Nhạc sĩ Phú Quang: Đời thừa chỗ cho mọi tài năng

Thứ Sáu, 01/06/2012, 16:21
Bầu trời nghệ thuật nó rộng lớn lắm. Tôi cứ thích thơ anh đi, mà đâu phải thế các nhà thơ khác không còn chỗ đâu. Còn rất nhiều chỗ để các nhà thơ tài năng khác, có 1.000 nhà thơ tài năng rồi vẫn còn thừa chỗ để cho thiên hạ. Cho nên một người có bài hát hay rồi tại sao lại không có các bài hát hay khác. 1.000 bài hát, một vạn bài hát hay còn chả đủ cho thế giới này nữa là, hàng triệu bài hát hay chả đủ thì sợ gì một hai bài hát hay.

Không ai rời bỏ nơi mình sung sướng, không ai chối bỏ nơi mình yên ổn

- Hồng Thanh Quang: Sau năm 1975 đã xuất hiện một trào lưu là không ít những nghệ sĩ người miền Bắc hát khúc “hành phương Nam”. Anh cũng là một người như thế. Theo cách hiểu của tôi, không ai rời bỏ môi trường quen thuộc của mình để lại khởi nghiệp ở một nơi xa lạ dù rất phồn hoa. Trong trường hợp của anh, anh có nhớ là vì sao ở giữa những năm 80, anh lại quyết định đi vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc không?  Lúc ở Hà Nội anh trong làng nhạc cũng đã có một vị trí rất nổi bật rồi cơ mà…

- Nhạc sĩ Phú Quang: Câu chuyện quyết định đi là một câu chuyện buồn mà không biết là có nên nói ra không. Nhưng mà nếu hỏi là nghĩ gì thì lúc đấy, tôi nghĩ rất là đơn giản. Câu chuyện có thật, có thể đăng hoặc không đăng. Hồi đó, cô con gái đầu của tôi ba tuổi rồi, nhưng nó cứ bị viêm phế quản. Và rất là buồn là cứ mỗi bữa ăn xong, nó chỉ cần ho vài ba tiếng thôi là nó lại nôn ọe ra hết toàn bộ thức ăn đấy. Cũng bởi thế nên con tôi là một đứa bé rất dễ thương, nhưng gầy ơi là gầy. Hồi đó tôi ở trong căn nhà nhỏ ở ngõ Văn Hương, ngõ lầy lội bùn, đặc biệt khi mưa dầm gió bấc. Sau ngày đi làm về nhìn con, mình cố nựng nịu cho nó ăn được mấy thìa cơm thì nó lại nôn ọe ra hết. Mình lúc đấy rất là xót xa.

Căn nhà thì nhỏ, ẩm ướt, quần áo cũng bốc hơi ẩm lên. Hồi đó có cái tivi, vợ tôi rất thích xem chương trình thời sự. Có dạo cứ 7h tối tivi trong 10 ngày liền cứ lại đưa mãi một câu về một tên X nào đó dám xây một nhà vệ sinh trong nhà mình. Hồi đó người ta không gọi là toalet như bây giờ, hồi đó người ta còn đang dùng hố xí 2 ngăn tập thể, nhưng mà cái tên X này đã dám xây lát gạch (hồi xưa người ta không gọi là gạch men mà gọi là gạch đá hoa), dám lát gạch đá hoa trong nhà. Và cái tên X kia thậm chí là đồi trụy hơn là gắn cả gương trên tường trong phòng vệ sinh. Tôi rất ngạc nhiên tại sao lại như thế.

- Tôi cũng rất ngạc nhiên. Anh kể chuyện thật đấy chứ?

- Thật chứ sau lại không?! Từ năm 75 khi mình vào Sài Gòn, ở đấy người ta muốn đến mua một căn hộ thì việc đầu tiên người ta xem cái toalet nó có đầy đủ không. Thế mà đến tận năm 85 rồi ở Hà Nội lại còn người vẫn phẫn nộ vì chuyện một tên nào đấy lại dám xây cái toalet ở trong nhà và sau đấy được biết là người như thế đã bị đuổi ra khỏi nội đô đến một khu Cầu Bươu.

- Coi như sự xa xỉ quá mức sống? (cười).

- (Cũng cười): Ăn chơi sa đọa(!). Vừa ăn chơi lại vừa sa đọa, dám nhìn thấy mình khỏa thân trong nhà vệ sinh(!). (Cười). 

