Nhà văn Phạm Quang Đẩu: “Đam mê như dòng sông ngầu đỏ”

Thứ Sáu, 25/01/2013, 15:30
Khác với nhiều nhà văn tôi từng gặp, phòng văn trên tầng ba chỉ rộng chừng 10 mét vuông của nhà văn Phạm Quang Đẩu không đầy ắp sách cổ kim đông tây; không kỹ càng từng thư mục tác phẩm hay sách tặng của bè bạn… Căn phòng mà ông ngồi miệt mài nhiều năm tháng viết nên mười mấy tác phẩm gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ có phần giản đơn, cũ kỹ.

Chiếc máy tính bàn được mua từ hàng chục năm nay, màn hình 9 inch vẫn là vật bất ly thân của hàng ngàn trang tiểu thuyết mà ông đã cho ra “lò”. Nói về điều này, ông chỉ cười bảo: “Mình là người sống đâu quen đấy, viết đâu xong đấy”. Viết văn, đối với ông chỉ cần một ý tưởng chợt đến cộng với ít sự thật, một ít tư liệu, còn lại dành cho trí tưởng tượng, hư cấu, là có một đứa con tinh thần ra đời…

Có lẽ cái tính giản đơn, dễ thích nghi với từng hoàn cảnh sống ấy đã được ông tôi luyện trong nhiều năm tháng, từ thời trai trẻ còn làm chuyên môn kỹ thuật ở một đơn vị xây dựng cơ bản thuộc Tổng cục Hậu cần cho đến khi về làm báo Quân đội nhân dân. Bản tính người lính với sự cẩn trọng, thật thà, chuyên cần đã giúp ông mài bút suốt cả một chặng đường dài làm báo, để rồi sau này khi ngồi vào bàn với hàng ngàn trang văn, ông đã có những giây phút thăng hoa, có những tác phẩm ghi dấu ấn trong đời sống văn chương đương đại.

Trong những năm qua, ông đã có những tác phẩm được giải như: Giải C truyện ngắn Khoảng rừng trong thành phố của NXB Thanh niên và Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1982); Giải A truyện ngắn Bộ ba ngày nào, Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp và Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1987); Giải Văn học Sông Mê Kông của Hội Nhà văn ba nước Đông Dương với tiểu thuyết Một ngày là mười năm (năm 2010).

Nhà văn Phạm Quang Đẩu sinh ra trong một gia đình viên chức nhỏ, quê gốc Nam Định. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, gia đình theo kháng chiến và ông bị “đẻ rơi” trên đường tản cư ở tỉnh miền núi Hòa Bình. Thuở nhỏ, ông chăn trâu cắt cỏ với những bạn dân tộc Mường. Cha ông là một người say mê văn học và truyền lòng say mê ấy cho con cái. Ngày ấy, xung quanh bàn học của cậu bé Phạm Quang Đẩu toàn là sách văn học Xôviết, văn học dịch của Anh, Pháp, Tây Ban Nha…

Có gì đọc nấy và Phạm Quang Đẩu tâm đắc một câu của nhà văn Nga K.Pauxtốpxki: “Tôi sống và làm việc, yêu, đau khổ, hy vọng, ước mơ, chỉ biết chắc một điều rằng, sớm hay muộn, trong tuổi trưởng thành, hoặc thậm chí tuổi già, tôi sẽ viết. Tôi viết không phải vì tôi đặt ra cho mình nhiệm vụ ấy, mà vì bản chất tôi đòi hỏi phải làm như vậy. Và bởi vì, văn học đối với tôi là một hiện tượng đẹp đẽ nhất thế giới”.

Nhà văn Phạm Quang Đẩu (người đứng thứ tư từ trái qua) cùng bè bạn.

Chân lý này đã theo Phạm Quang Đẩu suốt đời. Ông yêu văn học một cách lặng lẽ, bền bỉ và luôn phấn đấu vượt lên mình bằng sự tự học, tự điều chỉnh bản thân. Mãi đến tuổi 51, khi đã có khá nhiều tác phẩm được in ấn, đoạt giải thưởng, ông mới trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Để sau đó, ông tự bạch những lời từ gan ruột mình: “Trong vô vàn thứ nghề trên đời này thì với tôi, nghề văn mang lại niềm hy vọng nhất, cùng hàm chứa nhiều nỗi thất vọng nhất. Bởi trong lúc cùng cực, thất bại vẫn cảm thấy có chút tài để không bẻ bút, còn trong khoảnh khắc hân hoan có thành tựu, vẫn nhận ra cái nhạt nhẽo trong trang viết của chính mình”.

