Nhạc sĩ Phú Quang: Tôi thường phải mua giá đắt…

Thứ Năm, 26/06/2008, 10:00
Đó hình như đã là một hình tượng được đóng đinh vào cảm nhận của người yêu âm nhạc từ nhiều năm nay: Phú Quang là một nhạc sĩ thành công, thành đạt và có phần tự hài lòng với mình với rất nhiều câu trong vô số các bài trả lời phỏng vấn nhận định sắc sảo, hóm hỉnh, đôi khi mang tính "sấm truyền" về mọi sự trên đời.

Đành là thế. Nhưng không hiểu vì sao khi tiếp xúc với nhạc sĩ Phú Quang, tôi luôn có một cảm giác nào đó gần như xót lòng, cũng như khi tôi nghe những ca khúc của anh, ngay cả những bài vui nhất. Phải chăng "đã mang lấy nghiệp vào thân" thì khó có nghệ sĩ nào tránh được những vết thương khó lành cho trái tim dù liều lĩnh, tỉnh táo và rành rẽ đến mấy thì rốt cuộc vẫn rất dễ bị tổn thương?

 Phóng viên (PV): Một nhạc sỹ có tên tuổi như anh, với bề dày tác phẩm như anh chắc chắn đã nghe rất nhiều lời khen rồi, cái đó thì không có gì lạ. Thế nhưng, anh đã bao giờ nghe thấy ai chê nhạc, chê ca khúc của anh chưa?

Nhạc sĩ Phú Quang (NS PQ): Họ xì xào sau lưng thì rất nhiều, trước mặt thì không nghe thấy ai.

PV: Mới đây, tôi đọc trong một bài báo có lời trách, tại sao trong bài "Hà Nội phố", một trong những ca khúc được gọi là tuyệt đỉnh của anh, lại bảo "người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình không nhớ nổi một con đường?...". Cái ông viết bài báo đó phê phán, tại sao nghệ sĩ lại vô trách nhiệm như thế, đến một con đường cũng không nhớ nổi (?!). Thái độ của anh thế nào trước cái sự chê rất vớ vẩn như vậy?

NS PQ: Tôi có nghe đến hai chục cuộc điện thoại, trong đó đến mười mấy người là không quen, họ có gọi điện và rất là bức xúc. Họ nói, tại sao lại có một ông nói vớ nói vẩn như thế. Họ cũng hỏi tôi có phản ứng gì?

Tôi mới đáp rằng, tôi không phản ứng bởi vì lý do rất đơn giản là tôi chưa đọc bài báo đó. Hơn nữa, tôi vốn có thói quen là trước cái gì nó quá ngớ ngẩn thì tôi không tranh luận... Thực ra nói như trong bài báo đó chỉ là lý luận của một người đã đến con đường cuối cùng của dốc bên kia vẫn chưa thành đạt được, thành ra anh ấy hậm hực thế thôi... Mà thôi, chúng ta đừng quan tâm chuyện đấy. Bởi vì cuộc đời này có bao chuyện phải nghĩ, hơi đâu mà nghĩ về những trò dở hơi như thế.

PV: Biết thế, nhưng nói thực với anh, tôi đôi khi cũng hay bị phân tâm bởi những kẻ thất phu lại hay lên giọng chê bai, phỉ báng người khác. Không lấy làm lạ vì chuyện đó nhưng cũng tức khi thấy người tử tế bị công khai hạ nhục... Tôi xin chuyển chủ đề: đó là một sự thật, rất nhiều trái tim đàn ông và phụ nữ yêu mến ca khúc của Phú Quang và vì thế yêu mến cả tác giả. Thế anh đã bao giờ bị từ chối hay phụ bạc chưa?

NS PQ: Tại vì tôi là người không quá ngộ nhận về mình nên khi tôi đến với một người phụ nữ thì tôi phải cảm thấy một điều chắc chắn họ sẽ chấp nhận mình, chứ tôi không phải tự tin đến độ mà nghĩ rằng là người phụ nữ nào cũng có thể yêu mình.

