Nhạc sĩ Hà Dũng: Thích làm việc khó

Thứ Năm, 20/11/2008, 14:00
"Tôi muốn làm những việc mà ít người làm, khi còn ít người làm. Có thể có hàng trăm công ty đi xây đường cao tốc lên, có thể có hàng ngàn công ty làm việc buôn bán mặt hàng bánh, kẹo, thịt, mỹ phẩm và họ kiếm được tiền rất nhiều. Ngân hàng có thể có vài chục cái, nhưng anh xem trên thế giới mỗi nước chỉ có vài hãng hàng không thôi. Vậy nên giờ tôi đi làm hãng hàng không. Quý nó mới hiếm, mà hiếm nó mới quý", nhạc sĩ Hà Dũng nói.
Anh là người liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường không phải ở những việc liên quan tới công việc kinh doanh rất phát đạt mà lại ở những đồn thổi liên quan tới những tên tuổi sáng choang và đầy hấp dẫn của các môn nghệ thuật giải trí. Nếu chỉ tin vào những điều hiện lên trên đó, rất khó có cảm tình với anh. Nhưng nếu ta chỉ tiếp xúc trực tiếp với anh đôi chút thôi, thì ta mới chợt hiểu ra rằng, ta đã lầm lẫn biết bao nhiêu.

Hà Dũng là một người có tính cách mạnh, anh không cần người khác phải nghĩ tốt về anh vì từ lâu anh đã hiểu, khó ai có thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của cái căn cốt thiện đã bám rễ rất sâu vào anh. Anh không chỉ biết cách "chơi đẹp" khi gặp gỡ, hội tụ mà ngay cả khi chia lìa, từ giã...

Hoàn thành bài trò chuyện giữa tháng này, tôi đã hiểu ra rằng, thực ra, tôi mới nói được về anh quá ít.

- Hãng hàng không Tăng tốc của anh dạo này thế nào ạ? Bao giờ thì tăng tốc lên?

- Bây giờ đổi tên rồi...

- ???

- Đổi tên thành Indochina Airlines, đang chờ được phê duyệt. Tháng 11 này sẽ bay chuyến đầu tiên.

- À ra thế, có lẽ là sợ xui vì cái chữ Tăng tốc khi viết không có dấu dễ bị xuyên tạc ý nghĩa nên anh đã phải đổi tên hãng hàng không của mình. Thế là cuối cùng một người tự làm chủ vận mệnh mình như Hà Dũng cũng phải tin rằng, nên tránh một số thứ gọi là điềm gở? Hay là còn có những lý do khác?

- Không phải thế.

- Xin anh giải thích?

- Thật ra, cái tên mới nghe có vẻ dân tộc hơn. Với cái tên Tăng tốc kia  thì mình thực ra cũng chưa xây dựng thương hiệu gì, thành ra cũng không sao. Mà trong tiếng Việt, Tăng tốc là Tăng tốc chứ tại sao nói là tang tóc?  Nếu muốn viết nó bằng tiếng Anh thì đó là Speed Up, có đúng không nào?

- Đúng. Từ tang tóc trong tiếng Anh nó khác thế. Không thể xuyên tạc được.

- Mình không thấy có vấn đề gì  trong chuyện đấy cả. Cần thì đổi thôi, nhưng không phải vì sợ xui. Nhưng một khi đã có ý kiến như thế thì mình cũng cần phải suy nghĩ...

- Người ta bảo Hà Dũng là người luôn luôn kiên trì làm theo cách mình nghĩ. Nhưng rõ ràng là anh cũng rất biết điều chỉnh theo những ý kiến bên ngoài. Đó liệu có phải là một trong những bí quyết dẫn tới thành công của anh hôm nay hay không?

- Có những việc mình cũng lắng nghe thiên hạ nói như thế nào, nhưng mà quan niệm của tôi là, thiên hạ nói thì đó là những việc của thiên hạ, còn  với những việc mà mình thường quan tâm thì mình phải ráng làm giỏi nhất. Có thể không giỏi hơn thiên hạ nhưng phải là giỏi nhất so với chính bản thân mình.

