Nhạc sĩ Phương Uyên: Những tài hoa mâu thuẫn

Thứ Ba, 02/09/2014, 03:00
Phương Uyên, thực sự là một tài năng hiếm có. Không qua bất cứ trường lớp đào tạo nào nhưng Uyên có thể “chơi” tốt tất cả các vị trí tạo nên một ca khúc hoàn chỉnh. Đàn, hát, sáng tác, hòa âm - phối khí và cả sản xuất. Ở Phương Uyên, vừa có sự nhạy cảm của nghệ sĩ, lại vừa có sự nhạy bén của người sản xuất âm nhạc, đo lường thị trường. Đành rằng, âm nhạc không biên giới và sáng tạo vốn phi giới tính, nhưng, phải thẳng thắn rằng, một nữ nhi khiến các đồng nghiệp nam trân trọng và thán phục như Phương Uyên, trong làng nhạc Việt, có mấy người?

Dung lượng bài viết này, có lẽ, chưa thể nào khắc họa đủ đầy chân dung Phương Uyên - nội tâm, sâu sắc, hay nghĩ suy và giằng xé, sống vì người khác và cực yêu gia đình.

Hôm đó ngồi với tôi, Phương Uyên không đeo mắt kính.

1. Viết về Phương Uyên, có lẽ trước nhất phải nói về 3 Con mèo. Bởi đó không đơn thuần là một khởi đầu như các ban nhạc khác mà còn là gia đình, là tình yêu và bè bạn của chị. Nhóm 3 Con mèo được thành lập năm 1988 gồm 3 chị em ruột sinh kề nhau: Phương Uyên, Cẩm Tú và Ngọc Diệp, dưới sự định hướng của người cha - ca sĩ Xuân Anh. So với những girl band cùng thời như Tam ca Áo trắng, Tik Tik Tak, TriO 666,… 3 Con mèo nổi bật và thành danh hơn cả bởi ngoài giọng hát đặc trưng, nhóm còn hút khán giả nhờ khả năng chơi nhạc cụ cực kỳ điêu luyện. Trong đó, nếu Cẩm Tú lo phần phối bè, động tác biểu diễn, Ngọc Diệp nhờ chất giọng mềm mượt, trong veo thường được giao mở đầu các ca khúc, phụ trách khâu trang phục, thi thoảng sáng tác thì Phương Uyên được coi là “linh hồn” của nhóm.

Với chất giọng thanh, vút cao và lạ, Phương Uyên là giọng chủ lực tạo điểm nhấn khi hòa giọng cùng hai cô mèo em. Khâu sáng tác, hòa âm và lo lắng, chăm chút cho Tú, Diệp cũng một tay Phương Uyên. Cùng với tay trống Huỳnh Nhiên, đôi bài có Khánh Du hát đệm, kết hợp một vài thành viên khác trong gia đình nhằm đảm bảo cho tiết mục trọn vẹn nhất, 3 Con mèo khuấy đảo khắp các sân khấu, phòng trà, vũ trường, bar ca nhạc lớn nhỏ tại Sài Gòn lúc bấy giờ. Đều đặn mỗi đêm, lịch chạy show của nhóm chưa bao giờ dưới con số 10.

Nhắc đến Phương Uyên nói riêng và 3 Con mèo nói chung, người ta mặc định đó là một nhóm/ nhạc sĩ Rock. Dù Phương Uyên và 3 Con mèo từng viết/ thể hiện thành công các ca khúc ở nhiều thể loại khác nhau. Hiển nhiên, vì nhạc của Phương Uyên mang đặc trưng của Rock: giai điệu trẻ trung, mang hơi thở tươi rói từ đời sống, ca từ giản dị mà sâu sắc. Nhưng trước hết, và có lẽ đây là lý do cốt yếu khiến nhạc Phương Uyên phổ biến và được nhiều người yêu mến: không gân guốc, gào thét mà chân thật, lay động lòng người. Bởi, mỗi lần bước lên sân khấu, 3 Con mèo “đốt” sân khấu bằng sự tận hiến, hát như không còn có ngày mai. Bởi, Uyên viết bằng trái tim nóng hôi hổi, run rẩy trước cuộc đời. Thật, tôi chưa thấy ai viết về vấn nạn ma túy ấn tượng, xúc động và đầy ám ảnh như Phương Uyên. Ca khúc mở đầu với hình ảnh chiếc xe tang, lời trách móc cũng chính là lời tiếc thương của người ở lại, đồng thời nhắn nhủ những ai lỡ sa chân: Anh sao anh quên nhanh bao lời hứa/ Vì sao không quên đi đam mê trong màu trắng kia/ Anh ơi hay không cha mẹ đã cho anh hôm nay/ Giờ đang khóc đưa anh về cõi mơ… (Anh tôi).