Tôi lại có một cái nhược điểm mà cũng có nhiều người bảo thế thì chưa phải là tình yêu, nhưng mà nếu có phải thay đổi thì tôi cũng không thể sửa chữa được: tức là tôi chỉ yêu được người nào yêu mình thôi, không biết yêu người không yêu mình. Trên đời này có bao nhiêu người thất tình, thậm chí đến tự vẫn chỉ vì một người không yêu mình, nhưng với tôi thì chắc chắn không bao giờ xảy ra chuyện đó vì tôi chỉ có khả năng yêu được người yêu nào biết yêu mình.

PV: Anh thực sự trong cuộc đời này là như vậy, hay anh là người bị tổn thương nhiều nên anh đành phải tư duy như vậy? Vì tôi nghĩ rằng, yêu - đó đơn giản là cảm thấy yêu, thậm chí không được yêu lại mà vẫn yêu thì mới gọi là yêu. Với một tác giả của những tác phẩm đầy tính dâng hiến như Phú Quang thì có lẽ nào lại có cảm xúc một cách đơn sơ là chỉ yêu người yêu mình? Hay nhạc là nhạc, còn "ta là ta"?

NS PQ: Cũng có thể có một may mắn là, có một người nào đấy mà tôi thấy yêu thì hóa ra là họ đã yêu mình trước rồi?! Nhưng tôi thú thật là đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu, hay là vì tôi chưa trải qua cái đó, tôi không hiểu tại sao một người có thể đắm đuối đến mức thậm chí chết đi vì một người mà người ta không hề yêu mình! Cũng có thể như lý luận của anh thì tôi chưa có tình yêu thật. Nhưng tôi thì tôi nghĩ khác một điều, đúng là tôi chỉ có thể tìm thấy sự cảm thông với một người biết cảm thông với mình thôi.

PV: Trong mắt của rất nhiều người, nhạc sĩ Phú Quang là biểu tượng sự thành đạt trong nghệ thuật lẫn trong đời sống. Anh có đồng ý với nhận xét thế không?

NS PQ: Thế nào là sự thành đạt nhỉ? Một người thành đạt người ta phải có nhiều thứ lắm, nào là danh vọng, nào là tiền tài, nào là các thứ linh tinh khác... Tôi thì danh vọng chả có cái gì cả...

PV: Không, anh nói thế thôi chứ theo tôi, danh vọng nhạc sĩ của anh là rất lớn... Tôi nghĩ ít ai phủ nhận điều này...

NS PQ: Những cái thuộc về phong tặng thì tôi chẳng có, một phần lỗi tại tôi, tôi không chịu săn đón ai cả...

PV (cười): ...

NS PQ (cũng cười): Ví dụ thế... Một thành đạt khác như người đời thường nghĩ là phải nhiều tiền bạc thì tôi cũng chả phải là người giàu… Còn việc nữa là ngay cả trong tình yêu thì biết thế nào là thành đạt, thế nào là không thành đạt. Cũng có người yêu mình, có người phát khóc với mình, nhưng bản thân mình thì đến 60 tuổi bây giờ mới sắp sửa "có" vợ thôi (cười buồn)...

PV: Tôi biết là, nhiều nghệ sĩ Hà Nội đồng lứa với anh khi quyết định vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp thì ít ai ra đi là vì vui sướng quá ở đây cả. Anh cũng đã vào TP Hồ Chí Minh sinh sống từ hai chục năm trước và nay mới quay về. Vì sao? 

