Nhà văn Trần Nhã Thụy: Những chuyện góp nhặt

Thứ Sáu, 05/07/2013, 14:49

Trần Nhã Thụy, sinh năm 1973, anh hơn tôi đúng 10 tuổi. Thụy ít nói, tính trầm, dáng đi chậm. Anh em viết lách ở Sài Gòn vẫn hay đùa Thụy, “Lừ đừ như ông từ vào đền”. Nhiều năm anh em chơi với nhau, là chơi thân, tôi rất muốn viết về Thụy. Bao giờ, anh cũng gạt phắt đi. Biết làm sao, tính anh vậy, ít khi muốn nhắc về mình.

Giờ này, Thụy đang ở quê. Khi nào mệt mỏi, anh lại về quê. Khi nào yên ả, anh lại về quê. Không ai như Thụy, bất cứ khi nào anh cũng muốn về quê. Thụy ở quê, tôi ở Sài Gòn, cứ viết vậy.

1. Bảy năm trước, tôi biết Thụy. Anh em ngồi vẹt quần ở quán Bông Giấy, trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3. Quán lòa xòa, khách lòa xòa. Có những ngày, ngồi mãi từ sáng đến chiều, Thụy không nói được dăm câu, cứ im lặng suy nghĩ.

Ngồi mãi, ngồi cho đến lúc anh bặt bóng, cứ như là nhấn nút biến mất khỏi Sài Gòn. Gọi điện, ít nghe. Nhắn tin, ít hồi âm. Mãi cho đến lúc gặp, hỏi, anh đáp gọn lỏn: “Viết”. Thụy viết rất khiếp. Ngồi vào bàn, như được lập trình sẵn, từ chối hết tất cả những cuộc vui, chỉ làm đúng một công việc duy nhất là “Viết”. Thụy viết, Lặng lẽ rừng mai, Những bước chậm của thời gian, Chàng trẻ măng ở phố treo đầu, Thị trấn có tháp chuông đồng hồ, Sự trở lại của vết xước, Gối đầu trên mây, Cuộc đời vui quá không buồn được, Váy ơi là váy… Đó là không kể đến kịch bản phim ảnh hay những bài bình luận. Viết vừa để giải thoát tư duy, vừa để lao động mưu sinh.

Thụy viết tiểu thuyết hay truyện dài, truyện ngắn hay là cả tản văn… đều có chung một không khí buồn buồn. Buồn như khói rạ rơm lãng đãng chiều vắng, buồn như bờ ao gợn nước dấu chân đạp của chuồn chuồn, buồn như xa quê về ngồi lại bạn bè cũ còn sót vài thằng, thằng nào cũng gặp nỗi dở dở dang dang… Đều có những chi tiết hằn lên trong ký ức của người đọc những vết hằn rất sâu. 

Thụy đọc nhiều, rất nhiều. Cộng thêm những ngày dài vật vã mưu sinh, bổ túc cho Thụy một vốn sống dày đặc. Một trong những truyện ngắn của Thụy mà tôi thích nhất, hình như có nhan đề là Anh chàng bán mía. Một truyện vô cùng xuất sắc về bố cục, tình tiết lẫn cách hành văn, cứ như là bài ký bi hài vậy. Đọc cực thú.

Nhà phê bình Huỳnh Như Phương có nhận xét chuẩn mực về văn phong của Trần Nhã Thụy: “...Văn xuôi của Trần Nhã Thụy có thể không có cái dữ dội như trong tác phẩm của một số nhà văn khác, nhưng lại có một sức bền mà ngòi bút của anh muốn nuôi dưỡng để truyền trao đến người đọc, những người cũng mang những vết xước khác nhau và muốn được thuốc thang, chạy chữa kịp thời, không phải bằng những viên kháng sinh liều cao mà bằng những nắm lá thuốc Nam hái trên đồng cỏ hay trong rừng vắng. Và đến một lúc nào đó, người ta có thể miễn nhiễm với những vết xước cũng như có đủ nội lực để đương đầu với những trớ trêu của cuộc đời...”.