- Liệu anh có cảm giác là, tư duy của anh đôi khi có vẻ như rất là không trùng khít lắm với cách tư duy truyền thống của phương Đông? Tôi thì vẫn hiểu rằng, ở phương Đông, nói chung người ta sống thường cố lấy lòng thiên hạ, được lòng thiên hạ thì được thiên hạ, chứ không hẳn cứ làm đúng thì sẽ được thiên hạ...

- Nếu mà văn hóa phương Đông như vậy, thì theo tôi, nó có hai mặt của vấn đề.

- Anh hãy giải thích!

- Nếu mình làm một cái gì có liên quan đến thiên hạ như buôn bán, trao đổi gì đó thì mình cần phải nghĩ xem thiên hạ nghĩ gì, muốn gì. Còn có những việc của riêng mình thì mình không cần quá quan tâm tới những điều thiên hạ muốn... Riêng với tôi, thì tôi lại không nghĩ như vậy, mà nhiều khi mình cho rằng có một cách tư duy ngược lại với điều đó thì tôi thấy mình làm được việc gì đó của mình. Ví như, trong thiên hạ không ai thích làm chuyện này, thì mình cứ làm.

- Nếu mình thấy điều đó là có ích...

- Mình thấy điều đó là được, nó là chỗ đứng của mình, là loại công việc của mình thì biết đâu cách suy nghĩ như vậy mới có thể tạo nên cơ hội.

- Thực ra ngay cả tôi, tôi là một nhà báo thì cái tên Hà Dũng như một người sáng tác nhạc, một nhạc sỹ tôi biết trước khi Hà Dũng với tư cách là doanh nhân. Đấy là đối với tôi, còn có thể với những người khác, họ có nhiều  kinh nghiệm khác, họ biết anh khác. Thực sự tôi thấy nhiều người bắt đầu biết tới việc kinh doanh của anh sau khi biết những bài hát của anh. Đấy là sự tình cờ hay anh chủ định làm như thế?

- Thật ra việc có ai đó biết đến tôi trong lĩnh vực văn nghệ thì cũng không giúp gì mấy cho tôi trong lĩnh vực kinh doanh. Cho nên, cách đặt vấn đề như thể mình làm cái công việc gì đó liên quan đến văn nghệ để quảng bá cho công việc kinh doanh của mình là không đúng. Ít ra là trong trường hợp của tôi. Nói thật, tôi chỉ chú tâm đến vấn đề làm ăn thôi, còn như chơi trong hội họa, trong âm nhạc, trong thơ thì mình cũng nghiêm túc với cái chơi đó, nhưng không nhằm mục đích gì. Tôi yêu những thứ đó từ lâu rồi, từ lúc còn trẻ, còn là sinh viên. Anh em gọi đó là tài lẻ của mình, làm cho vui thôi, ngay cả cái việc tham gia ban giám khảo cho Vietnam Idol cũng thế, chứ cái mà mình không thể bỏ được là công chuyện làm ăn... Vậy nên đừng bảo tôi dùng văn nghệ để PR cho mình. Về chuyện viết nhạc thì tôi không dám nói chuyện đàng hoàng hay là chí thú, nhưng mà tôi làm theo cách của mình, có nghĩa là hết lòng với nó...

- Thông thường thì những doanh nghiệp muốn lập một cơ ngơi lớn thường chỉ muốn thiên hạ nhìn mình theo một góc độ nhất định mà cố gắng giấu rất kỹ "gót chân Asin". Nói cho cùng, "gót chân Asin" thì ai cũng có, kể cả người lớn lẫn người nhỏ. Và ai cũng muốn giấu kỹ "gót chân Asin" đó, đặc biệt là các doanh nhân. Nhưng riêng với trường hợp Hà Dũng thì có cảm giác là anh không mấy quan tâm đến chuyện giấu "gót chân Asin" của mình mà ngược lại, đôi khi lại như muốn trưng chúng ra. Liệu nhận xét này có thỏa đáng không?

- Thực ra những điều người ngoài biết về tôi chủ yếu là thông qua những bài phỏng vấn trên báo chí. Và  phải nói luôn là không giống như những gì mà bạn hữu thân thiết của tôi biết về tôi. Các phóng viên do những mối quan hệ quen biết muốn có bài thì tôi giúp họ. Khi trò chuyện thì thường đề cập tới những vấn đề này nọ và họ muốn biết quan điểm của Hà Dũng về những vấn đề đó thì tôi OK thôi.