- Nói thực, tôi chỉ coi câu chuyện anh vừa kể như một chuyện ngụ ngôn thôi.

- Với tôi, đó đã là một thực tế về một thời ấu trĩ mà chắc sau này nhiều người trong chúng ta khi nhớ lại không khỏi cảm thấy đỏ mặt. Chính khi ấy, tôi đã nghĩ, nếu cứ tiếp tục như thế này thì làm sao có thể sống được. Và tôi quyết định đi Sài Gòn. Tôi nói với vợ tôi là, phải đi Sài Gòn thôi em ạ. Ngày hôm sau, tôi xin nghỉ phép mấy tháng, tôi vào Sài Gòn và xin việc ở trong đấy.

- Anh thích ứng thế nào. Thực ra đâu cũng là đất nước ta thôi, nhưng mà ở mỗi một vùng đất có một phong cách. Trong những năm 80 ấy thì phong cách sinh hoạt và làm việc, kể cả sáng tạo nghệ thuật giữa hai miền nó có những khác biệt nhất định và rất rõ.

- Vào Sài Gòn thì nói thật trong những năm đầu tiên tôi cứ ân hận, có một điều cứ ám ảnh mình, không biết mình có vội vã quá không khi quyết định đi như thế. Tôi cứ ân hận như thế và tôi thấy xa lạ ở Sài Gòn. Và trong một năm đầu đã có rất nhiều lần tôi có ý định lại quay ra. Nhưng rồi dần dần nó quen, một năm sau mình hiểu ra một điều, Sài Gòn có cái dễ thương khác mà Hà Nội không có và vấn đề là con người đã sinh ra cuộc đời này thì phải chiến đấu thôi. Muốn tồn tại thì phải chiến đấu thôi, không bằng cách này thì bằng cách khác và chả ở đâu có thể tìm được một chỗ cái gì mình cũng hài lòng cả. Nhưng sau đấy tôi lại tự an ủi mình là những chướng ngại ấy cũng là một thử thách và một năm sau thì quen với cuộc sống Sài Gòn và tôi hiểu ra những cái hay của nó, cảm nhận được cái hay của nó và không còn bị xa lạ với nó nữa, mặc dù vẫn nhớ Hà Nội. Trong hơn hai mươi năm tiếp theo, từ đó cho tới khi tôi quyết định quay ra Hà Nội ở hẳn như bây giờ, thì thú thật năm nào tôi cũng về Hà Nội ít nhất là 5-7 lần, nhiều là 10-12 lần.

- Anh rời Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp không phải vì vui quá mà đi. Thế khi anh lại quay ra Hà Nội từ trong đó thì là vì sao?

- Trong những năm tôi ở Sài Gòn, thành phố này đã tạo cho tôi rất nhiều ưu ái. Tôi ở trong Sài Gòn thì tôi cũng được người Sài Gòn rất là quý mến. Nhưng đến lúc nào đó, tôi nghĩ mình già rồi, mình muốn nó bình yên hơn, mà muốn thế thì về Hà Nội sống nó bình yên hơn. Ở Sài Gòn nó sôi động hơn, nhưng chính vì cái sôi động đôi khi làm người ta thấy mỏi mệt, Hà Nội thì bình tĩnh hơn nhưng vì cái bình tĩnh ấy đôi khi nó trở thành trì trệ…

Muốn thành công phải cần cù

- Nếu tôi nhớ không nhầm thì tác phẩm đầu tay của anh là ballade “Niềm tin” viết năm 1967 cho cello và piano. Thế nhưng, phải nói rằng, công chúng rộng rãi biết tới anh là sau những ca khúc mà bây giờ đã trở thành “kinh điển” trong sự nghiệp của anh. Tất nhiên, đó là những ca khúc rất hay, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, đối với người được đào tạo để sáng tác khí nhạc một cách bài bản thì không hẳn như thế đã là điều làm mình vui sướng… Hay là tôi nghĩ sai?