NS PQ: Câu chuyện quyết định đi là một câu chuyện buồn mà không biết có nên nói ra không. Thực ra, lúc đấy tôi nghĩ rất là đơn giản. Câu chuyện có thật, có thể đăng hoặc không đăng. Hồi đó con tôi ba tuổi rồi, nhưng nó cứ bị viêm phế quản. Và rất buồn là cứ mỗi bữa ăn xong, nó chỉ cần ho vài ba tiếng thôi là nó lại nôn ra hết. Bởi thế, con tôi là một đứa bé rất dễ thương, nhưng khi 9 tháng nó được 9 cân, và khi ba tuổi, nó vẫn chỉ có 9 cân thôi. Hồi đó tôi ở trong căn nhà nhỏ ở ngõ Văn Hương, lầy lội bùn, mưa dầm gió bấc. Sau ngày đi làm về, nhìn con rất là xót xa. Căn nhà thì nhỏ, ẩm ướt, quần áo cũng bốc hơi ẩm lên...

PV: Tôi hiểu rồi... Và thế là anh đã quyết định "Nam tiến"? Và anh đã thích ứng thế nào với môi trường mới? Thực ra, ở đâu thì cũng là đất nước ta thôi, nhưng mỗi vùng đất có một phong cách riêng...

NS PQ: Vào Sài Gòn thì nói thật, trong những năm đầu tiên tôi cứ ân hận, có một điều cứ ám ảnh mình, không biết mình có vội vã quá không khi quyết định đi như thế? Tôi cứ ân hận như thế và tôi thấy xa lạ ở Sài Gòn. Trong năm đầu tiên ở đó, có rất nhiều lần tôi có ý định lại quay ra Hà Nội. Nhưng rồi dần dần nó cũng qua đi.

Một năm sau, tôi hiểu ra một điều: Sài Gòn có cái dễ thương khác mà Hà Nội không có và vấn đề là con người đã sinh ra ở cuộc đời này, muốn tồn tại thì phải chiến đấu thôi, không bằng cách này thì bằng cách khác và chả ở đâu có thể tìm được một chỗ cái gì mình cũng hài lòng cả.

Và sau đấy, tôi lại tự an ủi mình rằng, những chướng ngại ấy cũng là một thử thách. Và một năm sau thì tôi đã quen với cuộc sống ở Sài Gòn và tôi hiểu ra những cái hay của nó, cảm nhận được cái hay của nó và không còn bị mặc cảm nữa, dù vẫn nhớ Hà Nội.

Trong suốt 22 năm định cư ở Sài Gòn, trước khi tôi quay lại Hà Nội ở hẳn như bây giờ, thì thú thật năm nào tôi cũng về Hà Nội ít nhất là 5-7 lần, nếu không muốn nói có những năm 10-12 lần...

Bây giờ, đến cái tuổi lục thập rồi, dù đang là lúc TP Sài Gòn đã tạo cho tôi rất nhiều ưu ái và tôi ở trong đấy đang được rất nhiều người Sài Gòn quý mến thì tôi lại về đây, về với Hà Nội. Đã đến lúc tôi nghĩ, mình già rồi, mình muốn cuộc sống nó bình yên hơn nên phải về Hà Nội. Ở Sài Gòn nó sôi động hơn, nhưng chính vì cái sôi động ấy mà đôi khi làm người ta thấy mỏi mệt. Hà Nội thì bình tĩnh hơn nhưng vì cái bình tĩnh ấy mà đôi khi nó trở thành trì trệ...--PageBreak--

PV: Người ta bắt đầu biết rộng rãi đến sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang từ ca khúc "Em ơi, Hà Nội phố", lời phỏng thơ Phan Vũ. Anh viết bài hát đó ở giai đoạn nào? Và giai đoạn nào mà anh cho là đã có hiệu quả nhất trong sáng tác ca khúc?

NS PQ: Thú thật là trước đây tôi coi thường ca khúc lắm, cho nên những sáng tác đầu tay của tôi là nhạc không lời. Bởi vì mình cảm nhận một điều: chỉ trong nhạc không lời mình mới có thể "khỏa thân" mình được hết. Bạn cứ tưởng tượng xem, khi đi bơi mà mặc cả quần áo đầy đủ thì còn thú vị gì nữa. Tôi chỉ có thể có cảm giác thích thú vì cùng lắm chỉ phải chịu một mảnh nhỏ trên người khi bơi lúc viết nhạc không lời.

