Nhạc sĩ Thế Song: Tình có trăm năm?

Thứ Sáu, 23/11/2012, 16:30
Phải khẳng định rằng, với Thế Song tình yêu lớn nhất trong cuộc đời là tình yêu âm nhạc. Còn thứ tình yêu xếp thứ hai lặng lẽ, không dùng những lời lóng lánh để diễn tả là tình yêu dành cho vợ - bà Nguyễn Thị Thanh.

Nhiều người biết đến nhạc sĩ Thế Song vì ông là tác giả của nhạc phẩm “Nơi đảo xa” làm xúc động hạng triệu trái tim bằng những ca từ lóng lánh, ăm ắp cảm xúc. “Mắt em nhìn theo con tàu đi xa mãi/ Giữa biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô/ Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em/ Ơi ánh mắt em yêu như biển xanh như trời xanh trong nắng mới/ Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai/ Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui/ Đây con tàu xa khơi/ Đây con tàu xa khơi”. Phải khẳng định rằng, với Thế Song tình yêu lớn nhất trong cuộc đời là tình yêu âm nhạc. Còn thứ tình yêu xếp thứ hai lặng lẽ, không dùng những lời lóng lánh để diễn tả là tình yêu dành cho vợ - bà Nguyễn Thị Thanh.

Đến tuổi 80 khi tất cả mọi thứ chỉ là dĩ vãng, chúng tôi được ông ưu ái kể câu chuyện tình yêu của cuộc đời mình với những cảm xúc không thể thật hơn…

“Bởi vì nhìn thấy em thương lắm!”

Nhạc sĩ Thế Song sinh năm 1933, ông là một người con trai Hà Nội hào hoa sinh ra ở một con phố cũ và hoa lệ của Hà Nội. Những bức ảnh ông chụp ngày ấy hoen màu thời gian nhưng vẫn đủ để nhận ra những bộ quần áo là thẳng nếp với kiểu tóc rất mô phạm và người đàn ông trong ảnh đứng dáng kiêu hùng... Những người quen biết nhạc sĩ kể lại rằng: Hồi trẻ, Thế Song một cậu thanh niên đào hoa và được rất nhiều cô để ý và tỏ bày tình cảm. Dẫu rằng bị bó buộc bởi cái e dè, mực thước của thời đại nhưng có rất nhiều cô gái đã nói yêu bằng lời thật, hành động thật với ông. Ông “kiêu ngạo” mà nói rằng: Không thích thì không thể ép để thích. Không yêu thì không thể nói bừa yêu.

Thế Song là người nổi tiếng ở khu phố. Ban đầu tìm ông ở số đầu phố Tôn Đức Thắng, hỏi nhà nhạc sĩ Thế Song, đã có một người đàn bà nhìn chúng tôi kì lạ. Bà ấy nói, nhà nhạc sĩ Thế Song không phải ở đây. Bà ấy hỏi han, rồi trực tiếp dẫn chúng tôi vào nhà ông ở ngõ nhỏ khác với lời góp khen “bác ấy giỏi nhỉ”.

Khi tới nhà, nghe nhạc sĩ kể chuyện, đôi lúc tôi hình dung về ông là một người đàn ông rất khó tính, kén chọn và “khác thường” vì sự xa lạ lạnh nhạt với những cô gái đẹp người, đẹp nết. Thế nhưng, Thế Song bảo: Tuổi trẻ, tôi có cái kiêu sa của tôi. Tôi với họ chỉ là những người bạn bình thường, bình thường quá nên không thể nảy sinh tình cảm. Đến tận bây giờ, họ có gia đình riêng, tôi vẫn còn giữ liên lạc với họ. Trước và giờ họ còn mến yêu tôi, tôi không thể đáp lại tình cảm của họ…giờ già rồi chúng tôi là bạn.

Thế nhưng tình yêu lạ kì vì có sự sắp đặt của duyên số. Ông chẳng để ý đến một cô gái tư sản xinh đẹp nào cả, lại để ý đến một cô gái có hoàn cảnh éo le. Bởi người phụ nữ ấy tạo ra sự xúc động sâu sắc trong lòng ông. Bà là Nguyễn Thị Thanh, người phụ nữ kém ông gần 8 tuổi.

