Nhà văn Thanh Giang: Khôn nguôi dáng rừng

Thứ Tư, 08/05/2013, 15:32
Tôi biết ông rất sớm, từ những ngày còn khoác áo lính. Bởi ông là cây bút xuất thân từ tờ báo văn nghệ của Quân giải phóng Miền. Là nhà văn quân đội nhưng cái chất lính nông dân vẫn tràn đầy trong dáng đi, cách mặc, nếp ở và cả trong trang viết của ông.

Không chỉ ông mà còn hai nhà văn khác cùng thế hệ đã tạo ra một bộ ba khá thú vị về những người lính quê Nam Bộ cầm bút viết văn trong chiến tranh giải phóng. Đó là nhà văn Võ Trần Nhã cao kều và nhà văn Minh Khoa thấp đậm.

Biết ông là thế nhưng mãi đến khi về công tác tại Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh thì tôi mới được gặp ông thường xuyên hơn. Dù đã về thành phố hơn mười năm, lại ở khu vực mặt đường, trên con đường huyết mạch của Sài Gòn, bên cạnh cái khách sạn Metropole khá nổi tiếng với những trận đánh bom của biệt động Sài Gòn đã từng được ông nhắc đến trong trang viết của mình, ông vẫn giữ được cái cung cách của người nhà quê lần đầu lên phố.

Với chất giọng trầm ấm, nhỏ nhẹ, chậm rãi, ông nói như là đang thủ thỉ trò chuyện cùng người đối diện, khác hẳn với cái cách ăn to, nói lớn, rành rọt và dứt khoát như người chỉ huy quân sự của nhà văn Võ Trần Nhã. Cùng là dân Bến Tre, nhưng cả ba nhà văn Trang Thế Hy, Thanh Giang và Võ Trần Nhã là ba cung cách khác nhau đến lạ lùng.

Dù vậy, trong ứng xử thì phong cách Thanh Giang cũng có chút điềm đạm, nho nhã, bặt thiệp của nhà thơ Phạm Võ Trang Thế Hy. Có lẽ do hai ông cũng làm thơ, khởi đi từ thơ, rồi lâu dần trở thành người viết văn xuôi, nhưng hồn cách trong ngôn ngữ là của một nhà thơ ngay từ trong ruột.

Sau tháng 4/1975, ông làm Tổ trưởng Tổ Văn học Quân khu 7, trong khi các bạn viết cùng cơ quan với ông người thì chuyển ra tạp chí Văn nghệ quân đội, ra báo Văn nghệ, còn ông thì vẫn ở lại quân ngũ. Tháng 9/1979, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông cùng hai nhà văn Trần Văn Tuấn, Văn Lê lại ra chiến trường, xuống các đơn vị bộ đội, lại sống và viết dưới tầm đạn pháo của giặc Pôn Pốt.

Tháng 9/1980, ông cởi áo lính sau gần 30 năm mặc nó, và trở thành Trưởng phòng Biên tập Xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu. Khi Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh được thành lập và sau đó là hình thành Trại sáng tác và bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ năm 1982, ông đã chuyển công tác về Hội, và trở thành cán bộ trong biên chế của Hội cùng với nhiều nhà văn, nhà thơ khác như Nguyễn Hải Trừng, Trang Thế Hy, Khương Minh Ngọc, Lê Giang, Sơn Nam, Trần Thanh Giao, Trần Mạnh Hảo, Hoàng Xuân Huy.

Ban đầu, ông cùng với nhà văn Trần Thanh Giao phụ trách trại sáng tác và bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ, trực thuộc Hội Nhà văn TP. Ở đây cần mở đóng ngoặc nói thêm về cái trại Sáng tác và bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ nầy. Đây là một tổ chức nằm trong tổ chức, có quyết định thành lập của Ủy ban nhân dân TP hẳn hoi, có con dấu đàng hoàng, có nguồn ngân sách được cấp hàng năm để thực hiện nhiệm vụ mà Bí thư Thành uỷ Sáu Dân Võ Văn Kiệt giao là đào tạo nên một lớp nhà văn trẻ tài năng, nhiệt tình và năng động.

