Nhà văn hóa Lê Quý Đôn: Làm theo cái biết

Thứ Sáu, 12/04/2013, 18:02

Cho tới bây giờ thì không ai hoài nghi vào việc Lê Quý Đôn là một trong những học giả bậc nhất trời Nam từ trước tới nay. Theo “Từ điển Bách khoa Việt Nam”, ông cũng chính là người Việt Nam đầu tiên biết tới lý thuyết quả đất tròn gồm bốn châu (Á, Âu, Phi, Mỹ). Về vũ trụ học, ông đã đề xuất thuyết lý khí. Về trị nước, ông chủ trương đức trị đi đôi với dụng nhân tài…

Mặc dù chỉ thọ chưa tới 60 tuổi (1726-1784) nhưng Lê Quý Đôn đã kịp để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ tới 40 bộ (hiện còn lưu giữ được khoảng một nửa). Những cuốn sách của ông như “Kiến văn tiểu lục”, “Vân đài loại ngữ”, “Phủ biên tạp lục”… cho tới ngày hôm nay vẫn được tìm đọc rộng rãi.

Tài cao, nghiệp lớn

Lê Quý Đôn nổi tiếng thần đồng từ nhỏ, lên 2 tuổi đã học được chữ Hữu và chữ Vô... 5 tuổi, cậu bé Lê Quý Đôn đã biết được nhiều bài trong Kinh Thi… 10 tuổi, đã học Sử truyệnKinh Dịch… 15 tuổi, đã học hết Tứ Thư, Ngũ KinhBách gia chư tử… Năm 1743 (17 tuổi), Lê Quý Đôn đỗ giải nguyên và năm 1752 (26 tuổi), đỗ hội nguyên và ra thi đình đỗ bảng nhãn. Ra làm quan ở thời Hậu Lê, Lê Quý Đôn rất được trọng dụng và trải qua khá nhiều chức vụ trọng yếu, đến cả chức Hình bộ Thượng thư… Khi mất, ông được truy tặng hàm Thượng thư Bộ Công…

Với bản tính của một nhà khoa học bẩm sinh, Lê Quý Đôn đã dành rất nhiều tâm huyết và thời gian không chỉ để làm thơ (công việc quen thuộc và yêu thích của các nhà Nho) mà chủ yếu là cho việc đọc sách và soạn sách trên cơ sở những điều tai nghe mắt thấy trong cuộc sống và ở kinh thư. Theo ông, “căn bản lời nói, việc làm, theo chốt sự học hỏi, có bao giờ không dựa vào sự biết rộng nghe nhiều?”.

Đánh giá về Lê Quý Đôn, danh sĩ triều Nguyễn, Phan Huy Chú, đã viết trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Ông tư chất khác người, thông minh hơn người… Bình sinh làm sách rất nhiều, khi bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi; mà nói đến điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng ở trên đời”.

Bản thân Lê Quý Đôn trong lời tựa cuốn sách Kiến văn tiểu lục, cũng tâm sự: “Tôi vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, lại được giao du với nhiều bậc hiền sĩ đại phu, thêm vào đấy phụng mệnh làm việc công, bốn phương rong ruổi: mặt Bắc sang sứ Trung Quốc, mặt Tây bình định Ai Lao, mặt Nam trấn thủ Thuận - Quảng, đi đến đâu cũng để ý tìm tòi, phàm việc gì mắt thấy tai nghe, đều dùng hiểu biết để ghi chép, lại phụ thêm lời bình sơ qua, giao tiểu đồng đựng vào túi sách, lâu ngày tích tập, sau mới chép lại thành phiên…”. Ông thường thích nhắc lại lời của Vương Hy Chi thời nhà Tấn: “Đọc sách mà tìm được một nghĩa cũng như được một thuyền hạt ngọc”…

