Nhạc sĩ Đức Trịnh: Tìm mình trong “miền xa thẳm”

Thứ Tư, 11/12/2013, 13:08

Ông đeo lon thiếu tướng, ngồi châm điếu xì gà, những lọn tóc xòa như vương một vài nỗi buồn không thể gọi thành tên trên trán. Ngày 20/11, học trò đứng chật hành lang đợi để được vào chúc mừng ông, người thầy mà họ yêu mến. Ông cười rất hiền, như thể nụ cười ấy không phải của một vị tướng uy nghiêm. Đó là nụ cười của một nghệ sĩ…

Nhạc sĩ Đức Trịnh đúng là không có mấy phút giây thảnh thơi. Câu chuyện với ông được đan xen trong liên tiếp những cuộc điện thoại công việc. Trên cương vị Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội - một ngôi trường đào tạo nghệ thuật danh giá của cả nước, ông có quá nhiều việc phải giải quyết trong một ngày.

Nhưng những mệt mỏi của ông, nếu có, cũng qua nhanh, vì phần lớn công việc đều liên quan tới nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Đó cũng chính là phần đời sống rất quan trọng, rất ý nghĩa đối với ông, như con cá không thể thiếu dòng sông mà lặn ngụp, như cái cây không thể thiếu khu rừng mà xanh. Nhạc sĩ kể, nhiều lúc ở đâu đó cũng có người giật mình khi nghe lời giới thiệu về ông, nhạc sĩ kiêm thiếu tướng quân đội, kiêm nhà giáo.

Nhạc sĩ Đức Trịnh trong chương trình Con đường âm nhạc.

Nghe như khô khan thế nào, như những danh vị đó không thể ở chung một nhà vậy. “Thực tình thì tôi cũng không cảm thấy có gì mâu thuẫn cả. Tôi nghĩ một người lính, một vị tướng, một nhà giáo đều cho tôi những góc nhìn đa diện để làm một người sáng tác. Quân đội cho tôi một “kho” đề tài để viết, kể cả ca khúc lẫn khí nhạc. Nghề giáo cũng cho tôi nhiều cảm hứng mỗi khi cầm bút. Tôi làm người thầy trong một ngôi trường nghệ thuật. Ở đây, tôi có các học trò đồng thời là các nghệ sĩ, các đồng nghiệp. Đấy là một môi trường tuyệt vời để sáng tạo. Tôi luôn được sống đúng như con người nghệ sĩ của mình”.

Làm một nhà quản lý, dĩ nhiên là những công việc, sự vụ hàng ngày cũng đã đủ choán hết thời gian của nhạc sĩ Đức Trịnh rồi. Ông thường dành cho âm nhạc vào những ngày rảnh rỗi hiếm hoi, hay lúc đêm về, khi mà những bề bộn của một ngày đã tạm lắng xuống. Nghe chuyện ông, tôi thấy như lúc nào trong tâm trí ông cũng đầy ắp ý tưởng.

Ông kể, rất nhiều “đơn đặt hàng” cho sự viết đang phải “trả nợ” dần. Ông vừa viết xong ca khúc Chào công dân kỷ nguyên vàng (nhân câu chuyện công dân Việt Nam thứ 90 triệu ra đời), viết ca khúc về chủ đề thể thao Hà Nội, rồi bài hát về vùng đất Quảng Ninh, nhân 50 năm thành lập tỉnh, sắp tới đây là hợp xướng về Quân đội, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam…

Nhân chuyện về những “đơn đặt hàng” của nhạc sĩ, tôi hơi ái ngại hỏi ông, liệu ông còn chút tự do nào khi phải viết theo những đề tài có sẵn như vậy không. Nhạc sĩ Đức Trịnh cười rất hiền. Ông bảo: “Viết theo đơn đặt hàng có nhiều cái khó đấy. Không phải đề tài nào mình cũng viết hay được. Và cũng không phải đơn đặt hàng nào mình cũng nhận. Nhưng tôi quan niệm thế này, mình phải nhìn “đơn đặt hàng” như một cái cớ thôi, chứ đừng bị ràng buộc vào nó quá nhiều. Đề tài gì cũng có thể đi vào trong tác phẩm nghệ thuật được, miễn là người viết có những rung cảm sâu sắc từ trái tim. Tôi không bao giờ ngại chữ “đặt hàng” trong việc viết. Vì khi viết tôi luôn luôn tự do. Chỉ có tôi đối diện với cây đàn và trang giấy, với xúc cảm của chính mình”.

Ngẫm kỹ ra, thì thực chất câu chuyện của nhạc sĩ chính là việc ông luôn có nhu cầu viết. Hay nói khác đi, viết là câu chuyện lớn của Đức Trịnh, không kém gì những trọng trách mà ông đang gánh vác. Cuộc đời ông, đến giờ phút này, còn một đoạn rất ngắn nữa là chạm đủ một vòng tròn của tử vi, đã trải qua quá nhiều chặng gian nan, quá nhiều thử thách.