- Thú thật là ngày trẻ tôi đã coi thường ca khúc lắm cho nên sáng tác đầu tay của tôi là nhạc không lời. Bởi vì mình cảm nhận một điều chỉ trong nhạc không lời mình mới có thể “khỏa thân” hồn mình. Bạn cứ tưởng tượng một người trong ý nghĩ của tôi thôi, nếu người ta bơi mà cứ mặc cả quần áo thì chả thú vị gì cả, nhưng người ta ít nhất chỉ còn mảnh nhỏ trên người thôi. Tôi chỉ có thể có cảm giác đó được khi mình viết nhạc không lời. Nhưng mình cũng không đến nỗi là đần độn lắm nên mình cũng đủ nhạy cảm để hiểu là ở đất nước mình ở thời kỳ đó nếu không viết ca khúc thì người ta không gọi là nhạc sĩ. Và mình nghĩ là thôi, để sống để tồn tại thì mình cũng phải có cái danh là nhạc sĩ và tôi viết ào ào, tôi viết một số ca khúc.

Trong những năm đó, mình cũng có chuyện buồn trong đời sống riêng tư, những bi kịch làm cho mình tổn thất. Tôi đã nghiệm ra từ lúc năm 17 tuổi, để khỏa lấp, an ủi những nỗi đau của mình thì cách tốt nhất là trút nó sang âm nhạc. Lúc đó tôi đã viết, lúc đó đồng thời với ý nghĩa viết ca khúc, tôi viết ào ào, có năm viết hàng trăm ca khúc. Thật ra cũng chả có cách gì cả. Ngay cả bây giờ thành công, mỗi khi thành công thì người ta nghĩ là chắc phải có mưu mô hay là cái gì đấy giỏi lắm. Nhưng thực ra nếu nói chuyện này ra, chả phải khiêm tốn nhưng nó rất buồn cười là tất cả những thành công của tôi đến có lẽ là do lao động của mình quá cần cù thôi.

- Có nhiều tác phẩm nhưng không có cơ hội để tiếp cận đúng lúc với công chúng thì cũng khó gặt hái được thành công.

- Đúng thế. Tôi khi đó tình cờ gặp một nhạc sĩ làm biên tập cho Hãng băng Hoa Phượng Đỏ của Hải Phòng, anh Xuân Trường, cũng là một nhạc sĩ. Anh ấy tới chơi nhà tôi.

- Tôi cũng có dịp được biết anh Xuân Trường. Anh ấy có tính cách rất điển hình Hải Phòng, chơi rất hào sảng với văn nghệ sĩ. Nhưng về sau hình như cơ quan anh ấy làm ăn cũng bị thất bát sao đấy. Ôi, đã có một thời, những người làm kinh tế mà sống hào sảng nhất với văn nghệ sĩ lại dễ bị “ngã ngựa” trong kinh doanh nhất.

- Khi anh Xuân Trường lại chơi và nghe những sáng tác của tôi, anh ấy bảo, cậu viết ca khúc rất là hay, sao không có ý nghĩ làm một album sáng tác?

- Đó là lúc anh chưa từng công bố ca khúc nào?

- Chưa, mình chưa công bố

- Đấy là năm nào?

- Năm 1985. Khi ấy tôi đã có nhiều bài lắm rồi, như Em ơi, Hà Nội phố hay Đâu phải bởi mùa thu…

- Tôi rất thích bài “Đâu phải bởi mùa thu” mà anh đã sáng tác dựa vào lời thơ của Giáng Vân. Thực sự đó là một trong những ca khúc Việt Nam hay nhất về mùa thu.

- Với bài hát này thì đã có một chuyện thật là: hồi đó, bỗng một hôm nhạc sỹ Cao Việt Bách tới bảo, Phú Quang biết không, mình phải nói là rất can đảm… Hỏi có chuyện gì mà rất can đảm, thì ông ấy nói tiếp: Mình đã cho dựng bài Không phải bởi mùa thu của Phú Quang!. Tôi rất ngạc nhiên: Tại  sao thế lại là can đảm? Ông ấy bảo, bài ấy có nhiều vấn đề lắm(?!). Sau này tôi biết là Hội, hay là Cục nghiệp vụ gì đó của Bộ Văn hóa họp mấy buổi liền để khẳng định xem là bài này có chống phá cách mạng không (cười).

- Ngày xưa chúng ta vẫn hay ngây thơ kiểu ấy.