Nhưng mình cũng không đến nỗi là đần độn lắm nên mình cũng đủ nhạy cảm để hiểu là, ở đất nước mình thời kỳ đó, nếu không viết ca khúc thì người ta không gọi là nhạc sĩ. Và mình nghĩ là, thôi, để sống, để tồn tại thì mình cũng phải có cái danh là nhạc sĩ và tôi đã viết ào ào các ca khúc, có năm hàng trăm bài. Trong những năm đó, tôi cũng có chuyện buồn trong đời sống riêng tư, những bi kịch làm cho mình tổn thất. Tôi đã nghiệm ra, từ lúc năm 17 tuổi, để khỏa lấp, an ủi những nỗi đau của mình, thì cách tốt nhất là trút nó sang âm nhạc.

PV: Anh có đúc kết xem, làm cách gì để gặt hái thành công như anh đã gặt hái trong ca khúc?

NS PQ: Thật ra cũng chả có cách gì cả. Ngay cả bây giờ, khi đã thành công rồi, thì người ta nghĩ là chắc phải có mưu mô hay là cái gì đấy giỏi lắm. Nhưng thực ra, nếu nói chuyện này ra, chả phải khiêm tốn, nhưng nó rất buồn cười là, tất cả những thành công của tôi đến có lẽ là do lao động của mình quá cần cù thôi. Và một lần, tôi gặp một anh nhạc sĩ, anh ấy là biên tập viên của Hãng băng Hoa Phượng Đỏ ở Hải Phòng. Đó là anh Xuân Trường. Anh ấy vào nghe chơi một số ca khúc mà tôi sáng tác và anh ấy bảo, cậu viết ca khúc rất là hay, sao không có ý nghĩ làm một album sáng tác...

PV: Đấy là lúc anh chưa từng công bố ca khúc nào?

NS PQ: Chưa, mình chưa công bố...

PV: Khi đó là năm nào?

NS PQ: Đấy là năm 1985. Trước đấy, mình cũng đã nhiều bài lắm rồi. Nhiều bài viết từ năm 76 sau này mình dùng lại...

PV: Anh chắc chắn có rất nhiều kỷ niệm với những thế hệ ca sĩ khác nhau ở TP Hồ Chí Minh, những người đầu tiên đã từng thể hiện và thể hiện thành công các ca khúc của anh. Anh có những ký ức gì về họ?

NS PQ: Hồi tôi mới vào Sài Gòn thì tôi bắt đầu sống bằng nghề đi viết nhạc cho phim, kịch nói, cải lương… Đủ mọi thứ trên đời!

PV (cười): Không có gì thuộc về âm nhạc mà lại xa lạ với nhạc sĩ Phú Quang... Có đúng không nào?

NS PQ: Vâng, đúng rồi. Tôi làm tất cả mọi trò. Thậm chí có người mời đi viết nhạc bài chòi, tôi cũng đi viết. Và cũng phải tự hào là trong tất cả lĩnh vực đều rất thành công. Với bài chòi ở Bình Định, ở Quy Nhơn, tôi đã viết có những bài mà ngay lúc đó các anh lãnh đạo đoàn xin để cho thành một làn điệu bài chòi.

Về viết cải lương thì vào Sài Gòn, tôi viết ở chỗ anh Thanh Điền, chị Thanh Kim Huệ; sau này, các anh chị ấy và rất nhiều nghệ sỹ phải nói tôi là "vua" viết nhạc cải lương, bởi vì với nhạc cải lương khi mình hiểu nó, làm đúng quy luật của nó thì đơn giản lắm. Tất cả mọi thứ thì tôi đều làm được hết. Hồi đó, khi viết ca khúc cho kịch hay phim, tôi hay mời ca sĩ Lệ Thu. Tôi thấy giọng cô ấy lạ...