Lâu trước, tôi có viết bài về một nhà văn trẻ rất đình đám. Trong bài viết, có nhắc đến chi tiết bản thảo của nhà văn này do Trần Nhã Thụy đẽo gọt từng chữ một. Báo in ra, Thụy giận tôi lắm. Anh gắt: “Người ta quên mình, không nhắc mình, thì để người ta quên. Tự nhiên, em nói lại làm gì. Không hay đi”. Có một điều mà những người theo nghiệp viết đều biết, không gì cực bằng đẽo gọt chữ nghĩa từ bản thảo…

Vậy đó, yếu điểm lớn nhất của Trần Nhã Thụy, chính là… PR chính mình quá kém. Có những cây bút, viết cũng bình thường thôi, nhưng làm PR hình ảnh rất giỏi. Mà ép Thụy giỏi trong chuyện PR hình ảnh, thì cũng tội nghiệp anh. Bởi, mỗi người một tính.

Ngồi ở Miss Sài Gòn, đêm khuya khuya, uống cũng hơi nhiều. Anh Lê Văn Nghĩa, nói với anh Trần Nhã Thụy rằng: “Ông là một người yêu Sài Gòn”. Thụy cười cười. Sài Gòn trong Thụy, như là những góc nhà. Tôi học cách quan sát ở thành phố này nhiều, cũng bắt nguồn từ anh.

Thụy quan sát những con bồ câu, quán cà phê trong hẻm, anh chàng bán đồ chơi, đèn xanh đèn đỏ… Kiểu quan sát của một kẻ nhớ quê cố tìm quê ở phố thị. Nhắc chuyện uống, Thụy uống thuộc hàng cự phách, cấm khi nào thấy anh say. Uống với nhau hàng trăm bận rồi, chưa thấy anh say. Người ta uống rượu, Thụy uống rượu.

Người ta uống bia, Thụy uống bia. Người ta vừa uống bia vừa uống rượu, Thụy lôi trong giỏ xách ra bình rượu mang từ Bình Định quê vợ anh vào, cả bàn tắt tiếng hẳn. Có lần anh em ngồi ở Thị Nghè, tôi nằm đứ đừ trên manh chiếu tại quán. Mở mắt dậy, vẫn thấy Thụy đang uống. Hoảng quá, giả bộ nhắm mắt ngay lập tức. Hành động này hơi nhục, nhưng chắc ăn.

2. Thụy hay nói với tôi: “Bao giờ anh có đủ thời gian, anh sẽ viết cái gì đó cho thực ra viết. Chứ anh chưa có cái nào ưng ý cả”. Không phải anh em biết nhau thân mà khen nhau, chứ những gì Thụy đã viết, đã rất ra viết rồi. Rất nhiều nhà phê bình lẫn dân văn nghệ đều công nhận điều này. Nhưng, như anh vẫn thường thừa nhận: “Con người bây giờ có nhiều thứ hiểu lầm quá, như là ngộ nhận vậy. Nên mình có ý thức rất rõ trong việc tự tu tập để thoát khỏi tình cảnh đó”.

Tu thì sao mà không tu thì sao, chẳng sao cả vì anh vẫn chơi với anh em hào sảng. Tôi nhớ hoài cái lần ngồi với anh, bữa đó hình như có thêm Thục Linh. Thụy nói: “Đi chơi thôi, hôm nay anh trúng mánh”. Vừa nói, vừa lôi ra một cọc tiền mới cứng. Trúng mánh, nghĩa là mới nhận một đống tiền nhuận bút từ sách hay kịch bản phim, chứ đời Thụy chỉ biết có viết, thì mánh với mung cái gì. Chỉ là chữ anh hay xài mỗi lần cao hứng. Tôi vẫn nghĩ, phàm đã là người, nghệ sĩ cũng được, không nghệ sĩ cũng được. Nhà văn cũng được, không nhà văn cũng được. Nhà báo cũng được, không nhà báo cũng được.

Viết lăng nhăng gào thét trên blog cũng được, mà không viết lăng nhăng gào thét trên blog cũng được… cái thiết yếu nhất là phải kiếm đủ tiền để trước hết phải tự mình lo cho mình cái đã, rồi muốn làm gì thì làm. Buồn cười nhất là những vĩ nhân toàn lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ để suốt ngày ngồi chém gió và ngửa tay.

