Nhạc sĩ Ngọc Châu: Đong đầy ưu tư

Thứ Tư, 16/05/2012, 16:42
Không bao giờ tôi quên ngày mùa đông cuối cùng của năm Tân Mão. Tôi ra Hà Nội ăn Tết cùng ba mẹ. Xuống sân bay, về nhà ăn bữa cơm gia đình, cất lại mấy món đồ xong là thằng tôi mải chơi trỗi dậy. Anh em đồng nghiệp Hà Nội rủ nhau nhậu tất niên bữa đó. Có Thạch “dzừa”, có Bảo, có Kẹ, có Huy, có anh An… và tất nhiên là có anh, người tôi mến tài từ lâu lắm rồi, từ khi tôi còn là một thằng bé con 15-16 tuổi...

Nhưng tôi chưa bao giờ được gặp anh ngoài đời, đối diện nhau gần đến thế, nghe nhau nói gần đến thế. Khởi đầu là những dè chừng, rồi vượt qua những ngại nghi để bắt đầu có thể cởi mở như cởi mở với những anh em khác. Để rồi tôi bắt đầu định hình trong đầu mình rằng anh sẽ là người mà tôi muốn gặp lại, định hình rằng: Ngọc Châu là thế.

Có còn ai nhớ anh Châu không? Câu hỏi của tôi có lẽ không dư thừa đến vậy. Đã một thế hệ khác lớn lên, với thứ âm nhạc khác, với những ngôn từ khác, với những hành xử khác và với những lối sống khác. Môi trường của chúng bây giờ không thể so với môi trường của chúng tôi 20 năm về trước, cái năm mà tôi gặp anh lần đầu, qua màn hình TV nho nhỏ, cong cong, với bản Em và tôi của nhạc sỹ Thanh Tùng. Anh, cùng với Thanh Lam, đã bắt đầu cho tôi những nghĩ suy lãng mạn của tuổi sinh viên, qua những gì được hát ra, như tiếng lòng của một mê say mà người đời gọi là trót ôm lấy nghiệp vào thân. Vậy mà hôm nay, giữa đêm Sài Gòn này, dưới ánh sáng mờ mờ của trăng, trên tầng thượng tuyệt đẹp của căn nhà một người bạn chung, tôi lại được nghe tiếng nấc của anh, khi anh ôm lấy gương mặt mình, tiếng nấc như câu hát xưa: “Em và tôi, mỗi người một nửa cuộc đời”…

Tôi gặp Linh, cô em gái xinh xinh của anh, trước anh rất lâu và có những ấn tượng thật sâu, thật đẹp về giọng hát họa mi ấy. Lần gặp nhau đó, tôi đã kể Linh nghe về những thân quen rất xưa của mẹ Linh với gia đình tôi từ những ngày Hà Nội còn êm đềm đến lạ. Vậy mà tôi quên kể Linh biết, cậu Thịnh của Linh lại là người đã từng động viên tôi rất nhiều trong nghệ thuật từ ngày tôi còn là thằng bé con 10 tuổi.

Ngày tôi gặp anh, tôi quên bẵng câu chuyện về mẹ anh mà lại chỉ nhớ câu chuyện về cậu Thịnh. Chúng tôi đã nói rất nhiều về cậu, một con người say mê với từng bước chân thơ trẻ, say mê với công việc ở Đài Phát thanh Hà Nội, bên góc Hồ Gươm, gần đền Bà Kiệu. Tôi còn nhắc nhớ dáng cậu Thịnh anh trên chiếc xe đạp Eska của Tiệp Khắc chạy đến nhà tôi, nói cười như một ấu thơ chưa bao giờ qua tuổi. Anh đã cười xòa mà nhìn thẳng vào tôi, để nói: “Đúng rồi, đúng rồi, đúng rồi, cậu đi cái xe Eska. Em nhớ giỏi thật, Minh à”…

Phải thừa nhận là cuộc đời có những cái duyên thật lạ. Tôi cũng có vài người bạn như anh, chơi với nhau muộn so với mối quan hệ trước đó của gia đình. Tôi còn nhớ, 20 năm trước, khi gặp anh với bản Em và tôi qua truyền hình, ba đã nói với tôi rằng: “Anh Ngọc Châu này là cháu gọi chú Thái Thịnh bằng cậu”. Kể lại với anh Châu chuyện ấy, tôi, anh và Linh cười ngất, nhất là khi Linh nói: “Cậu Thịnh mình đúng nghĩa là Lão ngoan đồng”. Và anh thì gật gù thừa nhận nhận xét ấy quá chuẩn trong tiếng cười hồn nhiên. Lúc ấy, tôi thấy anh Châu còn thơ trẻ quá và thậm chí, tôi còn nghĩ rằng: “Ngọc Châu lúc này trẻ hơn cả mình”.