PV: Lệ Thu của trước 75?

NS PQ: Lệ Thu sau 75, Lệ Thu trẻ sau này. Cô ấy hát một hai bài của tôi và đi thu với tôi rất là nhiệt tình. Sau này cô ấy nói, nhạc của anh hợp với em lắm. Rồi có lần, các anh nhạc sĩ làm ở truyền hình, có mấy người đã từng ở miền Bắc, biết khả năng của tôi rồi nên mời tôi tới cộng tác. Làm việc rất thuận lợi.

Gặp Lệ Thu, cô mới bảo rằng, không có cái gì anh nhờ mà em không giúp, thế mà khi dựng hát ở trên truyền hình thì anh lại giới thiệu ca sĩ khác. Thực ra, lúc đó có phải tôi giới thiệu ca sĩ đâu mà các anh ở truyền hình họ giới thiệu cho tôi. Nghe Lệ Thu nói vậy, tôi mới bảo, anh hứa sẽ đền cho em, anh sẽ viết một bài đúng như đo ni đóng giày cho em.

Khi đó, tôi viết bài "Em ơi, Hà Nội phố" và tôi để cô ấy thu. Lúc đó, Lệ Thu bắt đầu bị người ta lãng quên, người ta cho là cô này hết "date" rồi. Nhưng sau bài "Em ơi, Hà Nội phố", cô ấy lại trở lại nổi tiếng...

PV: Năm đó là năm nào, thưa anh?

NS PQ: Năm 1986. Sau bài đó, Lệ Thu lại nổi tiếng trở lại cho đến khi cô ấy đi Pháp và cô ấy ở lại. Không vì lý do gì khác ngoài lý do gia đình. Sau này cũng rất nhiều người ghi nhận, có nhiều ca sĩ hát hay bài "Em ơi, Hà Nội phố", nhưng không vượt được Lệ Thu.

PV: Bây giờ có còn mối liên hệ nào giữa anh với chị Lệ Thu không? Chị ấy bây giờ đang sống như thế nào?

NS PQ: Thực ra chuyện cô ấy sang bên đó thì tôi cho là không sung sướng gì. Anh đã sang đó rồi chắc anh cũng biết, ở Pháp, Việt kiều họ sống chỉ đủ ăn thôi, rất đạm bạc. Sau này, gặp lại Lệ Thu, tôi có nói rằng, anh rất tiếc, nếu thời kỳ đấy em ở nhà thì em đã trở thành giàu có rồi vì đó là thời kỳ thịnh nhất của ca sĩ Việt Nam. Thế nhưng đúng lúc đó thì cô ấy lại bỏ đi...

PV: Anh làm việc với nhiều thế hệ các ca sĩ, từ những người lớn tuổi, đẳng cấp cao tới những người ca sĩ trẻ đã thành danh bây giờ, anh có nhận xét gì có những sự khác nhau giữa các thế hệ ca sĩ, giữa thế hệ của Lê Dung, Thu Hiền, Thanh Hoa; giữa thế hệ của Thanh Lam, Hồng Nhung sau này với các thế hệ ca sĩ sau này nữa? Theo anh, có sự khác biệt giữa các thế hệ ca sĩ không? Ở cơ hội, tài năng, ở chất tâm hồn?

NS PQ: Thực ra, ca sĩ cũng chỉ là những con người thôi, có người hay, có người không hay... Thông thường có nhiều người trong giới nhạc sĩ, nhạc công có ý oán trách các ca sĩ, nhưng tôi nghĩ, đời sống nghệ thuật của ca sĩ ngắn ngủi lắm, cho nên đôi khi họ vội vã, vô tình với điều này điều kia thì cũng chẳng nên trách.