Ông bồi hồi kể lại: “Tôi quan sát cô ấy rất lâu bằng việc ngày ngày đi qua cửa nhà. Có hôm, tôi thấy cô ấy đi làm về rồi ngồi ăn cơm một mình mà chỉ ăn cơm cháy. Có hôm lại thấy ngồi đan len mà cứ cắm mặt buồn rười rượi vào cuộn len”. Khung cảnh nơi vợ mình từng ngồi, đến năm gần 80 tuổi, nhạc sĩ Thế Song vẫn nhớ: Đó là một căn nhà trên phố Hàng Bông. Nó gần những hiệu bán đồ bánh nướng, bánh dẻo trứ danh… Hỏi ra mới biết vì cô ấy là con vợ cả, vì mẹ đã mất nên bị đối xử hà khắc. Tôi tự hỏi lòng mình, người ấy quá khổ nhỉ? Hoàn cảnh ấy lại không biết trông vào đâu…Vì một tình thương yêu sâu sắc, nhạc sĩ động lòng trắc ẩn: “Tôi quyết định lấy cô ấy để kéo cô ấy ra khỏi sự khổ đó. Và đó cũng là người đầu tiên tôi yêu thương thực sự cho đến năm 26 tuổi”.

Nhạc sĩ Thế Song dạy con trai học đàn.

Tháng 11/1959 nhạc sĩ Thế Song tổ chức đám cưới. Khi ấy ông 26 tuổi và người vợ của mình 18 tuổi. Bác gái bớt khổ nhiều khi làm vợ nhạc sĩ Thế Song. Cái tết đầu tiên trong gia đình nhà chồng của bà Thanh được nhạc sĩ Thế Song nhớ lại: “Lúc ấy mẹ tôi còn sống. Tết cũng còn đẹp và thiêng liêng lắm! Có một bộ vét tôi lôi ra mặc bằng được và đi chơi tết cùng vợ”. Người ta có 2 độ tuổi hồn hậu nhất, đó là khi thơ bé và khi đã thật sự già. Nhạc sĩ Thế Song trở nên rất hồn hậu, đáng yêu như thế vì tất cả những điều ông kể đều xuất phát từ đáy lòng, đều chân chất hồn nhiên và không hề che giấu.

Bởi vì hành trình không dài đến trăm năm…

Nhạc sĩ Thế Song công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Cuộc đời cống hiến cho âm nhạc của ông gắn với thời gian ông ở Dàn đồng ca Đài Tiếng nói Việt Nam và khi làm biên tập âm nhạc ở các chương trình như “Khắp nơi ca hát”, “Ca nhạc theo yêu cầu của thính giả”. Thuở ấy, người nghe đài từ khắp mọi miền Tổ quốc thường xuyên gửi thư đề nghị về đài để được nghe ca khúc đượm chất dân ca, màu dân tộc…

Các chương trình được làm ở khắp nơi và luôn đòi hỏi phải không ngừng cải tiến. Bởi thế nhạc sĩ Thế Song phải đi lại rất nhiều và va chạm với rất nhiều cô gái. Dù biết ông có vợ nhưng nhiều cô gái vẫn thương nhớ, ngưỡng mộ. Rất nhiều những tấm ảnh mà nhạc sĩ Thế Song lưu lại từ thuở hàn vi chụp với các cô gái xinh đẹp từ khắp mọi miền Tổ quốc. Mỗi khi nhìn lại, ông không kịp nhớ tên các cô gái, chỉ là nhớ những địa danh Đà Lạt, Nha Trang, Lâm Đồng, Sài Gòn… Ông bảo, tính nghệ sĩ để cho những ca khúc bay bổng nhưng không phải để yêu thương con gái khắp trăm miền. 

Trong suốt cuộc hôn nhân của mình, nhạc sĩ Thế Song công nhận mình bị ghen và được ghen. Nói về cái ghen của vợ, Thế Song tự hào. Bác ấy có ghen nhưng ghen rất nhẹ nhàng bởi hai bác có cuộc sống rất riêng và tôn trọng nhau. Mỗi khi vợ nói “ám chỉ” là bác hiểu ngay. Và vì tôn trọng, hiểu vợ nên bác biết mình phải làm gì để yên lòng vợ. Ngoài tình yêu lớn nhất với âm nhạc, thì dù có đi bao nhiêu nơi, gặp bao nhiêu cô gái thì bác cũng chỉ yêu mỗi vợ.