Hồi còn tại ngũ, tranh thủ lúc về phép từ chiến trường Tây Bắc Campuchia xa xôi, tôi cũng được làm học viên dự thính Trại viết khoá 1 và trở thành học viên chính thức khoá 2. Nhiều nhà văn, nhà thơ TP hiện nay đã từng qua các khoá đào tạo của Trại viết và bồi dưỡng nầy của Hội như Nguyễn Đông Thức, Lê Thị Kim, Nguyễn Thái Dương, Võ Phi Hùng, Trần Hữu Dũng, Lý Lan, Lưu Thị Lương, Thanh Nguyên, Đoàn Vị Thượng...

Có lẽ đây là trại viết duy nhất thuộc cấp địa phương được thành lập một cách chính thức với nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, bởi không phải nhà lãnh đạo địa phương nào cũng có tầm nhìn văn hoá và chiến lược như chú Sáu Dân. Được thành lập từ trong cái khó và thiếu của thời bao cấp, duy trì đến thời thành phố phát triển mạnh về kinh tế và bị giải tán trong gần chục năm trở lại đây vì thiếu... kinh phí và thiếu... sự quan tâm của lãnh đạo.

Trở lại chuyện nhà văn Thanh Giang. Sau khi nhà văn Trần Thanh Giao được phân công qua làm Phó tổng biên tập tạp chí Văn rồi chuyển về báo Pháp Luật TP.HCM, ông được giao phụ trách trại viết với sự giúp sức của nhà văn Hiền Phương.

Với công việc được giao là phát hiện và bồi dưỡng những cây bút mới nên ông thường xuyên theo dõi các trang văn nghệ của báo TP, các báo địa phương và trung ương để không bỏ sót... nhân tài. Hàng năm, với những phát hiện của mình, cộng với những thông tin rộng rãi và sự nhờ cậy của các Hội Văn nghệ lân cận, trại viết vẫn được mở, bồi dưỡng thêm cho làng văn, làng báo thành phố nhiều cây bút có uy tín như Trương Huy San, Hữu Bảo, Mai Bá Kiếm, Hoàng Thị Thọ...

Vẫn trung thành với chiếc xe gắn máy Honda C50 có từ thời mới giải phóng, dù cơ quan Hội ở đâu, 81 Trần Quốc Thảo, quận 3 hay 62 Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, thì từ nhà ở 150 Trần Hưng Đạo, quận 1, ông vẫn đến cơ quan thường xuyên để đốc thúc văn phòng chuẩn bị kế hoạch tài chính cho hoạt động của trại. Thời gian đầu những năm 90 của thế kỷ trước, do sức khỏe không còn được sung mãn, ông ít lui tới cơ quan Hội, nhưng mọi công việc liên quan đến Trại sáng tác và bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ vẫn được ông theo dõi và kiểm tra hàng tuần, hàng tháng đúng với phong cách một người lính, không bỏ sót một công việc gì, dù là nhỏ bé hay tầm thường.

Công việc thật ra không bận rộn gì mấy so với người ham mê công việc như ông, nhưng thỉnh thoảng cũng mất mấy tuần mới thấy ông xuất hiện. Đó là thời gian ông đi thực tế để lấy thêm tư liệu cho sáng tác của mình. Về quê Mỏ Cày, Bến Tre, hoặc đi Tây Ninh, Long An, vùng ven Sài Gòn, những địa danh đã được ghi nhận ít nhiều trong những sáng tác trước đây của ông.

Hoà bình, có điều kiện để ông kiểm chứng thực địa những điều ghi chép được trong chiến tranh qua báo cáo của các đơn vị, qua bảng thành tích cá nhân, qua những thu thập thực tế để thổi hồn vào những trang viết mới hiện thực và đời hơn. Ông cũng nhìn nhận là trong chiến tranh, những ghi chép và bài viết của một người lính làm báo văn nghệ chưa đủ sức làm lay động con tim những người đọc khó tính, bởi nó còn sơ sài và phiến diện, đôi khi quá chủ quan và coi thường kẻ địch. Ông cho rằng trong chiến tranh, không phải bất cứ người lính hay sĩ quan nào của đối phương cũng là người ác, nhưng để viết được điều đó không dễ dàng gì, dù trong thực tế nó có như thế.