Tôi nói thí dụ, ở Việt Nam ngày xưa một nữ ca sĩ rất nổi tiếng thời sau giải phóng 1975, bây giờ vẫn còn lại như Thanh Lan chẳng hạn. Nhưng bây giờ, tôi tin rằng, hỏi 100 người trẻ hiện nay thì may mắn chỉ có 1-2 người biết có một Thanh Lan thôi. Nghề ca sĩ là nghề rất bạc. Cho nên, đôi khi một ca sĩ có bạc với nhạc sĩ, với nhạc công, thì tôi cho đó cũng là bình thường.

Ngày xưa tôi có nói đùa một câu là, với ca sĩ nó có ba thời kỳ, tất nhiên, điều này không đúng với tất cả các ca sĩ nhưng rất nhiều người trong số họ ở trong một quy tắc chung là như thế này: Họ sẽ rất cần mình khi họ chưa là cái gì cả và họ rất săn đón mình. Nhưng ngày họ nổi tiếng rồi, tất nhiên, họ cũng chả phải tệ bạc với mình, nhưng nếu mình chào họ thì họ sẽ chào để đủ cho mình hiểu tôi với anh cũng không có gì quan trọng lắm với nhau. Sau đó có một ngày ta lại thấy có một cô ca sĩ, anh ca sĩ rất lạnh lùng lại đến lại nói với mình rất vồn vã, rất ân cần thì đó là ngày người ca sĩ đã hết "date" rồi...

PV: Đã làm nghề thì phải hiểu điều này và không oán trách…

NS PQ: Tôi thì tôi không trách họ. Bởi vì đấy là công thức chung cho không phải tất cả nhưng ít nhất là đến ba phần tư các ca sĩ. Và chuyện đó cũng chỉ có thế thôi, mình cần biết rằng đời sống nghệ thuật của họ ngắn ngủi lắm.--PageBreak--

PV: Hay là chính vì cách sống của chúng ta, chính vì chúng ta đối xử với họ cũng bạc bẽo như thế nên mặc nhiên đã tạo một cái phản ứng lại của các ca sĩ đối với cõi đời này, với cả những ân nhân của mình?

NS PQ: Thật ra mà nói có một điều người ta cứ né tránh, nhưng tôi đã sống bấy nhiêu năm, đến tuổi lục thập này rồi thì tôi mới nhận ra rằng, cuộc sống nó là một cái rất phù du... Nhân chuyện ầm ĩ quanh việc gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đòi tiền bản quyền của nhạc sĩ thì tôi có nói đấy là một cách ứng xử vụng về.

Vì thực ra mà nói, nếu người ta đòi tiền bản quyền ca khúc Trịnh Công Sơn bằng một cái giá đặc biệt thì đó là cách ứng xử rất vụng về. Con người hôm nay, đời sống hôm nay nếu thiếu gạo quá, có thể ép tăng giá được, nhưng nếu ép tăng giá nhạc quá thì  người ta sẵn sàng quay lưng lại với thứ âm nhạc đó ngay. Bởi vì nhu cầu đối với nghệ thuật trong cuộc sống hôm nay nó là bao nhiêu đâu

PV: Thực sự anh nghĩ như thế?

NS PQ: Tôi nghĩ một điều chua chát là, nếu thiếu thơ của anh hay nhạc của tôi thì sẽ không có ai chết cả. Có thơ của anh hay nhạc của tôi thì cũng có người cảm động. Tôi đã từng nghe rất nhiều người nói, tôi còn có tin nhắn mà tôi còn giữ chơi đây này, là, cảm ơn anh làm cái đêm nhạc nó tuyệt vời làm sao, để tôi thấy hạnh phúc, thấy cuộc đời nó đẹp đẽ, còn nhiều điều đáng để khao khát, đáng để sống… Nhưng tôi nghĩ rằng, nói cho cùng, nếu thiếu thơ của anh hay thiếu nhạc của tôi thì không ai chết cả.