Còn về chuyện Hà Dũng không ngần ngại giấu "gót chân Asin" của mình thì đó cũng là cái cách của Hà Dũng. Mình đã không nói thì thôi, chứ nếu đã nói thì phải nói cái mình nghĩ, tức là nói sự thật theo cái cách của mình nghĩ. Mình nghĩ thế nào thì mình nói như thế chứ mình không có ý định gì cả... Còn về việc mà anh vừa đưa ra một đánh giá là, mọi người đều muốn giấu đi "gót chân Asin" của mình thì đó không chỉ là ở riêng Á Đông đâu, đó là việc phổ biến trên toàn thế giới. Riêng với tôi, tôi cũng muốn nói lại một lần nữa, nếu mình đã không muốn nói thì thôi đừng nói, nếu mình đã không thể làm thì đừng làm, nhưng đã nói thì phải nói thật với suy nghĩ của mình, đã làm thì phải làm tốt nhất. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Và nếu nhìn dưới góc độ hài hước một tí thì như thế này, có nhiều người bạn biết rõ tính cách của tôi và khi mà họ đọc những tin giật gân, hay nói theo cách của anh, nhìn thấy "gót chân Asin" nào đấy của tôi xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì họ lại bảo rằng, tôi thấy những điều mà ông nói và ông làm thì ai cũng muốn, nhưng mà có người muốn mà không dám làm, có người làm rồi thì giấu đi, có những người còn tệ hơn nữa, muốn lắm và lén lút làm nhưng mà phủ nhận điều đó và lên mặt phê phán là những người dám làm, dám nói những ý nghĩ thật của mình mặc dầu có thể là bản thân họ bị tổn hại...

- (cười):..

- (cũng cười): Tôi đã nói là luôn nói thật. Và nếu không may đụng tới ai thì người đó ráng chịu, chứ tôi không thể nói khác những gì tôi nghĩ, những gì tôi nhận thức...

- Nói thật là trong cá nhân tôi, hình ảnh của anh cũng đa dạng lắm, thay đổi tùy thuộc theo những thông tin mà tôi đọc được về anh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và tôi nghĩ rằng, nói cho cùng, một hình ảnh Hà Dũng như thế với những người bình thường như tôi lắm khi lại trở thành một niềm an ủi, một cú hích để mà hy vọng. Là vì sao? Là vì một người cũng có "gót chân Asin" như chúng tôi, lại không buồn giấu chúng đi mà cứ hồn nhiên như nhiên mà sống, nhưng vẫn thành đạt được. Nhìn anh là thấy rằng, con người trong quá trình chuyển động có tất cả những sự cộng và trừ nhưng giữ được xu hướng tiến lên hướng tích cực thì sẽ thành công. Điều đấy đối với tư duy hiện đại, theo tôi nghĩ, là rất thích hợp. Anh cũng như mọi người bình thường khác, nhưng anh khác nhiều người bình thường khác là, mặc dù anh vẫn có những điểm trừ này nọ nhưng anh vẫn được những điểm cộng rất là đáng kể. Và vì thế anh thành công trên nhiều phương diện...

- (cười):...

- Tôi muốn hỏi anh một điều này nữa. Cá nhân tôi chẳng hạn, tôi không thích khi ai đó hay dùng những người khác để tạo cho mình một cái bệ hay cái gì đấy như là lấy le… Và tôi nghĩ Hà Dũng là người hoàn toàn không muốn nhờ vả ai để lập nghiệp. Anh là người luôn muốn tự mình xử lý các vấn đề của mình. Vậy thì tại sao, đó là lỗi của một số thông tin đại chúng hay là lỗi của ai đó nếu như anh cứ luôn nói rằng trước anh đã từng làm trợ lý cho một nhà lãnh đạo rất khả kính… Sao anh không nói, Hà Dũng là tôi, đã xuất hiện như là một cái tên họ độc lập, tự lập của mình?

