Nhà văn Tô Hoài: Hàng Tết năm nay có một bài

Thứ Hai, 04/02/2008, 09:00
Nhà văn Tô Hoài bước sang Tết Mậu Tý này đã ở tuổi 88, so với bạn bè cùng thời, người đã mất, người còn, xem ra ít ai đọ được với Tô Hoài cả về sức khoẻ lẫn sự minh mẫn, róm rỉnh của một trí tuệ sắc sảo và thạo đời.

Chúng tôi tiếp kiến ông vào một ngày Hà Nội lạnh như chưa bao giờ lạnh hơn thế. Nhà văn Tô Hoài dịp này tạm chia tay với cụ bà để dời đô lên ngôi nhà ở Nghĩa Tân, nơi có con gái làm nghề y để tiện bề chăm sóc sức khoẻ, và cũng là sự thay đổi xê dịch chỗ ở một chút để lấy nguồn cảm hứng trong cuộc sống.

Ông bảo: "Sự dịch chuyển cũng thú vị, đến Tết mình lại về Đoàn Nhữ Hài đón xuân cùng với bà lão và con cháu ấy mà".

Cái sự đọc và sự viết dường như không phụ thuộc nhiều vào tuổi tác, chẳng bao giờ là ngơi nghỉ với nhà văn lực điền Tô Hoài.

Khi chúng tôi đến, trên bàn làm việc của ông trang viết vẫn đang bỏ ngỏ giữa chừng. Trên tay ông là tờ báo An ninh thế giới tuần, và gối đầu giường là cuốn tiểu thuyết Đôn Kihôtê và tuyển tập thơ của Nguyễn Bính.

Phía bên chồng sách báo bao gồm tất cả những thứ đã đọc xong rồi thì cơ man là các loại báo chí của địa phương như Văn nghệ Thái Nguyên, tạp chí Bắc Cạn, Điện Biên, Cửu Long v.v...

Ông cười: "Chiều nay tớ lên kế hoạch xuống Hội Văn nghệ Hà Nội để trả hết tất cả số sách báo và các tạp chí địa phương tớ mượn hôm trước, nay đã đọc xong. Trả để rồi mượn một số thứ khác".

Chúng tôi tròn mắt nghi ngại. "À, tớ đi taxi mà". Ông liền đứng dậy đi co ro những bước rất thấp hệt như sự dịch chuyển của rôbốt sang ngay phòng bên cạnh để chỉ cho chúng tôi đống sách báo ông ngốn thường ngày.

Xong ông lại đi về và ngồi vào chiếc ghế xoay sành điệu của mình, cười rất tươi hàm ý cho chúng tôi thấy khả năng tuyệt vời của ông lão 88 tuổi: Có gì đâu, chuyện nhỏ như con thỏ, 88 tuổi rồi, nhưng cái sự đi lại dịch chuyển của nhà văn Tô Hoài là một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Chiếc mục kỉnh dày cộm trễ nải trên sống mũi thanh thoát, ẩn giấu phía sau là đôi mắt tinh anh, sắc sảo, hóm hỉnh và hay cười một cách lạ lùng.

Thú thật, sắp đến Tết, mùa xuân mới sắp về hay sao mà trông nhà văn Tô Hoài như trẻ trung ra và đẹp lão hơn trong thần thái của nụ cười và ánh mắt.

Tôi hỏi nhà văn Tô Hoài Tết thì ông làm gì và ông đón Tết như thế nào với cái tuổi 88 của mình.

Nhà văn Tô Hoài vẫn trò chuyện với chúng tôi bằng đôi mắt hay cười. Ông nói: "Nghề của mình nói chung là làm báo, vì vậy Tết là mùa làm hàng Tết ý mà. Ngày trước mình viết khoẻ lắm, mấy chục bài báo cho một cái Tết nhé, tiền bạc đủ mua sắm vung vinh cả một cái Tết.