Thế nhưng, bạn cứ thử thiếu một cân gạo đi thì sẽ là không được, chiều nay phải có gạo nấu bữa tối chứ. Thì lúc đó thị trường có quyền tăng giá gạo, thậm chí lên tới 10-20 lần. Chứ còn thơ và nhạc mà lại định giở trò chơi ép nhau thế thì thơ với nhạc sẽ bị người ta quay lưng lại ngay. Giá trị vô hình của thơ và nhạc thì lớn nhưng thực ra…

PV: Giá trị đó có sự mong manh của nó? Nếu chúng ta lại muốn sự vô hình ấy biến thành giá trị vật chất cụ thể thì nó sẽ tự phá giá?

NS PQ: Đúng thế.

PV: Đối với ca sĩ thì có thể tha thứ được vì những chuyện này nọ phù du. Nhưng đối với những người làm tổ chức biểu diễn hay những người làm những nghề không phải là nghề hát thì phải cần lối tư duy nào đó hợp lý hơn, hợp tình hợp cảnh hơn... Người ta thường nói rằng, các nghệ sĩ lớn thường rất hay tự yêu mình. Chính vì thế rất khó có một tình bạn chân thành và thực sự cảm động giữa các nghệ sĩ lớn, giữa các nhạc sĩ lớn. Anh có đồng ý với điều nhận xét hay không, hay đó chỉ là sự võ đoán hồ đồ?

NS PQ: Đó là võ đoán. Nói ra thì tưởng là làm dáng, nhưng mà tôi không yêu mình lắm, tôi là người hay nhận ra những cái dở, cái kém của cuộc đời mình. Ngày xưa, khi tôi nói những quan niệm đó ra, thì người ta nói, thằng này nó kiêu ngạo, nó luôn coi nó là nhất, ai cũng dở hết.

Thế nhưng mà họ không hiểu một điều rất thật của tôi là: khi tôi bảo ai đó dở thì tôi nghĩ, tôi còn dở hơn họ cơ. Nhưng không có nghĩa vì tôi dở thế thì cái gì của anh cũng là hay. Tôi biết là có nhiều người không thông cảm với tôi về điều ấy. Họ cho rằng, ông nghĩ là ông quá hay nên ông thấy tôi ông chê chứ gì?! Thế nhưng mà họ không hiểu là, tôi còn chán tôi hơn là chán họ...

Ngay vừa rồi trên một số báo có người hỏi, đáng ra ở tuổi như anh thì phải khôn ngoan một tí, cho qua hết, nhắm mắt làm ngơ thì có phải sống nó hay hơn không? Cái điều đó thì có lẽ đến chết tôi cũng không sửa được, làm sao có thể cứ làm ngơ, giả vờ nói những điều dối trá để mà làm gì, vì có dối trá thì cũng chả được thêm cái gì cả!

PV: Có thể là điều mình nghĩ không chắc đã là chân lý, nhưng mình phải nói ra được cái điều mình nghĩ, mình nhận thức. Đấy là quan điểm của anh, đúng không ạ?

NS PQ: Đúng rồi. Tôi phải nói ra điều tôi nghĩ. Nhưng nếu tôi nói như thế thì cũng không có nghĩa là, điều của tôi hay hơn của anh.

PV: Người ta nói rằng, trong nghệ thuật đôi khi quan trọng không phải là thành tựu, mà là những cái mới mẻ liên tục. Chính vì thế mới nảy sinh rất nhiều họa sĩ lớn tự đốt khi họ cảm thấy mình đang đi lại con đường họ đã đi qua. Mặc dù tác phẩm ngay cả họ khi đi lại con đường cũ cũng là tuyệt vời nhưng họ không muốn thời khắc qua rồi mà họ vẫn ở trên tầm cũ của họ, họ đã tiêu hủy tác phẩm của mình...