Sống trong thời gian khó, sự chật chội trong việc ăn ở là cảnh chung. Nhạc sĩ Thế Song cùng bốn hộ gia đình sống trong một khu nhà cũ. Thế nhưng, gia đình ở đây là các con và vợ đã giữ cho nhạc sĩ Thế Song một góc nhà nhỏ yên bình cho những câu chữ, nốt nhạc ra đời… “Đó là một thời kì mẹ tôi và tôi phải làm thêm đủ thứ. Tôi 11 tuổi đã phải đi cuốn thuốc lá để cải thiện thu nhập. Khi giải phóng rồi thì cả gia đình làm bánh dẻo, bánh nướng bán cho các quán nước để có thêm thu nhập” anh Thế Huy con trai của nhạc sĩ Thế Song hồi tưởng.

Hỏi nhạc sĩ Thế Song về hạnh phúc gia đình trọn vẹn, nhạc sĩ hào hứng nói vui: Hạnh phúc là sau khi đi làm thì về nhà với vợ. Tức là một thứ hạnh phúc bình yên, tự nhiên. Bây giờ lớn tuổi rồi, dù cuộc sống có con cháu đầy đủ nhưng bác gái vẫn chăm nhạc sĩ Thế Song rất cẩn thận. Đúng giờ ăn mà chưa có cơm ăn, nhạc sĩ Thế Song sẽ gọi: Bà ơi cơm của tôi đâu? Nhạc sĩ Thế Song nói: Chẳng ai có thể yêu được trăm năm nhưng có thể sống cạnh nhau trăm năm. Tình cảm gia đình tôi cũng thế, dẫu tình yêu chẳng được trăm năm nhưng tình nghĩa thì rất nhiều…

Các con luôn tự hào về bố

Nhạc sĩ Thế Song có 4 người con. Anh cả Nguyễn Thế Huy, sau đó đến các em là Nguyễn Khánh Huyền, Nguyễn Thu Hà và Nguyễn Thế Hiển. Tôi có may mắn được gặp 2 người con của ông. Người con nào cũng nói về ông đong đầy tự hào và thương xót sức khỏe ngày càng yếu của ông.

Anh con cả Nguyễn Thế Huy là kỹ sư chế tạo máy thế nhưng vô cùng say mê các tác phẩm của bố. Khi chúng tôi đến nhà nói chuyện, anh có một cảm xúc dạt dào về những tác phẩm của bố mình. Anh cất tiếng hát bài Nơi đảo xa dặt dìu tha thiết. Anh hát lại các ca khúc đầu tiên của bố như Trồng hoa trên mộ liệt sĩ, Em mến yêu anh bộ đội một cách đầy hào hứng. Anh bảo: Tôi thích nghe những ca khúc của bố và bố hát từ ngày xưa. Bố tôi đã lớn tuổi, có những ca khúc bố sáng tác rồi đã quên thì tôi lại nhớ. Có lần tôi đi du lịch ở biển, tôi có nghe thấy ở đâu đó cất lên tiếng hát bài hát Nơi đảo xa. Tôi cố nhìn quanh thì thấy một nhóm người khiếm thị đi với nhau. Xúc động nghẹn lời, tôi đến gần hỏi họ có biết tác phẩm của ai không? Tôi đã hát với họ và nói về nhạc sĩ đã sáng tác bài hát ấy - chính là bố tôi.

Cô con gái thứ ba của nhạc sĩ Thế Song là chị Nguyễn Thu Hà. Chị Hà từng bôn ba nhiều nơi và hiện đang sống với bố trong cùng một nhà. Khi thấy bố nói chuyện với tôi, chị xa xót lo lắng cho sức khỏe của bố mình. Nói về bố, chị Hà bày tỏ: Tôi tự hào về bố, một nghệ sĩ. Tôi nhớ rằng, lúc nào có chương trình của bố là tôi gọi điện cho bạn bè “khoe tưng bừng”. Vừa rồi có dàn đồng ca hơn 600 người bài hát Nơi đảo xa tôi cũng rất xúc động.

Có một điểm rất lạ, đó là những người con của nhạc sĩ Thế Song đều nhớ những khoảnh khắc quan trọng trong đời của bố bao gồm cả việc sáng tác lẫn tình yêu. Anh Huy kể rành mạch diễn biến yêu thương trong tình cảm của bố mẹ mình. Nhạc sĩ Thế Song không chỉ khiến những người con tự hào về kho nhạc đồ sộ với hơn 500 tác phẩm mà các con của ông còn kính trọng ông vì sự hiền lành, đạo đức, khiêm tốn. Bởi với năng lực sáng tác dạt dào, nhạc sĩ Thế Song đáng được nhiều “danh” hơn thế!

T. Phan
.
.