm chiếm Sài Gòn những năm đen tối và kìm kẹp như vậy, nhưng trái tim Sơn luôn dành cho đất nước, cho đồng bào mình với khát khao hướng về ngày hòa bình “Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay.../ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ Mặt đất bao la anh em ta về/ Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”. (Nối vòng tay lớn).

Trịnh  Công Sơn có cái an nhiên chức phận đi qua cuộc đời, trải chiến tranh đứt rồi nối, với tâm thế người chiến sĩ tranh đấu vì đất nước và đồng bào. An nhiên trong cuộc đời và trong nghệ thuật, anh đã nguyện "sống trong đời sống, cần có một tấm lòng".

Bây giờ thì anh gửi lại hết mọi hơn thua, thị phi, ngộ nhận của đời rồi. Sơn trước sau vẫn là Sơn - một gã hát rong nhưng tiếng hát Sơn có sức lôi cuốn triệu triệu trái tim kết nối yêu thương tranh đấu cho ngày đất nước ngày hòa bình thống nhất. Sơn phản đối chiến tranh, căm ghét bạo tàn và anh đã cất lên tiếng hát cũng là anh tranh đấu cho hòa bình.

Trịnh Công Sơn từng theo vào thăm cha ở nhà lao Thừa Phủ khi ông bị bắt vì tham gia kháng chiến chống Pháp và anh đã thấm nỗi đau chiến chinh. Anh hát kêu gọi xuống đường hát những bài ca phản chiến. Định mệnh của anh là ở đó.

Thái Bá Vân kể: "Trong bộ Bách khoa Le Million (trang 22 tập 8 - Genève 1973) người ta đã viết về Trịnh: “Nhiều thi nhân Việt Nam ngày nay đã tìm hơi thở hùng ca của tổ tiên ngày trước để hát nỗi đau của mình. Trịnh Công Sơn nổi bật giữa những tài năng trẻ đó. Bài hát của anh tràn ngập thành phố và thôn quê. Trịnh Công Sơn cất cao tiếng hát thi nhân mà đạn bom không bao giờ dập tắt được...".

Có lẽ những bài hát phản chiến của anh đã nói lên điều đó. Ngày dài trên quê hương, Ca khúc Da vàng, Đại bác ru đêm, Nối vòng tay lớn, là những bài hát như vậy. Trịnh, hình như có một định mệnh duy nhất là đem âm nhạc hóa giải mọi nỗi đau, mọi thù hận để kêu gọi hòa hợp dân tộc.

Rồi còn điều này nữa, định mệnh đã cho anh có giờ phút vinh quang mà không nghệ sĩ nào có được, ấy là chính anh đã cùng bạn bè hát Nối vòng tay lớn trên đài Sài Gòn vào ngày 30-4-1975 lịch sử. Vậy là bài ca về khát vọng của cả dân tộc bao năm nay được cất lên khi giấc mơ thành hiện thực. Chỉ cần anh viết và hát Nối vòng tay lớn thôi, trong giờ phút trọng đại ấy đã đủ để tôn vinh tên tuổi người nghệ sĩ.  

Và một Tiếng hát người tình đầy thân phận

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: "Điều rất lạ, toàn những ý tưởng triết học đa đoan kia, Trịnh Công Sơn chỉ chọn một người để nói là Người Tình. Tại sao trong từng khoảnh khắc của đời mình, Trịnh Công Sơn chỉ chọn Người Tình để nói lại mọi điều?...". “Người tình còn đây, bạn bè còn đây".

Từ mối tình đầu tiên với cô gái em của Hà,  một người bạn Huế tên là Ph Th, người đẹp hiền thục ấy là mối tình đầu tiên vô vọng của anh để rồi từ đó có những tình khúc nổi tiếng: Nắng thuỷ tinh, Nhìn những mùa Thu đi, Gọi tên bốn mùa từ vẻ đẹp thánh thiện của cô gái Huế trong mơ ấy...

Còn đây  người trong Biển nhớ là Tôn nữ B Kh vẫn còn ở Nha Trang. Còn đây D và A của Diễm xưa và Xin trả nợ người chính là hai chị em đương sống tại California và cuối cùng là Bống Bồng ơi, cho một ca sĩ người Hà Nội...  Vâng! Sơn đã ca hát như một thiên sứ đem lại niềm an ủi và sẻ chia mọi kiếp nhân sinh. Tình yêu với Trịnh, ấy là những thiên diễm tình.

Đó là những tình yêu đẹp đến bất ngờ bởi sự tan vỡ, sự dang dở nhưng tuyệt nhiên không có ái tình nhầy nhụa xác thịt hay sầu bi. Anh ngợi ca tình yêu trên mọi cung bậc và mỗi người tình đi qua đời anh đều để lại những tuyệt khúc cho đời. Những cuộc tình đi qua đời anh đã ít nhiều để lại những vết thương và đó mới là tình sử đời anh. "Từng người tình bỏ tôi đi/ như những dòng sông nhỏ...".

Trên những thiên tình sử ấy, anh đã viết nên những ca khúc ngợi ca tình yêu và thân phận: "Lòng tôi có đôi lần khép cửa/ Rồi bên vết thương tôi quỳ/ Vì em đã mang lời khấn nhỏ/ Bỏ tôi đứng bên đời kia...".  Anh thiên tài bởi anh biết lấp vào khoảng trống đơn côi tuyệt vọng của những thân phận để mỗi người đứng dậy mà sống và yêu đời: "Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng".

Tôi, bạn tôi lúc buồn đau thất vọng việc đời đã hát lên, đã nghe đồng vọng khúc ca vỗ về thân phận. Triết lý nhân sinh của Sơn đã đạt đến độ hóa thành kinh thánh. Một thứ kinh thánh cứu vớt cõi người. Sơn đã thốt: "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau". Chỉ vậy thôi, con người có trái tim nào mà không yêu thương và nhân hậu cho được?

Nói anh là thiên tài bởi anh chỉ là kẻ du ca với vốn liếng kỹ thuật âm nhạc ít ỏi tự học mà đã  có một sự nghiệp sáng tác đồ sộ với 600 ca khúc được hát lên khắp miền bởi hàng triệu người yêu mến Trịnh.  Một bữa rượu khuya khoắt ở nhà Trần Hoà Bình năm 1992, bên Cầu Giấy, chúng tôi đã hát liên khúc Trịnh cho đến khi cây guitare duy nhất đứt dây.

Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng đọc lại ca từ những bài hát Trịnh và bảo: "Không thể tin được một người bình thường lại viết ra những câu như thế. Nếu không là thánh nhân thì cũng là ma quỷ". Tôi cãi: "Không phải thánh thần, ma quỷ nào hết. Chỉ có Phật mới như vậy".

Phật luôn an ủi mọi kiếp người mà! 

Cho tôi mượn lời nhà thơ Nguyễn Duy viết vào đêm Trịnh mất, đúng 10 năm trước để kết bài viết nhỏ thay lời bạn bè tưởng nhớ anh: "Anh là người có âm vang vô tận - âm vang của trái tim thiên tài. Một thiên tài không có tuổi".

                   Hà Nội, tháng 3 năm 2011

Tân Linh
.
.