Nhà văn của trẻ mồ côi và kẻ tử tù

Thứ Năm, 25/12/2008, 09:45
Từ trại trẻ mồ côi trở thành một uy tín trên văn đàn, tiểu thuyết gia người Nga Anatoly Pristavkin (17/10/1931 – 11/7/2008) từng có 10 năm đứng đầu Ủy ban Ân xá trực thuộc Tổng thống…

Trước chiến tranh, cả nhà Pristavkin sống trong một khu tập thể nông thôn, 8 con người trên 8 mét vuông, bố mẹ được nằm giường, Anatoly nằm đi văng, em gái nằm trong xe nôi, còn tất cả những đứa trẻ khác lớn hơn đều phải nằm sàn, chân đút dưới gầm giường, ai phải dậy sớm đi làm thì len lén bước qua những người đang còn ngủ…

Chiến tranh đột nhiên bùng nổ, cha ra mặt trận được ít lâu thì người mẹ qua đời vì bệnh lao, Anatoly Pristavkin rơi vào một trại trẻ mồ côi, sống giữa con cháu của những quân nhân, của những gia đình thuộc diện "thành phần".

Chính trong thời kỳ này, nhà văn tương lai được tiếp xúc với một số trẻ con có học, có thể kể lại trường thiên tiểu thuyết với khoản thù lao sau mỗi chương hồi là một mẩu bánh mì.

Cậu bé Anatoly bôn ba khắp ngả trên một đất nước quá bao la: từ vùng ven Moskva, Siberi đến Bắc Kavkaz, nơi vào năm 1944 những người Chechen bị lùa đi, để lại cho lũ trẻ mồ côi một vùng mênh mông hoang vắng.

Một con dao găm dùng để phòng thân hồi ấy còn được nhà văn gìn giữ như kỷ vật, nhưng rất may, nó đã chưa bao giờ được dùng đến - hình như tố chất của một con người biết lấy những Tolstoy, Chekhov, Gorky làm gương sáng đã lái Anatoly đi theo hướng khác.

Đó là khoảng giữa cuộc chiến tranh, vùng hậu phương trở nên nhộn nhịp với đủ các loại người: thương phế binh, dân tản cư, con buôn, phụ nữ và trẻ em, còn lũ trẻ mồ côi giữa môi trường ấy chẳng khác nào cá gặp nước - chúng biết và làm được tất cả mọi chuyện…

Về sau này, trong tiểu thuyết Bồ câu bé nhỏ, nhà văn đã tìm ra cách thể hiện mối quan hệ ràng rịt đó: "Chiến tranh đã xuyên qua cuộc đời lũ chúng tôi như một quả bom xuyên táo qua tòa nhà cao tầng".

Anatoly Pristavkin đến với nghề văn cũng là chuyện tình cờ: đám trẻ mồ côi phải sống chui rúc hàng tháng trời trong những toa tàu chở hàng, mỗi ngày được cấp một mẩu bánh con con.

Khi tàu dừng ở Cheliabinsk mà không thể nào len được vào một nhà ăn vì dân tản cư đang bu đầy, vị quản trại phải hét to lên để mọi người biết đây là đoàn trẻ con mồ côi, thế là những người lớn thôi xô đẩy chen huých, dạt ra hai bên nhường lối cho các em.

Hình ảnh cảm động đó in sâu trong tâm trí A. Pristavkin rồi được thể hiện thành truyện ngắn đầu tay Hành lang người với ý tưởng xuyên suốt: lòng thông cảm của mọi người không ngừng mở ra những hành lang để dẫn mình tới tương lai.

12 tuổi đã kinh qua những lớp học nghề, khóa bổ túc ban đêm, trường kỹ thuật hoặc công xưởng, đến 14 tuổi chuyển sang rửa ống bơ cho một nhà máy đồ hộp thực phẩm ở Sernovodsk kề Kavkaz và từ năm 15 tuổi, nhà văn tương lai mới có chỗ tá túc là góc phòng thí nghiệm của một xí nghiệp sửa chữa máy bay, thường đọc sách báo để quên đi cơn đói.

Khi vào phục vụ trong quân đội, làm thơ, soạn kịch kiêm diễn viên nghiệp dư, rồi giải ngũ, thi đỗ vào Trường Viết văn Gorky… Ban đầu A. Pristavkin theo học lớp làm thơ, nhưng ông thầy Lev Oshanyn lại sớm phát hiện và khích lệ khả năng viết văn xuôi ở người học trò đáng quý này.