NS PQ: Mỗi người có một quan niệm khác nhau về nghệ thuật. Tôi đồng ý và thích câu của nhà văn Columbia, Gabriel Garcia Marquez, tất nhiên chỉ nói cho vui thôi, rằng, mỗi con người chỉ sáng tạo được một tác phẩm cho mình, còn tất cả là sự lặp lại của tác phẩm ấy. Tất nhiên, câu ấy là của một người tài năng quá lớn, người ta vừa đùa vừa khiêm tốn, nhưng cũng có cái thật ở trong câu nói đó. Có nhiều người thích hay không thích, nhưng tôi vẫn nói điều này, anh mặc một bộ complet đi dự hội nghị quan trọng hay mặc đồ bơi ở bãi biển… thì anh vẫn phải là anh chứ.

PV: Thực sự là, trong nghệ thuật, phong cách ổn định quá thì đôi khi cũng phải bứt phá, nhưng mà rất khó. Rất ít người có thể đổi được...

NS PQ: Khó một cách kinh khủng...

PV: Cuộc đời anh trải qua rất nhiều giai đoạn, đã có những thời điểm tưởng như là bi kịch nhất rồi. Thông thường khi vượt qua được giai đoạn ấy, con người ta đổi khác. Sau khi anh mắc trọng bệnh và bác sĩ nghĩ rằng anh bị ung thư, bác sĩ đã chấm cho anh những ngày còn lại trên cõi sống này rồi. Cuối cùng, bằng rất nhiều phương thức, bằng cả chính nghị lực, vận may, anh đã vượt qua được. Bây giờ anh có nhìn thấy cuộc đời nó khác đi không?

NS PQ: Sau những cái người ta trải qua đến tận cùng như tôi đã trải qua, tôi phát hiện thế này: người ta sẽ có được một cái rất hay, không phải tất cả, nhưng người ta sẽ có được tinh thần AQ, một vài phần trăm của tinh thần AQ. Tinh thần AQ rất cần cho người sống.

Tức là người ta thấy mọi sự, nói cho cùng chẳng có ý nghĩa gì quá quan trọng cả, mọi chuyện cũng thế thôi, sêm sêm hết. Bây giờ thêm một lời khen, thêm huân chương, huy chương, thêm một món tiền… thì cũng là rất vui, nhưng mình cũng hiểu ra một điều, không vì thế mà nó thay đổi được mình. Và dần dần đến một lúc nào đấy, tôi tin người nào trải qua nhiều sẽ hiểu được rằng, cái được - cái mất cũng không xa nhau lắm đâu và trong cái được có cái mất, trong cái mất có cái được.

PV: Anh bây giờ là nhạc sĩ và vẫn có công ty hỗ trợ phát triển nghệ thuật. Anh có lúc nào cảm thấy thương cho mình khi mà đang là một nhạc sĩ tầm cỡ như thế mà vẫn phải đi lo lắng tất cả các công việc hỗ trợ âm nhạc, tổ chức các chương trình ca nhạc như vậy?

NS PQ: Đấy là việc bất đắc dĩ, chẳng sung sướng gì, nhưng nếu không làm thế thì sẽ không ai cho mình cái đó. Chẳng ai cho cả!

PV: Đời anh chưa được ai cho không cái gì?

NS PQ: Chưa ai cho không cái gì. Tôi đã nói nửa đùa nửa thật rằng, tôi từ nhỏ không đến nỗi thua thiệt lắm so với mọi người. Nhưng tôi chỉ nghiệm ra một điều cay đắng là: nếu bây giờ anh mua điện thoại kiểu này thì tôi cũng có thể mua được điện thoại như của anh, thậm chí đẹp hơn điện thoại của anh, nhưng chỉ có điều là, anh mua nó đúng giá, còn tôi mua được cái kia giá gấp 10-15 lần. Nên có thể tôi hơn anh nhưng cái giá mà tôi phải trả  nó quá đắt.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Phú Quang!

Đặng Hồng Quang (thực hiện)
.
.