Nhà văn Nguyễn Trí Huân: Người luôn tự biết mình

Thứ Ba, 22/07/2008, 08:00
Đây không phải lần đầu tôi cầm bút viết về ông. Cách đây 20 năm, tôi cũng đã viết và đã… giấu ông đưa in bài báo đó trên tờ Người Hà Nội. Nói "giấu" là vì khi mới chớm được tin tôi có ý định vậy, ông đã giãy nảy: "Ai lại cháu viết về chú. Nhăng nhít. Người ta cười cho". Mặc! Tôi cứ viết, cứ in, miễn là tôi thấy ở ông có những điều… đáng nói.

Và bây giờ tôi cũng cứ lẳng lặng làm như thế, dù biết là ông sẽ lại đỏ mặt - vốn dĩ ông luôn đỏ mặt trước tất cả những gì người ta viết ngợi ca mình. Không phải vì khiêm tốn, mà chỉ đơn giản là ông thấy ở ông chẳng có gì đáng để người ta hướng sự chú ý tới cả. Ông ngại và ông ngượng.

Trước sau, ông nghĩ, ông chỉ là một người bình thường, làm một công việc bình thường mà thôi.Trước khi là Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ, nhà văn Nguyễn Trí Huân đã có tới 15 năm "cầm trịch" tờ Văn nghệ Quân đội.

Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, bí quyết nào giúp nhà văn Nguyễn Trí Huân quản lý một cơ quan quần tụ bao bậc anh tài, với những cá tính không kém phần góc cạnh như vậy mà không hề để một ai đó có thái độ thiếu tôn trọng hoặc "bằng mặt không bằng lòng".

Phải chăng vì ông là người dĩ hòa vi quý, khéo léo trong xử sự? Tôi nghĩ không phải vậy. Anh em nhà văn mình họ tinh lắm. Muốn để họ tâm phục khẩu phục thì mọi sự đều phải xuất phát từ sự chân thành. Và đặc biệt phải gương mẫu, công tâm. Đã có lần nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự với tôi: "Này, đừng nghĩ ở Văn nghệ Quân đội ai cũng "thuần" đâu nhé.

Các "bố" Phạm Ngọc Cảnh, Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Đức Mậu, rồi Anh Ngọc, Vương Trọng, Hồng Diệu, kể cả "thằng tao" đây nữa, chẳng ai là "vừa" đâu. Ấy thế mà, cùng trong ngôi nhà số 4 này, họ đã sống với nhau một cách ôn hòa.

Không phải vì họ "sợ" gì, mà là với những nhà quản lý như bác Thanh Tịnh, bác Vũ Cao, bác Từ Bích Hoàng, rồi tới bác Huân, anh em họ không nỡ làm gì để các bác ấy phải phiền não".

Trước đây, tôi cũng từng được nghe kể chuyện: Hồi nhà thơ Nguyễn Đức Mậu mới về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một vị lãnh đạo cứ một điều gọi anh là "cậu này", "cậu nọ", đã bị anh nghiêm khắc "chỉnh" lại: "Này, tôi nói cho anh biết, anh đừng gọi tôi như thế. Bố tôi tên là… Cậu đấy".

Nói vậy để thấy, làm cho những con người cứng vía ấy phải "chịu", thật không đơn giản. Bản thân Nguyễn Trí Huân, trong buổi họp ra mắt đơn vị (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) trên vị thế Tổng biên tập, đã phát biểu những lời mà sau này có người cho là khiêm nhường, kỳ thực với ông đó là ý nghĩ rất thực: "So với các anh, các chị ở đây, tôi còn nhiều điểm thua kém.

Từ tuổi nghề, tuổi quân, kinh nghiệm sống và cả những đóng góp cho văn học. Song vì trên giao thì phải nhận. Mong các anh, các chị ủng hộ để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình".

Như trên đã nói, bởi ý nghĩ thực của Nguyễn Trí Huân là vậy, nên có lần, trong một cuộc trò chuyện, khi tôi buột miệng: "Quân của chú có giá nhỉ? Ra các cơ quan bên ngoài là được bổ nhiệm lãnh đạo ngay" (ý tôi muốn nói tới trường hợp các nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Trung Trung Đỉnh). --PageBreak--

Chỉ một câu thoáng qua thôi, ấy thế mà Nguyễn Trí Huân nhíu mày, vẻ khó chịu: "Quân quân cái khỉ gì. Bạn bè cả. Chẳng qua người ta cắt cử thì mình thành lãnh đạo, thành người đứng ra lo cơm áo gạo tiền cho anh em, thế thôi". 

Nguyễn Trí Huân là người có cách nhìn cuộc sống ôn hòa. Trong mỗi con người, bên cạnh những mặt chưa hoàn thiện, ông luôn nhìn ra (và tìm ra) những nét đẹp tiềm ẩn của họ. Có lần, tôi nghe một nhà văn vừa theo học lớp viết văn ở Học viện Gorki về kể lại chuyện xử sự không hay của một nhà thơ mà tôi vừa có bài viết đăng báo.