Hơn hai tháng trước, gặp anh và Linh đi ăn khuya bên lề đường Gia Long cũ, tôi đã bất ngờ khi biết anh quyết định chuyển vào Sài Gòn sống. Tôi không nghĩ sẽ có một đáp án như thế cho anh. Không phải vì tôi chủ quan đánh giá là anh không hợp với Sài Gòn. Thật ra, anh quá hợp với môi trường âm nhạc ở đây và anh lẽ ra phải làm việc ở thành phố phương nam này từ lâu rồi, ít ra là 10 năm trước. Tôi chỉ nghĩ, đơn giản là anh thuộc về Hà Nội nhiều hơn, như cái cách anh cùng tôi và bạn bè mới nhắc tới bài Hà Nội những công trình của anh Quốc Trường, một bài hát cũ nhưng nó không hề cũ ở thời đại của mình. Anh Trường mới đi xa rồi. Những người Hà Nội năm ấy cứ dần mà bỏ nhau đi mãi…

Ảnh: Đại Ngô - TGNNT.

Anh Châu không trầm lặng trong đám đông một cách quá mức như người ta vẫn thấy anh qua màn ảnh nhỏ, hay đâu đó những góc thuộc về công chúng. Thật ra, anh hòa đồng nhưng trong anh luôn có một sự cô đơn nào đó thật riêng. Tôi vẫn biết, nghệ sỹ là phải gánh lấy cái định mệnh cô đơn nhưng tôi nhìn trong mắt anh, ánh cười của anh một sự cô đơn sâu thẳm vượt qua những suy tư về thân phận mà lũ chúng tôi thường tự vu cho mình. Có một điều gì đó, buồn nản, xơ xác, mệt mỏi, mà anh luôn mang vác. Nhưng anh không bộc lộ nó một cách cụ thể và rõ ràng. Anh chỉ ngồi lặng lẽ ở chỗ của mình, khi người khác vẫn ồn ào cuộc vui. Nhưng cái lặng lẽ ấy không phải là tự cô lập mình, tự co mình lại mà là cái lặng lẽ của những nghĩ suy tư đâu đó rất lung, về thế thời, về những biến chuyển bất thần của môi trường thẩm mỹ xung quanh. Chắc anh tiếc, tiếc về một thời hoa cỏ mùa xuân rất xa. Thời bây giờ, mùa xuân có ai còn tìm đến vẻ đẹp sơ dịu của hoa cỏ. Họ thích những thứ khác hơn, hiện đại hơn và chứng minh được những hiện hữu hơn của sự phô bày. Những đơn giản của góc hoa nhỏ nhoi ở một bờ tường Hà Nội rêu phong nào đó không còn được trọng nữa. Tôi nghĩ thế và tôi cứ dối mình tin rằng anh cũng đang buồn thế.

Hôm rồi, đọc trên trang cá nhân của Linh, rất tình cờ thôi, rằng anh đã hứng khởi cất lại tiếng hát một lần hiếm hoi. Tiếng hát hiếm hoi ấy đã làm Linh suýt khóc, vì cô nhớ đến ngày cô còn thơ bé và được nhìn thấy anh trai mình trên TV. Linh là cô em gái thương quý anh trai hết mực, đến mức thần tượng. Anh Châu ngày ấy, chẳng đổi thay là mấy so với bây giờ. Có khác, chỉ là khác những lúc suy tư thế này, những lúc yên tĩnh một mình thế này, những lúc buồn vì những điều không thể nói ra, nỗi buồn thực sự của một người cứ đi mãi mà dường như chưa tới đích. Tôi hình dung anh như thế, chủ quan lắm nhưng tôi không dối mình được. Và tôi khẽ đặt tay lên vai anh, xiết thật chắc, bởi tôi chẳng còn biết nói gì với anh hơn là cái xiết tay mà tôi tin là đồng cảm ấy.