Tôi đã nghe nhiều lần ca khúc Mưa xuân và đã từng có lúc nghĩ, những lời hát giản dị, đẹp, mơ màng như thế này phải được viết ra từ một người có đời sống bình an hơn: “Hạt mưa mùa xuân/ Từng hạt mưa nhẹ vương trên áo em lung linh”. Và rồi khi biết nhiều về ông hơn qua những bài báo, mới nghiệm ra, sau những mất mát đổ vỡ trong cuộc đời, người nghệ sĩ đích thực là người không bao giờ để mất đi cái nhìn trong trẻo với thiên nhiên, con người và cuộc đời...

Nhạc sĩ Đức Trịnh tham gia quân đội năm 17 tuổi. Ông đi chiến trường, cầm súng chiến đấu như một người lính thực sự, dù trong ba lô của người lính ấy luôn có một cây bút. Ông viết nhạc, làm thơ sau mỗi chặng hành quân. Tình yêu âm nhạc như máu chảy trong huyết quản chàng trai trẻ có khuôn mặt tròn, bầu bĩnh như con gái. Kết thúc chiến tranh, ông đi học nhạc ở Trường Nghệ thuật Quân đội, rồi Học viện Âm nhạc Việt Nam, và trở thành một nhạc sĩ. Ông viết rất nhiều ca khúc, và không ít ca khúc đóng đinh vào đời sống âm nhạc một thời, và vẫn còn luôn được yêu mến trong lòng công chúng hôm nay, như Miền xa thẳm, Ngược dòng Hương Giang, Chiều chia xa, Chiều cao nguyên, Tình xuân, Hoa dại

Ở âm nhạc của Đức Trịnh, có một sự trộn lẫn tinh tế giữa âm nhạc dân ca và âm nhạc hiện đại. Tôi thích những bài hát của ông, luôn giản dị, nhẹ nhàng và tự nhiên như đời sống. Nó là những âm điệu vang lên từ đâu đó trong tâm hồn ta. Ông không bao giờ tỏ ra cầu kỳ phức tạp trong mỗi âm điệu, tiết tấu, hay ca từ.

Âm nhạc của ông là một sự gần gũi, nhưng không hề dàn trải, đơn điệu. Nó thấm đẫm tình yêu, những suy ngẫm hạnh phúc hay xót xa về cuộc sống. Nếu nghe lại những ca khúc như Miền xa thẳm hay Ngược dòng Hương Giang và rất nhiều ca khúc khác của ông, ta sẽ nhận ra điều đó.

Ngược với sự bình yên có phần tĩnh lặng trong âm nhạc, Đức Trịnh lại là một nhạc sĩ có đời riêng nhiều lận đận, sóng gió. Kết thúc chiến tranh, người lính Đức Trịnh ở lại Sài Gòn. Ông kết hôn với một phụ nữ Nam Bộ. Rồi cuộc hôn nhân không kéo dài và chia ly là một sự giải thoát. Ông một mình sống cảnh gà trống nuôi con qua những năm khốn khó hậu chiến. Niềm tin vào cuộc sống, vào tình yêu có lúc như phai nhạt đi. Nhưng rồi như một lẽ dĩ nhiên, trái tim người nghệ sĩ không thể sống ngoài khát khao yêu. Tình yêu lại đến, gõ những nhịp hối hả vào trái tim tưởng như đã đóng kín của người nhạc sĩ.

Ông kết hôn lần 2 với một phụ nữ đẹp Hà Thành. Và rồi, số phận vẫn thử thách ông. Sau những ngọt ngào hạnh phúc lại là những đắng cay ập đến. Hai người yêu nhau và đến với nhau vì tình yêu cuối cùng vẫn phải rời xa nhau. Trái tim nhiều vết thương chợt hiểu ra rằng, cần nhiều hơn thế cho một cuộc hôn nhân lâu bền. Lại những tháng năm đằng đẵng cảnh gà trống nuôi con, Đức Trịnh chỉ còn biết nương nhờ vào âm nhạc. Ông viết như một sự cởi bỏ lòng mình, như trút, như chuyện trò bầu bạn. Tưởng như tình yêu không thể đến nữa, trong đời. Và người đã nếm trải mất mát cũng không còn muốn kiếm tìm tình yêu nữa. Có thể thấy, trong giai đoạn này, tâm trạng lẻ loi, cô đơn của ông thể hiện rõ nhất trong ca khúc Ngược dòng Hương Giang, với những ca từ như đẫm lệ: “Tìm về nguồn câu dân ca xưa em đã hát ai ơi ai ơi/ Nước xuôi theo dòng mà con thuyền vẫn lẻ loi”.