Theo ông, đọc nhiều thì phải biết suy nghĩ nhiều, rồi dần dà lượng mới đổi thành chất và những phương châm đối nhân xử thế của các bậc hiền nhân cũng có thể trở thành cốt cách của mình: “Lời dạy hay, lời nói phải của cổ nhân, dùng để giữ mình thì có thể được yên thân, suy ra công việc thì có thể giúp đời; nghiên cứu mưu mô cao, phép tắc tốt của cổ nhân, khi gặp người hỏi, thì có thể ứng đối được đầy đủ, gặp công việc, có thể dựa vào đấy mà châm chước; sách vở văn chương của cổ nhân không phải một loại, xem vào đấy có thể gợi giúp tâm trí, gợi tính tình; tài đức sự nghiệp của cổ nhân không giống nhau, thuật truyện lại có thể sánh kịp người hiền, học lấy lẽ phải, sau nữa, đến như bờ cõi, núi sông, tiên phật, thần quái, phương thuật, tạp thuyết, cũng đều có quan hệ đến cách vật trí  tri, có giúp ích vào việc giữ vững lòng thành, thông suốt sự lý cả…”.

Tự biết phận mình

Thái độ làm việc nghiêm cẩn, khoa học đã giúp Lê Quý Đôn hoàn thành những công trình có sức sống bền lâu. Ngày nay, đọc lại những điều mà ông đã dày ông biên khảo và diễn giải, ta vẫn có thể thâu nhận được vô số những thứ hữu dụng cho bản thân mình trong cuộc sống hiện tại. Thí dụ:

- Giữ đời sống bình thường không gì bằng tiêu dùng sẻn nhặt.

- Bồi dưỡng sinh lực không gì bằng ít dục tình.

- Sau khi uống rượu nên giữ gìn lời nói; đương lúc ăn nên ngậm lòng giận dỗi; nhịn những việc khó có thể nhịn được; hòa thuận với người không hòa thuận; ăn uống không có tiết độ là căn do mắc bệnh; tư tưởng không đúng đắn là nguồn gốc hại mình; bệnh tật từ miệng vào, họa hoạn từ miệng nói ra; nhún mình có thể theo được mọi người; hiếu thắng tất gặp địch thủ; bủn xỉn quá tất hao phí lớn, tích trữ nhiều tất mất mát to; cẩn thận thì không lo, nhẫn nại thì không nhục; tĩnh dưỡng thì thường được yên, sẻn nhặt thì thường được đủ.

- Càng thu lượm lẽ phải thì càng đầy đủ, càng tế nhị tư tưởng thì càng rộng lớn, càng sâu dày bao nhiêu thì càng cao sang bấy nhiêu.

- Mọi việc không khắc trách ở người khác, thì dẫu giá lạnh lửa bỏng cũng không rối loạn lòng ta.

- Nói nhiều, nhiều việc hỏng; việc nhiều, phải nghĩ nhiều; giữ được lòng giản dị thì lòng tự yên, biết được hạn định của mình thì lòng tự đầy đủ.

- Không để tâm bới vẽ sự việc thì không có việc gì bận rộn trong lòng, cho nên trong lòng tĩnh mịch thì sinh sáng suốt, trong lòng náo động thì sinh tối tăm.

- Người lái buôn gian dối làm rối loạn thị trường; người nông phu lười biếng, làm hỏng cả ruộng đất; người độc phu tàn tạo làm nhiễu loạn cả nước;  con ngựa ốm yếu làm nhơ nhuốc cả đàn.

- Làm giàu không sẻn nhặt, lúc nghèo phải hối hận; lúc thấy việc không học hỏi, lúc thi thố mới hối hận; lúc say bói dại dột, lúc tỉnh phải hối hận; lúc bình thường không nghỉ ngơi, lúc có bệnh mới hối hận.

- Người khinh suất lời nói, tất nhiên lời nói kém phần tin chắc; người tâng bốc thạo tất nhiên chê bai cũng thạo; việc không nên làm hết, quyền thế không nên dùng hết, lời nói không nên nói hết; phúc trạch không nên hưởng hết.

- Người nào nói ta xấu, đấy là thầy ta; người nào khen ta hay, đấy  là thù địch của ta.