Cách tư duy một chiều ta thiện, địch ác ông đã nhận ra là thiếu khoa học và thiếu logic, nhưng để vượt qua những định kiến đó của người lãnh đạo văn nghệ, đặc biệt là văn nghệ quân đội là không dễ dàng gì. Ông từng tâm sự, khi nhà văn Nguyễn Trọng Oánh viết Đất trắng, kể về nhân vật cán bộ cao cấp Tám Hàn ra chiêu hồi, ông Oánh đã phải đấu tranh tư tưởng với chính mình khá gay gắt.

Bởi ông Oánh là thủ lĩnh Văn nghệ Quân giải phóng lẽ nào thừa nhận một thực tế là có sự chao đảo, sa ngã trong hàng ngũ cán bộ cấp cao, thậm chí là đầu hàng địch, một việc mà một cán bộ chính trị không thể nào thừa nhận.

Nhưng cuộc sống là cuộc sống, có thiên hình vạn trạng, nhiều màu sắc, nhiều chọn lựa, không thể chỉ đúng sai mà còn nhiều dạng thức khác. Sự chuyển biến nhận thức về chiến tranh làm những trang viết của các nhà văn quân đội lứa ở rừng về càng thấm đẫm chất nhân văn và chất bi tráng. Những trang viết vì thế hấp dẫn và có sức sống hơn.

Trong khoảng thời gian trên dưới 15 năm, từ 1988 đến 2005,  bên cạnh công tác Hội, nhà văn đã giới thiệu đến bạn đọc gần xa bốn tiểu thuyết: Dòng sông nước mắt (1989), Trăng lên vườn bồ đề (1995), Khúc chuông chùa (2001) và Sông Hàm Luông (2005) cùng năm tập truyện ký: Cô biệt động (1998), Chim Bạch Yến (1997), Chiến sĩ Mậu Thân (1998), Người đi tìm ngọn đuốc thiêng (2000) và Rừng hát (2005).

Sáng tác của ông dần dần mở ra cho người đọc về hình ảnh thật của con người trong chiến tranh, từ người anh hùng trên trận tuyến chiến đấu trực diện với quân thù đến những người hậu phương cam lòng sống trong tầm đạn giặc. Dù viết về phía bên nầy hay phía bên kia, nhân vật trong truyện và ký của ông đã có hồn sắc hơn, không còn những nghĩ suy đơn giản mà đã dằn vặt, giằng xé nội tâm, đã nghĩa tình, chung thuỷ hơn trong hành động.

Ngoài những tiểu thuyết và truyện ký, ông còn viết kịch bản phim như Lửa hương rừng dừa năm 2001, chưa kể trước đó (1980) phim truyện nhựa Cư xá màu xanh (đạo diễn Huy Thành) do ông viết kịch bản đã trở thành một trong những phim đáng xem của điện ảnh cách mạng sau giải phóng. Và chính Cư xá màu xanh cũng là cuốn phim đã đưa ông đến với công việc biên tập phim và nghệ thuật điện ảnh.

Bằng sự cần cù, siêng năng và bản tính không ngại tìm kiếm, với niềm đam mê văn học và sự thuỷ chung cùng cây bút và trang viết, có thể nói, từ năm 1960 (năm ông được điều về Tổng cục Chính trị bồi dưỡng và được bố trí về tạp chí Văn nghệ quân đội) đến nay, hơn 50 năm  sống và viết, nhà văn Thanh Giang không những đã cho ra đời 6 cuốn tiểu thuyết, 11 tập truyện ký, mấy kịch bản phim và 2 tập thơ, mà còn góp phần phát hiện cho Quân giải phóng Miền nhiều nhà văn chiến sĩ trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước và bồi dưỡng cho TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ một lực lượng cầm bút làm văn học khá hùng hậu từ sau ngày toàn thắng.

Dù đã về thành gần 40 năm, trong đó có hơn 35 năm làm người phố lớn, ông - nhà văn Thanh Giang - vẫn chưa là người của phố. Trong ầm ào phố thị của những ngày tranh sống nầy, ông vẫn lặng lẽ là người của rừng xưa, ruộng cũ; của sóng nước quê dừa như ngày nào 60 năm trước, ông đã từ đó ra đi.

TP Hồ Chí Minh, tháng 4/2013

Phạm Sỹ Sáu
.
.