- Có một điều rất quan trọng trong một đời người mà nhiều khi người ta mơ hồ nhận thấy nó thôi, người ta không có thử, không có một sự tổng kết. Tức là thỉnh thoảng trên phương tiện truyền thông khi đụng chạm đến vấn đề này tôi có nói, đó chính là một suy nghĩ thường trực trong đời sống của tôi: Ở trên đời này cái gì cũng tương đối hết, mà đã tương đối thì không có cái gì là ghê gớm cả. Thế nhưng vẫn có một điều nó là tuyệt đối cho nên nó rất ghê gớm, đó là quá khứ!

- Cái mà chúng ta không thể thay đổi được nữa...

- Đúng, quá khứ là những thứ không thể thay đổi được. Nhưng tôi thì tôi nhìn nó dưới góc cạnh khác, tức là do ta không thể nào thay đổi được quá khứ nữa nên nó không phải là điều tương đối dù chẳng phải điều gì trong quá khứ cũng tốt đẹp cả. Và vì nó không là tương đối nên nó là ghê gớm. Nhưng dù nó ghê gớm thì nó cũng chẳng làm gì được mình, nó có đau buồn, bất hạnh gì thì cũng đã đi qua rồi, nó đâu hù dọa được mình nữa. Và nếu nó vinh quang chói lọi gì đó nữa thì  cũng qua rồi, chẳng làm gì được nữa. Đó chính là ý nghĩ thường trực trong tôi để tôi hành xử. Vậy nên cái chuyện cho là tự tôi đi tuyên truyền về mình cái nọ cái kia thì không phải thế. Tôi làm vậy để làm gì? Nó có ý nghĩa gì đâu, chẳng qua là do anh em biết đâu nói đó thế thôi... 

Ngay cả việc cho là tôi nói về đời sống cá nhân của mình, tình cảm cá nhân của mình cũng chỉ là chuyện do anh em biết nên kể lại cho nhau. Còn những gì báo chí viết thì đâu phải tất cả mọi vấn đề mà họ đặt ra đều đúng như sự thật cả? Đấy, với câu hỏi mà anh vừa đặt ra thì tôi chỉ muốn trả lời như vậy thôi.

Tôi với anh, ta gặp nhau lần này đâu phải lần đầu. Anh cũng hiểu là tôi chơi với anh em như thế nào, mặc dầu trong công việc của tôi, trong tư duy  của tôi thì lúc nào tôi cũng đứng riêng ra về một bên, không ở trong số đông. Tôi dùng chữ đứng riêng ra chứ không phải là đứng cao hơn hay lại tự nhận mình một cách khiêm tốn giả tạo là mình không bằng ai, tôi chỉ  nói tôi đứng riêng ra thôi...

Có người hỏi tôi anh phải đi đầu chứ? Thì tôi nói rằng, có lúc anh phải đi đầu nhưng có lúc anh đứng đằng sau lưng, có lúc phải hòa vào trong đám đông. Mà nếu có lúc mình phải đi đầu thì là vì mục đích khác chứ không phải vì mình cho rằng mình là người giỏi nhất. Nếu mình có giỏi thì có thể chỉ trong một công việc  cụ thể nào đó của mình thôi, chứ không thể cái gì mình cũng giỏi hết. Không thể có chuyện đó được!--PageBreak--

- Khó ai có thể thấy mình giỏi hết...

- Nếu có ai đó nói tôi hay nhìn về quá khứ thì chỉ những khi cần đặt ra một vấn đề nào đó, chứ không thể  có ai đánh bóng tên tuổi của mình bằng quá khứ được, hay tự huyễn hoặc mình bằng hào quang quá khứ. Thậm chí bằng sự tưởng tượng của người mơ mộng về tương lai thì mình cũng không thể thuyết phục được người khác và cũng không nên thuyết phục bản thân  mình bằng cách như vậy. Đừng tự nhủ mình rằng ngày mai sẽ thấy nọ thế kia… Tôi quan tâm đến hiện tại. Tất nhiên quá khứ nó có một vai trò rất lớn nhưng cũng chỉ đến thế thôi, nó là con đường dẫn đến hiện tại. Chấm hết!

- Vâng, quá khứ là con đường dẫn đến hiện tại. Và thực ra những người như tôi rất muốn biết là từ đâu xuất hiện  một Hà Dũng như hôm nay? Anh có thể kể qua về tuổi thơ của anh, về quá trình học hành của anh trong quá khứ được không?