- Chỗ bất cập của người khác, ta nên lượng tình mà tha thứ; chỗ thiếu sót của ta, ta nên dùng lý lẽ mà nghiêm trách.

- Dạy con phải dạy cho có nghề nghiệp thường thì không đến nỗi lưu ly thất sở.

- Trong bụng cần phải từ bi, công việc cần phải phương tiện. Những sự tàn nhẫn khắc bạc, chỉ gây mối oán hận với người ngoài.

- Việc gì không can thiệp đến mình, dầu mảy may cũng không lý hội đến. Rượu ngon, sắc đẹp, của cải, tức khí, bốn điểm này cần phải kiêng kị, vì có thể làm hại đến bản thân…

Lê Quý Đôn dẫn lời của Tôn Huệ nhà Tần: “Danh vị lớn không nên đeo lấy mãi, công việc lớn không nên gánh vác mãi, quyền thế lớn không nên giữ mãi, uy vọng lớn không nên bám lấy mãi”. Ông cũng cảnh báo những hậu họa của cảnh đời phú quý bằng cách dẫn lời của Ngũ Dung Am để tôn vinh những tiền lệ tốt: “Gia đình nhà tấn thân (tức là quan lại - LHV), tì thiếp nhiều, đủ cung cấp về sự say mê sắc dục, mà không đủ để làm nguồn gốc bồi dưỡng sinh mệnh thọ trường; tôi tớ nhiều, đủ để khoe khoang về uy thế, mà không đủ để làm phúc trạch dưỡng sinh; ruộng nhà nhiều, đủ để chơi bời xa xỉ, mà không đủ để ngăn được nhà quyền thế chiếm đoạt. Cho nên người vợ xấu của Vũ Hầu, con ngựa què của Kinh Công, viên tướng quốc họ Tiêu làm nhà không sửa sang tường nóc. Xét đến hành vi của triết nhân ngày trước, không điều gì là không đáng làm khuôn phép. Vậy thì tất cả những người quân tử, sao không theo khuôn phép ấy?”.

Theo Lê Quý Đôn, bài châm sau đây của cổ nhân cần được mỗi người trong chúng ta luôn để cạnh chỗ ngồi:

“Uống rượu ít, ăn cháo nhiều; ăn rau nhiều, ăn thịt ít; ít khi mở miệng, nhiều khi nhắm mắt; ít khi ở chung, nhiều khi nằm riêng; chứa nhiều sách cổ, ít chứa hạt ngọc; cầu danh ít, nhẫn nhục nhiều; làm điều lành nhiều, cầu lợi lộc ít”…

Ông cũng từng dẫn lời Thôi Viện nhà Hậu Hán với tư cách bài minh để cạnh chỗ ngồi:

“Đừng nói điều sở đoản của người khác, đừng khoe điều sở trường của mình, làm ơn cho ai đừng để bụng, chịu ơn của ai đừng có quên, đừng ham mê lời khen của thế tục, chỉ lấy điều nhân làm mối giềng, suy nghĩ kỹ rồi sau sẽ hành động, dù lời nói chê bai dị nghị cũng không hại gì, đừng để cho tiếng khen quá sự thực, giữ mình như người vụng dại, thánh nhân lại lấy làm hay; mềm dẻo là con đường sống, Lão Tử răn người cương cường: ở chỗ đen mà không thấm màu đen, bên ngoài như mờ tối mà bên trong bao hàm đức sáng suốt; cẩn thận lời nói, tiết độ ăn uống, tự biết phận đã đầy đủ thì có thể thắng được sự không lành…”.

Chính vì thấm nhuần được những điều hay đã từng đọc được trong sách và luôn cố gắng ứng xử sao cho phải đạo, biết sửa chữa những lầm lỗi một cách tối ưu, nên dù cuộc đời làm quan của Lê Quý Đôn không phải lúc nào cũng bằng phẳng nhưng rốt cuộc ông vẫn tới được bờ bến yên lành và để lại danh thơm cho hậu thế…

Lưu Hùng Văn
.
.