- Tôi có đùa với các anh ấy là như thế này, tôi thương các anh quá và tôi thương ngân sách quá, các anh phí tiền của ngân sách để đi ngồi họp bàn chuyện vớ vẩn. Cái thứ nhất, các anh cứ nói là mùa thu đồng nghĩa cách mạng, thế nên ai khen mùa thu thì các anh bảo là khen cách mạng, ai chê mùa thu thì anh bảo chê cách mạng (?!). Nhưng các anh đã nhầm vì cách mạng chỉ sinh ra vào mùa thu, chứ không phải là cách mạng “đẻ” ra mùa thu. Đấy là cái nhầm lẫn thứ nhất. Cái nhầm lẫn thứ hai, nếu mùa thu là cách mạng thì bài này của tôi phải được trao huân chương! Họ hỏi tại sao lại thế, thì tôi đáp vì tôi bênh cách mạng đến thế là cùng, nếu mùa thu là cách mạng thì tôi bênh đến thế là cùng, đến lá rơi xuống rồi mà tôi vẫn bảo không phải bởi mùa thu (cười sảng khoái).

- (Cũng cười):…

- Đấy là chuyện chơi của một bài hát thôi. Nhưng rất may là những năm ấy, một loạt các bài như Im lặng đêm Hà Nội, Đâu phải bởi mùa thu, Trong miền ký ức… đều được các anh ấy quyết định chọn và tôi cho là người mà quyết định lúc đó cũng là liều lĩnh bởi lúc đó người ta không nghĩ ca khúc là những bài có thể buồn, mà nó phải trên cái dòng chảy chung là phải ngợi ca, phải hân hoan, tình yêu riêng tư cũng phải hân hoan, yêu nhau cũng phải lên công trường, lên nhà máy chứ không thể cá nhân xót xa… Nhưng rất may, những người làm tôi cho lúc đó cũng là những người có thể nói là đã có tư tưởng cách tân rồi.

- Đến khi nào, thời điểm nào anh cảm thấy sự thành công bắt đầu đến với anh? Anh cảm thấy thực sự bài hát của Phú Quang sẽ chinh phục được công chúng và đã có một chỗ đứng ngày càng trở nên quan trọng hơn và rộng rãi hơn trong làng âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh?

- Thực ra với Sài Gòn lúc đó thì tôi cũng không nghĩ là những ca khúc mà chúng ta vừa nói tới đã tạo nên chỗ đứng ngay cho tôi đâu. Nhưng  khi ấy tôi đã có một bài hát mà được dân Sài Gòn hát rất nhiều, đó là bài Bạn ơi hát cùng chúng tôi mà đoàn đại biểu thanh niên ta mang tới liên hoan thanh niên quốc tế ở Ama Ata…

- Thủ đô cũ của Kazakhstan, một nước cộng hòa Xô viết cũ…

- Lần đó có tất cả 27 bài hát của Việt Nam được mang đi tham dự ở Ama Ata mà bài hát của tôi được xếp ở cuối và tôi có thể hiểu ngầm là chiếu cố. Nhưng nhóm Rạng Đông của các nghệ sỹ Sỹ Thanh, Họa Mi họ diễn rất thành công và khi trở về nước, đi đâu họ cũng diễn bài này rất thành công. Sau đấy, bài đó đã được gần 500 ban nhạc ở Sài Gòn trong hội diễn nhạc trẻ đầu tiên họ hát. Bởi thế sau này khi vào đến Sài Gòn thì họ biết tôi là tác giả như thế.

Cũng phải nói rằng, thoạt tiên ở Sài Gòn người ta ghi nhầm tên tác giả bài hát là Phú Vang, nhưng trong làng ca khúc khi đó thì chẳng có nhạc sỹ nào là Phú Vang cả. Thời đấy rất ấu trĩ, chỉ vì thế thôi mà có người bảo, đây chắc là một thằng phản quốc lại trốn ra nước ngoài rồi!? Sau này tôi vào thì người ta mới biết, đó là bài của mình. Với dân Sài Gòn thì đấy là một cái giúp mình rất thuận lợi vì từ bài đó nhờ nhóm Rạng Đông mà phong trào hát nhạc trẻ sau giải phóng phát triển mạnh hơn, người ta tự tin hơn khi hát nhạc trẻ.