Nhà văn Phạm Quang Đẩu là người chỉn chu, kỹ càng với những trang văn. Khác với nhiều đồng nghiệp, ông không quảng giao, không la cà quán xá rượu bia hay lang thang trên các vùng miền để lấy cảm hứng từ đời sống. Ở ông, có sự nghiêm trang trong việc nghiên cứu tài liệu, “nói có sách, mách có chứng”, bởi thế, những trang viết của ông có sự chắc chắn của nguồn tư liệu và các nhân chứng lịch sử và cũng không lạ khi còn làm báo Quân đội nhân dân, ông đã có những bài báo, phóng sự khá nổi tiếng về những sự kiện và nhân vật thường là nhà khoa học.

Ông bảo: bạn bè tôi là nhà khoa học có khi đông hơn bạn bè văn chương. Cuốn tiểu thuyết sử thi Một ngày là mười năm đoạt Giải Văn học Sông Mê Kông là một điển hình cho cách viết mạch lạc, chính xác về sự kiện, nhân vật, cũng là một cuốn tiểu thuyết hay về đề tài chiến tranh cách mạng.

Ông chia sẻ về cuốn này: “Thú thực, tôi (và có thể với nhiều nhà văn khác) chưa biết đến một định nghĩa rạch ròi về thể loại tiểu thuyết sử thi. Nhưng khi bắt tay vào viết, tôi đã chủ ý tìm hiểu, tham khảo nhiều tư liệu để dựng lại các nhân vật trên nền những sự kiện có thật trong lịch sử từng diễn ra trên nước ta và nước bạn Lào. Nhân vật chính, xuyên suốt trong cuốn sách của tôi là Nhị Nguyễn, một chiến sĩ tình nguyện quốc tế Việt Nam, trải qua cả hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp và chống Mỹ, thực ra được ghép ba nguyên mẫu mà tôi từng quen biết (đến giờ, 3 bác ấy đều đã ngót 90 tuổi và hai người đã mất).

Bên cạnh nhân vật hư cấu, tôi còn đưa vào những nhân vật lịch sử, giữ nguyên tên thật, chẳng hạn các vị: Giáo sư Tạ Quang Bửu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ ĐH - THCN; ông Nguyễn Chính Cầu, nguyên Chính uỷ Quân khu Nam Lào, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương. Khi cuốn sách phát hành, gia đình Giáo sư Tạ Quang Bửu đã đến gặp tôi cảm ơn; còn một bác trong số 3 bác mà tôi đã “ghép” thành nhân vật chính vốn là chiến sĩ tình nguyện ở Lào thời chống Pháp hiện sống ở Nha Trang, thì điện ra vui vẻ bảo là “anh bịa… như thật!”.

Đối với nhà văn Phạm Quang Đẩu, viết văn là công việc đem lại nhiều hứng khởi và ít sự vật vã. Ông viết như một bản năng hồn nhiên và mỗi khi ngồi vào bàn là suy nghĩ dào dạt chảy xuống ngòi bút. Gặp ông, lúc nào cũng thấy sự nghiêm ngắn từ vẻ bề ngoài đến tư tưởng ông thể hiện qua trang viết.

Ông không có sự mơ màng, nghệ sĩ, không quên quên nhớ nhớ “tâm hồn treo ngược cành cây” hay sự ngộ chữ vì tâm sức đêm ngày nằm ở cả trong cõi mộng như nhiều nhà văn ở thế hệ ông. Có một dạo, Phạm Quang Đẩu còn viết báo khỏe ở nhiều đề tài mảng kinh tế xã hội, bởi thế nhiều người vẫn tưởng ông chỉ như là khoác lên mình chiếc áo văn chương sang trọng để làm dáng.

Tuy nhiên, có cơ hội gặp gỡ và chuyện trò cùng ông, mới hay ông yêu văn chương đến độ… tỉnh táo và đầy mê say. Có lẽ điều này dễ nhận ra hơn trong thơ, khi ông có bài Gió lang thang (đã được đưa vào Tuyển tập thơ Việt Nam hiện đại 1975-2000): “Đam mê như ngọn gió/ Đam mê như lá cỏ/ Đam mê như dòng sông ngầu đỏ/ Đam mê em…”.

Mỗi lần đặt bút cho một cuốn sách mới, ông chỉ cần có một đề cương phác qua trong đầu để rồi sau đó câu chữ, ngôn ngữ cứ thế ào ra. Với nhiều nhà văn, để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết phải mất chừng một đến vài năm, có khi lên đến cả chục năm trời, thì với Phạm Quang Đẩu, cuốn tiểu thuyết cỡ trên 300 trang, ông thường viết một mạch xong chỉ mất chừng vài tháng, rồi sửa chữa, cắt gọt, thêm thắt độ nửa năm.