Câu chuyện như thể giai thoại đã khiến những người ngồi nghe ai nấy đều không thể không khinh miệt con người dị mọ kia. Dường như đoán ra sự đổ vỡ trong tâm hồn một cậu bé mới lớn là tôi khi ấy, khi tôi dắt xe ra về, Nguyễn Trí Huân rảo bước gọi với theo: "Này Khải, lại đây chú bảo".

Rồi ông nhỏ nhẹ: "Nghe thì nghe vậy thôi chứ đừng có nghĩ ngợi gì cháu nhé. Nhà văn cũng như mọi người, cũng có mặt chưa được. Nhưng trước trang giấy trắng thì họ thánh thiện đấy".

Lại một lần khác, nghe có người nhắc chuyện nhà văn Đỗ Chu phát biểu gì đó "tiền hậu bất nhất", hơi "bất lợi" cho ông, những tưởng Nguyễn Trí Huân sẽ có một phản ứng đại để rằng ông Chu thế này, thế nọ.

Tuyệt nhiên không. Nguyễn Trí Huân hào hứng kể về những kỉ niệm của Đỗ Chu với cụ thân sinh ra ông. Rồi chuyện Đỗ Chu chăm vợ khi đau ốm ra sao - những chuyện nghe cứ như những gương hiếu nghĩa từng được lưu truyền trong thời phong kiến.

Theo Nguyễn Trí Huân thì Đỗ Chu là một người rất lạ, có những điều rất đáng học tập và bản thân ông luôn canh cánh phải viết một cái gì đó về Đỗ Chu. Chưa hết, khi nghe chuyện Đỗ Chu từng kể đây đó rằng nhờ có sự "bảo ban, kèm cặp, huấn luyện" của ông mà rồi "những đứa dở hơi dở hồn" như Dương Duy Ngữ, Nguyễn Trí Huân nay đều "nên người" cả, Nguyễn Trí Huân nở một nụ cười… hình vuông, rất đôn hậu.

Ông cho biết, ngày xưa, ông mê những truyện ngắn đầu tay của Đỗ Chu lắm. Và đến bây giờ, ông vẫn cho rằng đó là những áng văn mẫu mực. Rồi ông nhắc nhở người đối thoại: "Hãy đọc những gì Đỗ Chu viết. Đấy là người có thể vạ mồm vạ miệng ở đâu đó nhưng trên trang viết thì cẩn trọng tới từng con chữ".

Vốn dĩ Nguyễn Trí Huân là người sống khép mình, không thích sự ồn ào, xưng tụng, nhưng oái oăm thay, kể từ năm 1995 tới nay, ông luôn được anh em nhà văn tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Hội, hiện giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực của Hội.

Tất cả chỉ vì mọi người nhìn thấy ở ông một phẩm chất: Luôn sẵn sàng nhường nhịn để chăm lo cho anh em. Nhà thơ Vương Trọng từng có nhận xét tinh tế: "Huân là một mẫu người kiểu Từ Bích Hoàng (nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội), tức là khi chia phần cho anh em, bao giờ Huân cũng thích nhận phần ít hơn về mình. Như thể nếu nhận phần ít hơn này Huân mới thấy lòng nhẹ nhõm".

Gần gũi với nhà văn Nguyễn Trí Huân nhiều năm, tôi nhận thấy ông có "biệt tài" là nếu cơ quan có xảy ra việc gì, dù căng đến mấy, hễ ông trực tiếp tham gia giải quyết thì việc được "xì van" rất nhanh. Có lẽ bởi cách xử sự thấu tình đạt lý của ông. Một lần, nhà thơ Hồng Thanh Quang giao cho tôi đi thực hiện một bài phỏng vấn Nguyễn Trí Huân. --PageBreak--

Tôi đặt vấn đề và ông… từ chối ngay. Khi tôi nói lại điều này với anh Quang, anh liền bấm máy gọi trực tiếp cho Nguyễn Trí Huân. Bình thường với những trường hợp như thế, tôi biết, anh chỉ cần nói tới câu thứ hai, thứ ba thì phía "đối tác", dù có "cứng" đến đâu chăng nữa cũng phải mủi lòng mà…ừ.

Nhưng lần ấy, không biết Nguyễn Trí Huân nói gì - chỉ một câu thôi, tôi đoán phải thấu tình thấu lý lắm - mà thấy Hồng Thanh Quang "dạ, dạ" đầy vẻ cảm thông và đồng ý hủy ngay chương trình phỏng vấn nói trên.

Là người kiêm nhiệm cả chức lãnh đạo báo lẫn lãnh đạo Hội, diện giao tiếp rộng, song Nguyễn Trí Huân luôn tạo cho mình một khoảng bình lặng, không bị chi phối bởi bất kỳ sức ép nào. Thực tế, nếu phải thoái thác một cuộc vui, cũng ít thấy ông lấy lý do "bận việc". Nhà ông thực sự là chốn để ông thảnh thơi sau một ngày giải quyết các sự vụ ở công sở.

So với nhiều nhà văn cùng trang lứa, Nguyễn Trí Huân thuộc diện viết ít. Số sách của ông có thể đếm hết trên năm đầu ngón tay. Tôi nhớ, cuốn sách đầu tiên tôi đọc của ông là cuốn tiểu thuyết "Năm 1975 họ đã sống như thế" (thường được tái bản vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam).