Từ cái điều đó thì tôi cũng rất là dễ làm việc với Sài Gòn. Và nói thật, còn vì tôi là dân có nghề, bởi trước đây, một số người ở Sài Gòn họ nhìn các nhạc sỹ miền Bắc vào với một thái độ rất là coi thường, vì họ cho rằng, nhạc sĩ miền Bắc thì nói rất nhiều nhưng đến lúc làm thì chả biết gì cả, vì có nhiều nhạc sỹ của mình không biết hòa âm, phối khí… Khi tôi mới vào, làm ở phòng chuyên viên của Sở Văn hóa thì bắt buộc phải làm với những ban nhạc nổi tiếng ở Sài Gòn. Lúc đầu tiên tôi đến thì gần như họ không buồn để ý, nhưng rất may sau một vài lần họ thấy mình có nghề, từ đấy họ chấp nhận mình như là bạn bè…

Thật thà vẫn hơn

- Tôi không dám nói là hiểu anh nhiều nhưng có lẽ chúng ta cũng đã tiếp xúc với nhau đủ thời gian để tôi biết một phần tính cách của anh. Thật sự là, anh rất thẳng thắn khi nhận xét về đồng nghiệp và về đời sống âm nhạc, ngay cả khi tiếp xúc với báo chí. Anh không sợ bị hiểu lầm ư?

- Tôi có một nguyên tắc từ lâu rồi. Một là không trả lời vì chán quá thì không trả lời, nếu cạy răng ra tôi cũng không trả lời. Còn nếu đã trả lời thì phải nói thật, tôi không quen nói dối. Có một lần có một anh nhạc sỹ hỏi tôi trên mạng trực tuyến của Vietnamnet, anh ấy hỏi có phải nhạc sỹ X, anh ấy cũng rất nổi tiếng, rất giỏi, tại sao anh lại nói về anh ấy không thiện cảm. Câu hỏi này anh có thể trả lời, nếu sợ có thể không trả lời. Nhưng tôi có thói quen câu gì tôi cũng trả lời từ bé đến giờ nhưng trong trường hợp này tôi xin lỗi tôi không định trả lời riêng ông ấy mà trả lời tất cả mọi người. Tôi là người rất biết kính trọng từ thằng bé đánh giày đến bà quét rác, kính trọng thật lòng chứ không  phải giả đạo đức đâu, tôi thật lòng kính trọng lao động của họ. Tôi nhìn thằng bé đánh giày bóng loáng nhanh nhẹn thì tôi rất là cảm phục. Nhìn bà quét rác sạch bong, tôi rất cảm phục và tôi kính trọng con người họ. Và tôi bị nhược điểm rất là dở: đó là khi kẻ ngu dốt mà lên mặt rao giảng, tôi nhìn thấy mà tôi không  giấu được sự khinh bỉ. Sau đấy, người ta không hỏi nữa, câu hỏi đấy tắt không hỏi nữa. Cả cái phòng của Vietnamnet họ cười bảo là tôi trả lời “gấu”… Thực ra là mình nói thật, rất thật.

- Trong các nhạc sĩ Việt Nam cùng thời với anh, có thể hơn hoặc kém tuổi anh, anh hay giao du với những người nào và anh thực sự quý mến những người nào như những người bạn của anh?

- Thứ nhất là mình trọng những người có thực tài. Ở nước mình không phải nhạc sĩ đâu, mà nói chung đủ các thứ sĩ trên đời, thấy có một điều là ông nào cũng nói về mình ghê gớm lắm. Tất nhiên là đó đặc tính người sĩ cần có, tôi lại không phản bác cái đặc tính đó, bởi vì nếu anh không tự tin thơ anh hay thì anh viết làm gì, anh viết ra thơ sản phẩm loại 3 thì tôi khuyên anh đừng viết; trong cái viết ông phải tin tôi sẽ viết ra một bài nhất. Thế nhưng người nghệ sĩ tài hay không tài là ở chỗ này này: Đến lúc bình tĩnh nhìn lại thật ra cái bài của mình có phải là nhất không, hay có khi là lại vứt đi. Tài năng hay không là ở đấy.

- Phải biết hồi tâm và phải đánh giá đúng và chối bỏ những gì không xứng đáng.

- Người nghệ sĩ giỏi là phải làm hai mặt của một con người

- Khi sáng tác có thể cực đoan nhưng khi hồi tâm lại thì mình lại phải phê bình khắt khe với chính bản thân mình.