Thập niên 90 được xem là thập kỷ vàng của nhạc Việt sau đổi mới nói chung và là thời kỳ vàng son của Rock Sài Gòn nói riêng, việc một nhóm nhạc chịu ảnh hưởng và chơi Rock, theo tôi, không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng, với một nhóm nhạc nữ hát có chất, lại có thể chơi tốt nhạc cụ kiêm luôn sáng tác và hòa âm chuyên nghiệp như 3 Con mèo thực sự là một “hiện tượng” hiếm có. Năm 2011, sau một thời gian dài lui về “ở ẩn”, Phương Uyên trình làng album Gia đình tôi, gồm 11 ca khúc viết tặng cho người thân, do chính chị trình diễn. Chất nhạc ấy vẫn vẹn nguyên nét ban sơ buổi đầu. Tôi băn khoăn, có phải vì những “dư chấn” từng xảy ra, Uyên tìm đến nhạc Rock như một sự giải tỏa? Chị thành thật: “Chị cũng không biết nữa. Chỉ biết lên sân khấu là cháy hết mình. Cầm đàn lên thì nhạc bật ra, vậy thôi. Mình viết cho mình mà em…”.

2. Phương Uyên bén duyên sáng tác từ một sự “miễn cưỡng” đáng yêu. Năm 1992, Liên hoan Pop-Rock toàn thành diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên, quy tụ đông đảo ban nhạc đình đám thời đó. 3 Con mèo được đặc cách mời tham gia khi cuộc thi đã tiến đến vòng bán kết dù lúc ấy, nhóm chủ yếu hát nhạc ngoại. Đến vòng chung kết, ban tổ chức yêu cầu mỗi nhóm nhạc phải có một ca khúc tự sáng tác. Đến với tình yêu - ca khúc đầu tay của Phương Uyên ra đời như vậy. Cuộc thi năm đó, huy chương vàng thuộc về 3 Con mèo. Rồi như một khơi chạm mạch nguồn ẩn giấu, Uyên viết nhạc trở nên dễ dàng như người ta ghi nhật ký sau một ngày. Khói bụi, kẹt xe, vượt đèn đỏ, vấn nạn ma túy, đói nghèo,… tuổi trẻ, tình yêu, hoài niệm tuổi thơ, sự trở mình của đất nước, Sài Gòn mến yêu,… đều có thể trở thành đề tài để Phương Uyên khai thác. Riêng với 3 Con mèo, có thể kể đến: Tuổi 20, Tuổi mộng mơ, Oh oh ngày ấy, Yêu yêu yêu, Nhớ lúc bé,… Trong đó, được biết đến nhiều nhất là: Mẹ yêu, Sài Gòn cô Tiên năm 2000, Anh tôi và bài Tôi yêu.

Phương Uyên tài hoa đến độ, từ hồi 6, 7 tuổi, chỉ cần ba ngồi trước mặt, dạo đàn qua một lần, chị có thể đánh lại không sai một nốt. Thú vị là, dù “gia tài” bài hát đã vượt ngoài số trăm nhưng Phương Uyên chỉ nhớ giai điệu, còn lời thì quên sạch. Thế nhưng, chỉ cần ca sĩ hát sai lời là Phương Uyên nhận ra ngay vì “chị có văn phong riêng, cách hòa âm khác, chị sẽ không viết hoặc hòa âm như vậy”.

Phương Uyên còn là nhạc sĩ hiếm hoi chứng kiến và song hành cùng thế hệ ca sĩ này đến thế hệ ca sĩ khác. Có thể tạm chia 3 Con mèo cùng những nhóm nhạc, ca sĩ cùng thời thuộc giai đoạn thứ nhất, giai đoạn nhạc Rock chiếm ưu thế. Giai đoạn thứ 2 là thời của các ca sĩ Lam Trường, Đan Trường, Phương Thanh, Thanh Thảo,… Giai đoạn thứ 3 gắn liền với Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà,… Và giai đoạn thứ 4 đang bắt đầu hình thành. (Tất nhiên, mọi sự phân chia chỉ mang tính chất tương đối. Và những cá nhân được nhắc đến chưa phải là tất cả, song có thể xem là đại diện tiêu biểu.) Dù ở giai đoạn nào thì Phương Uyên cũng nhanh chóng thích ứng và trụ lại ngày càng vững chắc. Bằng chứng là tại mỗi thời đoạn, Phương Uyên đều có những sáng tác được các ca sĩ trên đỉnh cao danh vọng của giai đoạn đó đón nhận nồng nhiệt. Với Đan Trường là ca khúc Tình bạn, Thanh Thảo là bản Chàng gây “sốt” một thời, Phương Thanh là Ghen, Con cầu xin, Hồ Ngọc Hà có Người yêu bé nhỏ, Em vẫn muốn yêu anh,… Chưa kể, ở những thời khắc đáng nhớ hoặc những sự kiện trọng đại, Phương Uyên chưa bao giờ đứng ngoài cuộc như Sài Gòn cô Tiên năm 2000 hay mới đây nhất là Những trái tim Việt Nam hướng đến biển đảo. Nói về Những trái tim Việt Nam, Phương Uyên xúc động trả lời báo giới: “Nếu tôi có thể làm gì cho đất nước, thì đó là lúc này”.