Tự nhiên mọi người bỗng tĩnh lại. Linh cất lên một câu hát đã quen từ lâu, nho nhỏ thôi, nhưng cũng đủ để bọn tôi tĩnh lại. Rồi sau câu Linh hát, một người trong chúng tôi khen một câu rất thật nhưng vô nghĩa vì nó được thừa nhận từ lâu rồi. “Chú Tùng mà. Nhạc của chú oách lắm. Chú làm quen với văn minh từ lâu rồi mà”, người bạn nào đó buông lời thán phục khi Linh cũng nói: “Trong tim tôi cỏ dại mọc đầy” của bài Trái tim hoang vu. Anh Châu chợt nhẹ nhàng nói: “Thật ra, bản gốc mà chú Tùng viết hơi khác và hay hơn nhiều”. Và anh khe khẽ hát, hát xong rồi lại khe khẽ nói về câu “trong tim tôi cỏ dại lại mọc đầy”.

Một chữ lại thôi, so với dị bản, mà anh nói ra cũng đủ để tôi bần thần suy nghĩ. Chỉ những người trọng từng ý nghĩa tưởng là nhỏ trong tác phẩm của người khác mới hiểu được cái lớn lao của câu chữ ấy. Và tôi chợt nghĩ, chợt nhớ đến nhiều ca sỹ bây giờ. Tôi đã từng nghe những bản ghi âm của họ vẫn giữ nguyên những sai lệch về ca từ. Một chữ, đôi khi là vô tình buông ra nhưng nhiều khi là rứt ruột như con tằm nhả tơ. Quên hay sai một chữ của người viết, điều ấy khủng khiếp lắm chứ phải đâu chuyện con trẻ. Vậy mà một bài chú Tùng viết cả hai chục năm về trước, anh vẫn nhớ như in như ngày đầu tiên để rồi nói cho chúng tôi hiểu nguyên bản của nó là thế nào. Giá trị của nghệ thuật nằm ở giá trị của nguyên bản mà. Lý thuyết ấy tôi nhớ, nhưng thực hành nó thì được mấy lần. Anh đã nhắc tôi, và bạn bè, một lần rất khéo, không câu chữ, không gồng lên sáo rỗng mà bằng giọng hát anh trong một đêm Sài Gòn tôi cảm thấy thật mong manh.

Qua đôi mắt kính trắng kia tôi đã thấy những băn khoăn của anh. Tôi chợt nghĩ, cha mẹ đặt tên con thường gắn thêm một ý nghĩa của kỳ vọng. Anh là Ngọc Châu, viên ngọc quý của cha, của mẹ. Những viên ngọc, với thơ trẻ luôn ẩn chứa điều gì kỳ diệu còn với người lớn, lại là hiện thân của giá trị. Nhưng để có đuợc một viên ngọc như thế, mất bao năm cho tự nhiên hình thành?

Câu chuyện từ tấm bé tôi nghe đến giờ tôi vẫn ghi trong lòng. Ấy là để có ngọc, con trai phải ngậm trong mình một vật thể nào rất nhỏ, như một hạt cát thôi, rồi rứt ruột mình bồi đắp cho vật thể ấy bằng chính những tinh túy của thân thể mình. Có những viên ngọc long lanh nhưng cũng có những viên ngọc nhuốm màu buồn. Mà phàm cái gì buồn chẳng đẹp. Nỗi buồn vẫn luôn đẹp như thế, như thể cứu cánh của nó là để người ta phải chiêm ngưỡng nó, thậm chí là chạm vào chính nó. Anh Châu có buồn không?

Nhìn anh tôi biết rằng có, một nỗi buồn riêng anh luôn giấu kín, thậm chí nuốt nó vào trong chứ không phải rứt ruột nhả ra cho thành ngọc như cái tên của mình. Nỗi buồn ấy đẹp như cái băn khoăn “Anh xa em dù gần”, nỗi băn khoăn dồn nén để đến mức độ anh muốn chống lại nó, như chống lại tạo hóa bằng cách “anh sẽ phải như bình minh” để phủ nhận đi sự ngự trị của những gì lạnh lẽo nhất, buồn sâu nhất, đẹp một cách hoang tàn nhất nhờ vào một trái tim “cháy yêu thương” như anh đã từng viết.

Nhưng anh vẫn ngồi đó, giữa sự tĩnh lặng của tất cả, giữa sự tĩnh lặng của mình, tĩnh lặng mà không thể hiểu nổi vì sao mình lại phải đeo mang vậy. Anh ngậm lấy nỗi ưu tư ấy, như ngậm hạt cát nhỏ mà đủ đau, đủ tổn thương để từng ngày tiết ra tinh túy của đời tạo ngọc, viên ngọc từ sự lắng lại những buồn trong thân trai, lắng lại chờ đợi một sự đổi thay (mà sự đổi thay thì không bao giờ thay đổi)…

Hà Quang Minh
.
.