- Thông thường thì người ta rất là cực đoan nhưng họ không đủ can đảm để khắt khe. Với giới nhạc, tôi quý những người có thực tài. Tôi có nhiều bạn bè nhạc lắm nhưng có một vài nhạc sĩ đang nổi tiếng mà tôi không chơi. Đó là vì thứ nhất, tôi quá bận, không có thì giờ giao du với họ nhiều. Thứ hai nữa là, tôi đã có quá nhiều bạn. Bây giờ có thời giờ để uống bia mỗi ngày, một người uống khỏe thì có 2 giờ để uống bia, một giờ buổi trưa, một giờ buổi chiều, còn lại uống yếu thì buổi trưa thôi buổi chiều. Tôi đã có bao nhiêu bạn rồi, nào ông nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, công nhân, kỹ sư,… đủ mọi thứ trên đời. Mình không có nhiều thì giờ lắm. Hơn nữa, nói thật là tôi chán nhất một câu chuyện cứ được lặp đi lặp lại. Nhất là bạn muốn nhận ra một người say, trong một buổi cứ nói 3 lần một chuyện thì chắc chắn là người đó say, còn không uống bia gì cả mà cứ nói đi nói lại thì là một người quá say mình. Ông ấy lại say ông ấy quá, thế thôi chứ chẳng có bia rượu gì cả, chẳng có thuốc phiện gì.

- Có bao giờ anh tự nhận thấy rằng đôi khi có những khoảnh khắc nhất định nào đấy anh cũng trạng thái ấy không?

- Đôi khi mình cũng nói lại những điều mình đã nói rồi, nhưng may mắn là mình kịp nhớ ra ngay điều này mình nói rồi và mình thôi ngay chứ không phải sau đó tiếp tục 1-2 tiếng nữa để triển khai cái chủ đề mình trót nói ra. Nói nhiều thì nhiều lúc cũng lỡ lời chứ (cười).

- Nếu nhìn nghệ sĩ ở một góc độ thực sự thiện chí thì thấy rằng, mỗi một tài năng lớn trong một môn nghệ thuật nào đấy là cả một thế giới. Thực sự trong thế giới ấy họ là độc nhất thật và chính vì thế không dung nạp được  những thế giới khác. Phải chăng đấy là lý do để trong cuộc sống của rất nhiều nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn, những người có tên tuổi lớn, thông thường họ phải là những hành tinh độc lập. Nếu họ thu hẹp khoảng cách  lại với nhau, họ vào gần nhau thì chắc chắn sẽ nảy sinh ra sự va đập và thậm chí có thể nảy sinh ra những hiệu ứng tiêu cực. Theo anh, anh có tin vào chuyện đấy không, nhìn một cách tích cực? Có những chuyện như anh vừa nói thì đồng ý rồi: các tài năng lớn đôi khi khó chơi với nhau bởi vì thực sự họ phải là một thế giới riêng, họ không thể trộn lẫn vào nhau, trong thế giới của họ họ phải là chủ soái, họ cần những tiểu hành tinh khác chứ không thể có hai mặt trời trong cùng một hệ mặt trời.

- Tôi thì tôi nghĩ thế này, trong việc sáng tạo lúc nào cũng phải độc lập. Ngày xưa tôi thấy có những nhóm sáng tạo, những nhóm người bạn tam, tứ quái,…

- Mà nghệ thuật không phải sự a dua, bè phái. Tôi cũng rất không thích sự a dua, bè phái. Tôi không thích cả một vườn hoa nghệ  thuật mà tôi chỉ thích một số bông hoa nghệ thuật đơn lẻ hợp với tôi thôi…

- Tôi rất buồn cười. Trong nghệ thuật phải nói một điều là không có bầy đàn. Đã gọi là sáng tạo thì làm sao có thể bầy đàn được. Không thể có một bài thơ một câu của anh, một câu của tôi, 10 ông để viết ra một bài thơ 10 câu.

- Đấy là trò đùa thì được chứ nghệ thuật thì không phải.