Năm 1959, Tổng Biên tập Valentin Kataev (tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Cánh buồm trắng) đã cho đăng trên tạp chí uy tín Tuổi trẻ liên tiếp 6 truyện ngắn của A. Pristavkin, và những câu truyện đáng cảm phục về tuổi thơ đầy thiếu thốn ấy đã được dịch ngay ra nhiều thứ tiếng.

Một thời gian sau, những điều từng trải nghiệm trong cuộc chiến được gửi gắm vào những trang văn xuôi gần như thơ, như những phác thảo chưa kết thúc nhưng rất chân thực và đầy khơi gợi. Những chùm truyện rất ngắn đó được tập hợp thành cuốn Tuổi thơ trong thời chiến.

Cuốn sách giống như một nhật ký chân thành và sâu sắc, mở ra cả một mảng hiện thực cuộc sống chưa từng thấy trong văn học trước nay. Sau khi tốt nghiệp Trường Viết văn, A. Pristavkin tình nguyện về công trường thủy điện Bratsk làm thợ đổ bê tông hai năm rồi mới sang làm phóng viên Báo Văn, trở thành hội viên Hội Nhà văn Liên Xô và cho lần lượt ra đời những cuốn sách để được mệnh danh là "sử gia của thời đương đại" Hội Nhà văn đã trao giải thưởng cho ông.

Năm 1985, ông cho ra đời cuốn tiểu thuyết Dinh thự nhảy dù về hiện trạng xây nhà cửa lộn xộn trên công trường KamAZ - một đề tài hết sức nóng trong cuộc sống và mới trong văn học, được độc giả rất quan tâm. 

Tập truyện ngắn đầu tay của A. Pristavkin đã khơi nguồn cho hàng loạt sáng tác có tính tự bạch của những cây bút trẻ, với hình tượng chủ đạo là người thanh niên bươn chải để giành vị trí trong cuộc sống. Còn A. Pristavkin thì vẫn lặng lẽ chiêm nghiệm…

Phải đến truyện vừa Người lính và đứa trẻ - được viết từ năm 1971 nhưng mãi sau, năm 1977, mới đăng trong Tạp chí Ngọn cờ - người đọc mới nhận thấy sự bùng nổ ngấm ngầm của nhà văn: phải một lần nữa đề cập đến những trại trẻ mồ côi và những hoàn cảnh bi đát trong chiến tranh, họa chăng mới giải thoát khỏi nỗi đớn đau từ quá khứ. --PageBreak--

Trong các tác phẩm của A. Pristavkin, nhân vật chính thường xưng "tôi". Đây không phải tự bạch của một nhân vật trữ tình nào đó phát sinh từ trí tưởng tượng của nhà văn, mà là của chính tác giả với tên thật của mình, giữa những bạn bè thân thích cũng đều mang tên thật. A. Pristavkin như một vị chủ nhà hiếu khách mở rộng cánh cửa dẫn độc giả vào ngôi nhà của mình, vào thế giới nội tâm của mình...  

Ngay từ đầu thập niên 80, A. Pristavkin đã bắt tay vào viết Đêm thâu, đậu áng mây vàng, viết theo thôi thúc của chính mình chứ không mong được xuất bản, để nói ra những điều đã từng nếm trải và còn đau đớn cho đến tận giờ...

Nghe đồn, nhiều người tìm đến xin mượn bản thảo Áng mây vàng về đọc - người muốn mang về nhà đọc tận mắt, người muốn cho con mình cũng được đọc, người muốn cả cơ quan mình cùng đọc, có người theo lời khuyên của bạn bè đã từ Leningrad đến tận nhà tác giả ở Moskva đề nghị cho mượn một bản để đọc ngay rồi về kể cho gia đình nghe...

Bằng cách nào đó ngoài ý muốn của tác giả, bản thảo lọt sang nước Cộng hòa Belarus, nên tại Đại hội VII Hội Nhà văn Liên Xô, nhà văn nổi tiếng Ales Adamovich đã lên diễn đàn ủng hộ xuất bản Áng mây vàng thành sách.

Và năm 1987, Tổng Biên tập Tạp chí Ngọn cờ - nhà văn cựu chiến binh Georgi Baklanov, tác giả Mãi mãi tuổi mười bảy - đã ký duyệt in Đêm thâu, đậu áng mây vàng. Giữa lúc nhiều bản thảo lâu nay bị xếp xó lần lượt được công bố, tác phẩm của A.

Pristavkin có vị trí vững vàng trong văn học đương đại. Một đứa trẻ mồ côi lạc vào một vùng đất Kavkaz lạ lẫm, hoang tàn phải chứng kiến sự truy sát đối với cả một dân tộc, không hiểu vì những nguyên do gì, mục đích gì.