Tôi gọi điện thoại cho anh, nói: “Kỳ này, em nhất định viết về anh”. Thụy gạt ngang: “Anh đang ở quê, mà viết làm gì em”. Tự dưng, lại nhớ đến một đoạn ngắn anh viết trên facebook của chính anh, đoạn viết vô cùng ám ảnh: “Má điện vào, nói phần mộ của gia đình vừa xây xong, vừa đãi thợ xây một bữa rượu. Nghe cũng vui mà tự dưng thấy mắt cay cay. Vậy là sau bao nhiêu năm, lần đầu tiên phần mộ của bà cố, ông nội, em Hải mới được xây khang trang. Chỉ là vài chục triệu bạc. Nhưng ông già mình thì không mấy quan tâm và cứ lần lữa mãi.

Cho đến gần đây mình chốt chuyện xây mồ mả lần cuối và chủ động gửi tiền về trước. Bây giờ mọi thứ đã xong. Mình chưa về, nhưng trong hình dung thấy một khung cảnh ấm cúng.  Thực ra thì chuyện xây mả, nó bắt đầu từ chính mình. Lần nào về quê mình cũng một mình đi bộ khoảng 4km để băng qua đồng, đến thăm khu vườn hoang của ông nội và thắp nhang khu mộ dòng họ. Nhưng dần dà, cây cối mọc um tùm và có rất nhiều mộ phần mới, nên mình bắt đầu nhầm lẫn. Như một kẻ đi xa, lâu ngày tìm nhà người quen mà vào nhầm ngõ. Trong những mộ phần đó, có mộ em Hải - người em ruột thịt mà mỗi khi đứng trước mộ, mình không cầm được nước mắt. Trong facebook này, có lần mình viết về những ông Chiêm la. Thực sự thì chuyện của ông Chiêm la có liên quan đến em Hải. Hồi nhỏ, mình hay cõng em đi chơi khắp xóm. Có lần gặp ông Chiêm la băng xuống đồng bằng, mình sợ quá cõng em chạy núp ngoài ruộng lúa. Mãi sau này mình vẫn còn có cảm giác những bông lúa chín quất vào mặt đau rát. Đó cũng là phần kí ức để mình viết truyện ngắn Những bông lúa chín phạt tôi. Sau bữa chạy trốn vì ông Chiêm la đó không lâu thì em Hải bị đau, chỉ là bị tiêu chảy thôi, nhưng thời đó lạc hậu, không có thuốc thang gì, nhà lại chủ quan không đưa bệnh viện. Mình vẫn nhớ em Hải khát nước đòi nước uống, nhưng người lớn không cho uống. Chả hiểu sao hồi đó có suy nghĩ vậy. Sợ uống nước vào thì bệnh nặng thêm??? Vậy là em mất. Em Hải mất, lòng mình trống hoác như mất một cái gì rất to lớn. Nhưng, lạ sao, lúc đó mình không khóc lấy một tiếng. Về sau này, khi mình nuôi mấy con cá kiểng, bị mấy ông khách nhậu búng tàn thuốc vô làm chúng chết, mình khóc bù lu. Lúc đó má mình chửi mình một câu đau đớn: “Em mày chết mày không khóc, chết mấy con cá mày làm gì khóc dữ vậy?”. “Em chết anh không khóc; một con cá chết anh khóc/ Một con chó chết anh khóc; em chết anh không khóc/ Em chết anh không khóc; người anh yêu phụ bạc anh, anh khóc/ Bị mất việc, anh khóc/ Em chết, anh không khóc/ Em chết anh không khóc; kẹt xe, anh khóc/ Em chết anh không khóc”. Nhưng sau này lớn lên thì mình luôn khóc khi đứng trước mộ em.  Em Hải. Em mất năm 3 tuổi. Chưa từng đăng ký giấy khai sinh. Em sinh năm Mậu Ngọ (1978), tháng Ngọ, ngày Ngọ, giờ Ngọ. Em đẹp trai sáng láng nhất nhà. Nếu còn sống, tên đầy đủ của em là Trần Trung Hải”.

Tôi cho rằng, chỉ một đoạn ngắn này thôi, đủ để mọi người hiểu rõ hơn về tính của anh, một người tôi luôn quý trọng. Anh em quý nhau, nói nhiều quá về anh, chắc là anh sẽ không thích, vì “tính nó vậy”. Thôi thì, kết bằng câu như anh vẫn thường viết: “Tất cả rồi sẽ trôi qua dưới một mái nhà”.

Tháng Sáu - Sài Gòn những ngày rũ mưa

Ngô Kinh Luân
.
.