Ông còn bảo: “Hình như từ khi về hưu mình lại viết khỏe, viết có cảm hứng hơn hồi đương chức. Lý giải điều này, ông nói vui rằng, làm báo rất bận rộn, ít có thì giờ dành cho văn chương đã đành, hồi bé mình được một thầy tử vi phán là “quan võ, nhưng làm nghề văn và cung mệnh có tuần, triệt nên phát tiết muộn”. Hai cuốn tiểu thuyết được dư luận gần đây chú ý: Một ngày là mười năm và Đánh đu cùng số phận, ông đều viết khi đã nghỉ hưu và xuất bản đều đặn mỗi năm một cuốn.

Nếu như cuốn trước viết theo “đặt hàng” của Bộ Quốc phòng về đề tài chiến tranh, thì cuốn sau mang đậm dấu ấn của ngày hôm nay. Đánh đu cùng số phận là câu chuyện suy đồi đạo đức của cả hệ thống quan chức ở một địa phương, làm người ta liên tưởng tới một vụ án gây chấn động mới diễn ra, của hiệu trưởng mất nhân cách Sầm Đức Xương ở Hà Giang, tuy nhiên cuốn tiểu thuyết không hề có chi tiết nào của vụ án ấy.

Nhà văn Phạm Quang Đẩu mạnh dạn khai thác đề tài sex, một đề tài nhạy cảm và thường được các nhà văn khác sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật để hút khách. Lý giải về điều này, ông chia sẻ: “Chuyện sex thường gây tò mò, hấp dẫn, nhưng không thể lấy đấy là mục tiêu tối thượng để câu khách. Phải viết sao cho có chừng mực, không được dễ dãi. Trong Đánh đu cùng số phận, chuyện sex, tôi dồn nhiều vào cô gái trẻ Diệu Thúy để lý giải nguyên nhân vì sao cô phải đi làm điếm, vì sao cô lại yêu sớm? Bởi cô sinh ra trong gia đình có ông bố bà mẹ khi trẻ là những người sống bản năng và bừa bãi trong chuyện yêu đương. Bố cô thời làm giám đốc lâm trường cứ thích cô nào là kéo ra bờ ra bụi, sau đó ông ta lại dính vào scandal ngủ với bạn của con gái. Diệu Thúy ngay từ bé đã phải sống trong môi trường bạn bè, anh chị coi những chuyện vô đạo đức ấy là bình thường, vì vậy, cô bé đã bị tha hóa ngay khi mới lớn. Ở tiểu thuyết này, tôi để cho môi trường sống của Diệu Thúy là miền núi cũng là muốn nói rằng, không chỉ ở thành phố mà ở cả miền núi, con người cũng dễ bị tha hóa…”.

Sau những trải nghiệm với đề tài thuộc về đời sống đương đại, nhà văn Phạm Quang Đẩu đã lại bắt đầu với một cuốn tiểu thuyết mới về một nhân vật có thật trong ngành công an, một giáo sư, nhà khoa học kiêm nhà tình báo. Nhân vật ấy đã mất cách đây 7 năm, mang theo xuống mồ bao bí mật, bao câu chuyện ly kỳ hấp dẫn, có cả những số phận cùng bi kịch của người trong cuộc suốt thời gian dài hoạt động trong lòng địch. Sinh thời nhân vật này sống vô cùng “kín tiếng”, bởi thế trong khi nhiều nhà tình báo chiến lược đã ra công khai và được viết thành nhiều cuốn sách khá dày dặn thì ông chỉ cho người đời biết vài điều qua vài bài báo ngắn ngủi.

Nhà văn Phạm Quang Đẩu cho biết, ông đã “dựng lại” cuộc đời nhân vật ấy bằng tư liệu, bằng sự tưởng tượng và bằng kinh nghiệm đã viết 6 cuốn tiểu thuyết vừa qua, hy vọng sẽ mang đến cho người đọc một con người lịch sử bằng xương bằng thịt với những biến cố trong một giai đoạn dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mới rồi khi ông đưa bản thảo viết xong lần đầu cho nhà văn Ma Văn Kháng xem, góp ý, ông đã nhận được email của nhà văn lão thành với những lời khích lệ: “Đây là chân dung một nhà tình báo đặc sắc ít thấy mà tôi đã được thấy”.

Nhà văn Phạm Quang Đẩu chia sẻ rằng, khép lại trang viết cuối cùng của một cuốn sách, khép lại một số phận, một cuộc đời, cũng là của nhiều con người đã và đang hiện hữu trong quá khứ, trong hiện tại, trong tương lai, ông cảm thấy văn chương quả là một công việc mang lại cho ông niềm say mê vô bờ, như một ân huệ của tạo hóa. Bởi những trang sách như một miền cứu rỗi đã thay ông sống lại cả một thời, một đời mà dù bao nhiêu đổi thay, biến hóa của đời sống thì tâm hồn và con người nhà văn bao giờ cũng cảm thấy mình đã sống quãng đời thật có ý nghĩa…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.