Giá trị chủ yếu của tác phẩm là đã khẳng định được rằng: suy nghĩ và hành vi của những đứa trẻ trong trại mồ côi, bất chấp sự hà khắc của những người phụ trách, còn sáng suốt và tử tế hơn gấp nhiều lần so với những người lớn.

Áng mây vàng chính là biểu tượng tâm hồn, sự trong sáng đến chân phương của trẻ nhỏ, nó làm ấm lòng người nhưng cũng gieo một nỗi lo canh cánh: ngộ nhỡ “áng mây vàng” ấy va vào vách đá thì sao?

Tiểu thuyết Đêm thâu, đậu áng mây vàng được Xưởng phim Gorky đưa lên màn ảnh với một sự tương đồng kỳ lạ: đạo diễn của bộ phim có tính định mệnh này là Sulambek Mamilov - một người Ingush chính cống, hồi nhỏ cũng từng chứng kiến tận mắt những điều tác giả kể trong sách.

Chỉ vài năm sau, tác phẩm được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, riêng trong nước Nga, lượng sách bán ra đã đạt 4,5 triệu bản, và tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước Liên Xô năm 1987.

Tiếp đó, nhà văn cho ra đời Loài chim gáy, cũng lại bối cảnh trại trẻ mồ côi, nhưng đây là trường hợp đặc biệt: cư dân trong trại là con cháu của những thành phần "thù địch nhân dân", vào đây tất cả đều phải mang một họ chung là Kukuschata (loài chim gáy), chúng như tình cờ xuất hiện trên đời và chẳng biết đâu là nguồn cội…

Tác phẩm này đã được tặng giải thưởng toàn quốc Đức 1992 về văn học thiếu nhi và khép lại bộ tiểu thuyết ba tập kể từ Người lính và đứa trẻ, Đêm thâu, đậu áng mây vàng. Uy tín nhà văn A. Pristavkin trong đời sống xã hội cao chưa từng thấy. Trong những năm ấy, ông là đồng sáng lập viên tổ chức nhà văn độc lập đầu tiên mang tên "Tháng Tư", chú tâm đến những người vừa "ra trại".

Chẳng thế mà năm 1992, luật gia S.A. Kovalev - phái viên toàn quyền của Tổng thống Liên bang Nga về quyền con người - đã đề nghị nhà văn đứng đầu Ủy ban Ân xá của Tổng thống vừa được tái lập.

Tròn 10 năm đảm nhiệm cương vị khó khăn ấy (1/1992 – 12/2001), nhà văn thuật lại chi tiết trong ba tập Thung lũng bóng đen thần chết (2000), một dạng tiểu thuyết tư liệu điều tra về các vụ án hình sự.

"Thời nào cũng vậy, nước Nga không thiếu những kẻ sát nhân, cưỡng hiếp, những kẻ chặt đầu người không ghê tay, và tìm hiểu về họ qua những trang sách chỉ là chuyện mọn; còn đọc hồ sơ và tiếp xúc với họ trong cuộc sống cũng nguy hiểm chẳng khác nào đụng phải họ giữa đường.

Cho họ một cự li cuối cùng của số phận và về thực chất - quyết định mang lại cho họ một cuộc sống khác, có phải người nào cũng đủ sức để đứng cao hơn tạo hóa được đâu?".

Trong đời, nhà văn A. Pristavkin đã cho ra đời hơn 25 cuốn sách, nhiều cuốn truyện vừa và tiểu thuyết được dịch in ở nước ngoài. Khi được trở về Trường Viết văn làm Phó Giáo sư đào tạo những cây bút trẻ, A. Pristavkin thường dự đoán tương lai và lập sổ theo dõi từng người học trò.

Ông là người tin vào năng khiếu bẩm sinh và bao giờ cũng hướng dẫn học trò tìm hiểu kỹ lưỡng những tác phẩm văn học thứ thiệt. Hồi còn trẻ, có lần được cấp phiếu vào dự trại viết Glitzyno, một biệt thự cổ kính dành cho những nhà văn cao tuổi, A.

Pristavkin gặp N. N. Gusev - người thư ký già của Lev Tolstoy - và được vị này tặng một bức ảnh với lời đề tặng dẫn lời của đại văn hào: "Phải biết hết những gì người khác đã viết trước mình, rồi hãy viết nên cái của mình". Dường như từ hồi ấy, viên thư ký già đã nhạy cảm rọi ánh hào quang từ đại văn hào vào nhà văn trẻ A. Pristavkin

Đăng Bẩy
.
.