Trong mấy năm lại đây, tuổi cao rồi, sức khoẻ cũng yếu, hàng Tết chỉ làm chơi cho vui, chủ yếu là viết cho những tờ báo mà họ cho mình báo. Mình chẳng làm gì cho họ thế mà họ vẫn gửi báo cho mình, nên đến Tết, mình đáp lễ họ chứ.

Đó là các báo Sài Gòn giải phóng, Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, báo Sức khoẻ đời sống, báo Người cao tuổi, và mấy tờ báo Công an của các cô đó. Nhưng Tết năm nay chỉ viết mỗi một bài thôi, đang viết dở thì các cô vào.

Tôi viết câu chuyện về cái bản thảo bị đánh mất. Chuyện này có thật đấy nhé. Hồi đó tôi mới 20 tuổi, có viết một truyện ngắn tên là "Đêm mưa", rồi có cái cô hàng xóm xinh đẹp mới 18 tuổi, không hiểu sao tôi lại mang cho cô ấy đọc.

Rồi cô ấy đi kháng chiến, rồi sang Pháp, đi Tây, cô ấy chết bên kia, còn cái bản thảo của tôi thì chẳng biết cô ấy đánh mất đâu nữa. Chuyện chỉ có thế mà, anh Bùi Bình Thi bảo tôi viết thì tôi cứ viết đưa cho anh ấy. Đấy, khổ cho lão già này năm nay hàng Tết chỉ có thế". Nói rồi ông cười thành tiếng, thích chí và vui vẻ.

Tôi trêu ông: "Ông ơi, vậy chắc hồi trẻ ông yêu nhiều lắm". Tô Hoài rủ rỉ: "Mình chỉ có một vợ, cưới nhau từ năm hơn 20 tuổi, đến nay đã thành đám cưới kim cương rồi". Tôi cố trêu ông: "Thôi, xuân này ông kể chuyện tình đi, gớm! Gần đất xa trời rồi bà lão chẳng thèm ghen nữa đâu mà ông ngại". Tô Hoài cười tít mắt: "Mình không kể đâu, kể làm gì. Nói chung những câu chuyện tình cảm ngày ấy bây giờ nhớ lại chỉ thấy đẹp và buồn".

Trò chuyện mãi rồi cuối cùng nhà văn Tô Hoài cũng hé lộ cho chúng tôi thông tin vào đầu xuân mới này, ông có dự định sẽ bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết mới. Ông nói: "Tớ đang định viết về một chuyện gì đó của thời bao cấp, cái thời kỳ nhiều chuyện cười ra nước mắt. Tớ đọc Đôn Kihôtê để tìm một cái gợi ý gì đó, nhưng đọc xong lại thấy mất tinh thần vì người ta viết hay quá rồi. Nhưng tớ nói thật mấy năm vừa qua, việc in sách của tớ vô duyên làm sao ấy…". Nhà văn Tô Hoài nói rồi lại cười. Có vẻ ông rất vui và hứng thú trong cuộc gặp tất niên này với chúng tôi.

Chúng tôi tranh nhau chụp ảnh với ông và ríu rít hỏi thăm ông đón Tết như thế nào. Nhà văn Tô Hoài dắt chúng tôi ra phòng ngoài và chỉ vào gầm bàn. Dưới gầm bàn có đến ba chục quả bưởi Diễn nằm xếp sườn cạnh nhau phơi màu vàng óng và toả hương thơm nao lòng.

"Đấy! Tết về dưới gầm bàn gầm nhà rồi đấy nhé". Nói rồi Tô Hoài cười tít mắt. Cái dáng lững chững di chuyển như một chú rôbốt trong căn nhà khiến cho chúng tôi se lòng. Chao ơi, với một nhà văn danh tiếng như ông, cái sự đọc, suy ngẫm và viết dường như không có tuổi tác

Như Bình - Việt Hà
.
.