- Đấy cái đó chỉ có thể trong lúc trà dư tửu hậu đùa chơi rồi vứt đi. Trong sáng tạo không thể có bầy đàn. Ngày xưa một số ông còn đặt cho nhau một cái luật gì đó được coi rất là cấp tiến: đó là đúng ngày thì phải nộp một bài hát nếu không nộp thì phải phạt một cái gì đấy. Cái này chỉ áp dụng được trong một hệ thống máy móc rất tốt cho gà công nghiệp thôi, 9h chiều đẻ quả trứng, 3h chiều đẻ quả nữa; chứ còn sáng tác thì cả năm anh có thể không viết nổi một câu thơ, nhưng có khi một ngày anh viết 5-7 bài thơ thì đấy vẫn là chuyện rất bình thường. Từ ngày xưa tôi cũng không thích thế đâu, nhưng tôi cũng không nghĩ là nó ghê gớm đến mức hai mặt trời không thể sống chung. Không phải thế. Mình chả phải mặt trời, chẳng phải gì, có khi chỉ là tia nắng nhỏ bé thôi, nhưng nếu có tia nữa thì chẳng có gì mà không sống chung được. Bởi vì tôi có ý nghĩ khác. Bầu trời nghệ thuật nó rộng lớn lắm. Tôi cứ thích thơ anh đi, mà đâu phải thế các nhà thơ khác không còn chỗ đâu. Còn rất nhiều chỗ để các nhà thơ tài năng khác, có 1.000 nhà thơ tài năng rồi vẫn còn thừa chỗ để cho thiên hạ. Cho nên một người có bài hát hay rồi tại sao lại không có các bài hát hay khác. 1.000 bài hát, một vạn bài hát hay còn chả đủ cho thế giới này nữa là, hàng triệu bài hát hay chả đủ thì sợ gì một hai bài hát hay. Nhưng chỉ có một điều tôi không thích người mà khi người ta làm được một vài cái con con thì người ta bắt đầu huênh hoang và người ta bắt đầu nghĩ là phải là mình mới là thiên tài. Tôi thì tôi không thích chơi với họ vì chơi với người như thế chán lắm, bởi họ đã đầy kín hết cả rồi, làm gì có chỗ cho mình vào nữa.

Anh cứ tưởng tượng trong con người anh là hoàn hảo hết cỡ thì làm gì có chỗ cho bạn bè anh vào. Tôi không thích chơi với những người hoàn hảo như thế. Khi mình không chơi thì thậm chí có người phản ứng, người ta bảo tôi không biết nghe nhạc. Tôi nghe kể, có một nhạc sĩ thuộc loại có tên tuổi đàn anh đã nhận xét Phú Quang không biết nghe nhạc. Có rất nhiều nhà báo hỏi về chuyện đó thì tôi buồn cười quá. Tôi mới kể, đi đường có một thằng nó chẳng nhìn ai cả, xong nó đâm sầm vào người ta, thì nó quay lại nó mắng, mày không có mắt hay sao?! (cười).

Phong cách phải ổn định

 - Người ta nói rằng trong nghệ thuật đôi khi quan trọng không phải là thành tựu, mà đôi khi quan trọng là những cái mới mẻ liên tục. Chính vì thế mới nảy sinh rất nhiều họa sĩ lớn tự đốt khi họ cảm thấy đi lại con đường họ đã đi qua mặc dù tác phẩm ngay cả họ đi lại cũng là tuyệt vời nhưng họ không muốn thời khắc qua rồi mà họ vẫn ở trên tầm cũ của họ, họ đã tiêu hủy tác phẩm của mình.

- Mỗi người có một quan niệm khác nhau về nghệ thuật. Tôi đồng ý và thích câu của Gabriel Garcia Marquez. Ông ấy nói rất hay, tất nhiên đó là câu ông ấy nói quá lên cho nó vui, rằng, mỗi con người chỉ sáng tạo được một tác phẩm.

- Thực sự trong nghệ thuật phong cách ổn định quá thì đôi khi cũng phải bứt phá nhưng mà rất khó, cái đó rất ít người có thể đổi được.

- Khó một cách kinh khủng lắm.

- Ai cũng muốn là mình thay đổi, nhưng theo mình chỉ là một đời một kiếp, mình chỉ là mình thôi.

- Trong hội họa chẳng hạn, một trong những người chịu khó cách tân  mình nhất là ông Picasso. Tôi rất thích Picasso, tôi có đủ các album tranh của ông ấy, mình chỉ được xem bản chụp thôi, có hai lần đến Paris thì được xem bản thật, còn toàn bộ là xem qua sách, nhưng dù qua cái gì thì tôi vẫn nhận ra Picaso ở trong đó. Tôi nghe nhạc cổ điển nhiều, nghe Beethoven là biết Beethoven ngay kể cả những bản trước đó tôi chưa nghe bao giờ. Nghe Tchaikovski tôi biết Tchaikovski ngay… Đó là bởi vì sao? Vì phong cách của họ. Nói như thế không có nghĩa là họ lặp lại mình trong các tác phẩm khác nhau. Lặp lại là nếu mà tôi đọc bài thơ trước, bài thơ sau vẫn chỉ bấy nhiêu chữ...

H.T.Q.
.
.