Sau những đám mây u buồn của tâm trạng, một ngày nắng lên, tình yêu lại đến. Với Đức Trịnh, đó là một câu chuyện dài, một giấc mơ, cũng có thể là một phần thưởng cho cuộc sống quá nhiều sóng gió mà ông đã đi qua. Nàng quá trẻ, so với ông. Ông chỉ kém cha nàng vài tuổi, và hơn tuổi mẹ của nàng. Khó khăn từ cách xưng hô với cha mẹ nàng, lúc đến tìm hiểu nàng. Nhưng con tim yêu đã vượt qua những trở ngại. Họ đến với nhau, thành vợ thành chồng. Một đám cưới, để bắt đầu một cuộc hôn nhân, mà Đức Trịnh tin là sẽ không còn thử thách nào phía trước đợi ông nữa. Một chốn yên bình thực sự cho mọi vết thương của ngày tháng cũ được ngủ yên, những hao khuyết được lấp đầy. Họ đã sống với nhau hơn 10 năm hạnh phúc. Con gái Gia Nhi có đôi mắt tròn giống cha được cha yêu thương cưng nựng hết lòng. Trên bàn làm việc của ông, ảnh con gái đáng yêu cười tươi như đóa hoa, mang lại cho ông những phút thư giãn sau mọi căng thẳng công việc. Chia sẻ về đời sống riêng hiện tại, nhạc sĩ Đức Trịnh tỏ ra rất hài lòng. Ông kể: “Gia đình tôi rất hòa thuận. Những người vợ cũ và vợ mới của tôi có mối quan hệ rất tốt đẹp. Con trai thứ hai của tôi đang du học ở nước ngoài. Hôm trước cháu về nước, vợ chồng tôi đi cùng vợ cũ của tôi và chồng mới của cô ấy ra sân bay đón cháu. Mọi người đều rất vui vẻ. Tôi nghĩ, việc sống đời ở kiếp được với nhau hay không là do duyên phận và nhiều yếu tố khác nữa. Nhưng nếu đã chia tay nhau rồi, thì ứng xử là rất quan trọng. Mình phải ứng xử thế nào để tình nghĩa vẫn còn lại. Vì chúng ta còn con cái để chăm nom”.

Ngỡ như nhạc sĩ Đức Trịnh của những ngày tháng này đang rất bình yên. Một bình yên xứng đáng cho ông sau những thăng trầm trải qua suốt thời tuổi trẻ. Những năm tháng nếm mật nằm gai ở chiến trường, bơ vơ khi nghĩ về tình yêu như một “miền xa thẳm”. Khi hai người yêu nhau đi tìm nhau “giữa hai đầu trận đánh”. Những năm tháng hòa bình cô quạnh, vật lộn với thời cuộc để sáng tác và nuôi con. Ông đang đủ đầy tất cả, danh vị và danh tiếng, công việc và gia đình, và bạn bè cầu mong cho những khổ nạn không còn nhằm ông mà hướng tới nữa. Trời sẽ cho ông một sức khỏe đủ tốt để gánh vác những công việc cuộc đời. Đức Trịnh nói, ông cần phải chăm lo hơn nữa vào công việc giáo dục của nhà trường, nơi ông được giao trọng trách hiệu trưởng. Ngôi trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội luôn trải thảm đỏ để mời mọc các tài năng nghệ thuật. Ông đến đâu cũng mong tìm thấy những bạn trẻ có tài năng để đặc cách mời họ vào trường đào tạo. Ông hy vọng về một nền nghệ thuật trong tương lai không xa, nơi mà tất cả các tài năng trẻ đều được đào tạo bài bản. Không đào tạo thì tài năng không thể đi xa, sống lâu bền với nghệ thuật được.

Tôi cảm thấy như có một góc trống nào đó trong tâm hồn người nhạc sĩ mà không ai có thể chạm tới được. Ông nói cười, hút thuốc, rất sôi nổi khi bàn chuyện âm nhạc, nhưng tôi vẫn thấy có chút gì u uẩn trong tâm trạng của ông. Ông không muốn nói nhiều về thời gian, muốn quên thời gian để làm việc. Hàng ngày nhạc sĩ Đức Trịnh vẫn viết, trong ánh đèn đêm khuya, trong dào dạt ý nghĩ,  như thể không viết nhanh thì không kịp với thời gian. Viết với ông như một nhu cầu, một đòi hỏi từ sâu trong bản thể. Đó là một “miền xa thẳm” để ông miên man dọc dài trong đó, quên đi những dự cảm hữu hạn của đời người...

Vũ Quỳnh Trang
.
.