Và cuốn sau cùng là tiểu thuyết "Chim én bay" - cũng đề tài chiến tranh nhưng có cách đi sâu vào thân phận con người rất nhân văn. Đây là cuốn tiểu thuyết đã đoạt giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn và là một trong những cuốn đưa Nguyễn Trí Huân tới Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Cuốn tiểu thuyết trứ danh này ra đời năm 1988. Từ bấy đến nay, ngoài một tập truyện ký, Nguyễn Trí Huân chưa cho xuất bản thêm cuốn nào nữa. Nhân đây, cũng xin kể một câu chuyện: Trong lần Đại hội Nhà văn vừa qua, trong khi Nguyễn Trí Huân ngồi ghế Chủ tịch đoàn điều khiển phiên thảo luận về Điều lệ Hội, dưới hàng ghế tôi ngồi, có người nhấp nhổm xin góp ý: "Với trường hợp quá 5 năm không xuất bản được một đầu sách, thì nên khai trừ ra khỏi Hội". Sau này, tôi đã nhắc lại chuyện với Nguyễn Trí Huân, ông cười: "Khai trừ cái khỉ gì. Tự thấy không viết được hay nữa thì phải dừng chứ".

Lại nhớ, có lần, một phóng viên đã phỏng vấn, đại ý rằng điều gì đã ảnh hưởng tới tốc độ sáng tác của ông? Thoạt tiên tôi nghĩ, Nguyễn Trí Huân - như nhiều nhà văn khác - sẽ trả lời là bận quản lý nên ít có thời gian để viết.

Nhưng không, Nguyễn Trí Huân sau khi dẫn chứng ra những trường hợp như nhà văn Ma Văn Kháng, hay cụ Tô Hoài - là những người có tài có thể vừa ngồi họp vừa tranh thủ viết truyện ngắn, thì ông cho rằng, ông có "thói quen xấu" là cứ phải bứt ra một thời gian dài đi đâu hẳn, thoát ra mọi sự vụ thì mới có thể viết được.

Trong cuốn kỷ yếu "Nhà văn Việt Nam hiện đại" (xuất bản năm 2007) ở phần tâm sự về nghề, Nguyễn Trí Huân đã viết: "Nghề văn là một nghề rất khó. Nhưng biết mình ở chỗ nào, đến đâu đôi khi khó hơn".

So với nhiều bạn nghề, Nguyễn Trí Huân thực sự là một người biết mình. Lại nhớ, hồi tập truyện ngắn "Cao nguyên không xa xôi" của ông được NXB Quân đội nhân dân ấn hành (năm 1985), nhiều nhà văn trong cơ quan chờ mãi không thấy Nguyễn Trí Huân tặng sách, đã ngỡ ông giận họ.

Kỳ thực - như Nguyễn Trí Huân tâm sự - ấy là vì sách viết “không hay”, ông ngượng không muốn… tặng. Có lần tôi nhắc, ông bảo: "Số sách bản quyền chú vẫn để đống kia. Có thích thì lấy về mà đọc. Chú không đề tặng đâu nhé".

Khi Nguyễn Trí Huân nhận quyết định về làm Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ, trò chuyện cùng ông, chúng tôi nhận thấy ông được "giải tỏa tâm lý" nhiều vì việc điều chuyển của ông sẽ giúp một số bạn bè đồng lứa ở cơ quan cũ có "cửa" lên (nhà văn Nguyễn Bảo sau đó đã được bổ nhiệm làm Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội).

Đề cập tới sự kiện trên, tôi đã viết trên báo Công an nhân dân: "Mỗi người lãnh đạo sẽ có một phương pháp làm việc khác nhau. Theo nhà văn Nguyễn Trí Huân tâm sự thì cách làm việc của ông là tập trung xây dựng một bộ máy cán bộ hoàn chỉnh cho các phòng ban và để anh em chủ động với phần việc của mình.

Phần ông, ông sẽ làm đúng chức trách của một Tổng biên tập và cố gắng chỉ để phải làm như vậy". Quả đúng như điều tôi nhận định. Mặc dù khi tiếp quản báo Văn nghệ, Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân đã gặp phải những khó khăn nhất định từ vốn liếng, nhân sự, đến cả cơ chế làm việc, song điều mà ông có thể đem lại cho anh em chính là tạo cho họ một không khí làm việc thoải mái, chủ động, và sẽ được hạn chế tới mức thấp nhất những sự đòi hỏi không cần thiết.

Ví như không thay đổi được cho anh em nhiều về mặt thu nhập, thì ông giải phóng cho anh em về mặt thời gian. Từng có lúc lãnh đạo báo Văn nghệ đã cho áp dụng chế độ làm việc tuần ba buổi: Từ thứ hai đến thứ tư - ngày ra báo.

Còn từ thứ năm đến hết chủ nhật, trừ bộ phận phải giải quyết những khâu sau phát hành, còn thì anh em được nghỉ ở nhà viết bài hoặc giải quyết một số việc riêng trong gia đình

.
.