- Lứa tuổi tụi mình, như tôi và anh đâu có ai có được tuổi thơ an lành vui vẻ. Chiến tranh mà... Thì tụi mình cũng giống nhau cả thôi...

- Anh quê gốc ở đâu?

NS HD: Xa xưa thì ngoài Bắc, nhưng tôi lớn lên trong Nam, sinh ra ở trong Nam. Ông bà nói là bên tộc họ xa xưa của tôi là dòng họ của Hồ Quý Ly. Ông cụ nhà tôi xuất thân từ gia đình khá giả nhưng tham gia kháng chiến từ nhỏ. Và là một trong số rất ít người được cho đi học triết học Mác - Lênin. Đó có lẽ cũng là một cuộc đổi đời. Nhưng mà tôi không được sống trong không khí đầm ấm gia đình từ nhỏ, bố mẹ thì có công việc của bố mẹ, chí hướng trong thời loạn… Mình cứ lớn lên như thế giữa những người anh em, bạn bè, rồi sau đó cũng được chọn đi học, tôi học tới 3 lần, tổng cộng cũng gần 10 năm bên Nga, ở Moskva. Lúc đầu học kỹ thuật...

- Ngành gì hả anh?

- Trước học về chụp ảnh từ trên không, sau chuyển đi học quản lý kinh tế. Hồi xưa mình trẻ, học ghê gớm đủ thứ, học hội họa, võ thuật, học văn hóa, kinh tế… Đủ thứ! Những cái đó mỗi thứ một chút để tạo nên một cái gì đó giống như hành trang của mình, chỉ là vốn căn bản thôi, chứ mỗi người đều có vận hội riêng của mình, có một cách ứng xử với bản thân mình cũng như với cuộc đời để mình có được một cơ hội để làm việc  thôi...

Nói tóm lại, tôi vẫn theo quan điểm là, nếu ai đó muốn biết về tôi thì chỉ có thể nhìn những người bạn của tôi thôi. Mỗi người chỉ quan trọng nhất đối với bản thân mình mà thôi. Họ có thể chỉ cần cho người khác và chỉ vậy thôi, chứ họ cũng chả thể là điều gì đó quan trọng. Chúng ta không nên nghĩ mình quan trọng với ai đó khác cả.

- Tôi hiểu. Thực ra, tôi muốn phỏng vấn anh để lấy thêm những chi tiết đời sống giúp cho những người bình thường nhìn vào để trở nên tự tin hơn mà sống, chứ không phải đơn thuần chỉ vì tò mò

- Vậy thì có một lời khuyên thêm, tôi vẫn hay khuyên người thân của mình. Có thể điều này đi ngược lại với phương châm giáo dục chung, nhưng mà tôi nghĩ rằng, cái gì thì cũng phải nhìn từ nhiều góc nhìn khác nhau. Người ta vẫn dạy rằng, sống là phải có một tấm gương, phải có một thần tượng..

- Nói thật, tôi lại không thích thế, tôi  nghĩ mỗi người phải sống đúng theo  khả năng, bản tính và thiên chức của riêng mình... Tất nhiên mình cũng phải soi vào những mẫu mực để biết cái gì là tốt... Nhưng không có gì khác mình mà đáng để mình phải ghen tị đâu...

- Không có! Chỉ có bản thân mình, bản thân mình là tấm gương cho chính mình! Mình phải suy nghĩ tốt cho ngày hôm qua, mình phải cố gắng làm tốt cho ngày hôm qua với bản thân mình và đừng có làm tệ hơn ngày hôm qua. Và nếu ngày hôm qua mình tệ thì lỗi chỉ có ở bản thân mình thôi. Đừng nhìn vào người khác mà lấy đó làm tấm gương!

- Đại đa số những người yếu thì thường làm thế. Còn một số ít người mạnh thì nghĩ như anh nghĩ....

- (cười):...

- Trong xã hội chúng ta vừa qua có hai cách làm giàu. Một cách làm giàu là, những người biết quá hiểu cơ chế vận hành của xã hội mình và biết những điểm nào có thể nhấn vào để làm ra lợi ích cho cá nhân họ. Cách khác là hoàn toàn vận hành bằng chính tài trí và sự đóng góp cho xã hội để làm giàu. Tôi rất muốn biết là doanh nghiệp đầu tiên của anh lập ra hoạt động theo hướng nào? Anh từng là con người máu thịt của cơ chế và chắc chắn anh biết quá rõ sự vận hành của cơ chế. Ở đời kiếm được triệu bạc đầu tiên mới khó thôi, còn từ triệu mốt trở đi là dễ rồi. Vậy thì triệu  bạc đầu tiên của anh, anh đã kiếm ra bằng cách gì?