Nhạy cảm với cuộc sống xung quanh, linh hoạt, luôn luôn cập nhật và bắt kịp xu hướng âm nhạc trên thế giới, mà vẫn giữ được cái riêng, làm được như Phương Uyên, trong nhạc Việt, có mấy người? Lê Minh MTV - người cùng Phương Uyên hợp thành đôi song ca trên các sân khấu cách đây ba năm, từng nói: “Phương Uyên là một trong những người được xem là tài năng xuất chúng, là hình tượng âm nhạc và có sức ảnh hưởng suốt nhiều thế hệ, một trái tim luôn tâm huyết với nghề, một tâm hồn lớn, nhạy cảm…”.

3. Phương Uyên sống bản năng và nghệ sĩ, nhưng chỉ trong âm nhạc và trên sân khấu. Còn ngoài đời, chị cực kỳ chỉn chu và nề nếp. Đến mức, nhiều người nghi ngờ, vậy sao viết nhạc được? Nhưng, với Phương Uyên, đó là chuẩn mực cần có của một nghệ sĩ. Uyên kể, không riêng chị mà cả hai em đều ý thức điều đó. Đi ra đường, quần short cũng không dám mặc, muốn sà xuống vỉa hè ăn tô bún cũng ngại ngần. Đó không phải là sự xa cách hay che đậy mà là quy chuẩn để hình ảnh đẹp mãi long lanh trong mắt công chúng. Hỏi Phương Uyên, có vì vậy mà cảm thấy tù túng? “Mỗi ngày còn được thức dậy, làm công việc mình yêu, ăn những món mình thích, có gia đình yêu thương, có mục đích để sống là chị thấy hài lòng và hạnh phúc rồi! Còn thì bước chân ra ngoài, đã là người của công chúng mình phải sống có trách nhiệm” - Uyên nhẹ nhàng hồi đáp.

Mục đích của Phương Uyên, không gì khác ngoài mong muốn có thể góp chút sức nhỏ nhoi, định hướng cho những tài năng trẻ. Chính cái mong muốn đó đã thôi thúc chị “xuất đầu lộ diện” trước công chúng sau 7 năm chới với trước sự tan rã của 3 Con mèo vào năm 2001. Ban đầu, chị đi hát cho đỡ nhớ khán giả, nhớ sân khấu và quen dần cái cảm giác thiếu thiếu, trống trống mỗi khi nhìn sang bên trái, ngó qua bên phải. Đi hát, nghĩa là Phương Uyên lại bắt đầu tiếp xúc với một thế hệ mới. Chị thấy tụi trẻ giàu tài năng, thừa đam mê nhưng lại thiếu định hướng. Vậy là Phương Uyên xắn tay vào. Bữa trước, bữa sau thì scandal ập đến.

Phương Uyên từ nhỏ, hay nghĩ suy. Tuổi hoa niên của Uyên bên cạnh chuỗi ngày luyện đàn với cái đèn leo lét, là những ngày nằm dài ở cuối lớp để nghe giảng bài, là những ngày vừa bước vô cánh gà đã lăn ra bất tỉnh vì suy nhược thần kinh. Nên vụ scandal đó với Phương Uyên là cú sốc nằm ngoài sức tưởng tượng. Đã gần một năm trôi qua, vậy mà khơi chuyện cũ, Uyên vẫn nghẹn ngào, run run giọng: “Đã có lúc tưởng như chị không còn chịu nổi nữa… Nhưng chị nghĩ đến gia đình. Chị mà có chuyện gì thì sao ba mẹ chị, anh em chị sống nỗi? Lúc đó, chị không lo cho mình, chị chỉ lo cho gia đình thôi…”.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc, kết luận cuối cùng là đoạn video bị cắt ghép. Thói thường, truyền thông thích loan tin dữ. Khi sự thật phơi bày thì quay lưng, chẳng thèm đả động. Duy chỉ có những tổn thương là ở lại. Giờ nhắc đến cái tên Phương Uyên, người ta quen nếp nghĩ “quyền lực đen” thao túng Giọng hát Việt. Phương Uyên, với bản tính hồn hậu, thông cảm cho truyền thông, tha thứ cho người dựng scandal. Và, lại nhẫn nại làm việc, chưa bao giờ ngơi nghỉ. Thời gian rồi cũng sẽ bôi xóa nhiều thứ, nhưng tôi tin, giá trị thật không bao giờ mất đi

Hoàng Dung
.
.