- Thực ra thì tôi không hiểu hết  về cơ chế nhưng bây giờ nói đến những vấn đề liên quan đến công việc làm ăn thì anh nói đúng. Tôi xin trả lời anh thế này: Đến bây giờ, tôi vẫn khuyên đồng nghiệp của tôi, những người cùng làm việc với tôi, - họ có thể là đối tác, họ có thể là những người cộng sự của tôi-, rằng, chúng ta phải hiểu, phải biết rất rõ thời thế, bao gồm cả luật lệ như anh nói đấy, nhưng chúng ta không bao giờ được chui qua những kẽ hở của nó. Tôi không phải là người chỉ tìm cách chui qua các kẽ hở của cơ chế và tôi luôn luôn cảnh báo những đối tác của tôi về việc đó. Có thể kẽ hở trong cơ chế đang là một cơ hội để chúng ta làm ăn nhưng ngày mai luật nó sẽ thay đổi...

- Vì chúng ta đang trong quá trình làm luật...

- Chúng ta đang trong quá trình làm luật thôi. Và những sự thay đổi chủ yếu là điều chỉnh những kẽ hở trong luật. Nếu vậy hôm nay chúng ta lách qua kẽ hở đó để làm giàu thì ngày mai nó sẽ khép lại giống như gọng kìm, hay như bốn bức tường trong nhà tù. Tôi không chơi cái đó. Và tôi nghĩ rằng, những người giỏi, bây giờ mình hiểu theo nghĩa xuất chúng đó, họ không làm như thế, họ không tận dụng cơ hội kiểu đó. Cá nhân tôi cũng có cách đi khác, tôi thích làm cái gì mà nói đùa chút xíu là, mình làm những cái mà chính mình phải làm luật cho nó. Tôi là người theo hướng đeo đuổi những việc mà tự mình, tôi không dám dùng chữ tiên phong, làm luật cho nó để sau đó nó hình thành một luật chơi chung cho xã hội.

- Nói một cách hình ảnh tức là anh không đi theo những con đường có sẵn, mà anh lập ra những con đường mòn  để những con đường mòn sau này trở thành đại lộ chung...

- Ví thế cũng đúng đấy, nhưng cũng lưu ý trong câu chuyện với anh một điều thế này, tôi không phải là người thành công, tôi là người đã mắc rất nhiều thất bại... Nhưng tôi lại đánh giá là những thất bại đó là những thành công rất lớn trong cuộc đời của tôi.

- Ít ra cho mình một kinh nghiệm?

- Đúng thế. Hồi xưa khi mà ta chưa có luật công ty trong nước thì tôi đã tự mình thành lập bộ máy giống như một công ty rồi. Công ty đó là một nhóm công ty làm đủ thứ chuyện, nào là làm tư vấn bán máy bay của hãng Boeing cho Việt Nam, cũng lên tới vài tỉ đôla rồi, mình tư vấn cho họ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng... Lúc đấy tư nhân không ai dám đầu tư vào cảng, vào cơ sở hạ tầng lớn, thì chúng tôi làm. Hay dịch vụ taxi cũng đã là một phần việc của công ty tôi. Lúc đó tôi là người làm đầu tiên với số đầu xe mà ngay cả bây giờ ít công ty nào có thể làm tới đó...

Nói chung, tôi muốn làm những việc mà ít người làm, khi còn ít người làm. Có thể có hàng trăm công ty đi xây đường cao tốc lên, có thể có hàng ngàn công ty  làm việc buôn bán mặt hàng bánh, kẹo, thịt, mỹ phẩm và họ kiếm được tiền rất nhiều. Ngân hàng có thể có vài chục cái, nhưng anh xem trên thế giới mỗi nước chỉ có vài hãng hàng không thôi. Vậy nên giờ tôi đi làm  hãng hàng không. Quý nó mới hiếm, mà hiếm  nó mới quý. Không phải mình sợ sự cạnh tranh, bởi vì ít có nghĩa là ông sợ sự cạnh tranh, người ta có thể nghĩ vậy, nhưng mà người ta cũng có thể hiểu rằng, tại sao ít thế, có thể làm ra được nhiều tiền mà người ta không lao vào? Lý do chính là nó quá khó, có vậy thôi...

- Hiện nay nhiều hãng hàng không trên thế giới đang lâm nguy, thậm chí có nguy cơ sập tiệm...

- Nhưng tôi vẫn muốn làm cái việc như vậy và rõ ràng đó không phải  việc dễ, đây không phải nghề mà kiếm được tiền, nó có thể có một danh tiếng lớn, nhưng không phải là nghề dễ kiếm được tiền đâu. Ngay cả Vietnam Airline hay Jetstar bây giờ họ vẫn lỗ đấy chứ. Nhưng mình làm là còn làm nhiệm vụ cho đất nước, chứ đâu phải tất cả mọi việc đều làm để kiếm tiền cho mình đâu. Giờ thử xem không có ông đường sắt thì dân mình đi bằng gì, không có ông hàng không thì những người muốn đi nhanh về nhanh đi bằng gì? Phải nói tới ý nghĩa xã hội nữa, chứ không phải nói thuần túy về kinh tế không. Hàng không là việc khó mà tôi muốn làm, chứ không phải làm vì tiền... Đó là chuyện thứ nhất...

- Đến một giai đoạn nào đấy của cuộc đời thì người ta không quá quan tâm tới chuyện lãi suất, nữa mà muốn để tìm kiếm những cái thử sức mình...

- Chuyện thứ hai tôi muốn nói là, trong lĩnh vực hàng không này, cần vốn lớn lắm. Vốn huy động ban đầu chỉ vài trăm tỉ thôi, nhưng vài trăm tỉ không phải là số tiền nhỏ. Đối với những người đi làm ăn bây giờ, nhỏ lớn gì thì đồng tiền cũng là xương máu, thành ra mấy trăm tỉ đồng bây giờ nó không lớn so với sự nghiệp này, trong sự nghiệp này cần nói tới con số hàng tỉ đô la.

Nhưng mà anh biết không, thứ nhất là tôi cũng không nên bỏ tiền của một mình mình ra, tại vì như thế chỉ có mình mình thì công việc nó sẽ khó hơn nhiều, cần phải có những anh em khác. Không phải mình huy động cái suy nghĩ của họ không mà thôi, nhiều khi không cần vì chuyên môn họ không giỏi bằng mình, cũng như việc chuyên môn hãng hàng không này tôi không giỏi bằng những chuyên gia. Cũng không phải là muốn chia sẻ rủi ro tiền bạc với họ, nhưng dứt khoát mô hình này cần phải có, với công ty cổ phần đó, với những việc khó như thế cần phải có nhiều người. Và tôi đã nói với những anh chị em mà tôi huy động vốn rằng, thứ nhất, nếu tôi làm không thành công thì tôi sẽ trả lại đủ hết số tiền anh em lúc đầu huy động, dù tôi đã phải chi phí ban đầu thế nào. Thậm chí anh em nào nói tôi không biết có thật ông làm không, ông giữ tiền tôi giống như chiếm dụng vốn, ông trả lãi giúp tôi thì tôi cũng OK ngay.

Thứ hai, khi tôi làm thành công cái đó thì chí ít số vốn của các anh chị sẽ tăng lên gấp 3 lần.

Và điều thứ ba là, nếu tôi kêu gọi các anh chị đóng góp với tôi làm, có nghĩa tôi là người trong công việc này giỏi hơn các anh chị thì để cho tôi làm. Anh biết không, từ đó đến giờ mới gần 1 năm thôi. Và tới tháng 11 hãng hàng không sẽ cất cánh, mà từ đó tới nay chỉ có một cuộc họp duy nhất lúc tôi tập họp bộ máy sơ khai mới có 15 người, mới có 1 ông giám đốc. Bây giờ đang có mấy chục vị ông giám đốc dưới đó, vẫn không hề có một cuộc họp nào mà công việc vẫn tốt....

- Xin cảm ơn anh!

Hồng Thanh Quang
.
.